Mặt tối phía sau đứa trẻ ngoan mà các bậc phụ huynh cần lưu ý
- Thanh Minh
- •
Theo bạn, một đứa trẻ ngoan sẽ như thế nào? Là đứa trẻ luôn nghe lời cha mẹ, luôn làm cha mẹ vui lòng, không bao giờ cãi lại bất cứ yêu cầu nào từ cha mẹ, cũng không bao giờ gây phiền toái gì?
Ai cũng mong muốn con mình là một đứa trẻ biết nghe lời, làm bài tập về nhà đầy đủ, viết chữ sạch đẹp gọn gàng, luôn dọn dẹp phòng ngủ ngăn nắp, chúng hiền lành ít nói, chúng muốn giúp đỡ cha mẹ, luôn ghi nhớ lời mẹ dặn v.v…
Cha mẹ vẫn tưởng những đứa trẻ ngoan như thế là tốt, họ sẽ không phải quá lo lắng về bọn trẻ, không cần phải đau đầu về những trò phá phách hay ương bướng cãi lời cha mẹ. Tuy nhiên khi trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ làm tất cả mọi thứ mà người lớn kỳ vọng thì thật sự có tồn tại vấn đề ở đó.
Những nỗi đau khổ thầm kín – và các vấn đề trong tương lai – của những đứa trẻ ngoan thực ra lại bắt nguồn chính từ việc chúng tuân thủ mọi quy tắc một cách quá mức.
Có những đứa trẻ ngoan không phải vì bản chất của trẻ là ngoan mà bởi vì không còn lựa chọn nào khác, sự ngoan ngoãn là điều cần thiết phải có. Rất nhiều đứa trẻ ngoan chỉ vì cha mẹ nói rõ ràng rằng họ đã quá mệt mỏi với những rắc rối của cuộc đời này, và họ không muốn phải giải quyết thêm các vấn đề mà trẻ gây ra.
Hoặc có thể trẻ ngoan vì chúng biết rằng điều này sẽ làm cha mẹ hài lòng, vì có thể cha mẹ sẽ trở nên cực kỳ đáng sợ nếu trẻ có bất cứ hành vi không đúng nào đó.
Hoặc có thể cha mẹ chúng quá bận làm việc và không quan tâm đến chúng nên chỉ bằng cách ngoan ngoãn, đứa trẻ mới hy vọng lấy được chút chú ý của cha mẹ dành cho mình.
Trẻ sẽ đè nén những cảm xúc cá nhân bên trong, mặc dù trẻ vâng lời ngay lúc đó, nhưng lại đang tích trữ những vấn đề lớn trong cuộc sống sau này của trẻ. Trẻ vì muốn hài lòng bố mẹ mà chôn giấu quá nhiều bí mật và chỉ luôn đeo mặt nạ để che giấu đi cảm xúc thật của mình.
Những đứa trẻ luôn nói những lời đáng yêu, tỏ ra kính trọng, thỏa mãn những kỳ vọng của người lớn, nhưng lại đem suy nghĩ và cảm giác thật của mình chôn vùi sâu bên dưới sẽ sinh ra những triệu chứng về thần kinh, hay nổi cáu bất chợt và thường trăn trở với việc “hư” là một hành vi chúng không được phép thể hiện.
Và những đứa trẻ “ngoan” chưa bao giờ trải qua việc bị người khác lật tẩy những mặt trái của con người mình.
Những đứa trẻ này đã bỏ qua một đặc ân quan trọng – đó là được thể hiện những cảm xúc “xấu tính”: như ghen tỵ, tham lam, ích kỷ nhưng dù vậy thì chúng vẫn được vẫn được chấp nhận và yêu thương vì đó là những điều hết sức bình thường mà một đứa trẻ phát triển lành mạnh có được.
Khi trưởng thành, những người từng là trẻ ngoan, hiền như cục bột cũng gặp phải nhiều vấn đề tại nơi làm việc. Do khi còn nhỏ, họ chỉ biết tuân theo các mệnh lệnh, không bao giờ gây ra rắc rối và rất chú tâm vào việc không làm người khác bực mình. Việc tuân theo những quy tắc quá mức đôi khi sẽ khiến họ gặp nhiều trở ngại, ức chế trong tinh thần.
Trong cuộc đời mình, hầu như mọi điều bạn cho là thú vị, đáng giá, quan trọng thường sẽ gặp phải sự phản kháng. Một ý tưởng kiệt xuất sẽ luôn làm một số người nào đấy không hài lòng – tuy nhiên, chúng vẫn rất đáng để bạn tiếp tục. Do đó, nếu cứ mãi ngoan ngoãn từ bé đến lớn, đứa trẻ sẽ mãi không thể đi lên đỉnh cao sự nghiệp mà chỉ chăm chăm đi làm hài lòng đồng nghiệp và cấp trên của mình.
Trưởng thành đúng nghĩa là bạn dám chấp nhận những mối quan hệ thẳng thắn, không sợ hãi, dám phơi bày những mảng tối trong mình, chứ không chỉ đi chiều lòng tất cả mọi người. Điều này đòi hỏi bạn phải chấp nhận rằng không phải những điều khiến mình hạnh phúc thì cũng sẽ làm người khác hài lòng hoặc được ngợi ca là “ngoan”.
Mong muốn “ngoan ngoãn” là một trong những điều đẹp đẽ nhất trên thế giới này, nhưng để có một cuộc sống tốt đẹp thực sự, đôi khi chúng ta cũng cần dũng cảm “hư”một cách hiệu quả.
Theo The Book Of Life
Thanh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Dạy con Làm cha mẹ Giáo dục con cái Bí quyết dạy con trẻ ngoan mặt tối của giáo dục