Vỏ cam đem “mùa xuân” trở lại cho mảnh đất khô cằn của Costa Rica
- Lam Anh
- •
Gần hai thập niên sau khi công ty Del Oro đổ vỏ cam lên trên khu đất cằn cỗi ở một công viên quốc gia ở Costa Rica, một khu rừng rậm rạp xanh tốt đã xuất hiện. Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học và sinh thái học tìm kiếm giải pháp hữu cơ cho các vấn đề về cải tạo đất và môi trường.
Trở lại những năm 1990, hai nhà sinh thái học của Đại học Princeton đã gợi ý nhà sản xuất nước cam Orange Del Oro quyên tặng vài mảnh đất của họ gần một công viên quốc gia ở Costa Rica, đổi lại, họ sẽ có thể đổ chất thải nông nghiệp hoàn toàn miễn phí trên đất đã bị thoái hóa trong công viên này.
Công ty Del Oro đã đồng ý và quyết định cho đổ 1.000 xe thải vỏ cam lên trên khu đất đó. Ngày nay, khu vực này là một khu rừng đang phát triển tươi tốt. Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Princeton đã tới khu rừng để khám phá xem có bao nhiêu rác thực phẩm đã tạo nên sự biến đổi ngoạn mục của khu rừng này – và làm thế nào để các doanh nghiệp khác cũng có thể thực hiện điều tương tự.
Công ty Del Oro đã tặng đất cho Khu bảo tồn Guanacaste theo lời khuyên của hai cố vấn viên của công viên – vợ chồng nhà sinh thái học Daniel Janzen và Winnie Hallwachs. Công ty này đã đổ khoảng 12.000 tấn chất thải cam để chúng phân hủy sinh học, nhưng hoạt động này phải ngưng lại khi công ty đối thủ TicoFruit kiện cáo, theo họ công ty Del Oro đã làm ô uế công viên. TicoFruit đã thắng kiện và mảnh đất rộng lớn này đã bị bỏ hoang ở đó hơn một thập kỷ.
Nhiều năm trôi qua, đến năm 2013, các nhà nghiên cứu môi trường, trong đó có nhà sinh thái học Timothy Treuer của Đại học Princeton đã tìm về để nghiên cứu đánh giá mảnh đất này. Họ phát hiện ra rằng nơi đó hiện nay là một khu rừng ngập tràn cây xanh tươi tốt, sinh khối trên mặt đất tăng 176%, và gồm nhiều cây lấy gỗ trên diện tích 7 mẫu đất mà họ đã tiến hành khảo sát.
Theo Princeton, có sự khác biệt giữa những khu vực từng được đổ và không được đổ chất thải từ cam. Khu vực trước kia được đổ vỏ cam đất đai màu mỡ hơn, nhiều loài cây sinh trưởng hơn, hơn nữa cây rừng có tán lá xòe rộng và độ che phủ lớn hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chất thải nông nghiệp có thể hấp thụ carbon giúp tái sinh rừng. Nghiên cứu sinh Timothy Treuer cho hay: “Đây là trường hợp hấp thụ carbon và ít tốn kém chi phí. Nó không chỉ là chiến thắng của một công ty với công viên địa phương mà nó còn là chiến thắng cho tất cả mọi người”.
Nhà sinh thái học David Wilcove của Đại học Princeton cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn nữa giúp cải thiện môi trường theo cách này. Ông cho hay các công ty hiện đang gây ra các vấn đề về môi trường: “… nếu khối tư nhân và các tổ chức bảo vệ môi trường bắt tay với nhau, thì rất nhiều vấn đề về môi trường có thể được giải quyết hoặc giảm mức độ thiệt hại. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra và tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa để sử dụng những thứ bỏ đi từ sản xuất thức ăn công nghiệp, mang những khu rừng nhiệt đới quay trở lại. Đó là cách tái chế hiệu quả nhất”.
Vào trung tuần tháng 8, các nhà khoa học của Đại học Pennsylvania, Cao đẳng Beloit và Đại học Minnesota cùng với các nhà nghiên cứu của Princeton đã viết một báo cáo nghiên cứu về vấn đề này đăng trên tạp chí Phục hồi Sinh thái.
Nguyên nhân tại sao vỏ cam lại có thể phục hồi đất hiệu quả như vậy vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng kết quả ấn tượng này sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhiều dự án bảo tồn, phục hồi đất và rừng khác được triển khai trên toàn thế giới.
Theo Inhabitat
Lam Anh
Xem thêm:
Từ khóa cây xanh bảo vệ môi trường rác thải phân bón hữu cơ