Sức Khỏe

Người kế thừa truyền thống ngự y: Mang tinh hoa xưa đổi mới y học thời nay

Trong khi xã hội hiện đại ngày càng phát triển, mô hình bệnh tật cũng trở nên đa dạng và phức tạp. Nhiều phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng, trong khi những giá trị sâu sắc của Trung y – vốn chú trọng điều trị tận gốc, khôi phục sự cân bằng và hài hòa của cơ thể – lại đang dần bị lãng quên. Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, chuyên gia về y học tích hợp và Trung y, mang đến một góc nhìn khác biệt: Kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để điều trị bệnh dựa trên bốn yếu tố – giải phẫu, sinh hóa, năng lượng và tinh thần. 

(Ảnh: Yang Institute of Integrative Medicine)

“Tôi muốn con cháu chúng ta sống trong một thế giới tốt đẹp, khỏe mạnh và tươi đẹp hơn”, Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan chia sẻ. Từng bước một, ông đang xây dựng điều đó.

Xuất thân gia đình và tuổi thơ

Sinh năm 1962 tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, ông Dương là con út trong gia đình có tám anh chị em với những giá trị truyền thống mạnh mẽ và xã hội Trung Quốc đang biến động.

Gia đình ông có truyền thống y học lâu đời, với tổ tiên từng là ngự y cho hoàng đế triều Thanh. Cha ông là thầy thuốc Trung y đời thứ tư, mong muốn truyền lại nghề cho con trai trưởng. 

Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, anh cả của ông bị đưa đi “cải tạo” ở nông thôn, nên trọng trách giữ gìn truyền thống gia đình được giao cho ông.

Năm 13 tuổi, Yang bắt đầu theo cha học nghề y. Cha ông hy vọng ít nhất con trai mình sẽ trở thành một “bác sĩ chân đất” – người đi khắp các làng quê chữa bệnh cho nông dân bằng kim châm cứu và thảo dược, để đảm bảo không bao giờ bị đói.

Học vấn và sự nghiệp ban đầu

Năm 1977, Trung Quốc khôi phục kỳ thi đại học quốc gia. Ông  thi đỗ với điểm số cao và chọn ngành y, theo lời khuyên của cha rằng “Trung y tốt nhất nên học tại nhà”, và tin rằng kết hợp với y học phương Tây sẽ giúp ông trở thành bác sĩ giỏi hơn. Ông theo học tại Đại học Y khoa Quân đội số 4 danh tiếng.

Lựa chọn này cũng chịu ảnh hưởng từ quá khứ chính trị của gia đình. Cha ông từng là chiến sĩ kháng Nhật trong Thế chiến II và bị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm đến vì tính cách thẳng thắn. Ông đổi họ từ Tào sang Dương để che giấu thân phận và khuyến khích con cái học tại các trường quân đội, tin rằng điều này sẽ bảo vệ gia đình khỏi sự giám sát chính trị.

Một cách không hay biết, khi rời xa mái nhà để bước vào giảng đường y khoa, ông đã bắt đầu một hành trình vượt thoát khỏi những ràng buộc của Trung Cộng, hướng tới tự do của phương Tây, đồng thời từ trí tuệ cổ truyền tiến tới những đỉnh cao của y học hiện đại.

Trải nghiệm ở phương Tây

Trong thời gian học y, ông cảm thấy mâu thuẫn giữa khoa học thực nghiệm và triết lý cổ xưa. Ông thường tranh luận với cha về sự khác biệt giữa hai hệ thống y học. Ví dụ, y học hiện đại cho rằng máu được tạo ra trong tủy xương, trong khi Trung y cho rằng máu do thận sinh ra. Mâu thuẫn này khiến ông trăn trở suốt một thập kỷ.

Năm thứ tư đại học, ông nhận học bổng du học tại Sydney, Australia. Tại đây, ông trải nghiệm sự cởi mở về văn hóa và học thuật của phương Tây. Ông sống cùng giáo sư Thomas Stapleton – một người thầy nghiêm khắc nhưng giàu lòng nhân ái. Mỗi sáng, vị giáo sư bắt ông và các bạn học cùng lớp chạy dọc bãi biển trước khi lao mình xuống làn nước biển lạnh giá. Chương trình rèn luyện tuy khắc nghiệt nhưng mang lại sự giải phóng tinh thần.

Trở về Trung Quốc, chương trình học của ông rất truyền thống và cứng nhắc – giải phẫu, sinh lý học và hóa sinh – nhưng không bao gồm tâm lý học. Tại Úc, ông có không gian để thở, để đặt câu hỏi và để tìm hiểu ý nghĩa của chính cuộc sống.

Một lần, một bạn học hỏi ông về triết gia Đạo gia Lão Tử. Ông ngạc nhiên trước sự quan tâm đó, vì trước đây ông được dạy rằng Lão Tử là một kẻ xấu, “phong kiến” và “lạc hậu”.

Ông nhớ lại: “Điều đó thật đáng xấu hổ. Nó khiến tôi nhận ra sự thiếu sót trong nền giáo dục của chính mình đối với văn hóa của mình”. Nhưng lúc đó Yang không biết gì hơn. Theo lời ông, ông đã bị “tẩy não bởi Trung Cộng” – bị nhồi nhét một thực tế méo mó.

Về mặt học thuật, những ngày tháng của ông tràn ngập các cuộc thảo luận về y học, nhưng với một phương pháp hoàn toàn mới lạ. 

Một lần, giáo sư Stapleton hỏi ông về một đứa trẻ bị tiêu chảy. Ông liệt kê các biện pháp y học, nhưng giáo sư Stapleton tiếp tục hỏi: “Mẹ đứa trẻ đang làm gì? Bố nó ở đâu?” Điều này dạy cho ông rằng cần tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của bệnh, không chỉ điều trị triệu chứng.

Ông suy ngẫm:

“Phần lớn các bác sĩ chỉ tập trung vào việc điều trị triệu chứng, nhưng chúng ta cần phải đào sâu để tìm ra nguyên nhân gốc rễ, cả trực tiếp lẫn gián tiếp”.

Nhận thấy niềm đam mê và năng khiếu của ông, giáo sư Stapleton khích lệ: “Con phải đến Oxford”.

Khám phá tại Oxford

Tại Đại học Oxford, ông làm nghiên cứu sinh về tâm thần dược lý học lâm sàng. Ông phát hiện ra rằng hormone erythropoietin, kích thích tạo hồng cầu trong tủy xương, được sản xuất ở thận – đúng như cha ông từng dạy. Điều này giúp ông hòa giải mâu thuẫn giữa Đông và Tây y.

Ông cũng nhận ra rằng serotonin, chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến tâm trạng và huyết áp, được chuyển hóa ở gan – phù hợp với quan điểm của Đông y rằng gan liên quan đến cảm xúc và huyết áp. Những phát hiện này củng cố niềm tin của ông vào giá trị của y học cổ truyền. Y học phương Tây chỉ đang chứng minh giá trị của trí tuệ cổ đại Trung Hoa.

Một dịp khác, ông Michael Gilda, Chủ tịch Khoa Tâm thần học, đã mời ông đi ăn trưa và mời ông đến thăm thư viện của Trường Merton College. Tại đó, giữa hàng chồng sách về thảo dược y học, ông nhận ra rằng y học thảo dược phương Tây có nguồn gốc từ những thực hành tương tự như y học Trung Hoa.

Những khám phá này tại Oxford đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với ông. Hai thế giới mà ông từng đứng giữa bắt đầu hội tụ, trí tuệ cổ xưa chiếu sáng con đường phía trước.

Sự trở về không ngờ tới

Tuy nhiên, chuyến trở về của ông lại trùng với thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn. Nhiều đồng môn của ông đã tham gia, nhưng ông lựa chọn giữ im lặng. Là một sĩ quan quân đội, ông hiểu mình chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn và bất kỳ hành động nào cũng có thể gây nguy hiểm cho gia đình cũng như sự nghiệp. Ông quyết định đứng ngoài cuộc, nhưng cảm giác bất an âm ỉ len lỏi trong lòng.

Dẫu vậy, sự nghiệp học thuật của ông vẫn thăng tiến nhanh chóng. Đến năm 1992, ông đã trở thành bác sĩ điều trị và phó giáo sư trẻ tuổi nhất tại Đại học Quân y số 4, được kỳ vọng sẽ đứng đầu khoa Thần kinh và Tâm thần học. Danh tiếng liên tục gia tăng, trên mọi phương diện, ông là một ngôi sao đang lên.

Nhưng phía sau lớp vỏ hào nhoáng ấy, ông thoáng thấy một viễn cảnh đầy bất ổn. Ông nhận ra rằng người thầy hướng dẫn của mình – bất chấp những thành tựu rực rỡ – luôn sống trong sợ hãi: “Ông ấy rất cẩn trọng trong lời nói, thậm chí cả suy nghĩ, luôn phải tự kiểm duyệt mình”.

Khi nhìn thấy hình ảnh tương lai của chính mình trong đó, ông nghĩ: “Tôi không muốn sống một cuộc đời như vậy”.

Ông cảm nhận rõ sức nặng ngột ngạt của những thỏa hiệp. Ông chứng kiến các bác sĩ nhận hối lộ, thiết lập quan hệ chính trị để xin tài trợ, luồn lách trong một hệ thống tham nhũng. Cơ cấu cứng nhắc bóp nghẹt sự đổi mới và tính liêm chính.

Trong tâm trí, ông lại nghĩ đến Oxford – nơi ông từng nếm trải tự do thực sự. Ông nói: “Tôi cảm nhận được nhân phẩm và bản ngã của mình. Tôi không thay đổi Trung Quốc. Chính Trung Quốc đang thay đổi tôi”.

Và ông đã quyết định. Ông sẽ rời đi, đến Hoa Kỳ.

Gia đình và đồng nghiệp không khỏi nghi ngờ, thậm chí trách móc lựa chọn của ông: “Sao lại bỏ đi khi anh có thể trở thành bất cứ ai ở đây?”

Ông đáp dứt khoát: “Mọi người không hiểu tôi muốn gì – điều tôi muốn là tự do”.

Khởi đầu mới tại Mỹ

Năm 1998, ông đến Minnesota, Mỹ với chỉ 6.000 USD (81 triệu đồng Việt Nam) trong túi. Bằng cấp y học của ông không được công nhận, buộc ông phải bắt đầu lại từ đầu. Vợ ông gợi ý việc làm rửa bát tại nhà hàng, nhưng may mắn thay, ông nhận được công việc giảng dạy tại một trường cao đẳng cộng đồng, nơi ông dạy người Mỹ về châm cứu và thảo dược.

Ông hoàn thành chương trình nội trú về tâm thần học tại Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia và học bổng về y học tích hợp tại Đại học Arizona. Nhận thấy thiếu hụt trong giáo dục y học cổ truyền tại Mỹ, ông đồng tác giả một giáo trình Đông y toàn diện cho Nhà xuất bản Đại học Oxford và thành lập Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ để đào tạo bác sĩ về châm cứu.

Nếu không thể thay đổi Trung Quốc, ông sẽ mang những gì tinh túy nhất trong di sản của mình đến với quê hương thứ hai.

Khi danh tiếng ngày càng lan rộng, ông liên tục nhận được lời mời diễn thuyết tại các hội nghị và điều trị cho những khách hàng tầm cỡ. 

Mô hình y học tích hợp

Ông nhận thấy nhu cầu cao về các giải pháp y học tích hợp, kết hợp giữa chăm sóc thể chất và tinh thần. Ông phát triển một mô hình y học dựa trên bốn yếu tố: giải phẫu, hóa sinh, năng lượng và tinh thần. Theo ông, y học hiện đại thường bỏ qua vai trò của năng lượng và tinh thần, dẫn đến nhiều bệnh mãn tính và rối loạn tâm thần.

(Ảnh: The Epoch Times)

Ông ví con người như một chiếc xe cần có người lái – tức linh hồn hoặc ý thức – để vận hành. Trong thực hành, ông hỏi bệnh nhân về mục đích sống, mối quan hệ với bản thân và hiểu biết về tâm linh và cái chết, xem đó là phần không thể tách rời trong việc theo đuổi sức khỏe toàn diện.

Sau nhiều năm mài giũa và thực hành phương pháp của mình, giờ đây ông không còn hướng về phương Đông hay phương Tây, mà nhìn thẳng về phía tương lai.

Mục tiêu tiếp theo của ông là định hình lại nền y học của nước Mỹ – và cách tốt nhất để khơi nguồn thay đổi chính là dẫn dắt bằng hành động và tấm gương sống.

Trung tâm Y học Phương Bắc (Northern Medical Center)

Hiện nay, ông là giám đốc điều hành của Trung tâm Y học Phương Bắc, tại Middletown, New York – một trung tâm y tế kết hợp trí tuệ cổ xưa và hiện đại để điều trị bệnh nhân một cách toàn diện. Trung tâm cung cấp dịch vụ y học tích hợp, kết hợp điều trị y học tiêu chuẩn, châm cứu và thảo dược dưới một mái nhà, phục vụ hơn 1.000 bệnh nhân mỗi tháng.

Ông nhấn mạnh: 

“Trung y không nên bị coi là một lựa chọn bổ sung hay thay thế, mà là yếu tố thiết yếu”.

Trung tâm sử dụng “kỹ thuật thần kinh-cảm xúc” (NET), kết hợp hiểu biết của Đông y về kinh mạch và tắc nghẽn cảm xúc với phương pháp tiếp cận hệ thống của phương Tây để xác định nơi cảm xúc chưa được giải quyết lưu trữ trong cơ thể. Ví dụ, một bệnh nhân tên Rob không thể bỏ thuốc lá dù đã cố gắng nhiều lần. Sử dụng NET, ông đã giúp Rob nhận ra thói quen hút thuốc bắt nguồn từ áp lực học tập từ cha anh ta nhiều năm trước. Sau khi giải phóng tắc nghẽn cảm xúc này, Rob bỏ thuốc thành công và không hút lại.

Trung tâm cũng chú trọng chăm sóc bệnh nhân với lòng nhân ái và sự đồng cảm. Các nhân viên cho biết ông dành nhiều thời gian cho từng bệnh nhân, xem đó là những cuộc đối thoại hơn là tư vấn. Ông muốn hiểu hoàn cảnh cuộc sống của bệnh nhân, không chỉ là các chỉ số xét nghiệm.

Tầm nhìn về bác sĩ “ba trong một”

Với ông, việc cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe cần bắt đầu từ việc hình dung lại vai trò của người thầy thuốc.

“Nếu bác sĩ chỉ được trả tiền để kê đơn thuốc, nói chuyện với bệnh nhân trong 15 phút và thực hiện phẫu thuật, thì họ sẽ không có động lực để làm bất kỳ điều gì khác”, ông nói.

“Hãy tưởng tượng một hệ thống nơi bác sĩ chăm sóc ban đầu được trả công ngang nhau cho việc phòng ngừa bệnh tật và điều trị bệnh. Điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiếp cận khái niệm sức khỏe”.

Tầm nhìn của ông về kiểu bác sĩ mới này được gợi cảm hứng từ trí tuệ cổ truyền Trung Hoa. Ông thường kể lại câu chuyện về Biển Thước – một danh y huyền thoại. Khi được Hoàng đế hỏi liệu ông có phải là người giỏi nhất không, Biển Thước trả lời: “Không, thần không phải người giỏi nhất. Thần chỉ trị bệnh mà thôi. Người giỏi nhất là người có thể ngăn cho dân không mắc bệnh”.

Biển Thước còn nói:

“Thượng y trị quốc. Trung y trị nhân. Hạ y trị bệnh”. 

Ông chỉ ra rằng nếu nhìn vào hệ thống y tế Hoa Kỳ hiện nay, phần lớn bác sĩ chỉ đang xử lý các triệu chứng bệnh tật, chứ không phải nguyên nhân gốc rễ. Chính điều này vừa là vấn đề, vừa là cơ hội.

Ông mong muốn đào tạo thế hệ lãnh đạo y tế tương lai trở thành những “bác sĩ ba trong một” – tức là những người có thể:

  • Định hình chính sách y tế công
  • Chữa bệnh theo hướng toàn diện
  • Và điều trị hiệu quả các bệnh lý

Đó là một hình mẫu bác sĩ lý tưởng, vừa có tâm, vừa có tầm, vừa hiểu sâu y học vừa biết lo cho cộng đồng.

Tầm nhìn vì một nước Mỹ khỏe mạnh hơn

Trung tâm Y học Bắc Phương (Northern Medical Center) chỉ là điểm khởi đầu. Sau hơn bốn thập niên học tập và nghiên cứu các ngành y học đa dạng trên bốn châu lục, ông tin rằng hệ thống y tế Hoa Kỳ cần được cải tổ toàn diện.

Dù có ngân sách lên tới 4,5 nghìn tỷ USD, hệ thống hiện tại lại đặt trọng tâm vào can thiệp hơn là phòng ngừa, vào bệnh tật hơn là sức khỏe. Theo ông, y học tích hợp chính là mảnh ghép còn thiếu. Nếu thiếu nó, “chúng ta sẽ không thể làm nước Mỹ khỏe mạnh trở lại”.

Ông tin rằng, chỉ cần 0,0046% ngân sách y tế, ông có thể chứng minh được một mô hình y tế thực sự hiệu quả – lấy Trung tâm Y học Phương Bắc làm hình mẫu tiên phong.

Ông đang theo đuổi một kế hoạch lớn: xây dựng một hệ thống y tế địa phương kiểu mẫu, nơi y học tích hợp vừa có chi phí thấp hơn, vừa hiệu quả hơn, và có thể mở rộng ra toàn cầu.

Tầm nhìn của ông là xây dựng một hệ sinh thái gồm trường y, bệnh viện, và viện nghiên cứu, trong đó các bác sĩ được đào tạo để nhìn nhận bệnh nhân như một con người toàn diện, và nơi mà sức khỏe không còn được định nghĩa chỉ bằng sự vắng mặt của bệnh tật, mà là sự hiện diện của sự cân bằng.

Đó là một tầm nhìn đột phá nhưng đã bắt đầu hình thành tại Trung tâm Y học Phương Bắc.

“Dựa trên con người ông ấy, Tiến sĩ Dương rất phù hợp với sứ mệnh như vậy”, nhà tâm lý học kiêm đồng nghiệp cũ Robert Backer nhận xét. Ông Dương có khả năng truyền cảm hứng, quy tụ mọi người cùng chia sẻ lý tưởng của ông. Ngày càng nhiều người gia nhập đội ngũ, bị thuyết phục bởi tầm nhìn và niềm tin mà ông mang theo.

Tác phong của ông điềm đạm, sâu sắc, nhưng chuyển biến nhanh chóng khi hành động – có lẽ là dấu ấn từ quá trình huấn luyện quân sự trước đây. “Ông ấy đặt mục tiêu, và biến nó thành hiện thực”, trợ lý y tế của ông cho biết.

Với ông, đây không phải là hành trình cho danh tiếng cá nhân.

Ông chia sẻ: 

“Những gì chúng ta làm trong đời này sẽ góp phần định hình tương lai. Tôi muốn con cháu chúng ta được sống trong một thế giới tốt đẹp, khỏe mạnh và tươi sáng hơn”.

Tiến sĩ Dương, theo chính lời ông, là một người mộng mơ — nhưng ông không chờ đợi thế giới ấy đến. Ông đang xây dựng nó.

Tú Liên

Published by
Tú Liên
Tags: Trung y

Recent Posts

Hai nhà ngoại giao Israel bị bắn chết ở Washington, DC, Hoa Kỳ

Một người đàn ông ủng hộ Palestine đang bị giam giữ sau khi bị cáo…

52 phút ago

Bộ Công thương: Hàng hiệu giả công khai bán tại các tuyến phố du lịch Đà Nẵng

Một đợt cao điểm trấn áp buôn lậu và hàng giả được thực hiện từ…

1 giờ ago

Bí quyết sống thọ đã được người đoạt giải Nobel khám phá, nguyên nhân thật bất ngờ

Theo hiểu biết thông thường, sống thọ thường liên quan đến tập luyện, bỏ thuốc…

1 giờ ago

Giáo sư virus học Gintsburg người Nga cảnh báo về đại dịch “cúm mèo” toàn cầu

Giáo sư Alexander Gintsburg cảnh báo rằng cúm gia cầm H5N1 hiện đang lây lan…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Rubio cáo buộc cựu Tổng thống Biden “thiếu trách nhiệm” trong vấn đề Nga

Chính quyền của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã hành động một cách…

2 giờ ago

EU thông qua kế hoạch quân sự hóa trị giá 150 tỷ euro

Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt một chương trình vay…

2 giờ ago