Để đối phó với hiệu ứng nóng lên của khí hậu, thành phố Los Angeles đã đưa ra giải pháp sơn phủ trắng CoolSeal (một loại sơn màu sáng) lên các con phố với hy vọng tận dụng tính chất phản xạ bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời tự nhiên của màu sắc để làm giảm nhiệt độ và giúp thành phố 4 triệu dân này trở thành một nơi sinh sống lành mạnh hơn.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, ngay khi bước ra khỏi cửa bạn đã có thể cảm nhận được tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong đó có Los Angeles, Hoa Kỳ. “Thành phố của thiên thần” này chỉ là một trong nhiều khu vực ở xứ cờ hoa thường xuyên xảy ra những ca tử vong do ảnh hưởng của nắng nóng.
Los Angeles là thành phố lớn thứ hai Hoa Kỳ nhưng không tập trung, đường cao tốc và đường dẫn vào các bãi đậu xe chiếm khoảng 30% tổng diện tích toàn thành phố và mật độ dày đặc này khiến Los Angeles còn mang thêm biệt danh “thành phố của xe hơi”.
Nằm trong một thung lũng sa mạc với hệ thống đường rải nhựa chằng chịt để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng xe hơi ngày một gia tăng của người dân, Los Angeles đang ngày càng dễ bị tàn phá. Nguy cơ sức khỏe chỉ là một trong những mối lo được cho là sẽ tồi tệ hơn trong những thập niên kế tiếp do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Los Angeles (LA) và nhiều thành phố khác trên thế giới đang phải gánh chịu ảnh hưởng của hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” (Urban Heat Island – một khu vực đô thị có nhiệt độ cao hơn đáng kể so với các vùng xung quanh) do những con đường, tòa nhà bê tông, mái nhà màu tối, thiếu hụt cây xanh, cùng với sự đông đúc nhộn nhịp của cuộc sống nơi thành thị… gây ra.
Theo Los Angeles Times, thị trưởng thành phố Eric Garcetti mong muốn trong vòng 20 năm tới sẽ có thể làm giảm nhiệt độ của LA khoảng 16 độ C.
Ông Greg Spotts, trợ lý giám đốc Cục Đường bộ của Thung lũng San Fernando, một trong những điểm nóng nhất ở Greater LA, cho hay: “Chúng tôi thấy rằng ở cùng một khu vực, những nơi phủ CoolSeal có nhiệt độ giảm 10 độ C so với những nơi phủ nhựa đường đen.”
Chính quyền LA hy vọng rằng các tuyến phố mát hơn sẽ khiến những ngôi nhà ở đó được mát mẻ hơn, giúp giảm chi phí năng lượng và giảm nguy cơ về sức khỏe.
Alan Barreca, giáo sư khoa học môi trường của Đại học California tại LA cho hay: “Không phải ai cũng có đủ nguồn lực để sử dụng điều hòa, bởi vậy có một số quan ngại rằng những gia đình có thu nhập thấp sẽ phải chịu cảnh nóng nực”, vậy nên cần phải làm gì đó để đối phó với hiện tượng nóng lên này. Theo giáo sư, “vỉa hè [được làm mát] sẽ mang lại lợi ích cho mọi người”.
Kinh phí cho dự án che phủ này ước tính khoảng 40.000 USD/dặm và cần 7 năm để hoàn thiện, ban đầu nó được áp dụng thí điểm trên một số tuyến phố trước khi triển khai rộng rãi trên toàn thành phố. Các quan chức của LA cho biết CoolSeal đã chứng minh tính khả thi của dự án này.
Đây không phải là lần đầu LA triển khai dự án đối phó với hiện tượng đảo nhiệt đô thị, những thử nghiệm trước đó cũng cho kết quả đầy hứa hẹn, giúp giảm được lượng nhiệt lớn cho các tòa nhà xung quanh. Lớp phủ này lần đầu tiên được thử nghiệm vào năm 2015 trên một bãi đậu xe ở Thung lũng San Fernando, một trong những khu vực nóng nhất của thành phố, và ông Greg Spotts giám sát việc kiểm tra.
Bên cạnh đó, LA cũng có nhiều sáng kiến độc đáo và hiệu quả ứng phó với hiện tượng nóng lên và hạn hán, ví dụ năm 2015, giới chức Los Angeles đã cho thả 96 triệu quả bóng nhựa xuống các hồ chứa nước để ngăn nước bốc hơi, trong tình cảnh toàn bang đang phải đối mặt với đợt hạn hán lịch sử.
Lam Anh (T/H)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…