Hành vi của con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ
- Thanh Mai
- •
Trẻ em là những cá thể độc lập, tuy nhiên hành vi của chúng cũng một phần nào đó phản chiếu hình ảnh cha mẹ chúng.
Khi các bậc cha mẹ quan sát kỹ lưỡng hành vi của trẻ, họ sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng trẻ có rất nhiều điểm tương tự giống họ.
Mặc dù sẽ có một số bậc cha mẹ có thể không đồng ý với quan điểm này, nhưng đa số hành vi cử chỉ của trẻ đều “bắt chước” từ cha mẹ mà ra.
Người ta thường nói: “Trẻ em như chiếc gương phản chiếu của cha mẹ”, nếu trong đó phản ánh ra một phương diện nào đó, mà đúng là phần mà cha mẹ cảm thấy ghét nhất, họ sẽ cố gắng muốn phủ nhận nó, thậm chí quay lại trách mắng đứa trẻ. Như vậy, mặc dù rất nhiều khi là nói với con cái, nhưng nghe thì như là đang nói chính mình.
Có bậc cha mẹ nói rằng: “Hy vọng đứa trẻ này không giống tôi, nhưng không biết tại sao nó càng ngày lại càng giống tôi, mỗi lần nhìn thấy nó như thế, tôi cảm thấy rất đáng ghét, như nhìn thấy người mà tôi ghét nhất vậy, chính vì vậy mà không có cách nào có thể hiểu được con hơn nữa.”
Còn có một tình huống khác, nếu một phần tính cách của trẻ rất giống với tính cách của cha hoặc mẹ, mà đó cũng là phần tính cách mà cha hoặc mẹ không thích ở nhau, thì họ cũng sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Có bà mẹ chia sẻ:
“Trước khi quyết định kết hôn, tôi rất thích ưu điểm của vị hôn phu của mình, rằng anh ấy là người sạch sẽ và biết cách sắp xếp các việc trong gia đình.
Nhưng sau khi kết hôn và chung sống cùng nhau, tôi phát hiện rằng mỗi lần đi du lịch, anh lại mất đến hàng giờ để thu dọn hành lý. Sau khi đến nơi, chỉ cần phát hiện trên giường có một sợi tóc, thì anh ấy sẽ không ngủ và vội vàng đi dọn dẹp.
Vì liên quan đến công việc, nên tôi thường hay đi lại nhiều nơi, từ lâu đã như được rèn luyện, bất kể đến đâu chỉ cần có thể nhắm mắt là ngủ được ngay, cơ bản là không quá để ý rốt cuộc có sạch hay không.
Vì vậy, khi nhìn thấy bộ dạng của chồng như vậy thì cảm thấy thật khó hiểu, thậm chí không chịu đựng nổi. Thật không ngờ rằng, đứa con tôi sao lại có thói quen sạch sẽ quá mức giống bố như thế. Mỗi lần bảo nó gom tạm đồ đạc nhanh chóng rồi còn đi ngủ, nhưng nó nhất định phải sắp xếp thật gọn gàng mới được.
Cứ như vậy, mỗi ngày đều mất rất nhiều thời gian để dọn dẹp, khiến tôi thường vì chuyện này mà cáu gắt với con.”
Có rất nhiều bậc cha mẹ cũng đề cập đến sự khác biệt tính cách giữa hai anh em trong một nhà. Dù cho cách giáo dục của cha mẹ đều như nhau, đứa trẻ cũng lớn lên trong một môi trường gia đình như nhau, nhưng tính cách lại hoàn toàn khác nhau, và giống một đặc điểm về tính cách nào đó của cha hoặc mẹ chúng.
Điều này đúng là khiến cha mẹ khó để có thể hiểu thông suốt. Thay vì phải bỏ rất nhiều công sức đi tìm nguyên nhân đằng sau hành vi của trẻ nhỏ, tốt hơn hết cha mẹ hãy chấp nhận và bao dung chúng. Chấp nhận những chỗ không hoàn hảo của con cái, cũng là món quà tốt đẹp nhất mà bậc cha mẹ dành cho chúng, và những đứa trẻ lớn lên trong sự chấp nhận đó cũng cảm thấy hạnh phúc.
Bên cạnh đó, khi thấy những tính cách không tốt ở con, các bậc cha mẹ nên tự nhìn nhận lại bản thân mình, xem xem mình có những tính cách không tốt đó không, nếu có – hãy cố gắng sửa chữa, hãy là một tấm gương tốt cho con!
Có rất nhiều cha mẹ không cách nào chấp nhận bao dung con cái của họ, không chỉ ở những việc đứa trẻ làm sai, đôi khi là còn do chúng không nguyện ý làm theo ý kiến của mình.
Khi đứa trẻ cố ý không nghe lời, lớn tiếng cãi lại và thích gì làm lấy. Kỳ thực, đầu tiên cha mẹ nên phải bình tĩnh, từ từ quan sát trẻ xem chúng có thật sự tự nhiên lại cáu gắt, cãi lại hay không, hãy xem xem mình có thật sự hiểu được hành vi của trẻ hay không không, hay chỉ là để áp đặt sự bất mãn của bản thân lên trẻ?
Trước khi phê bình trẻ, đầu tiên cha mẹ nên thử tìm hiểu trong tâm trẻ thật sự muốn gì và cần dùng thái độ thấu hiểu để thay thế những lời phê bình đối với trẻ. Có như vậy, cha mẹ và con cái mới thực sự thấu hiểu lẫn nhau, không khí gia đình mới ngày càng hòa thuận, đầm ấm.
Giáo dục con cái là sự nghiệp trọng đại trong cuộc đời của các bậc cha mẹ. Thông qua việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con, cha mẹ cũng sẽ dần trở nên hoàn thiện bản thân mình hơn.
Thanh Mai
Xem thêm:
Từ khóa Làm cha mẹ Giáo dục con Dạy con Tình cảm gia đình