Vải linen (hay còn gọi là vải lanh) là một trong những loại sợi cổ xưa nhất nhưng vẫn có sức hấp dẫn rộng rãi cho đến hiện tại. Loại sợi này có khả năng thấm hút tốt hơn và khô nhanh hơn cotton. Nó dễ làm sạch, không gây dị ứng, không bị co giãn, và có khả năng điều nhiệt vượt trội giúp tạo nên những bộ trang phục thoải mái trong mọi thời tiết. Nhược điểm duy nhất của loại vải này là dễ bị nhăn, nhưng lại có thể là ủi ở nhiệt độ cao.
Vải linen được sản xuất từ sợi thân dài của cây lanh – là loại vải mềm mại, bền và thường có giá thành cao. Chúng ta hãy cùng xem quy trình tạo ra loại sợi đặc biệt này.
Cây lanh (Linum usitatissimum) là một loại cây thân thảo hàng năm được trồng ở vùng khí hậu ôn đới từ cách đây khoảng 5.000 năm. Loài cây này không chỉ cung cấp hạt để sản xuất dầu hạt lanh giàu dinh dưỡng mà toàn bộ thân rễ cây đều được dùng để tạo ra một trong những loại sợi tự nhiên thoải mái nhất trên thế giới. Loại cây trồng này ít cần chăm sóc và có sức sống cực kỳ bền bỉ. Nó đòi hỏi ít nước và không cần phân bón hoặc thuốc trừ sâu.
Theo truyền thống, hạt lanh được gieo bằng cách dùng tay tung hạt một cách nhịp nhàng trên cánh đồng. Muốn gieo hạt được đều thì phải cần một bàn tay có kinh nghiệm.
Có thể mất đến một tháng để hạt lanh nảy mầm. Khoảng 50 ngày sau khi nảy mầm, cây bắt đầu nở những bông hoa nhỏ hình chén và hoa chỉ nở trong một ngày. Quá trình đơm bông tiếp tục trong khoảng 20 ngày, và sau tiếp 30 ngày nữa thì hạt cây trưởng thành. Lúc này cây lanh cao tầm 70-100cm đã sẵn sàng cho thu hoạch.
Cây lanh hoang dã đã được sử dụng làm vải vào thời tiền sử. Mẫu vật vải linen khoảng 30.000 năm tuổi đã được tìm thấy trong một hang động ở Đông Nam châu Âu và một mẫu vật khác 10.000 năm tuổi được tìm thấy ở một hồ nước ở Thụy Sĩ. Người Ai Cập cổ đại sử dụng vải linen làm vải bọc đặc biệt cho xác ướp vì nó tượng trưng cho ánh sáng và sự tinh khiết. Thời xưa, vải linen có giá trị đến mức có thể được sử dụng như tiền tệ.
Ở vùng Lưỡng Hà, vải linen được coi là một loại vải cao cấp được sử dụng để may trang phục cho các linh mục hoặc những người giàu có và dùng để trang trí các tượng tôn giáo. Dần dần, vải linen trở thành một trong những loại sợi tự nhiên phổ biến nhất và được sản xuất trên khắp các thuộc địa của Châu Âu và Châu Mỹ.
Tuy nhiên, với sự ra đời của máy tách hạt bông, vải linen đã mất đi vị thế của nó. Quá trình xử lý tốn nhiều công sức để sản xuất ra sợi linen khiến nó không thể cạnh tranh được với sợi cotton được sản xuất hàng loạt. Ngày nay vải linen chỉ chiếm 1% trong ngành công nghiệp sợi tự nhiên.
Khi hạt lanh trưởng thành, cây lanh sẽ được nhổ cả rễ. Điều này – trái ngược với việc cắt – tạo ra sợi dài hơn vì nó bao gồm cả phần rễ. Toàn bộ cây cũng đứng vững tốt hơn ở bước tiếp theo. Nhổ cây là công việc rất vất vả nếu thực hiện bằng tay, nhưng một số nhà sản xuất ngày nay đã sử dụng máy móc để thực hiện việc này.
Cây nhổ xong được bó thành từng bó để phơi khô trên đồng. Kỹ thuật này đảm bảo cây khô đều hơn so với việc trải đều để phơi dưới ánh nắng mặt trời và giúp phân biệt chất lượng cây. Cây lanh khô tốt nhất sẽ có màu nhạt hơn những cây có chất lượng thấp hơn.
Trước khi chế biến cây lanh thành sợi thì phải tuốt hạt khỏi thân cây bằng cách kéo cây liên tục qua dụng cụ tuốt hạt. Sau đó, hạt được xay xát để loại bỏ trấu rồi mới được sử dụng hoặc bảo quản.
Để thu hoạch sợi lanh, người ta phải hòa tan pectin (chất xơ hòa tan trong nước có trong thực vật) và cellular (tế bào thực vật) liên kết các sợi lại với nhau bằng cách ngâm dưới nước. Công đoạn này có thể mất tới 5 tuần.
Quá trình ngâm được rút ngắn bằng cách nhấn chìm cây lanh khô trong đầm nước, nơi vi khuẩn tự nhiên sẽ ăn vỏ gỗ của cây. Theo cách này, quá trình phân hủy chỉ mất khoảng 1 tuần nên cần kiểm tra cây hàng ngày.
Tuy nhiên, đây là một quy trình khá khó chịu và thay vào đó, nhiều người lựa chọn phương pháp ngâm sương, nơi cây được trải trên ruộng để phơi sương. Cây phải được đảo định kỳ để có được sản phẩm đồng nhất. Phương pháp này tốn nhiều không gian và thời gian hơn (tối đa 5 tuần), nhưng không đòi hỏi sự chú ý nghiêm ngặt.
Việc làm mục cây hoàn tất khi lớp vỏ cây bị mất hết và để lộ ra các sợi tách biệt khi uốn cong thân cây. Nếu thân vẫn còn nguyên khi uốn cong thì cần phải ngâm thêm. Nếu để cây bị phân hủy quá mức sẽ khiến các sợi bị đứt.
Một số người trồng cũng đang thử nghiệm cách bổ sung vi khuẩn để tăng cường khả năng làm phân hủy vỏ cây.
Cây lanh đã ngâm lại phải được sấy khô lại trước khi thực hiện bước tiếp theo. Sau khi chúng khô hoàn toàn, các sợi lỏng lẻo có thể được tách ra khỏi thân gỗ. Theo phương pháp truyền thống, người ta sẽ đập cây lanh bằng một thanh gỗ theo chiều từ gốc đến ngọn. Những mảnh gỗ vụn rơi ra sử dụng cho các mục đích khác như làm chuồng cho động vật.
Tiếp theo, một “con dao” lớn bằng gỗ được sử dụng để cạo bớt phần lõi gỗ và làm mềm các sợi. Công việc vất vả này ngày nay phần lớn được thực hiện bằng máy móc công nghiệp.
Cuối cùng, các sợi đã sẵn sàng để được kéo. Đầu tiên, sử dụng lược răng thưa để loại bỏ lông tơ, sau đó dùng loại lược có nhiều răng hơn để đánh bóng và tách sợi. Những sợi ngắn hơn sẽ bong ra trong quá trình chải và trở thành vải linen có chất lượng kém hơn.
Sợi ngắn vẫn có thể kéo thành sợi, nhưng trông giống len hơn. Còn những sợi dài sẽ được quấn vào trục quay của dụng cụ kéo sợi. Có một cách nữa là các sợi thẳng được quấn đơn giản trong một chiếc khăn lanh và đặt vào trong máy quay sợi.
Việc kéo sợi lanh dù bằng dụng cụ quay tay hay máy quay sợi đều cần có độ ẩm. Việc làm ẩm các sợi sẽ kích hoạt lượng pectin còn lại và giúp các sợi dính lại với nhau để tạo ra sợi mịn hơn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nhúng ngón tay vào cốc nước khi kéo sợi.
Các sợi từ thân cây được gọi là sợi libe. Vì sợi libe rất dài nên chúng không cần xoắn nhiều như các loại sợi ngắn hơn như len hoặc bông, do đó không cần mất nhiều công sức để kéo sợi vào suốt chỉ.
Sợi mịn thu được vẫn còn một ít pectin và cần phải rửa sạch. Ở quy mô nhỏ, công đoạn này được thực hiện bằng cách đun sôi sợi thành phẩm trong một nồi nước lớn với một lượng hỗn hợp hàn the và xà phòng rửa bát được pha theo tỉ lệ bằng nhau. Sau một giờ đun sôi nước sẽ có màu sẫm như cà phê. Quá trình này được lặp lại cho đến khi nước trong, sau đó làm sạch bằng cách đun sôi sợi trong nước thường trong một giờ.
Việc rửa sợi không chỉ làm cho vải lanh trắng hơn và mềm hơn; nó cũng giúp mở các tế bào sợi để có thể hấp thu thuốc nhuộm.
Mặc dù hiếm khi thấy các chứng nhận cho vải linen hữu cơ; nhưng bạn có thể thấy qua quy trình sản xuất thì vải linen cực kỳ tinh khiết và tự nhiên. Chỉ khi được xử lý chống nhăn hoặc chống cháy, làm trắng bằng thuốc tẩy clo hoặc nhuộm hóa học thì các yếu tố độc hại mới được đưa vào vải linen.
Sợi libe thực sự được coi là loại sợi thực vật bền vững nhất và bản thân vải linen vẫn giữ được vẻ đẹp và sự nguyên vẹn trong nhiều thập kỷ. Xét trên mọi khía cạnh, vải linen tuy hơi đắt nhưng cũng rất đáng để bạn đầu tư.
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…