Slovakia: Vẫn sẽ có chỗ cho một tờ báo dám theo đuổi sự trung thực

Năm 2014, tại tờ báo Denník SME, một hãng truyền thông lớn của Slovakia, nhân viên phát hiện ra rằng tập đoàn Penta Investments đã chi tiền để mua 45% cổ phần của công ty sở hữu tờ báo.

Penta gồm nhiều công ty, có 37.000 nhân viên và tài sản 7 tỷ Euro. Tập đoàn này đã trở thành tâm điểm của một vụ bê bối năm 2011 có tên “Gorilla scandal” – được đặt tên theo một tài liệu rò rỉ cho thấy công ty đã hối lộ chính phủ. Penta đã phủ nhận cáo buộc này.

Tổng biên tập của tờ báo – Matúš Kostolný nhanh chóng hiểu rằng ông nên nghỉ việc. Nhắm vào thị trường các tin tức chất lượng và độc lập còn bỏ ngỏ, ông cùng 4 cấp phó đã mở ra một tờ nhật báo khác, mang tên Denník N với N là viết tắt của Nezavislost nghĩa là độc lập, còn Denník nghĩa là nhật báo.

(ảnh qua zahranicni.ihned.cz)

Hãng truyền thông mới này nhận được đầu tư 1 triệu euro và tiền đăng kí trước của bạn đọc khoảng 300.000 euro. Họ đã khai trương website vào tháng 1/2015, và tờ báo in không lâu sau đó. Giờ đây, sau khoảng 2 năm, họ đã nằm trong top 5 tờ báo của Slovakia. Trong một đất nước có 5,4 triệu dân, tờ báo có 23.000 độc giả đăng ký gói trả phí online, cao nhất trong nước, và 110.000 độc giả đăng ký nhận tin.

“Các nhà báo của chúng tôi có thể được trả lương cao hơn ở những nơi khác, vì họ là những người giỏi nhất trong thị trường,” ông Kostolný nói. “Nhưng họ không bỏ đi, họ gắn bó với tờ báo. Họ là một phần của câu chuyện, tạo ra câu chuyện. Họ đang làm việc này bởi vì nó thuộc mục đích của họ, vì chính bản thân họ.”

Những công ty khởi nghiệp độc lập như vậy không phải là mới trong khu vực này. Nhân viên tờ nhật báo Mlada fronta Dnes của CH Séc đã lập tờ tuần san Reporter vào tháng 9/2014 sau khi doanh nhân Andrej Babiš (giờ là bộ trưởng tài chính của CH Séc) mua lại tờ báo năm 2013. Nhân viên của tờ báo lâu đời nhất ở đất nước này, Prague’s Lidové noviny, đã tự lập ra website Echo24 sau khi công ty Agrofert của Babiš mua tờ báo của họ cũng trong năm đó.

Năm 2013, theo một dự án nghiên cứu mang tên Truyền thông và Dân chủ ở Trung và Đông Âu do Hội đồng nghiên cứu châu Âu tài trợ, sau khủng hoảng kinh tế 2008, các hãng nước ngoài rút khỏi ngành truyền thông, và các công ty trong nước mua lại. Điều này đã đặt sự độc lập của tờ báo vào rủi ro.

>> Apple bắt tay với Trung Quốc: Cấm quảng cáo iPhone trên một số tờ báo tiếng Hoa

Mô hình kinh doanh độc đáo

Chiến lược tự quyết của tờ Denník N có một vài ưu thế. “Chúng tôi không dựa vào quảng cáo hay tiền từ báo in, cho chúng tôi một sự độc lập hiếm có,” ông Kostolný nói. “Rõ ràng là tôi phải nói chuyện với độc giả nhiều hơn trước đây. Tôi cố gắng trả lời mọi email và mọi cuộc thảo luận trên Facebook. Chúng tôi rất minh bạch.”

Người đọc thậm chí còn nhận được báo cáo về tài chính và kế hoạch của tờ báo. “Không có công ty hay nhóm chính trị nào, chẳng có ai bước vào phòng tôi để nhờ vả phải viết gì đó hay ho,” ông Kostolný cho biết. Ông đã được truyền cảm hứng bởi các tổ chức độc lập như trang tin của Hà Lan De Correspondent, khởi động vào tháng 9/2013 sau khi góp vốn cộng đồng được 1 triệu euro trong 8 ngày.

Đa phần thu nhập của Denník N đến từ các độc giả đăng ký gói trả phí online, và công ty đã có dòng tiền dương từ tháng 7/2016. Khoảng 80% các bài viết của tờ báo yêu cầu người xem phải trả phí mới có thể truy cập được.

“Mô hình kinh doanh này đã hoạt động tốt vì thế chúng tôi không cần thêm tiền đầu tư gì ngoài doanh thu hiện có,” Lukáš Fila, trưởng phụ trách mục báo in của Denník N cho biết.

(ảnh: Tomas Benedikovic/Dennik N)

Denník N có 50 nhân viên, hầu hết là từ tờ báo cũ Denník SME chuyển sang, và họ cũng chính là những người nắm 49% cổ phần của N Press, còn lại là các nhà đầu tư độc lập không kiểm soát nội dung tờ báo.

Theo ông Fila, thương hiệu mới này đã thiết lập được chỗ đứng nhanh chóng trong một thị trường truyền thông đông đúc, nơi tờ báo lá cải bán chạy nhất – Nový, có tổng số phát hành khoảng 120.000. Số lượng báo in của Denník N chỉ là vài nghìn, nhưng lượng xem online thì lên tới 120.000 người mỗi ngày.

“Chúng tôi tập trung vào các câu chuyện dài hơn,” ông Fila cho biết, nhấn mạnh rằng họ ít có các bài đưa tin hay bài dài trung bình trên website. “Chiến lược của chúng tôi ngay từ ban đầu là có nhiều giá trị gia tăng cho người đọc. Người ta hẳn sẽ không sẵn lòng chi tiền cho những thứ họ có thể đọc ở những nơi khác.”

Các nhà báo mỗi ngày đều nhận thông tin phản hồi về bài viết của họ, phân tích rõ có bao nhiêu người xem bài viết đã chuyển sang đăng ký và tương tác. “Chúng tôi theo dõi việc này rất sát.” Các bài phân tích chuyên sâu thu hút người đăng ký nhất, chính trị trong nước và các câu chuyện kinh tế là những mục mạnh nhất. Những câu chuyện lớn gần đây gồm có: khủng hoảng tị nạn châu Âu, gian lận thuế, nạn tham nhũng của cảnh sát, thường dẫn đầu thị trường tin tức trong nước.

Tờ báo tự do này cũng thường bất hòa với chính phủ. Tháng 5/2015 sau khi Denník N đăng các tranh biếm họa về thủ tướng Robert Fico, các cơ quan chính phủ đã nhận được chỉ thị “cắt đứt mọi liên lạc” với tờ báo này với cáo buộc “đưa tin thiên vị trong dài hạn.” Sau đó, tờ báo đã gửi khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp Slovakia và quyết định trên đã bị lật lại.

Một mô hình cho báo chí thời Internet?

Ông Fila không chắc rằng họ có thể lặp lại được thành công này  ở những nơi khác, nhưng ông nói rằng sự linh hoạt chính là một trong những thế mạnh chính của hãng. “Người ở Slovakia đã quen với việc trả tiền cho nội dung kỹ thuật số,” ông nói. “Chúng tôi có chuyên môn. Một thế mạnh lớn khi công ty không có quá nhiều cấp quản lý, hay e ngại thử nghiệm những điều mới. Có sự liên hệ trực tiếp giữa chất lượng tờ báo và thành công trong kinh doanh. Tinh thần đội nhóm là rất khó tìm được. Sự bất ổn khi phải rời bỏ và xây dựng một điều mới đóng vai trò quan trọng trong sự gắn kết của chúng tôi.”

Kostolný cũng đồng ý. “Chúng tôi đã lo sợ khi lập ra một tờ báo mới, và đã bắt đầu với quy mô nhỏ. Chúng tôi biết nếu rời bỏ tờ báo trước đây, sẽ chẳng có tờ báo độc lập thực sự nào trong nước nữa. Chúng tôi đã bắt đầu với những người sẵn lòng hành động trung thực và dũng cảm. Và rồi chúng tôi nhận ra rằng có một chỗ dành cho mình.”

Theo Gallup khảo sát ở Mỹ tháng 12/2016, niềm tin của công chúng vào giới truyền thông đã giảm sâu nhất, chỉ còn 32%. Có lẽ thế giới càng biến động thì hơn bao giờ hết, nhu cầu về báo chí trung thực, khách quan và sâu sắc lại càng mạnh mẽ. Đa phần báo mạng ngày nay dựa trên mô hình doanh thu dựa vào quảng cáo, vì thế sẽ bị phụ thuộc ít nhiều vào thị hiếu độc giả. Mô hình trả-để-xem của Denník N và De Correspondent là rất đáng để các hãng truyền thông tham khảo, để các nhà báo có lương tâm có thể cống hiến hết mình cho một công việc đầy ý nghĩa.

Theo Rob Sharp/Niemanlab.org,
Phong Trần

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

19 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

35 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

44 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

49 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

1 giờ ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago