Đời Sống

Tại sao bất hạnh lại quan trọng như hạnh phúc

Loretta G. Breuning, người sáng lập Viện Inner Mammal, đã dành nhiều năm nghiên cứu nguồn gốc và các lý thuyết xoay quanh hạnh phúc. Gần đây, bà đã chia sẻ với ông Steve Ispas – phóng viên của Chương trình Bay Area Innovators – The Epoch Times về lý do hạnh phúc theo góc nhìn sinh học, cũng như lịch sử và những ý tưởng phổ biến về cách theo đuổi hạnh phúc.

“Con người thường không hạnh phúc, bởi vì, theo một cách tự nhiên, não bộ của chúng ta tạo ra rất nhiều sự bất hạnh. Não bộ có một chức năng quan trọng là cảnh báo chúng ta khi có thông tin quan trọng mà chúng ta nên thận trọng”, bà Breuning cho biết. “Vì vậy, nếu chúng ta được đào tạo để định nghĩa sự bất hạnh tự nhiên này là một rối loạn, thì chúng ta sẽ phải cần rất nhiều dịch vụ.”

Theo một cuộc thăm dò của Gallup (Gallup, Inc. là một công ty phân tích và tư vấn đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Washington, D.C) vào tháng 2, chưa đến một nửa, hay 47%, người Mỹ nói rằng họ “rất” hài lòng với cuộc sống cá nhân của mình. Khoảng 78% hài lòng phần nào và sự hài lòng cao nhất thuộc về những người đã kết hôn, theo đạo hoặc có thu nhập cao.

“Bộ não của chúng ta được thiết kế để liên tục tìm kiếm hạnh phúc. Do đó, chúng ta cũng được thiết kế để thất vọng, thực sự là vậy,” bà Breuning nói. “Vì vậy, nếu bạn bị gánh nặng bởi kỳ vọng rằng những người khác có thể dễ dàng đạt được hạnh phúc, thì bạn sẽ nghĩ, ‘Ồ, có lẽ là tôi có vấn đề gì đó rồi.’”

Bà Breuning cho biết, việc không hạnh phúc là hoàn toàn bình thường. Nhưng ngày nay, khi sự bất hạnh được coi là một chứng rối loạn thì điều đó lại ngụ ý rằng, sẽ có một cách để điều trị nó và mọi người dựa vào cách điều trị đó để cảm thấy hạnh phúc, bà nói. Họ cũng cảm thấy yên tâm khi các chuyên gia nói rằng hạnh phúc là trạng thái tự nhiên.

Vậy khái niệm này bắt nguồn từ đâu?

Các chuyên gia nói rằng niềm vui của con người có khả năng lây lan sang người khác, nhưng nỗi buồn thì không. (Ảnh: gpointstudio/ Shutterstock)

Bà Breuning cho biết, khoảng 250 năm trước, ông Jean-Jacques Rousseau (là một nhà văn, nhà triết học, nhà thực vật học, nhà tự nhiên học và nhạc sĩ của Pháp) đã đưa ra ý tưởng rằng hạnh phúc là trạng thái tự nhiên. Bà nói rằng, có một ví dụ về ý tưởng này là, nếu những thợ săn chỉ sống trên hòn đảo nhiệt đới thì họ sẽ luôn hạnh phúc, động vật và trẻ em cũng luôn hạnh phúc.

“Thực tế mà tất cả chúng ta đều có thể thấy, một cách hiển nhiên là, động vật có rất nhiều xung đột và ác ý, trẻ em có rất nhiều xung đột và ác ý, những thợ săn cũng có rất nhiều xung đột và ác ý. Nhưng chúng ta sẽ phớt lờ điều đó vì nó không phù hợp với những gì được chúng ta cho là khoa học,” bà nói.

Ở cấp độ sinh học, bà Breuning nói trong cuốn sách của mình, có 4 chất hóa học ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc của một người là: dopamine, serotonin, oxytocin và endorphin. Cơ thể giải phóng các chất hóa học khác nhau tùy thuộc vào các kích thích khác nhau. Ví dụ, serotonin được giải phóng khi một người tắm nước nóng và dopamine được giải phóng để khiến một người cảm thấy phấn khích về mặt thể chất.

“Các chất hóa học hạnh phúc sẽ được tiết ra để khen thưởng cho hành vi sinh tồn,” bà Breuning nói. “Dopamine sẽ là nguồn động viên để giúp đáp ứng nhu cầu của bạn. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng sẽ có thức ăn ở phía bên kia ngọn núi nhưng bạn đang kiệt sức và đói thì dopamine sẽ được giải phóng khi bạn có [suy nghĩ] như, ‘Ồ, tôi đang tiến đến rất gần rồi, tôi đang rất gần rồi.’ Và đó là cảm giác mà tất cả chúng ta đều yêu thích.”

Nhưng một khi đã đạt được mục tiêu, các chất hóa học sẽ giảm xuống, khiến con người cảm thấy không còn vui nữa.

“Và đó là lý do tại sao sự bất hạnh lại là một phần của cuộc sống, bởi vì các chất hóa học hạnh phúc chỉ được giải phóng trong thời gian ngắn và sẽ không được tiết ra liên tục,” bà nói. “Vì vậy, đó không phải là một rối loạn.”

Hầu hết mọi người ở Hoa Kỳ hiện nay đều đã đáp ứng được gần đầy đủ các nhu cầu sinh tồn của mình, vì vậy họ dựa vào các hóa chất khác, oxytocin và serotonin, để đáp ứng các nhu cầu về xã hội của họ. Bà Breuning cho biết, có một loại hóa chất có thể tạo ra cảm giác muốn được ở trong một nhóm, và loại hóa chất kia có thể tạo ra cảm giác muốn vươn lên để không phải ở vị trí cuối cùng của một nhóm.

“Vì vậy, oxytocin là cảm giác hạnh phúc khi tôi được một nhóm nào đó bảo vệ, và serotonin là cảm giác hạnh phúc khi tôi được tôn trọng, được công nhận và trở nên quan trọng trong mắt người khác,” bà Breuning cho biết.

Bà cũng cho biết rằng, bộ não của chúng ta được thiết kế để làm quen với mọi thứ, điều đó có nghĩa là, khi một người – lần đầu bước vào 1 quán cà phê thì thấy có mùi thơm tuyệt vời, nhưng sau một vài lần đến cũng quán đó thì lại thấy không còn mùi thơm như vậy nữa. Bà cho biết điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với thuốc.

Đối với những người đã quen dùng thuốc rồi thì sẽ phải cần đến liều lượng cao hơn hoặc nhiều hơn để tạo ra cùng một niềm hạnh phúc ban đầu để thoát khỏi trạng thái không hài lòng. Họ sẽ đến gặp bác sĩ để yêu cầu tăng thêm thuốc – tuy nhiên, bác sĩ chỉ có thể kê đơn với liều lượng được pháp luật cho phép. Thuốc thường có tác dụng phụ và cũng khó để cai thuốc, bà Breuning cho biết.

Một giải pháp mà bà đề xuất để giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn là họ phải tự chấp nhận bản thân nhiều hơn và hiểu rằng không có gì là hoàn hảo thay vì vội kết luận rằng họ đang mắc bệnh.

“Điểm mấu chốt là bạn thực sự không thể kiểm soát não của người khác. Vì vậy, bạn phải cam kết [với cách tiếp cận cân nhắc] rằng, ‘Làm sao tôi có thể hạnh phúc, khi mà thế giới này vốn như vậy?’” bà Breuning cho biết. “Đây là [những bước nhỏ] của việc tự chấp nhận và đạt được điều đó ở mức có thể, sau đó tự thưởng cho mình khi bạn chuyển hướng dòng cảm xúc của mình từ tiêu cực sang tích cực.”

Hạnh phúc thực ra rất đơn giản, hãy giữ cho tâm mình thanh thản, bởi nó liên quan đến sức khỏe cũng như mỗi ngày của chúng ta trôi qua như thế nào.

Hạnh phúc thực ra rất đơn giản, hãy giữ cho tâm mình thanh thản, bởi nó liên quan đến sức khỏe cũng như mỗi ngày của chúng ta trôi qua. (Ảnh: Pheelings media/ Shutterstock)

“Thiện ý” lý giải người khác sẽ làm tan biến những phiền muộn trong lòng

Khi bạn biết rằng tâm trí có thể liên kết và kích thích mạng lưới thần kinh của não bộ, có lẽ bạn sẽ vội vàng luyện tập cách kiểm soát suy nghĩ của mình để không bị cảm xúc khống chế. Tuy nhiên, đạo lý thì chúng ta đã hiểu, nhưng dường như để làm được điều đó thì có một chút thách thức, đặc biệt là khi đối mặt với sự bất công, bị bắt nạt và các loại chuyện không thuận mắt vừa ý …

Có một câu nói rằng, “khi lòng từ bi của bạn xuất ra, người khác trong mắt bạn sẽ giống như một đứa trẻ.” Chẳng hạn trong quan hệ giữa các cá nhân, có một số trẻ em chậm hiểu khiến giáo viên lầm tưởng các em ngỗ nghịch, không tuân theo nội quy, không nghe lời v.v.

Khi chúng ta gặp những người “không thể nói lý,” chúng ta cũng có thể nhìn nhận theo cách này: suy nghĩ và tâm cảnh của anh ta ở vị trí nào thì sẽ biểu hiện ra như thế, lý giải tiêu cực thì sẽ có những biểu hiện tiêu cực, đó là điều đương nhiên; Chờ đến khi đối phương có thể lý giải một cách tích cực, anh ta sẽ có biểu hiện tích cực, đó là điều bình thường. Nghĩ đến đây, phiền muộn trong lòng bạn cũng tan biến rồi!

Trong khi thiện ý lý giải người khác, chúng ta có thể chọn giao tiếp, bày tỏ, né tránh hoặc từ chối. Tuy nhiên chúng ta sẽ không quay lưng rời đi rồi giậm chân tức giận, sẽ không đóng cửa rồi mắng mỏ… Dần dần, những suy nghĩ tích cực và hạnh phúc cũng sẽ nhiều hơn.

Khánh Ngọc, theo The Epoch Times 

Mời xem thêm bài liên quan: 

Khánh Ngọc

Published by
Khánh Ngọc

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

2 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

3 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

4 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

5 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

6 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

7 giờ ago