Năm 2016, nữ diễn viên Hollywood 60 tuổi – Carrie Fischer đã vào vai công chúa Leia trong bộ phim “Star Wars” nổi tiếng. Ngày 23/12, khi bay từ London về Hollywood, trước khi máy bay hạ cánh, bà bị phát bệnh tim mạch và được thông báo đã qua đời vào ngày 27, khiến người hâm mộ vô cùng đau lòng.
Theo bài báo, sau khi bà Fischer phát bệnh, tim đã ngừng đập 10 phút, bà đã được chuyên gia và đội y tế cấp cứu, đưa ngay vào bệnh viện sau khi máy bay hạ cánh, bà nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt nhưng cũng không qua khỏi.
Mẹ của bà Fischer là ngôi sao 84 tuổi Debbie Reynolds – người dành cả cuộc đời cho Hollywood, góp mặt trong bộ phim “Singin’ in the Rain”. Bà còn đăng tin nói rằng tình trạng của con gái bà ổn định, mà bây giờ lại không thể không đối mặt với nỗi đau người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Từ mấy ngày trước, việc bà Fischer phát bệnh đã tác động đến những người hâm mộ toàn cầu và cũng dấy lên chủ đề về bệnh tim mạch ở nữ giới.
Bệnh tim mạch là sát thủ hàng đầu uy hiếp sức khỏe của nhân loại, điều đáng quan tâm đó là tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ở nam giới và nữ giới không chênh lệch nhiều. Trên thế giới cùng nhiều quốc gia Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu, bệnh tim mạch là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cái chết ở nữ giới. Thế nhưng nhiều năm qua, phụ nữ lại khó được cứu sống như nam giới, một trong những nguyên nhân chính là triệu chứng bệnh tim mạch ở phụ nữ không giống với nam giới, thường bị chẩn đoán sai hoặc chữa không thỏa đáng.
Tiến sĩ Nieca Goldberg là chủ nhiệm đề tài bệnh tim mạch ở nữ giới thuộc trung tâm y học Rangone đại học New York. Bà nói rằng bệnh tim mạch thường bị xem là bệnh của nam giới, bởi vì một cuộc nghiên cứu quy mô lớn về sức khỏe tim mạch đang được tiến hành lại đưa ra kết luận rằng: phụ nữ không bị bệnh tim mạch.
Thế nhưng ở Mỹ từ năm 1984 đến nay, số phụ nữ chết vì bệnh tim mạch nhiều hơn nam giới. Điều này đã khiến giới y học đặt ra mối quan hệ mới giữa phụ nữ và bệnh tim mạch. Nhờ nâng cao ý thức và phòng trị bệnh hiệu quả hơn mà tỉ lệ nữ giới qua đời do bệnh tim mạch ở Mỹ vào năm 2000 đã giảm rõ rệt.
Dù vậy nữ giới mắc và qua đời do bệnh tim mạch vẫn cao hơn nam giới.
Vậy phụ nữ phải làm thế nào để phòng bệnh tim mạch? Cách tốt nhất đó là bản thân phải tự kiểm soát, khi cơ thể cảm thấy không khỏe, cần nghiêm túc suy nghĩ xem lý do là gì.
Sau đây là một số hiện tượng cần lưu ý cũng như những cách để phòng bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân mắc bệnh tim mạch ở nam và nữ giới là giống nhau, đều bao gồm cao huyết áp, cholesterol cao, béo phì, ngồi lâu ít vận động, hút thuốc lá và bệnh tiểu đường. Thế nhưng do triệu chứng ở nữ giới khác với nam giới nên tỉ lệ được chuẩn đoán không cao bằng.
“Khi phụ nữ có các triệu chứng như thở gấp, đau cằm, đau lưng, buồn nôn, nôn ói, họ không ý thức được có thể là do bệnh tim mạch.”
Tiến sĩ Suzanne Steinbaum, chủ nhiệm phòng sức khỏe tim mạch nữ giới thuộc Viện nghiên cứu tim mạch bệnh viện Lenox Hill New York chia sẻ rằng: Khi phụ nữ được chẩn đoán bệnh thì thường là đã bị bệnh rất lâu rồi, bệnh tình rất nặng.
Ngoài ra, sức khỏe tinh thần bấp bênh, trầm cảm, hội chứng chuyển hóa, các biến chứng khi mang thai và mức estrogen thấp sau mãn kinh đều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới.
>> Phụ nữ giờ tiêu thụ rượu gần ngang ngửa nam giới, nhưng chịu tác hại hơn nhiều
Năm nay, Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA) đã đăng tải một báo cáo khoa học có liên quan đến sự phát bệnh tim mạch ở phụ nữ, chỉ ra những điểm khác biệt về nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng giữa nam và nữ.
Triệu chứng phát bệnh tim mạch ở nam và nữ thường thấy nhất là đau ngực, nhưng nữ giới còn có những hiện tượng không quá điển hình khác như đau hoặc khó chịu ở cánh tay, lưng, cằm, bụng, thở gấp, chóng mặt, buồn nôn, đỏ mồ hôi và mệt mỏi v.v. Những triệu chứng này có thể xuất hiện khi ngực không khó chịu. Bà Goldberg lấy ví dụ: “Ví dụ như thở gấp, chỉ cần vận động nhẹ một lúc là cảm thấy mệt.”
Hiện nay nhiều phụ nữ chịu áp lực nặng nề phải kiêm toàn bộ công việc và gia đình, cuối cùng mới chăm sóc bản thân dẫn đến mệt mỏi quá độ, điều này rất có thể dẫn đến bệnh tim mạch.
Tiến sĩ Steinbaum cho biết nữ giới càng dễ bị co thắt động mạch vành (thường gọi là co rút động mạch tim) cơ bắp động mạch vành co lại làm thu hẹp các động mạch dẫn đến tắc nghẽn hoàn toàn gây thiếu máu tim và phát tác bệnh tim mạch, bao gồm đau thắt ngực biến thể, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim cấp tính, đột tử v.v.
Nghiên cứu của Nhật Bản phát hiện ra tỉ lệ người Á Đông mắc chứng co thắt động mạch vành gấp 10 lần người Tây Phương.
Được biết, bệnh tim mạch do thiếu máu lên tim là “sát thủ hàng đầu” đối với phụ nữ Mỹ và Châu Âu.
Không giống với triệu chứng tắc nghẽn động mạch vành thường xảy ra khi vận động, chứng co thắt động mạch vành đau đớn này thường xảy ra vào nửa đêm hoặc sáng sớm khi đang nghỉ ngơi.
Chụp X-quang động mạch vành (coronary angiography) kiểu truyền thống chủ yếu là tìm điểm tắc trong động mạch chủ của tim, có thể không kiểm tra được dấu hiệu hẹp động mạch vành, do đó không chẩn đoán được vấn đề tim mạch ở nữ giới.
Vậy thì phụ nữ phải làm thế nào để biết liệu mình có bị bệnh tim mạch hay không?
Khó có thể biết được. Tiến sĩ Goldberg nói rằng phụ nữ nên kết hợp đi khám bệnh viện, lời khuyên của bác sĩ và kiến thức y học của bản thân để hỗ trợ chẩn đoán cho mình.
“Bạn thật sự nên phán đoán dựa theo một loạt các yếu tố nguy cơ, để xem có thể bị bệnh tim hay không.”
Theo quan điểm của Hiệp hội bệnh tim mạch Mỹ, khi phụ nữ bị bệnh cao huyết áp và tiểu đường thì họ sẽ dễ bị đột phát bệnh tim mạch hơn nam giới.
Tiền sử bệnh tim trong gia đình đều là nguyên nhân tiềm tàng đối với nam và nữ. Tiến sĩ Steinbaum cho biết nếu như có tình trạng này thì nên sớm làm kiểm tra.
Cả hai bác sĩ đều cho rằng định kỳ kiểm tra huyết áp, đường huyết và cholesterol là vô cùng quan trọng, bởi vì những chỉ số này bất thường đều là dấu hiệu báo trước vấn đề suy tim cực kỳ nguy hiểm.
Nếu có hiện tượng về bệnh tim mạch trong khi chữa trị, bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng có thể khuyên bệnh nhân nên đi khám chuyên gia tim mạch để được kiểm tra chuyên môn hơn, ví dụ như đo lường áp lực và điểm vôi hóa động mạch vành.
Kiểm tra điểm vôi hóa giúp tìm ra hiện tượng vôi hóa trong động mạch vành; vôi hóa sẽ hình thành vật cản gây nên xơ cứng, tắc nghẽn động mạch.
Không phải ai cũng phải làm cuộc kiểm tra này, thường thì sẽ kiểm tra thực nghiệm trước. Hai bác sĩ nêu trên cũng đều nói rằng cuộc kiểm tra này có tính tranh cãi, bởi vì rất đắt tiền và cần người bệnh chụp CAT. Nhưng tiến sĩ Steinbaum cho biết hiện nay đã không còn tính tranh cãi như trước nữa, vì vậy bà khuyên sử dụng cách này.
Nhìn chung khi phụ nữ bị bệnh tim mạch thì bệnh tình thường nghiêm trọng hơn, do đó cách chữa trị tốt nhất là phòng bệnh.
Mọi thứ đều phải bắt đầu từ gốc là thói quen ăn uống và tập thể thao. Không phải để giảm cân – hiển nhiên đây là lý do phụ khiến người ta vui vẻ, nhưng các bác sĩ khuyên rằng thuân thủ cách sống khỏe mạnh còn xuất phát từ quan niệm sống thọ.
Tiến sĩ Steinbaum khuyên người bệnh nên thử ăn uống theo kiểu Địa Trung Hải, bà nhấn mạnh việc ăn rau củ.
Tiến sĩ Goldberg thì lại khuyên người bệnh ít ăn đồ ăn bên ngoài. Bà còn khuyên nên tuân thủ “chế độ ăn uống DASH” (viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension, đã được nghiên cứu và tài trợ bởi Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ) có thể giúp chúng ta giảm huyết áp mà không cần dùng thuốc.
Nói đến vận động, hai vị bác sĩ đều không mong đợi người bệnh chạy marathon, nhưng họ khuyên nữ giới thường xuyên vận động.
Đồng thời, phòng bệnh tim mạch cũng không thể tách rời với việc giảm áp lực, đây là một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ tim khỏe mạnh. Tiến sĩ Steinbaum khuyên hãy thử “ngồi tĩnh tâm”. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh, thử tập thiền có thể giảm hơn 40% tỉ lệ mắc bệnh tim mạch. Bà giải thích rằng “Đây là bởi vì huyết áp được giảm xuống.”
Như vậy, phụ nữ hiểu bản thân mình, hiểu được nguy cơ mắc bệnh của mình sẽ có thêm sức mạnh để giảm sự tấn công của các loại bệnh, phòng câu chuyện “công chúa Leia” tiếp diễn.
“Công chúa Leia” Carrie Fischer qua đời không hề có dấu hiệu báo trước. Sau khi hay tin, trang mạng về sức khỏe WebMD của Mỹ đã phỏng vấn các chuyên gia bệnh tim mạch về trường hợp của bà.
Tiến sĩ Leslie Cho, chủ nhiệm trung tâm bệnh tim mạch ở nữ giới thuộc phòng khám Cleverland Mỹ đã nói với trang WebMD rằng bệnh tim mạch ở nam giới xảy ra nhiều ở độ tuổi 50 – 60, nữ giới lại muộn hơn nam giới 10 năm. Trong số các bệnh nhân nữ bị bệnh tim thì bà Fischer thuộc độ tuổi khá trẻ. Bà cũng cho biết khi đột phát bệnh tim, việc có kịp thời đưa đến bệnh viện và mở động mạch hay không rất quan trọng đối với kết quả cứu chữa.
Bà Fischer từng tiết lộ bà dùng cocaine trong nhiều năm. Tiến sĩ Clyde Yancy, giáo sư khoa tim mạch đại học Northwestern cho biết cocaine thường gây ra bệnh tim mạch, thậm chí là đột tử, không ngoại lệ đối với người vừa mới dùng. Thường xuyên sử dụng cocaine có ảnh hưởng lâu dài đối với huyết áp, mạch máu và tim, có khi còn dẫn đến suy tim.
Về thuốc giảm đau Codeine mà bà Fischer từng nhắc đến, tiến sĩ Yancy cho biết thuốc thuộc loại á phiện (thuốc phiện) rất phiền phức, có rất nhiều tác dụng phụ và phản ứng không tốt, có thể dẫn đến bệnh tim mạch, khiến bệnh tim trầm trọng hơn hoặc gây ra suy hô hấp, thậm chí là phát tác bệnh tim mạch.
Khi còn sống, bà Fischer cũng từng nói về nỗi khổ mà bà phải chịu do rối loạn lưỡng cực, liệu việc này có ảnh hưởng gì đến việc bà bị bệnh hay không? Theo giáo sư Cho, rất khó để biết được, thế nhưng trầm cảm và lo âu thật sự đều là nguyên nhân gây bệnh tim mạch sớm.
Theo Reuters, ET,
Jasmine tổng hợp, Tâm Di biên dịch
Xem thêm:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…