Đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Trung Cộng (coronavirus mới) đã gây ra tổn thất lớn cho sinh kế của người dân trên toàn thế giới, khiến các chính phủ phải có những biện pháp khác nhau để ứng phó. Trong vấn đề này lại thể hiện rõ bức tranh tương phản giữa Mỹ và Trung Quốc.
Gần đây Chính phủ Mỹ đã đưa ra gói kích thích kinh tế ít nhất 2000 tỷ USD (đô la Mỹ) để hỗ trợ khó khăn cho các cá nhân, doanh nghiệp và ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tại Trung Quốc là nơi dịch bệnh bùng phát sớm nhất, chính quyền cũng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bơm thanh khoản cho sức sống nền kinh tế nhằm giải tỏa nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp, nhưng người dân Trung Quốc không nhận được hỗ trợ tiền mặt của Chính phủ như người nộp thuế ở Mỹ.
Vào cuối tháng Ba, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch cứu trợ và kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo đó đã chi 2000 tỷ USD để giúp đỡ những người lao động thất nghiệp, người thu nhập thấp và trung bình, và các ngành công nghiệp và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo Tiếng nói nước Mỹ (VOA), Chính phủ Mỹ trợ cấp một lần 1200 USD cho mỗi người nộp thuế có tổng thu nhập hàng năm dưới 75.000 USD. Các cặp vợ chồng khai thuế chung không quá 150.000 USD sẽ nhận được 2.400 USD, mỗi đứa trẻ sẽ nhận được 500 USD. Tuy nhiên, nếu thu nhập vượt quá 75.000 USD thì cứ vượt quá 100 USD sẽ bị giảm trợ cấp 5 USD, cho đến mức tối đa là thu nhập hàng năm 99.000 USD thì ngừng không được hỗ trợ.
Theo tính toán của Kyle Pomelo, một nhà nghiên cứu thường trú tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, toàn nước Mỹ có 177 triệu người khai thuế (bao gồm cả khai thuế chung), trong đó 91,3% (162 triệu) người khai thuế sẽ nhận được trung bình 1729 USD, 84,4% số người khai thuế sẽ nhận đủ số tiền. Chính phủ Liên bang sẽ cung cấp 292 tỷ USD cho mục đích này.
Với Trung Quốc, tại tỉnh Hồ Bắc là nơi dịch bệnh nghiêm trọng thì bệnh nhân nhiễm dịch được điều trị miễn phí, nhưng đa số người dân Trung Quốc không nhận được hỗ trợ kinh tế của Chính phủ, ngược lại chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn kêu gọi người dân quyên góp tiền phòng chống dịch bệnh.
Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ, ngày 26/2 tất cả các ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã quyên góp tiền để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên thông tin không đề cập đến số tiền quyên góp của từng người. Thông tin Tân Hoa Xã cũng cho biết, tính đến ngày 26/3 đã có được 8,26 tỷ nhân dân tệ do hơn 79,01 triệu Đảng viên tự nguyện đóng góp.
Về vấn đề này, nhà bình luận Hồ Bình (Hu Ping) từng là chủ biên tập tạp chí “Mùa xuân Bắc Kinh” chỉ ra, việc giới lãnh đạo của ĐCSTQ đi đầu trong việc quyên góp và kêu gọi tất cả Đảng viên đóng góp là vì mục đích tuyên truyền chính trị, nhằm cho công chúng Trung Quốc thấy Đảng viên luôn đi đầu gánh vác trách nhiệm khi đất nước khó khăn. Khác với Trung Quốc, nước Mỹ theo chủ nghĩa tư bản ngay lập tức nghĩ đến giúp đỡ người dân khi họ phải đối mặt với thảm họa thiên nhiên hoặc khi nền kinh tế gặp khó khăn. Vấn đề này có thể giúp mọi người hiểu thế nào là cái gọi là chủ nghĩa tư bản cũng như cách họ xử lý khi gặp các cuộc khủng hoảng đặc biệt.
Ông Hồ Bình cho biết: “Bây giờ gặp phải biến cố lớn như vậy, nhưng để giải quyết loại vấn đề này chính quyền Trung Quốc đã không áp dụng một gói đề xuất như Mỹ, đây là một thiếu sót lớn.”
Trên VOA, nhà bình luận Cao Du (Gao Yu) từng nhiều năm làm truyền thông ở Bắc Kinh cho biết, ĐCSTQ kêu gọi các Đảng viên quyên góp tiền để giúp Chính phủ giải quyết khó khăn, nhưng không chi tiền để giúp thường dân gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh. Điều này cho thấy cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Trung Quốc. Ngoài ra, trò vung tiền của ĐCSTQ trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi, cũng đã tăng thêm gánh nặng tài chính cho Chính phủ Trung Quốc.
Bà Cao Du nói: “Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ kéo dài, lại thêm dịch sốt lợn, bây giờ lại là dịch viêm phổi Vũ Hán. Nhưng vấn đề cứu trợ hiện nay là sự khác biệt chế độ giữa hai nước. Người ta (Mỹ) là bầu cử dân chủ, tiền của họ được sử dụng vì người dân. Còn phía kia (Trung Quốc) ưu tiên nhất là bảo vệ sự cai trị của Đảng, mọi thứ thường vì duy trì ổn định chính trị, kinh phí để duy trì sự ổn định này tiêu tốn rất nhiều.”
Tuyết Mai
Xem thêm:
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…