Định lý Gödel chỉ ra rằng có vô số thứ nằm ở phía bên kia tầm với của khoa học. Trong số đó, nguồn gốc của ý thức là thách đố lớn nhất. Không ai biết ý thức là gì và nó từ đâu đến, ngoại trừ Nikola Tesla. Câu chuyện về Tesla có thể vén mở nhiều bí mật về ý thức…
Ý thức là một bí mật tuyệt đối. Nó thuộc loại những hiện tượng không thể giải thích (unexplainable) hoặc không thể biết (unknowable), mặc dù ai cũng nhận thấy bản thân mình có ý thức. Những người theo chủ thuyết duy vật (materialist) hoặc duy tự nhiên (naturalist) cho rằng ý thức đơn giản chỉ là sản phẩm của bộ não – một dạng vật chất nào đó do bộ não tạo ra. Nhưng không có bất cứ một phép đo vật lý nào có thể xác nhận sự tồn tại của dạng vật chất đặc biệt đó. Ngược lại, có những bằng chứng cho thấy ý thức vẫn tồn tại sau khi bộ não đã chết (hiện tượng chết lâm sàng).
Tóm lại, vật lý học bất lực trong việc khám phá bản chất của ý thức. Edward Witten, người được giới vật lý gọi là “Einstein ngày nay”, thú nhận rằng hiểu được Big Bang dễ hơn rất nhiều so với việc hiểu được ý thức là gì. Vì thế, để tiếp cận tới bí mật của ý thức, chúng ta không thể áp dụng các phương pháp khoa học truyền thống – các phương pháp của khoa học động lực học (vật lý, hóa học) – mà phải dùng các phương pháp ngoài khoa học như triết học, phương pháp tiên đề áp dụng cho các đối tượng phi vật chất hoặc siêu hình, các quan sát về ngoại cảm, những trải nghiệm cá nhân đáng tin cậy,…
Trải nghiệm cá nhân đáng tin cậy nhất là trường hợp của Nikola Tesla.
Nikola Tesla là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, nếu không muốn nói ông là nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ này. Thật vậy, Tesla có quá nhiều phát minh kỳ lạ, nhưng nổi tiếng nhất là phát minh ra động cơ điện xoay chiều, được sử dụng phổ biến trên thế giới ngày nay, và “cuộn dây Tesla” (Tesla Coil), được sử dụng trong công nghệ vô tuyến hiện đại.
Sinh tại Smiljan, Croatia, ngày 10 Tháng 07 năm 1856, Tesla đến Hoa Kỳ năm 1884, làm việc một thời gian ngắn với Thomas Edison, nhà phát minh lớn nhất của Mỹ đương thời. Ông đã bán hầu hết các bản quyền phát minh sáng chế của mình, bao gồm phát minh dòng điện xoay chiều cho George Westinghouse.
Tesla là một trong 5 người con của ông Milutin Tesla và bà Djuka Mandic. Cha của Tesla là một thầy tu chính thống giáo và một nhà văn. Ông muốn Tesla theo nghiệp tu hành, nhưng Nikola Tesla lại bị cuốn hút bởi khoa học.
Sau khi học tại trường Realschule ở Karlstadt, Đức, rồi Đại học Bách khoa ở Graz, Áo; và Đại học Prague trong những năm 1870, Tesla chuyển đến Budapest, nơi ông làm việc tại Tổng đài Điện thoại Trung tâm. Nhưng ở tuổi 28 Tesla quyết định rời châu Âu sang Mỹ – miền đất hứa cho những người có nhiều ấp ủ sáng tạo khoa học.
Từ đó đến khi mất, ông sống ở Mỹ, hiến dâng cuộc đời cho khoa học và công nghệ, để lại cho đời khoảng 300 sáng chế phát minh, trong đó có nhiều phát minh đã làm thay đổi bộ mặt xã hội thế kỷ 20, nhiều phát minh chưa được thực hiện, nhưng dự báo những thành tựu của nhân loại sau khi ông mất, đặc biệt là những ý tưởng liên quan đến thông tin liên lạc không dây từ xa.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tên tuổi ông đã bị chìm lấp trong một thời gian dài. Mãi cho tới những năm 1990 người đời mới giật mình nhận ra nhiều ý tưởng phát minh của ông mang tính tiên tri. Sách vở, phim ảnh về Tesla bùng nổ trong những năm cuối thế kỷ 20, như một cách đền ơn nhà phát minh bậc nhất bị lãng quên này.
Không chỉ những phát minh của ông về khoa học và công nghệ được nhắc tới, mà cả những tư tưởng kỳ lạ của ông về những thế giới khác hoặc về những thực tại không ai nhìn thấy được ghi nhận và thảo luận một cách nghiêm túc bởi những nhà khoa học hàng đầu thế giới. Có thể đây mới là di sản quý báu nhất của Tesla để lại cho chúng ta.
Thật vậy, ai cũng biết Nikola Tesla là một nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 20, nhưng ít người biết ông đồng thời là một nhà tiên tri đại tài và một nhà ngoại cảm kỳ lạ. Điều đặc biệt đáng chú ý là ở chỗ ông không chỉ thể hiện tài tiên tri và ngoại cảm phi thường, mà còn giải thích nguồn gốc của những điều phi thường ấy đến từ đâu. Đã có rất nhiều tài liệu viết về Tesla. Những thông tin sau đây trích từ cuốn phim “NIKOLA TESLA”[1] của Đài truyền hình Nga RTR, đã được dịch ra tiếng Việt và phát trên kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam.
Tesla là một người có trí tuệ phi thường, nắm vững 8 ngoại ngữ và rất am hiểu thơ ca, âm nhạc. Từ 19 tuổi cho đến sau này, ông chỉ ngủ không quá 2 giờ mỗi ngày. Vậy mà ông vẫn sống thọ tới 87 tuổi!
Nhà văn Julian Koffman từng nhận xét: “Năng lượng tâm lý của Tesla thật đáng sợ. Nó dường như ngân lên trông về xa xôi. Ông ấy có đôi mắt nhìn thấu tương lai. Những người gần gũi với ông biết rõ tài tiên tri của ông”.
● Một lần trong năm 1900 tại Philadelphia, ông đã rất khó khăn để ngăn cản bạn bè ra về trên một chuyến tàu hỏa, vì ông cảm nhận chuyến tàu đó sẽ có chuyện chẳng lành. Quả thật, chuyến tàu hôm ấy đã bị tai nạn, và bạn bè ông đã thoát nạn.
● Năm 1912, Tesla đã thuyết phục hai người bạn của ông từ bỏ chuyến du lịch trên con tàu Titanic vượt đại dương. Người thứ nhất là John Timman Morgan. Ông này tuyệt đối tin tưởng vào linh cảm của Tesla nên đã trả lại vé và thoát chết. Người thứ hai là John Jeff Baxter, một nhà bảo trợ và bạn lâu năm của Tesla. Ông này không nghe lời khuyên nên đã chết trong vụ đắm tàu đó.
● Trước đó vài năm Tesla tiên đoán: Đại Chiến Thế giới lần thứ I sẽ bùng nổ, kéo dài 4 năm và kết thúc vào Tháng 12/1918. Thực tế chỉ sai lệch khoảng 5-6 ngày. Hơn thế nữa, Tesla còn tiên đoán sau khi Thế Chiến I kết thúc, hòa bình sẽ kéo dài 20 năm, rồi xảy ra Thế Chiến II. Thực tế diễn ra đúng như dự đoán.
● Nhưng điều làm cho mọi người kinh ngạc nhất và không sao giải thích nổi là làm thế nào mà Tesla có thể dễ dàng có được một số lượng khổng lồ những ý tưởng phát minh độc đáo như ông đã có. Vậy mà ông lại thú nhận: “Tôi không phải tác giả của những ý tưởng đó”. Có nghĩa là những ý tưởng phát minh của ông xuất phát từ một “tác giả khác”, hoặc đến từ một “nguồn trí tuệ thông minh nào khác”! “Tác giả khác” ấy là ai? “Nguồn trí tuệ thông minh nào khác” ấy là gì?
Từ một đứa trẻ bình thường, mọi thứ đã đảo lộn kể từ khi Tesla bị chấn động tâm lý bởi cái chết của người anh trai trong một tai nạn. Kể từ đó, ý thức của Tesla đã tiếp cận tới những thế giới khác, mà ông cho biết, cũng hiện thực và quý giá như thế giới hiện thực thông thường.
Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Nina Sviderskaia giải thích:
“Đó là những trạng thái bị biến đổi đặc biệt của nhận thức. Con người có thể nhận thức được những cái nằm bên ngoài tầm nhìn của anh ta. Ý thức khi đó di chuyển đến những không gian khác, thời đại khác. Ngày nay những trạng thái như vậy được các thiết bị ghi nhận rõ ràng. Trong bộ não tồn tại trục siêu nhận thức”.
Tesla được người đương thời gọi là siêu nhân. Ông kể lại:
“Tôi có thể nghe thấy tiếng tictac của đồng hồ ở cách tôi 3 căn phòng, tiếng con ruồi đậu xuống bàn. Trong bóng tối tôi có được sự nhạy cảm của con dơi và có thể phân biệt được vị trí của các đồ vật nhờ giác quan đặc biệt… Một đốm lóe sáng xuất hiện như một mặt trời nhỏ. Chân lý mở ra trước mắt. Một trạng thái hạnh phúc tuyệt đối. Các ý nghĩ cứ tràn ra như một dòng chảy khiến tôi phải cố gắng lắm mới kịp ghi lại chúng…”
Tesla đã dần dần học làm quen với trạng thái đó. Bất kể lúc nào Tesla cũng có thể thoát khỏi thế giới bên ngoài thông thường để thâm nhập vào cái thế giới riêng biệt đó của ông. Từ thế giới ấy, ông đã có thể đưa ra các mô hình phát minh của mình mà không cần đến toán học, không cần đến các phương trình.
Branko Kovachevich, GS Đại học Belgrad nói:
“Không sử dụng đến các thao tác tính toán như ngày nay vẫn được áp dụng, ông ấy không cần đến các phương trình vì ông hiểu bản chất của sự việc. Nguyên tắc đó đối với Tesla bao giờ cũng quan trọng hơn các chi tiết. Chính đó mới là cái Tesla chú mục vào khi ông đắm mình trong trạng thái bị biến đổi của nhận thức”.
Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Nina Sviderskaia nói:
“Chính bằng cách đó, khi ở trong trạng thái bị biến đổi của nhận thức, Tesla có thể thu nhận được những tri thức mà ở trong trạng thái bình thường không thể có được. Điều đó cho phép ông, thứ nhất, xác định ra các hiện tượng và các vật bất thường; thứ hai, nhìn thế giới với những lập trường và quan điểm khác so với những người bình thường. Còn nhờ vào khả năng dễ dàng trở lại trạng thái bình thường, ông có thể ghi lại tất cả và truyền đạt lại cho những người khác”.
Hoàn toàn không thể giải thích nổi nguồn kiến thức của Tesla về những hiện tượng lạ lùng chưa được ai nghiên cứu. Những từ ngữ như “linh tính”, “thiên tài”, “linh cảm”… hoàn toàn chẳng giải thích được điều gì cả. Và đây là điều quan trọng nhất Tesla tiết lộ:
“Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận, trong vũ trụ có một trung tâm cốt lõi mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh và niềm cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng tôi biết nó tồn tại” (My brain is only a receiver, in the Universe there is a core from which we obtain knowledge, strength and inspiration. I have not penetrated into the secrets of this core, but I know that it exists.).
Dmitrii Strebkov, Tiến sĩ Khoa học, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, nói:
“Nhiều người tin vào Đấng Tối Cao. Đối với một số người thì đó là Chúa Jesus, hay đại loại như vậy. Đối với một số khác thì đó là một sức mạnh nào đó mà biết tất cả mọi điều, hiểu tất cả mọi việc, giúp cho những người cố gắng sống trong công bằng, giúp đỡ họ trong những tình huống khó khăn và giúp đỡ trong khoa học”.
Yuri Mazurin, Tiến sĩ Toán-Lý:
“Phương pháp sáng tạo của Tesla buộc chúng ta phải nghĩ rằng có tồn tại một ngân hàng số liệu toàn cầu nào đó mà bây giờ được gọi là trường năng lượng thông tin vũ trụ. Và Tesla biết cách mở nguồn đó, rút ra từ nơi đó những thông tin cần thiết, và ông luôn mơ ước để mọi người đều có thể tiếp cận được với nó…”
Tesla quả thật đã mơ ước tạo ra một thiết bị cho những người khác cũng có thể thâm nhập vào những hiện thực vô hình, nhìn thấu vào thế giới không trông thấy được…
Tesla cho rằng những bí ẩn vĩ đại trong sự tồn tại của chúng ta còn cần phải giải đoán, thậm chí cái chết cũng chưa phải là cái kết thúc. Một lần ông kể: “Tôi có mặt ở cách ngôi nhà người mẹ ốm đau của tôi hai dãy phố. Bỗng nhiên tôi trông thấy đám mây với những hình thiên thần. Một trong những hình bóng đó dần dần mang dáng dấp của mẹ tôi. Tâm trí sáng ra đột ngột, tôi bỗng hiểu rằng mẹ tôi vừa qua đời. Và điều đó đúng là sự thật”
Tesla tin rằng khi con người chết đi, thể chất linh hồn của người đó không chết, và ta có thể xác lập được sự tiếp xúc với nó. Thậm chí ông còn chế tạo ra một thiết bị đặc biệt cho việc này. Hiện vẫn còn lưu giữ những bức thư của một người bạn thân của Tesla, nhà vật lý nổi tiếng người Anh, ngài William Crooker. Trong một bức thư, Crooker cảm ơn Tesla vì đã tặng cho minh cuộn nam châm điện tần số cao. Việc này đã tạo điều kiện cho những người gọi hồn tiếp xúc dễ dàng hơn với các linh hồn cũng như cho phép điều chỉnh cân bằng trạng thái tâm lý của những người gọi hồn sau những cuộc gọi hồn đó.
Nicolai Nevesskii, Tiến sĩ Toán-Lý, Viện Hàn lâm Khoa học Nga
“Ngày nay đã xác định được rằng các hạt cơ bản có thể tuân theo sự chỉ dẫn trong ý nghĩ của con người. Điều đó không được ghi trong các định luật vật lý đã biết, nhưng đã được chứng minh bằng nhiều thí nghiệm.”
Yuri Mazurin:
“Đã có nhiều thí nghiệm được tiến hành, trong đó có ý nghĩ tác động lên tia laser làm chệch đi, làm nước thay đổi tính chất của mình ở khoảng cách xa hàng nghìn ki-lô-mét, làm bình diện của độ phân cực các tia sáng bị thay đổi”
Velimir Abramovich:
“Tesla cho rằng vũ trụ là một cơ thể thống nhất toàn vẹn, bao gồm rất nhiều phần giống nhau nhưng khác biệt ở tần số rung động, mỗi phần đó là một thế giới tồn tại song song. Khi bước vào sự cộng hưởng tần số của thế giới khác, chúng ta dường như mở được cửa sổ nhìn vào thế giới tồn tại song song đó. Như vậy có thể đi du lịch khắp vũ trụ. Điều này nghe thật huyễn hoặc đối với chúng ta, chứ chưa nói gì đến những người đương thời với Tesla”…
Chính Tesla buồn phiền nhận xét: “Thế giới thiển cận lầm lạc của chúng ta đã cười nhạo những ý tưởng của tôi thế nào. Hãy để thời gian phán xét chúng ta”.
>> Mọi thứ trong vũ trụ đều được tạo thành từ những rung động
Quả thật nhiều người đã cười nhạo Tesla. Đó là thói đời – thói thiển cận, tự phụ của chủ nghĩa duy khoa học (scientism), một chủ nghĩa cho rằng tất cả những hiện tượng không thể giải thích được bằng khoa học đều không đáng tin cậy. Chủ nghĩa này tự cho mình là khoa học, nhưng thực ra lại rất phản khoa học, bởi nó tự phơi bày sự thiếu hiểu biết về Định lý Gödel – một định lý toán học chỉ ra rằng tồn tại vô số thứ nằm ở phía bên kia tầm với của khoa học.
Năm 1931, Kurt Gödel công bố Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness), trong đó chỉ ra rằng:
● Trong toán học luôn luôn tồn tại những sự thật không thể quyết định được (không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ).
● Toán học không thể tự chứng minh mình là một hệ thống nhất quán (phi mâu thuẫn).
Tóm lại, toán học là bất toàn.
Nếu hệ logic mạnh nhất như toán học mà bất toàn thì suy ra mọi hệ logic khác đều bất toàn – mọi hệ thống nhận thức duy lý nói chung đều bất toàn. Ngay từ thế kỷ 17, nhà toán học và triết học lỗi lạc Blaise Pascal đã nhìn thấy điều đó. Ông nói:
“Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng có vô số thứ ở phía bên kia tầm với của lý lẽ” (La dernière démarche de la raison est de reconnaître qu’il y a une infinité de choses qui la surpassent).
Khoa học càng tiến lên càng cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy Pascal và Gödel hoàn toàn đúng. Sau đây là vài thí dụ:
● Năm 1878, George Cantor nêu lên Giả thuyết Continuum (CH – Continuum Hypothesis): Không tồn tại một tập hợp nào có lực lượng lớn hơn lực lượng của tập số tự nhiên và nhỏ hơn lực lượng của tập số thực.
Năm 1900, trong Hội nghị toán học quốc tế tại Paris, David Hilbert đã liệt kê một loạt bài toán thách thức thế kỷ 20, trong đó Giả thuyết Continuum được xếp ở vị trí số 1. Năm 1940, Kurt Gödel đã chứng minh CH không thể bác bỏ được. Năm 1963, Cohen (một học trò của Gödel) chứng minh CH không thể chứng minh được.
● Trong khoa học máy tính, Greg Chaitin, một nhà toán học thuộc Viện Watson của tổ hợp IBM, khám phá ra số Omega – một số thực nhưng không thể tính được (uncomputable)[2]. Cộng sự của Chatin tiếp tục chỉ ra những số siêu Omega,… Dựa trên những công trình về số Omega và siêu Omega, nhà toán học John Casti thuộc Viện Santa Fe ở tiểu bang New Mexico của Mỹ kết luận: “Công trình của Chaitin chỉ ra rằng phạm vi những bài toán có thể giải được chỉ giống như một hòn đảo nhỏ trên một đại dương bao la của các mệnh đề không thể quyết định được”[3].
● Số Omega của Chaitin là sự phát triển của Sự cố Dừng (The Halting Problem) do Alan Turing khám phá ra từ năm 1936, trong đó nói rằng không thể đoán trước một chương trình máy tính sẽ chạy mãi mãi hay bỗng nhiên bị dừng.
● Bài toán số 10 của Hilbert: Tìm một thuật toán tổng quát để xác định xem một phương trình Diophantine f(x1, x2,….xn) = 0 có nghiệm nguyên hay không. Bài toán này đã được chứng minh là tương đương với Sự cố Dừng, và do đó, câu trả lời là không thể tìm được một thuật toán nào như thế.
● Trong vật lý lượng tử, tương tác ma quái (Spooky Interaction) là một hiện tượng “ma quái” không thể giải thích được, mặc dù hiện nay nó đã và đang được nghiên cứu ứng dụng để truyền thông tin tức thời. Để hiểu rõ điều này, xin đọc bài báo “Bước đột phá trong vật lý lượng tử: chuyển thông tin tức thời”[4] của Phạm Việt Hưng trên VnExpress ngày 01/07/2002.
>> Dịch chuyển tức thời: Vật chất có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng?
● Lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hóa đang bị bế tắc trước câu hỏi: “Nguồn mã DNA là gì?”. Theo Lý thuyết Thông tin, thông tin không phải là vật chất, nó độc lập với vật chất, không bắt nguồn từ vật chất, và luôn luôn bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Mã DNA là thông tin của sự sống, vậy mã DNA phải bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Thuyết tiến hóa không chấp nhận sự tồn tại của một Nguồn trí tuệ thông minh trong Vũ trụ, do đó họ bị bế tắc trước câu hỏi về nguồn mã DNA. Độc giả có thể tìm hiểu kỹ vấn đề này trong cuốn “Định lý Gödel – Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019, Chương 5: Lý thuyết nguồn gốc sự sống dưới ánh sáng của Định lý Gödel, trang 231.
● Các nhà vũ trụ học cũng bế tắc trước câu hỏi về nguồn gốc của “nguyên tử nguyên thủy” và “vụ nổ lớn” trong Lý thuyết Big Bang. Để tránh phải thừa nhận Chúa sáng tạo ra “nguyên tử nguyên thủy” và kích thích vụ nổ lớn, các nhà vật lý theo chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) đã bịa ra Thuyết đa vũ trụ (Multiverse), trong đó họ tưởng tượng có nhiều vũ trụ vật lý khác nhau, và khi hai vũ trụ va chạm vào nhau sẽ gây ra vụ nổ lớn. Mặc dù được hỗ trợ bằng các phương trình toán học, nhưng Thuyết đa vũ trụ mang tính chất hoang tưởng rõ rệt. Nó bị chính các nhà khoa học hàng đầu của chủ nghĩa tự nhiên bác bỏ, vì không thể kiểm chứng được. Điều này cũng đã được trình bày trong cuốn sách nói trên, Chương 3: Tác động của Định lý Gödel đối với vật lý học, mục “Câu hỏi lớn của Lý thuyết Big Bang”, trang 152.
● Tuy nhiên, bài toán khó nhất đối với khoa học là câu hỏi về bản chất và nguồn gốc của ý thức.
Khoa học vĩnh viễn sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi ý thức là gì và ý thức từ đâu đến. Tại sao? Vì hai lý do:
Thật vậy, tham vọng dùng khoa học để giải thích bản chất của ý thức thực chất là dùng ý thức để giải thích ý thức, tức là rơi vào nghịch lý tự quy chiếu (self-referential paradox). Đó là một nội dung cơ bản của Định lý Gödel.
Từ lâu Max Planck, cha đẻ của Thuyết lượng tử, cũng khẳng định không thể giải thích được ý thức. Ông không hề nhắc đến Định lý Gödel, nhưng ý kiến của ông mang đậm mầu sắc của định lý này. Ông nói:
“Tôi coi ý thức là nền tảng căn bản… Chúng ta không thể biết được những gì đằng sau ý thức. Mọi thứ chúng ta bàn đến, mọi thứ mà ta coi là đang tồn tại, đều do ý thức mặc nhận”.
Erwin Schrödinger, cha đẻ của phương trình sóng trong cơ học lượng tử, cũng nói điều tương tự:
“Ý thức không thể giải thích được bằng những thuật ngữ mang tính vật chất. Vì ý thức là khái niệm gốc rễ, không thể giải thích được bằng những thuật ngữ của bất cứ cái gì khác”.
Ngay từ thế kỷ 17, nhà toán học và triết học lừng danh René Descartes từng nhấn mạnh rằng ý thức không tuân thủ bất cứ một định luật vật lý nào cả, và do đó nó phải là một cái gì đó do Chúa truyền cho chúng ta.
Các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên không tán thành với Descartes, nhưng sau 400 năm, không ai có thể chứng minh ý thức là vật chất, mặc dù người ta thấy rõ ràng rằng ý thức có quan hệ gắn bó với vật chất, thậm chí ý thức có thể tác động tới vật chất. Mọi nỗ lực chứng minh ý thức là một dạng vật chất nào đó [của không gian hiện hữu này] đều thất bại. Tạp chí Scientific American ngày 18/08/2016 đã công khai thừa nhận khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức.
>> Vật chất và ý thức là một thể thống nhất
Vậy làm thế nào để thỏa mãn khát vọng hiểu biết của con người về những hiện tượng liên quan với ý thức?
Chúng ta chỉ có một lựa chọn: Từ bỏ con đường quy giản ý thức về vật chất, thừa nhận sự hiện hữu độc lập của ý thức như một tiên đề. Từ đó xây dựng một khoa học mới về ý thức theo phương pháp tiên đề:
Xây dựng một hệ tiên đề về ý thức
Từ hệ tiên đề ấy, xây dựng các định lý về ý thức.
Kết hợp những trải nghiệm của Tesla và những kết luận của “Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật” (Manifesto for a Post-Materialist Science), do một nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới công bố năm 2014, xin nêu lên một hệ tiên đề cho một khoa học mới về ý thức như sau:
Tiên đề 1: Thế giới vật chất không phải là thành phần chủ yếu hoặc duy nhất của thế giới hiện thực. Bên cạnh thành phần vật chất, tồn tại những thành phần phi vật chất như thông tin, ý thức. Những thành phần này tồn tại độc lập với nhau và có quan hệ với nhau.
Tiên đề 2: Tồn tại một trung tâm ý thức trong vũ trụ (cái mà Tesla gọi là trung tâm cốt lõi của vũ trụ).
Tiên đề 3: Bộ não không phải là cỗ máy sản xuất ra ý thức, mà là cỗ máy tiếp nhận và xử lý thông tin phát đi từ trung tâm ý thức trong vũ trụ.
Tiên đề 4: Sự sống không chỉ là một cỗ máy hóa học, mà còn là một cỗ máy thông tin và một cỗ máy có ý thức.
Hệ tiên đề nói trên có được chấp nhận hay không, điều này tùy thuộc vào những thử thách mà nó phải chịu đựng. Nếu hệ tiên đề đó giúp chúng ta giải thích được các hiện tượng liên quan đến ý thức thì nó sẽ đứng vững. Nếu không nó sẽ bị thay thế bởi những tiên đề khác.
Có thể còn quá sớm để khẳng định hệ tiên đề nói trên được mọi người chấp nhận. Nhưng ngoài phương pháp tiên đề, không có một hướng nghiên cứu nào khác khả dĩ, bởi ý thức không thể giải thích được bằng các phương pháp của khoa học truyền thống, tức khoa học vật chất.
Xây dựng một hệ tiên đề cho một khoa học mới thực ra là xây dựng một hệ thống các niềm tin ban đầu cho khoa học đó.
Đối với một số người, những trải nghiệm của Tesla không đáng tin cậy. Nhưng với nhiều người khác, những trải nghiệm đó hoàn toàn đáng tin cậy. Những người không tin đa số là những người không hề có trải nghiệm bất thường về tâm lý hoặc tâm linh. Ngược lại, những người tin vào Tesla thường là những người ít nhiều có những trải nghiệm tương tự. Chẳng hạn:
Einstein và Gödel là đôi bạn tri kỷ vong niên, nhưng hai người có trải nghiệm khác nhau về nhận thức đối với cái siêu nhiên – mặc dù rất thân thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau trong khoa học, nhưng quan điểm của hai ông không hoàn toàn ăn ý với nhau về vai trò của Đấng Sáng Tạo.
Thật vậy, Einstein tuyệt đối tin vào sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo, nhưng không tin rằng đó là Chúa quan phòng – một Đấng quan tâm tới đời sống của nhân loại.
Trong khi đó, Gödel là người tin vào sự hiện hữu của một Chúa vừa là Đấng Sáng Tạo vừa có quan hệ gắn bó với đời sống của con người. Nói cách khác, Gödel tin vào Chúa của tôn giáo. Thậm chí Gödel đã từng dùng logic toán học để chứng minh sự hiện hữu của Chúa của ông[6].
Không thể dùng logic và thực chứng để phán xét ai đúng, ai sai. Chỉ có trực giác nói thầm vào tai chúng ta mà thôi. Vì thế Chúa Jesus mới nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Blessed are those who have not seen and yet have believed) (John 20:29).
Rốt cuộc, đây là vấn đề lựa chọn hệ tiên đề của mỗi người.
Bài viết này thể hiện một lựa chọn, rằng Tesla đúng. Ông nói cho chúng ta biết những sự thật mà chúng ta không biết, bởi vì thông tin từ trung tâm ý thức trong vũ trụ đến với chúng ta thông qua môi trường vật chất trung gian để tác động lên năm giác quan. Bằng cách đó, nhận thức của chúng ta bị giới hạn trong một phạm vi hẹp của vũ trụ.
Trong khi đó, Tesla, theo một cách nào đó, vì một lý do nào đó, có thể vì một sứ mệnh đặc biệt nào đó, đã trực tiếp nhận được những thông tin từ trung tâm ý thức trong vũ trụ, không thông qua môi trường vật chất trung gian mà đến thẳng với bộ não. Vì thế ông trở thành SIÊU NHÂN so với chúng ta.
Hiện tượng siêu nhân của Tesla phù hợp với Định lý Gödel, vì định lý này chỉ ra rằng cái đúng của một hệ logic phải tìm ngoài hệ đó. Nếu sự sống là một hệ logic thì cái đúng của sự sống phải tìm ngoài sự sống!
Ngoài sự sống là gì nếu không phải là Nguồn trí tuệ thông minh đã lập trình cho sự sống?
>> Sự tồn tại của vũ trụ là phép lạ lớn nhất mọi thời đại
Nếu nói bản chất của ý thức là đặc trưng cốt lõi của sự sống thì nguồn gốc của ý thức chính là nguồn gốc của con người, hay nói một cách rõ hơn, nguồn gốc của ý thức chính là nguồn gốc của sinh mệnh con người.
Nếu cho rằng ý thức của con người nằm ngoài não bộ, là một thành phần phi vật chất [của không gian vật chất hiện hữu này] và có thể kết nối đến “ý thức của vũ trụ” thì hẳn nhiên ý thức phải có nguồn gốc đến từ vũ trụ. Điều này cũng rất tương hợp với quan điểm về nguồn gốc con người.
Phạm Việt Hưng, 21/02/2020
Bài viết gốc của GS. Phạm Việt Hưng ở đây.
Chú thích:
[1] Nikola Tesla Nhà Phát Minh Thiên Tài Của Nhân Loại https://www.youtube.com/watch?v=h1TMDYVr9lw
[2] Tính ngẫu nhiên trong toán học https://viethungpham.com/2010/07/10/d%E1%BB%8Bnh-ly-b%E1%BA%A5t-toan-6-tinh-ng%E1%BA%ABu-nhien-trong-toan-h%E1%BB%8Dc/
[3] The Omega Man, New Scientist ngày 10-03-2001
https://www.newscientist.com/article/mg16922814-800-the-omega-man/ Tính ngẫu nhiên trong toán học https://viethungpham.com/2010/07/10/d%E1%BB%8Bnh-ly-b%E1%BA%A5t-toan-6-tinh-ng%E1%BA%ABu-nhien-trong-toan-h%E1%BB%8Dc/
[4] Bước đột phá trong vật lý lượng tử: Chuyển thông tin tức thời https://vnexpress.net/khoa-hoc/buoc-dot-pha-trong-vat-ly-luong-tu-chuyen-thong-tin-tuc-thoi-2057788.html
[5] Xem mục “Tại sao khoa học không thể giải thích được ý thức”, trong cuốn “Định lý Gödel – Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, PVHg, NXB Tri Thức 2019, trang 227.
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…