Các nhà hoạt động Myanmar tiếp tục tổ chức nhiều cuộc biểu tình và đình công hơn vào thứ Sáu, một ngày sau khi lực lượng an ninh đã giết chết 12 người biểu tình và luật sư của nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi đã bác bỏ mọi cáo buộc về tội hối lộ chống lại bà.
Quốc gia Đông Nam Á đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Suu Kyi trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, bắt giam bà và các quan chức của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đồng thời thiết lập một đội ngũ tướng lĩnh cầm quyền.
Phát ngôn viên của chính quyền quân sự, Chuẩn tướng Zaw Min Tun, hôm thứ Năm cho biết bà Suu Kyi đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp trị giá 600.000 USD cùng với vàng khi còn ở trong chính phủ, theo đơn khiếu nại của Phyo Mien Thein, cựu tỉnh trưởng Yangon.
Với các cáo buộc tham nhũng mới nhất chống lại mình, bà Suu Kyi có thể phải đối mặt với một bản án khắc nghiệt hơn. Bà hiện đang bị buộc tội nhập khẩu bất hợp pháp 6 bộ đàm và không tuân thủ các hạn chế liên quan đến virus Vũ Hán.
Thứ Năm đã trở thành một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội lên nắm quyền.
Trong số 12 người thiệt mạng, có 8 người ở thị trấn trung tâm Myaing khi lực lượng an ninh nổ súng vào một cuộc biểu tình, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết.
Tại thành phố lớn nhất của Myanmar, Yangon, người biểu tình Chit Min Thu đã bị bắn chết ở quận North Dagon. Vợ anh, Aye Myat Thu, nói với Reuters rằng anh khăng khăng muốn tham gia các cuộc biểu tình bất chấp việc cô nài nỉ anh ở nhà vì con trai của họ.
“Anh ấy nói điều đó đáng để hy sinh,” cô nói trong nước mắt. “Anh ấy lo lắng về việc mọi người không tham gia biểu tình. Nếu vậy, nền dân chủ sẽ không trở lại đất nước”.
Cuộc đổ máu diễn ra vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi lực lượng quân đội Myanmar kiềm chế.
Trong khi đó, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tiếp tục kêu gọi mọi người biểu tình vào đêm thứ Sáu. Các cuộc đình công và chiến dịch bất tuân dân sự vốn đang làm tê liệt nền kinh tế cũng tiếp tục được diễn ra.
Ban đêm, người biểu tình tổ chức các buổi tưởng niệm bằng nến cho những người đã mất bất chấp lệnh giới nghiêm.
AAPP cho biết những cái chết hôm thứ Năm đã đưa số người biểu tình thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên hơn 70 người. Khoảng 2.000 người cũng đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.
Nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp quốc Thomas Andrews nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ở Geneva rằng quân đội Myanmar có thể đã phạm tội ác chống lại loài người. Ông kêu gọi các biện pháp trừng phạt đa phương đối với quân đội và công ty năng lượng nhà nước – Myanmar Oil and Gas Enterprise.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc quân đội đã sử dụng vũ lực gây chết người đối với những người biểu tình và cho biết nhiều vụ giết người mà họ đã ghi nhận là các vụ hành quyết ngoài tư pháp.
Phát ngôn viên quân đội cho biết hôm thứ Năm rằng lực lượng an ninh đã bị kỷ luật và họ chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết.
Quân đội Myanmar nói rằng họ tôn trọng cộng đồng quốc tế nhưng sẽ bám sát kế hoạch của mình
“Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc bầu cử và chúng tôi sẽ giao đất nước lại cho đảng chiến thắng”, Chuẩn tướng Zaw Min Tun nói trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi tôn trọng các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục với 5 mục tiêu của mình”.
“Quân đội cũng tôn trọng và coi trọng tự do báo chí và chỉ bắt giữ những nhà báo kích động tình trạng bất ổn,” ông nói thêm.
Lê Xuân (tổng hợp từ Reuters)
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…