Tin tức sức khỏe

Việt Nam tăng thêm 78.674 ca bệnh lao mới, 2.764 ca kháng đa thuốc

Số bệnh nhân lao mắc mới được phát hiện trong năm 2023 tăng thêm 2% so với cùng kỳ năm 2022, và gấp tới 32,3% so với cùng kỳ năm 2021 – năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

Một ảnh chụp Xquang do bệnh nhân lao phổi tham khảo ý kiến trong một cộng đồng khám chữa bệnh lao phổi có tới 8,9 nghìn thành viên trên mạng xã hội. (Ảnh: Khám chữa Bệnh Lao, Bệnh viện Phổi Trung ương/Facebook)

Thông tin trên được công bố tại Giao ban tổng kết hoạt động Chương trình chống lao năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024 do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức ngày 22/12, theo TTXVN.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023 (WHO Global Tuberculosis Report 2023), sau 2 năm gián đoạn liên quan đến COVID, hoạt động chẩn đoán và điều trị bệnh lao đã phục hồi trên toàn cầu trong năm 2022.

Năm 2022, số bệnh nhân lao mới, tái phát và phát hiện trên toàn cầu là 7,5 triệu ca – con số cao nhất kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995.

Cùng năm, khoảng 1,3 triệu ca tử vong do bệnh lao trên toàn cầu. Con số này đã giảm so với ước tính trước đó của WHO là 1,4 triệu trong năm 2020 và 2021 và gần như quay trở lại mức số ca tử vong của năm 2019.

Bệnh nhân lao tiềm ẩn và lao kháng đa thuốc cao

Đối với tình hình tại Việt Nam, TS BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu đồng thời cũng đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

“Số người tử vong do lao mỗi năm ở Việt Nam vẫn là một con số rất cao, ước chừng khoảng 12.000 – 13.000 ca mỗi năm thậm chí cao hơn so với những trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông”, bác sĩ Lượng cho hay.

PGS. TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết giống như tình hình toàn cầu, số ca phát hiện lao ở Việt Nam năm 2020-2021 giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, Việt Nam có khoảng 174.000 người mắc bệnh lao mới và 11.000 người tử vong vì bệnh lao.

Trong 9 tháng năm 2023, Việt Nam phát hiện 78.674 trường hợp mắc lao các thể, tăng 1.909 bệnh nhân, tương đương tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 19.214 (32,3%) so với cùng kỳ năm 2021 – năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19.

Số ca lao kháng đa thuốc được phát hiện trong 9 tháng năm 2023 là 2.764 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 9%, 44% và 4%

Với hoạt động Lao kháng thuốc, theo báo cáo đến hết tháng 9/2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 2.764, và thu nhận 2.606 người vào điều trị. Tuy nhiên kết quả này chỉ đạt 52,5% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.963 người). Tỷ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 75%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ trị còn cao (11%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước, nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID.

Các chuyên gia xác định Việt Nam với việc số ca nhiễm lao đang phải điều trị, theo dõi cao, số mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lớn thì việc chủ động phát hiện lao tại địa phương, tại các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng.

“Điều đáng lo ngại là mỗi năm Việt Nam có hơn 170.000 ca mắc lao nhưng chỉ đưa vào điều trị và báo cáo khoảng 100.000 người. Như vậy có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc báo cáo vẫn ở trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh,” bác sĩ Hòa nhấn mạnh.

Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn Ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, năm 2023 áp dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán bệnh lao, giúp giảm các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.

Hiện 51/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công – tư chuyển đến trong 9 tháng năm 2023 là 26.300 bệnh nhân (chiếm 33,4%).

Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Kết quả, chương trình tiếp nhận được 47.155 tin nhắn, tương đương hơn 943 triệu đồng ủng hộ.

Trong năm 2024 Chương trình Chống lao đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục phê duyệt Dự án nhận viện trợ Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2024-2026, phê duyệt kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính Dự án năm 2024, đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai các hoạt động theo kế hoạch phê duyệt cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.

Tìm bệnh lao ở người nhiễm HIV

Tại Hội thảo chuyên gia xét nghiệm LF-LAM “Giải pháp mới cho sàng lọc và hỗ trợ chẩn đoán bệnh lao ở người nhiễm HIV” do Bệnh viện Phổi Trung ương/Chương trình Chống lao Quốc gia đã tổ chức vào trung tuần tháng 12/2023, các chuyên gia xác định lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số những người bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn trong việc sàng lọc và chẩn đoán bệnh lao do nhiều nguyên nhân như khó có thể phát hiện được bằng các phương pháp xét nghiệm thông thường dựa vào đờm, gặp nhiều trường hợp mắc lao ngoài phổi,…

“Người nhiễm HIV với tình trạng suy giảm miễn dịch, khi mắc lao sẽ làm tăng kháng nguyên lipoarabinomannan (LAM). Dựa trên nguyên lý đó cùng với bằng chứng từ các nghiên cứu lâm sàng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về xét nghiệm LF-LAM qua nước tiểu trên người bệnh HIV nội trú và ngoại trú. Xét nghiệm này rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán bệnh lao ở người nhiễm HIV có các triệu chứng lâm sàng nghi lao”, theo PGS.TS Nguyễn Bình Hoà – Phó Giám đốc Bệnh viện.

Xét nghiệm LF-LAM là xét nghiệm phát hiện kháng nguyên lipoarabinomannan của vi khuẩn lao trong nước tiểu, hỗ trợ chẩn đoán lao nhanh ở người nhiễm HIV. Xét nghiệm nước tiểu thông qua kiểm tra lipoarabinomannan (LAM) và Xpert đã được chứng minh là cải thiện khả năng phát hiện bệnh lao ở những người nhiễm HIV.

Sơn Nguyên

Sơn Nguyên

Published by
Sơn Nguyên

Recent Posts

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…

4 giờ ago

Kinh tế tuần 18-22.11: Vàng tăng phi mã, tỷ giá kịch trần

Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…

5 giờ ago

Trung Quốc tăng gấp ba lần lượng uranium nhập khẩu từ Nga

Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…

6 giờ ago

Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công

Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…

6 giờ ago

Cựu tổng thống Nga Medvedev chỉ ra cách chấm dứt xung đột ở Ukraine

Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…

6 giờ ago

Cố gắng thay đổi điều bất khả…

Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…

7 giờ ago