Tin tức sức khỏe

Một trường học vùng cao ở Quảng Bình phát sinh ổ dịch thủy đậu

Trong vòng 3 ngày, tổng cộng 14 học sinh lớp 7A trường TH&THCS xã Lê Hóa (tỉnh Quảng Bình) phát triệu chứng của bệnh thủy đậu. 

Một học sinh đang được tra thuốc, trên mặt, cổ và thân xuất hiện nhiều bọng nước chứa dịch. (Ảnh: cdcquangbinh.gov.vn)

Ngày 24/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, tại huyện Tuyên Hóa xuất hiện một ổ dịch thủy đậu trong trường học vùng cao.

Theo CDC Quảng Bình, ngày 19/10 xuất hiện 2 ca bệnh đầu tiên, cùng là học sinh lớp 7A Trường Tiểu học – THCS xã Lê Hóa. Hai học sinh có triệu chứng điển hình của bệnh Thủy đậu (sốt, đau đầu, trên da xuất hiện vết ban đỏ, bọng nước có đường kính khoảng 5mm…).

Đến ngày 21/10, trong lớp phát hiện thêm 12 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, nâng tổng số các ca mắc bệnh lên 14.

Những học sinh này được nghỉ học, cách ly tại nhà, cán bộ y tế địa phương hướng dẫn điều trị. Trong đó, thôn Quảng Hóa (10 ca), Tiền Phong (2 ca), Yên Xuân (1 ca) và Đồng Lê (1 ca) cùng thuộc xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa đã tiến hành xử lý môi trường, vệ sinh khử khuẩn khuôn viên nhà trường, lớp học và tại từng hộ gia đình có trường hợp mắc bệnh. Theo CDC Quảng Bình, tính đến ngày 24/10, có 4 ca đã được điều trị khỏi và đi học trở lại.

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình yêu cầu Trung tâm Y tế Tuyên Hóa tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, khoanh vùng từng hộ gia đình, các thôn có các trường hợp mắc bệnh, phát hiện sớm xử lý kịp thời không để dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng. CDC Quảng Bình đã hỗ trợ 50 lọ thuốc hồ Neo pred 30g để điều trị bệnh thủy đậu và 25kg Cloramin B để khử khuẩn môi trường cho trường TH&THCS Lê Hóa.

Bác sĩ Tiêp cho hay thủy đậu (hay còn gọi là bỏng rạ, trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ, người lớn suy giảm miễn dịch. Bệnh rất dễ lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh nên dễ bùng phát thành dịch.

Đường lây truyền bệnh là qua hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, qua tiếp xúc chung đồ vật, qua tiếp xúc với bỏng nước trên da người bệnh bị vỡ, từ mẹ sang con qua nhau thai và trong khi đẻ.

Bệnh thủy đậu hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc và phương pháp hỗ trợ điều trị. Đây là bệnh lành tính tuy nhiên vẫn có biến chứng nặng (như viêm não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết…, di chứng về thẩm mỹ…).

Theo CDC Quảng Bình, tính đến ngày 24/10, tỉnh này đã ghi nhận 174 trường hợp mắc thủy đậu, giảm 54,9% so với cùng kỳ năm 2023. Những khu vực ghi nhận nhiều ca bệnh là Tuyên Hóa (56 ca), Quảng Trạch (41 ca), Đồng Hới (21 ca), Quảng Ninh (20 ca)…

Hồi tháng 5/2023, Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) từng ghi nhận 12 trường hợp học sinh mắc bệnh thủy đậu. Các ca nhiễm bệnh được nghỉ học để điều trị, lớp học được khử khuẩn, ngăn ngừa bệnh lây lan.

Nguyễn Sơn

Nguyễn Sơn

Published by
Nguyễn Sơn

Recent Posts

Nguyên Phó Chủ tịch huyện Bảo Lâm bị khởi tố liên quan Công ty chè Minh Rồng

Ông Nguyễn Trung Thành – Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm…

13 phút ago

Nhiều quan chức Mỹ lên tiếng việc ĐCSTQ dùng AI và đội quân robot mạng

ĐCSTQ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đàn áp người dân Trung Quốc, đồng…

28 phút ago

Công nghiệp hóa thu hoạch nội tạng sống là hậu quả xấu xa của ĐCSTQ

Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công để…

1 giờ ago

Bão Trà Mi trên Biển Đông giật cấp 12, biển động dữ dội

Sáng ngày 25/10, bão Trà Mi tăng lên cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12; tốc…

2 giờ ago

Vì sao làn sóng tháo chạy vốn mới của Trung Quốc lại lớn đến vậy?

Dưới con mắt của các cơ quan quản lý, người dân Trung Quốc vẫn chuyển…

2 giờ ago

Thủ tướng Thái Lan xin lỗi vì vụ đàn áp người Hồi giáo từ hai thập kỷ trước

Hôm thứ Năm (24/10), Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn đã xin lỗi về việc hàng…

2 giờ ago