Các nhà khoa học NASA cho biết, vụ nổ núi lửa ở Tonga có sức công phá tương đương hơn 650 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Ông James Garvin, nhà khoa học chính tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard (GSFC) của NASA, nói với Đài Phát thanh Cộng đồng quốc gia Hoa Kỳ (NPR) rằng đối với vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển “Hunga Tonga-Hunga Ha’apai”, họ “cần đưa ra một con số tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ Trinitrotoluen (TNT).”
Điều đó có nghĩa là vụ phun trào núi lửa có sức công phá tương đương hơn 650 quả bom nguyên tử “Little Boy”. Bom nguyên tử “Little Boy” là tên mã của quả bom nguyên tử đầu tiên do Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, có sức công phá ước tính tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT. Quả bom có đương lượng nổ 15 kiloton này đã khiến khoảng 90.000 người ở Hiroshima thiệt mạng ngay lập tức và tàn phá nặng nề thành phố.
Tại bang Alaska của Mỹ, nơi cách đó khoảng 8.000 km, cũng có thể nghe thấy tiếng phun trào của ngọn núi lửa dưới đáy biển gần Tonga này.
Vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Haapai còn tạo ra đám mây hình gần tròn có đường kính 260 km, cao 20 km trước khi bị gió thổi lệch và phủ một lớp tro bụi lên các đảo ở Tonga. Vụ nổ “nghìn năm có một” cũng tạo sóng thần quét qua Tonga cùng các quốc đảo láng giềng như Fiji và Samoa, lan tới Nhật Bản và khiến Mỹ phát cảnh báo.
Vào thời điểm đó, “US Storm Watch” cho biết, đây là “một trong những vụ núi lửa phun trào dữ dội nhất từng được vệ tinh ghi lại.”
Các nhà khoa học cho biết, đây có thể là một trong những vụ phun trào núi lửa toàn cầu lớn nhất trong 30 năm qua và có thể là một trong những vụ nổ lớn nhất trên Trái đất trong hơn một thế kỷ qua.
“Đây có thể là vụ phun trào tạo ra tiếng nổ lớn nhất kể từ sau khi núi lửa Krakatau (ở Indonesia) phát nổ hồi năm 1883”, Michael Poland, nhà địa vật lý thuộc Cơ quan Khảo sát Địa lý Mỹ (USGS), nói với NPR. Vụ phun trào núi lửa Krakatau khiến hàng ngàn người chết, trong khi lượng tro bụi nhiều tới mức che phủ bầu trời cả khu vực.
“Đó không phải khói bụi bình thường, mà là những khối đá rắn bị vụ nổ nghiền thành từng mảnh. Thật kinh ngạc khi chứng kiến điều đó diễn ra”, Dan Slayback, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Goddard, nhận xét.
Ông Shane Cronin, giáo sư về núi lửa tại Đại học Auckland, cho biết vụ nổ có sức mạnh như vậy là do dung nham bên trong núi lửa phải chịu áp lực quá lớn, khiến khí bị mắc kẹt trong đó, và các vết nứt trên đá có thể khiến áp suất giảm đột ngột.
Tuy nhiên, các chuyên gia USGS cho rằng vụ phun trào này có quy mô tương đối nhỏ, khi chỉ kéo dài chưa đầy một tiếng, so với đợt núi lửa Pinatubo ở Philippines phun trào suốt nhiều giờ hồi năm 1991.
Giáo sư Cronin nói thêm rằng miệng núi lửa này còn nằm dưới bề mặt đại dương khoảng 650 feet Anh, độ sâu vừa đủ cho một vụ nổ lớn khi nước biển tràn vào núi lửa và biến thành hơi nước.
Nhà khoa học NASA Garvin nói với NPR rằng một vụ phun trào có cường độ như thế này sẽ không sớm xảy ra nữa.
Ông Garvin cũng cho biết, các nhà khoa học hy vọng sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc khảo sát khu vực xung quanh miệng núi lửa. Quá trình phân tích hình ảnh vệ tinh đang được tiến hành và các nhiệm vụ bay không người lái có thể sớm khả dụng. Ông hy vọng núi lửa đủ an toàn để các nhà nghiên cứu có thể đến thăm vào cuối năm nay.
Vụ phun trào núi lửa đã ảnh hưởng nặng nề đến Tonga, phá hủy một lượng lớn nhà cửa. Ngay cả vài ngày sau vụ nổ, Tonga vẫn bị ngăn cách với thế giới. Các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển dường như đã bị đứt, sân bay bị bao phủ bởi tro bụi và sẽ mất nhiều ngày để thông đường băng. Các nhà chức trách phỏng đoán, sớm nhất cũng phải đến thứ Tư mới có thể mở cửa cho phép các nỗ lực cứu hộ quốc tế triển khai một cách toàn diện.
Do cáp thông tin liên lạc bị cắt đứt, đất nước 105.000 người này chỉ có thể dựa vào liên lạc vệ tinh, vốn bị cản trở bởi đám mây bụi từ vụ phun trào núi lửa.
Ông Samiuela Fonua, Chủ tịch Công ty TNHH Cáp điện Tonga, cho biết hoạt động núi lửa đang diễn ra đe dọa các tàu sửa chữa khi họ phải đi vào vùng biển Tongatapu, nơi gần với vụ phun trào núi lửa.
Ông cho biết hy vọng vào tuần tới công ty có thể tiến hành sửa chữa.
Ông Fonua nói: “Nếu may mắn, chúng tôi có thể sửa các cáp (thông tin liên lạc) trong vòng 2 tuần tới. Mối quan tâm chính hiện nay là hoạt động của núi lửa, vì các tuyến cáp của chúng tôi gần như nằm trong cùng một khu vực.”
Vì sao một vụ phun trào có quy mô tương đối nhỏ như vậy có thể tạo ra sóng thần và tiếng nổ vang xa đến nửa kia Trái Đất vẫn còn là một điều bí ẩn. “Nó có ảnh hưởng rất lớn, vượt xa những gì chúng tôi dự đoán ngay cả khi vụ nổ xảy ra trên mặt nước. Đó là điều thật sự khó hiểu”, ông Poland nhận xét.
Bình Minh (t/h)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…