Đời Sống

Vì sao mỗi người lại có phản ứng khác nhau khi đối mặt với nghịch cảnh?

Điều quyết định chúng ta bị nghịch cảnh đánh gục hay trưởng thành từ đó không chỉ là bản thân những nghịch cảnh mà còn là thời điểm chúng ta trải qua chúng. Một nghiên cứu mới nhất của Đại học Yale cho thấy rằng căng thẳng hoặc các sự kiện gây sang chấn xảy ra trong giai đoạn phát triển quan trọng của não bộ có thể giúp tăng cường khả năng chống chọi với lo âu khi trưởng thành.

Trưởng thành trong nghịch cảnh hay bị nghịch cảnh đánh gục, mỗi người sẽ có những kết quả khác nhau, điều đó là do thời điểm đối mặt với nghịch cảnh. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

“Chúng tôi phát hiện rằng nghịch cảnh trải qua trong giai đoạn giữa tuổi thơ và tuổi dậy thì, kết hợp với một kiểu kích hoạt não bộ đặc biệt khi đối mặt với mối đe dọa và cảm giác an toàn, có liên quan đến mức độ lo âu thấp hơn”, nghiên cứu sinh tiến sĩ Lucinda Sisk – tác giả chính của nghiên cứu – cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email với Thời báo Đại Kỷ Nguyên.

Thời điểm xảy ra nghịch cảnh là yếu tố quan trọng

Từ lâu, người ta vẫn cho rằng trải qua nghịch cảnh trong thời thơ ấu sẽ làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần sau này. Các nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên từng trải qua căng thẳng hoặc sang chấn có khả năng mắc chứng lo âu ở tuổi trưởng thành cao hơn 40%. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Communications Psychology đã đặt ra thách thức đối với quan điểm này.

Trong khi phần lớn các nghiên cứu tập trung vào việc những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu mang đến nguy cơ như thế nào, thì nghiên cứu mới này lại chỉ ra lý do tại sao một số người có thể phục hồi sau khi trải qua khó khăn và tránh được các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu phát hiện rằng, trải qua nghịch cảnh ở mức độ nhẹ đến trung bình trong giai đoạn giữa thời thơ ấu (từ 6 đến 12 tuổi) và thời niên thiếu (từ 12 đến 19 tuổi) có thể giúp hình thành khả năng chống chọi với lo âu về sau. Trong các giai đoạn phát triển quan trọng này, não bộ đang học cách phân biệt giữa mối đe dọa và sự an toàn, từ đó góp phần ngăn ngừa lo âu.

Nói một cách rộng hơn, nghịch cảnh thời thơ ấu là tập hợp những trải nghiệm đe dọa đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của trẻ em, bao gồm bị lạm dụng hoặc bỏ bê về thể chất hay cảm xúc, bạo lực, nghèo đói cùng cực hoặc các tai nạn gây sang chấn.

Mặc dù mỗi người có phản ứng khác nhau với nghịch cảnh, nhưng những nghịch cảnh ở mức độ nhẹ đến trung bình thường là các trải nghiệm gây khó chịu như mâu thuẫn trong gia đình, thỉnh thoảng bị bắt nạt ở trường, hoặc tai nạn xe cộ gây đau đớn tạm thời nhưng không để lại tổn thương lâu dài. Đồng thời, cảm nhận chủ quan của trẻ về những sự kiện này cũng ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng mà chúng trải qua.

“Bài nghiên cứu này không chỉ cho thấy thời điểm trải qua nghịch cảnh thật sự rất quan trọng, mà còn khám phá những quá trình thần kinh tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến việc cá nhân sau khi trải qua nghịch cảnh sẽ phát triển nguy cơ lo âu, hay ngược lại là rèn luyện được khả năng chống chọi với nghịch cảnh. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này”, phó giáo sư tâm lý học Đại học Yale – Dylan Gee, đồng tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, trong quá trình phân biệt giữa nguy hiểm và an toàn, mô hình hoạt động não bộ của những người có khả năng chịu áp lực tốt có sự khác biệt rõ rệt. Khi trưởng thành, những người này thường ít cảm thấy lo âu hơn khi đối mặt với áp lực, và khi gặp chuyện không may, họ cũng không cảm thấy mất an toàn đến mức thái quá. Điều này cho thấy khả năng chống chịu được hình thành trong chính quá trình họ đối mặt và thích nghi với nghịch cảnh.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khả năng nhận biết tín hiệu an toàn một cách rõ ràng có thể đặc biệt giúp làm giảm nguy cơ mắc chứng lo âu”, Lucinda Sisk cho biết. “Việc phân biệt tín hiệu đe dọa và tín hiệu an toàn là rất quan trọng đối với sự sinh tồn, vì nó giúp chúng ta biết khi nào là an toàn và khi nào cần tránh xa mối nguy hiểm”.

Ngược lại, những người mắc chứng lo âu hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) thường gặp khó khăn trong việc phân biệt điều gì là đe dọa và điều gì là an toàn.

“Họ thường xuyên cảnh giác ngay cả khi không có nguy hiểm nào, và thậm chí trong môi trường an toàn, họ vẫn cảm thấy rất lo âu”, cô cho biết.

Xây dựng năng lực điều chỉnh cảm xúc

Khả năng chống chịu với áp lực liên quan đến các đường dẫn thần kinh trong não, đặc biệt là vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) – khu vực đóng vai trò then chốt trong việc điều tiết cảm xúc, ra quyết định và kiểm soát hành vi. Vỏ não trước trán tiếp tục phát triển trong suốt thời niên thiếu và giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, thường hoàn thiện vào khoảng 25 đến 26 tuổi.

“Vỏ não trước trán có tính dẻo cao hơn trong giai đoạn vị thành niên, điều này có nghĩa là cả những trải nghiệm tích cực lẫn tiêu cực đều có ảnh hưởng lớn hơn đến sự phát triển của vùng não này cũng như khả năng điều tiết nỗi sợ hãi,” Sisk cho biết. “Chính vì tính dẻo này, thanh thiếu niên có thể dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với lo âu, nhưng đồng thời cũng có khả năng đặc biệt để hưởng lợi từ các trải nghiệm hoặc can thiệp giúp tăng cường sức bền tâm lý nhằm chống lại lo âu.”

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá 120 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 30, trải dài qua bốn giai đoạn quan trọng của cuộc đời: giai đoạn đầu đời, giai đoạn giữa thời thơ ấu, thời niên thiếu và tuổi trưởng thành. Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi “Đánh giá các khía cạnh của căng thẳng và sang chấn trong suốt đời người” (DISTAL), một công cụ phỏng vấn được tiến hành bởi chuyên gia lâm sàng nhằm tìm hiểu sâu về trải nghiệm tâm lý và cảm xúc của từng cá nhân.

Công cụ DISTAL bao gồm 24 loại nghịch cảnh, như lạm dụng, bạo lực, chấn thương nghiêm trọng, mất nơi cư trú, cũng như các yếu tố như nguy hiểm, bị tước đoạt, phản bội hoặc phân biệt đối xử.

Bộ câu hỏi này nhằm khám phá các khía cạnh khác nhau của căng thẳng – chẳng hạn như thời điểm xảy ra và mức độ nghiêm trọng – ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của não bộ và hành vi trong suốt cuộc đời. Công cụ này đánh giá mức độ nghiêm trọng từ hai khía cạnh:

  1. Mức độ nghiêm trọng của trải nghiệm nghịch cảnh – tức là đánh giá cường độ hoặc mức độ nghiêm trọng của sự kiện sang chấn, như bị lạm dụng hoặc gặp tai nạn nghiêm trọng.
  2. Mức độ nghiêm trọng của phản ứng đối với nghịch cảnh – tập trung vào cách trẻ phản ứng với sự kiện đó và ảnh hưởng cảm xúc, tâm lý mà sự kiện đó gây ra cho trẻ.

Bằng cách kết hợp giữa mức độ nghiêm trọng khách quan của sự kiện và phản ứng chủ quan của cá nhân, bảng đánh giá này cho phép hiểu một cách toàn diện hơn về cách nghịch cảnh ảnh hưởng đến sự phát triển của một người.

Trong các cuộc khảo sát theo dõi sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ quét não để đo lường hoạt động thần kinh trong não của người tham gia khi họ nhận được các tín hiệu mang tính “đe dọa” hoặc “an toàn”. Những tín hiệu này là các hình học đơn giản, mà người tham gia đã được học trước đó để liên kết một số hình với âm thanh khó chịu (đại diện cho đe dọa) và một số hình khác với phản ứng bình thường (đại diện cho an toàn).

Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu cách hệ thống “vỏ não – hệ viền” (corticolimbic network) – hệ thống chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc, tư duy và ký ức – phản ứng như thế nào trước các tín hiệu này.

3 kiểu đặc điểm tâm lý khác nhau

Nghiên cứu đã xác định được 3 nhóm người với những đặc điểm tâm lý rõ ràng và khác biệt.

Thứ nhất, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người ít trải qua khó khăn hay thử thách trong suốt cuộc đời có xu hướng dễ bị kích động hơn khi đối mặt với các tình huống mà họ cho là đe dọa, và cũng khó cảm thấy an toàn hơn. Trong nghiên cứu này, “an toàn” được định nghĩa là các tình huống khiến cá nhân cảm thấy yên tâm hoặc thư giãn, còn “đe dọa” là các tình huống gây căng thẳng hoặc sợ hãi. Ví dụ, một người gần như không trải qua nghịch cảnh có thể cảm thấy choáng ngợp chỉ bởi một áp lực nhỏ, như mâu thuẫn ý kiến với bạn bè, vì họ xem áp lực nhẹ cũng như một mối đe dọa nghiêm trọng.

Thứ hai, những người từng trải qua một mức độ nghịch cảnh nhất định trong giai đoạn giữa thời thơ ấu và tuổi vị thành niên lại có khả năng ứng phó với đe dọa tốt hơn, đồng thời dễ cảm thấy an toàn hơn trong nhiều tình huống. Nhóm này có thể vẫn cảm thấy lo lắng khi đối mặt với thử thách, nhưng họ sở hữu kỹ năng đối phó với áp lực và có thể tìm thấy cảm giác an toàn.

Thứ ba, những người từng trải qua rất nhiều khó khăn trong suốt cuộc đời lại có phản ứng mờ nhạt hoặc chậm chạp với cả tín hiệu đe dọa và an toàn. Điều này cho thấy rằng nghịch cảnh quá mức có thể khiến cảm xúc trở nên tê liệt. Họ có thể dửng dưng trước các loại áp lực, hoặc có phản ứng cảm xúc tê liệt, vì đã quá quen với việc phải liên tục đối mặt với nhiều thử thách, khiến phản ứng cảm xúc của họ dần trở nên chai sạn.

“Mặc dù đã trải qua nghịch cảnh trong giai đoạn giữa thời thơ ấu và tuổi vị thành niên, nhóm người này lại thể hiện mức độ lo âu thấp hơn – đây là một kết quả khá bất ngờ”, Sisk cho biết. “Những phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về việc: trong hoàn cảnh nào, người từng trải qua nghịch cảnh sẽ phát triển rối loạn tâm lý, và trong hoàn cảnh nào họ lại xây dựng được khả năng chống chịu”.

Những gợi ý đối với sức khỏe tâm lý

Giáo sư Dylan Gee cho biết, nghiên cứu này đã làm sáng tỏ lý do vì sao con người lại có phản ứng khác nhau với nghịch cảnh trong quá trình phát triển của não bộ, và những phản ứng đó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tâm lý sau này. Những phát hiện này giúp xác định những nhóm có nguy cơ cao hơn mắc chứng lo âu. “Cùng một sự kiện gây căng thẳng, nếu xảy ra ở độ tuổi 5 và 15, sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất khác nhau đến não bộ, vì lúc đó não đang ở các giai đoạn phát triển hoàn toàn khác nhau”, bà nói.

Ví dụ, nếu một đứa trẻ bị bắt nạt khi mới 5 tuổi, có thể em sẽ không hoàn toàn hiểu chuyện gì đang xảy ra và cũng không biết cách đối phó, điều này có thể ảnh hưởng đến cảm giác an toàn hoặc lòng tin vào người khác. Nhưng nếu bị bắt nạt ở tuổi 15, tác động cảm xúc có thể dữ dội hơn – như lo âu hoặc trầm cảm – nhưng do não đã phát triển hơn, thanh thiếu niên có khả năng xử lý cảm xúc tốt hơn, và có thể luyện tập các kỹ năng đối phó hiệu quả hơn.

Trong cuốn sách Thế hệ lo âu (The Anxious Generation), tác giả – nhà tâm lý xã hội học Jonathan Haidt – cho rằng, việc trẻ em khó cảm thấy an toàn trong một số tình huống có thể một phần là do thiếu “chơi tự do”. Ông chỉ ra rằng từ những năm 1980, vì lý do an toàn, nhiều bậc cha mẹ bắt đầu hạn chế cho con chơi bên ngoài mà không có người lớn giám sát, mặc dù thế giới khi đó đang ngày càng an toàn hơn. Việc thiếu cơ hội khám phá và thử thách giới hạn bản thân khiến trẻ em bỏ lỡ những dịp quan trọng để kết bạn, chấp nhận rủi ro và học cách đối mặt với khó khăn một cách độc lập.

Chính vì thế, một số trẻ dù đang sống trong môi trường an toàn vẫn cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi, vì chúng chưa từng có cơ hội rèn luyện khả năng chịu đựng thông qua việc tự mình vượt qua thử thách. Haidt cho rằng trẻ cần nhiều thời gian chơi tự do hơn, đặc biệt là ngoài trời, với bạn bè ở các độ tuổi khác nhau và nên giảm bớt sự giám sát của người lớn để giúp phát triển sức bền tâm lý một cách thực chất.

Để giúp trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng khả năng chống chịu và ứng phó lành mạnh với nghịch cảnh, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) khuyến nghị cha mẹ và giáo viên nên:

  1. Giúp trẻ xây dựng mối quan hệ kết nối: Khuyến khích trẻ dành thời gian với bạn bè và tăng cường gắn bó với gia đình. Một mạng lưới hỗ trợ vững chắc là nền tảng quan trọng để phát triển khả năng chống chịu.
  2. Dạy trẻ cách chăm sóc bản thân: Hướng dẫn trẻ duy trì các thói quen sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc và có thời gian vui chơi giải trí. Những thói quen này giúp cân bằng tâm lý và đối phó tốt hơn với căng thẳng.
  3. Nuôi dưỡng tư duy tích cực về bản thân: Nhắc nhở trẻ nhớ lại những lần mình đã vượt qua khó khăn trước đó. Điều này giúp củng cố lòng tin và tạo cảm giác rằng mình có thể đương đầu với thử thách trong tương lai.
  4. Duy trì nếp sinh hoạt ổn định: Một lịch sinh hoạt đều đặn tạo cảm giác an toàn, đặc biệt là trong thời điểm bất ổn. Tính ổn định giúp trẻ cảm thấy có khả năng kiểm soát cuộc sống.
  5. Tìm kiếm cơ hội khám phá bản thân: Những thời điểm khó khăn thường là lúc trẻ hiểu rõ hơn về chính mình. Hãy khuyến khích trẻ suy ngẫm xem mình đã học được gì từ các thử thách.

Các nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục khám phá cách mà các loại nghịch cảnh khác nhau (ví dụ như đột ngột hay kéo dài) ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của não bộ và sức khỏe tâm thần.

Lý Ngọc theo Epoch Times

Lý Ngọc

Published by
Lý Ngọc

Recent Posts

Bạn có đang rơi vào bẫy của tầng lớp trung lưu?

Để đạt được tự do tài chính và tránh bẫy của tầng lớp trung lưu…

2 giờ ago

Đàm phán Mỹ – Trung: Ông Bessent dùng đường minh họa cho phía TQ thấy tác hại của Fentanyl

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người dẫn dắt cuộc đàm phán, dường như…

3 giờ ago

Thái Lan tăng ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Việt Nam nói gì?

Trong ba tuần qua, Việt Nam ghi nhận trung bình 20 ca mắc COVID-19 mỗi…

4 giờ ago

Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm 5 lần được cấp dưới đưa phong bì

Ông Nguyễn Thanh Phong thừa nhận đã 5 lần nhận phong bì, tổng số tiền…

4 giờ ago

Trung Quốc, Colombia ký hiệp ước hợp tác Vành đai và Con đường

Trung Quốc và Colombia hôm thứ Tư (14/5) tại Bắc Kinh đã ký một kế…

6 giờ ago

Cục An toàn Thực phẩm phê duyệt quyết định thu hồi sản phẩm sau 18 tháng nhận hồ sơ đề nghị

Do không có kế hoạch sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Abbott Healthcare đã…

6 giờ ago