Mỹ luôn là quốc gia có vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, không chỉ bởi đây là quốc gia mang lại giá trị thặng dư thương mại nhiều nhất, mà còn là nơi đóng góp kiều hối lớn nhất cho Việt Nam.
Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt Nam là quốc gia thuộc trong Top 10 nước có lượng tiếp nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017.
Còn tính riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ hai (chỉ sau Philippines) về quy mô dòng kiều hối được gửi về nước.
Theo đánh giá của UNDP, kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bức tranh tài chính tổng thể của một số nước ASEAN. Ở Philippines, kiều hối chiếm tới 17% tổng nguồn tài chính của quốc gia này, trong khi ở Myanmar chiếm 13% và Việt Nam là 12% tổng nguồn tài chính.
Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của dòng kiều hối về Việt Nam đã sụt giảm mạnh từ năm 2010, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm vẫn cao hơn mức trung bình chung của thế giới.
Bên cạnh đó, tỷ trọng đóng góp của kiều hối trong GDP của Việt Nam ở mức 6-8% GDP trong giai đoạn 2006-2017, cao hơn nhiều so với các nước phát triển, bình quân chỉ chiếm 1-2% GDP.
“Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước”, báo cáo của UNDP nhận định.
Trong đó, dòng kiều hối từ Mỹ chảy về Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến 55% tổng lượng kiều hối, kế đến là các quốc gia: Úc, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc.
Phần lớn kiều hối được gửi về nước là xuất phát từ Việt kiều (chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp) chiếm 80-90% tổng lượng kiều hối về nước, trong khi đó, kiều hối từ nhóm xuất khẩu lao động chỉ chiếm một phần nhỏ (6-7%).
Nếu như Việt Nam phải hy sinh nguồn thu thuế và dành ưu đãi lớn về đất đai cho thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hay nguồn vốn vay ODA phải trả lãi suất ngày càng gia tăng, thì kiều hối lại là kênh quan trọng cho nền kinh tế bởi không hao tổn chi phí huy động trong khi lại bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể.
Theo UNDP, quy mô kiều hối về Việt Nam nhiều hơn gấp 4 lần nguồn vốn ODA trong năm 2016 và tương đương với lượng FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2017.
Xét theo tỉnh thành phố tiếp nhận, UNDP dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy kiều hối về TP.HCM chiếm một nửa tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam, trong đó 70% được chuyển sang hoạt động kinh doanh và 20% đầu tư vào bất động sản.
“Kiều hối có thể có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn tài chính phát triển của Việt Nam nếu ngoài phục vụ mục đích tiêu dùng, kiều hối được chuyển sang các dự án đầu tư sản xuất/kinh doanh và chuyển ra khỏi lĩnh vực bất động sản hoặc ‘tích lũy’ dưới dạng vàng hoặc ngoại tệ”, các chuyên gia của UNDP đánh giá.
Trong năm 2017, Mỹ cũng là quốc gia mang lại giá trị thặng dư thương mại lớn nhất cho Việt Nam, với 32,4 tỷ USD. Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường Việt Nam bị thâm hụt thương mại nhiều nhất với mức thâm hụt lần lượt là -23,2 tỷ USD và -31,8 tỷ USD.
Chân Hồ
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.