Trung Quốc đối đầu tầng lớp tỷ phú mới nổi (P2) – Kiếm tiền dưới thòng lọng của đảng

Lo sợ sự trỗi dậy của các đầu sỏ chính trị như ở Nga, Bắc Kinh không ngừng để mắt đến lớp doanh nhân giàu có mới nổi của Trung Quốc. Những người đang nắm trong tay quyền lực kinh tế thực sự.

Ông Quách Quảng Xương, từng có tên trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes với tài sản trên 7 tỷ USD

Một trường hợp tương tự khác trong chiến dịch triệt hạ tỷ phú tư nhân đó là tỷ phú Quách Quảng Xương (Guo Guangchang), nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Fosun Thượng Hải, người đã mua lại Tập đoàn nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới Club Méditerranée, và nắm cổ phần trong công ty giải trí Cirque du Soleil – đã buộc phải nhiều lần lên tiếng phủ nhận tin đồn rằng ông đang bị giam giữ được lan truyền trên mạng và báo chí địa phương.

Vào một thời điểm năm 2015, ông Quách đã đi đến New York, và đăng tải một bức ảnh của mình trên mạng trực tuyến để chứng minh ông vẫn còn tự do và làm việc bình thường.

Giới tỷ phú nắm giữ nhiều bí mật về các quan chức ĐCSTQ

Trước thềm Đại hội đảng, ông Tập đã trực tiếp nếm trải kinh nghiệm đau đớn trước những điều có thể xảy ra khi một doanh nhân “nổi loạn”.

Từ căn hộ sang trọng của mình ở Manhattan, ông Quách Văn Quý (Guo Wengui), một nhà phát triển bất động sản ở Bắc Kinh, đã tuyên chiến với chính quyền Bắc Kinh bằng cách tiết lộ những bí mật động trời thông qua các đoạn video và viết trên mạng xã hội Twitter. Ông nêu ra tên các quan chức cấp cao tham nhũng và các thành viên Bộ Chính trị có con ngoài giá thú.

Không phải tất cả các tiết lộ của ông về giới nhà lãnh đạo Trung Quốc đều có thể được kiểm chứng một cách độc lập, nhưng những liên hệ giữa các doanh nhân bị “lưu đày” ở nước ngoài với các cựu quan chức cấp cao, khiến các tuyên bố này có tính khả tín nhất định. Trường hợp điển hình là ông Mã Kiện (Ma Jian), cựu Thứ trưởng Bộ An ninh, hiện đang ở trong tù sau khi bị phanh phui vụ hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Ông Quách, người đang chạy trốn khỏi các cáo buộc tham nhũng ở Trung Quốc, trên Youtube đã hứa hẹn sẽ tiết lộ thêm nhiều chuyện “thâm cung bí sử” nữa, bao gồm “91 thư mục và 18 băng video” mà ông đã lén đưa được ra khỏi Trung Quốc khi rời đi vào năm 2015.

Tỷ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui), nhà phát triển bất động sản ở Bắc Kinh đang nắm giữ nhiều bí mật về các quan chức ĐCSTQ (Ảnh: twitter.com)

Đầu tháng 10, Facebook đã chặn trang cá nhân của ông, với lý do rằng ông đã đăng tải nhiều thông tin cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ.

Sau đó, Viện Hudson, một ban tham mưu của Washington, đã trì hoãn lại một sự kiện có mặt ông Quách, điều mà ông cho là vì áp lực từ phía chính quyền Trung Quốc. (Một người phát ngôn của Viện Hudson cho hay, đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đã phàn nàn về sự kiện này khi có sự tham gia của ông Quách, nhưng lại biện lý do rằng sự kiện đã bị huỷ bỏ bởi khâu tổ chức kém của phía học viện).

Hiện tại, ông Quách là một người cá biệt, bởi có rất ít nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào của Trung Quốc, từ nhỏ cho đến lớn, dám công khai đối đầu với các giới lãnh đạo của đảng.

Đối với nhiều người nơi đây, cái thẻ đảng và các  quan hệ trong đảng là con đường dẫn đến các khoản vay rẻ, thăng tiến và làm giàu.

Barry Naughton, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, San Diego nói: “Các công ty tư nhân đã được cảnh báo với một sự lựa chọn rất rõ ràng: Quý vị có thể kiếm tiền, nhưng quý vị phải chấp nhận sự thống trị của ĐCS.”

Vai trò của tầng lớp doanh nhân

ĐCS Trung Quốc đã mất rất nhiều thời gian để thừa nhận vai trò quan trọng kinh tế tư nhân.

Vào đầu những năm 1980, mặc dù đã trải qua một vài năm sau khi Đặng Tiểu Bình phát động chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hiến pháp của đảng vẫn còn khoác lác về “ưu thế vượt trội so với hệ thống tư bản chủ nghĩa” của chủ nghĩa xã hội.

Các quan chức địa phương thường tỏ ra lo lắng mỗi khi phát hiện ra các doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh mẽ tại khu vực họ, và sẽ xin ý kiến của ông Đặng  trước khi cho phép họ tiếp tục kinh doanh.

Đảng đã không vượt qua “điểm không thể quay đầu” (Rubicon) cho đến đầu thế kỷ 21, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng họ rất cần kinh tế tư nhân để tạo ra nhiều việc làm hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động của khu vực nhà nước ngày càng bị thu hẹp do làm ăn không hiệu quả.

Do vậy, Giang Trạch Dân, người lãnh đạo đảng từ năm 1989-2002, đã tu chỉnh lại các văn kiện của đảng để đưa kinh tế tư nhân lên một vị trí thích đáng hơn.

“Tầng lớp doanh nhân là những người xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc,” ông Giang Trạch Dân tuyên bố.

Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn tỏ ra thận trọng về tầng lớp doanh nhân không bị ràng buộc.

Thực tế, trong suốt thập kỷ qua, các quan chức Trung Quốc đã bị buộc phải tham dự các khoá học về sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và hậu quả của nó, với sự trỗi dậy của một tầng lớp đầu sỏ chính trị Nga giàu lên bằng cách gần như là ăn cắp tài sản nhà nước.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chứng kiến và kinh hoàng khi Liên Xô tan rã và tài sản của nó đã được tư nhân hóa.

Sau khi nhìn tầng lớp doanh nhân mới nổi đe dọa tiếp quản nhà nước ở Nga, các quan chức Trung Quốc đã quyết định làm điều ngược lại.

Trong hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã cố gắng khoanh vùng khu vực tư nhân để đảm bảo rằng các doanh nhân sẽ được kiểm soát.

Jude Blanchette chuyên gia kinh tế tại Conference Board’s China Center for Economics and Business, nói: “Đảng đã và đang cố gắng tìm hiểu xem thòng lọng trên cổ khối tư nhân cần dài bao nhiêu. Quá ngắn thì không thể tăng trưởng kinh tế. Mà nếu quá dài, thì nó mất kiểm soát.”

Khuyến khích doanh nhân vào đảng

“Đến năm 2016, giới doanh nhân, nam và nữ, chiếm hơn 8% số thành viên của đảng.”

Các doanh nhân được khuyến khích kết nạp đảng, mà từ lâu vốn đã được tuyên truyền là mái nhà của tầng lớp lao động, bộ đội và nông dân.

Theo một thống kê vào năm 2016, năm chứng kiến một làn sóng ào ạt doanh nhân vào đảng, số lượng doanh nhân đã chiếm hơn 8% trong tổng số 89.5 triệu đảng viên của ĐCSTQ.

Một nghiên cứu năm 2015 của 2 chuyên gia Curtis Milhaupt (Trường Luật Columbia) và Wentong Zheng (Đại học Luật Florida) cho thấy, rằng 95 trong số những lãnh đạo của 100 công ty tư nhân hàng đầu Trung Quốc, và lãnh đạo của 8 trong số 10 công ty Internet hàng đầu Trung Quốc đã hoặc đang là thành viên của các tổ chức chính trị do đảng lãnh đạo.

Yasheng Huang, một chuyên gia về Trung Quốc của MIT nói, đảng “đã tìm ra cách kết hợp khá hiệu quả với khu vực tư nhân,”. Ở bên kia cán cân, ông dẫn chứng sự kiểm soát của khu vực nhà nước về các lĩnh vực như tài chính, thép và điện để thực hiện quyền định giá mạnh mẽ đối với kinh doanh. “Có rất nhiều công cụ kinh tế mà đảng có thể áp dụng đối với khu vực tư nhân.”

ĐCS nhắm vào các ông trùm giàu có không chỉ vì các cáo buộc tham nhũng. Khi hàng chục tỷ đô la đã chảy ra nước ngoài trong những năm gần đây, Bắc Kinh lo ngại rằng sự sụt giảm trong dự trữ ngoại hối sẽ gây bất ổn cho đồng nội tệ của Trung Quốc.

Các quan chức cấp cao cũng lo ngại rằng cơn sốt thương mại sẽ chấm dứt theo cách mà Nhật Bản đã làm vào đầu những năm 1990, với số tiền rất lớn bị lãng phí trên tài sản bong bóng.

“Yêu họ. Nhưng đừng kết hôn với họ”

Bắc Kinh đã có những nỗ lực đặc biệt để giữ cho những ‘gã khổng lồ’ trong ngành công nghiệp internet của Trung Quốc trong tầm kiểm soát. Trong đó phải kể đến nhà sáng lập công cụ tìm kiếm Baidu – Lý Ngạn Hoành (Robin Li); đặc biệt là Jack Ma với trang thương mại điện tử Alibaba; và Mã Tiểu Mã (Pony Ma) tại công ty dịch vụ truyền thông Tencent.

Bộ ba công ty này thường được biết đến với tên gọi tắt là BAT ở Trung Quốc. Chỉ trong vài năm, nhờ các hoạt động tìm kiếm trực tuyến và thanh toán điện tử của người dùng, các công ty này đã trở thành một trung tâm dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực mà bộ máy an ninh quốc gia của Trung Quốc khao khát có được.

Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đứng trong hàng lãnh đạo thế giới về thanh toán di động. Họ cũng đang hợp tác với chính phủ về trí tuệ nhân tạo (AI), và giao cho nhà nước nhiều công cụ giám sát hơn, trong đó có công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Các công ty Trung Quốc đang sử dụng AI để cố gắng lên kế hoạch và dự đoán hành vi của người tiêu dùng; và chính phủ muốn sử dụng nó để tìm ra những ý kiến bất đồng và loại bỏ nó. Chẳng hạn, việc hạn chế sử dụng tiền mặt cho phép chính phủ dễ dàng theo dõi các khoản thanh toán của công dân nước họ.

Gần đây, cả Baidu và Tencent đều trải qua cơn thịnh nộ của chính phủ. Năm 2016, Baidu bị điều tra vì cáo buộc bán thứ hạng trong công cụ tìm kiếm; Tencent đã bị buộc phải đưa ra những giới hạn thời gian cho trò chơi điện thoại di động có doanh thu cao nhất, sau khi truyền thông nước này chỉ trích đó là một trò chơi gây nghiện. Chưa hết, cả hai công ty này còn bị điều tra vì những vi phạm liên quan đến an ninh mạng.

Ngược lại, Jack Ma, người hoạt ngôn nổi tiếng nhất trong các CEO công nghệ Trung Quốc, có vẻ như tránh được hầu hết vấn đề với chính quyền. Người sáng lập Alibaba thường nói rằng, ở Trung Quốc, các doanh nhân nên tránh làm ăn với các quan chức chính phủ. “Yêu họ. Nhưng đừng kết hôn với họ,” ông nói.

(Ảnh: Gettyimages.com)

Chưa yên lòng với việc đe nẹt các tập đoàn công nghệ cao, chính phủ Trung Quốc hiện đang thúc dục các công ty như Alibaba và Tencent bán cổ phiếu cho chính quyền Bắc Kinh, và yêu cầu có ghế trong ban điều hành công ty. Điều này vừa giúp chính quyền Bắc Kinh kiểm soát được mọi hoạt động, và có lẽ cũng có được một dòng tiền ổn định từ cổ tức của các công ty này.

Bất chấp các lo ngại của ông Tập về các tỷ phú mới nổi, ông nên nhận ra rằng sự nghiệp chính trị của mình đã gắn liền với giới doanh nhân như thế nào, và không thể phủ nhận vai trò của tầng lớp doanh nhân trong việc đưa Trung Quốc (và cả đảng) trở nên “vĩ đại trở lại”.

Từ năm 1985-2007, ông Tập làm việc tại Phúc Kiến và Chiết Giang, hai tỉnh ven biển phía nam của Thượng Hải, nơi sản sinh ra nhiều doanh nghiệp tư nhân nhất Trung Quốc.

Ông Nicholas Lardy thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết: “Tôi nghĩ rằng, dựa vào nơi ông ta đã từng phục vụ, ông ta nên có một ý tưởng rất tốt về cách thức hoạt động của khu vực tư nhân và tầm quan trọng của nó, nhưng tôi không thấy được điều đó.”

Tầm nhìn mà ông Tập hướng đến khó có nhiều điểm chung với giới doanh nhân tự do. Phát biểu gần đây về khu vực tư nhân của Trung Quốc, ông tuyên bố rằng các doanh nhân đang nợ đất nước một nghĩa vụ chính trị.

Ông cho rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên “tăng cường tự học, tự nhận thức và tự cải tiến.”

“Họ không nên cảm thấy không thoải mái với yêu cầu này,” ông Tập nói thêm. “Đảng cộng sản cũng có yêu cầu tương tự và thậm chí nghiêm ngặt hơn đối với các nhà lãnh đạo đảng.”

Tác giả: Richard McGregor, Wall Street Journey.
Chân Hồ

Xem thêm:

Chân Hồ

Published by
Chân Hồ

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

24 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

40 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

49 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

54 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

1 giờ ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago