Vừa rồi, chính phủ Venezuela tuyên bố sẽ rút tờ tiền mệnh giá cao nhất ra khỏi hệ thống tiền tệ đang lưu thông. Người dân bèn xếp hàng đợi dài bên ngoài ngân hàng để chờ đổi tiền trước khi tiền trong túi họ họ bị mất giá. Hiện việc thu hồi tờ 100 bolivar đã bị trì hoãn cho đến đầu tháng Giêng, nhưng những người bình thường vẫn phải vật lộn với việc giá cả leo thang chóng mắt và đồng tiền ngày càng mất giá.
Phóng viên Gideon Long của BBC trong ngày đầu đặt chân tới Caracas đã được đề nghị giúp đổi tiền.
“Đừng tới ngân hàng đổi theo tỷ giá chính thức”, người bạn bản địa nói, “Đưa đô la đây và chúng tôi sẽ đổi chúng cho“.
Vì vậy Long đưa ra một tờ 100 USD. Ngày hôm sau, anh đã nhận được hai chồng tiền giấy bolivar. Một nghìn tờ tiền trong mỗi chồng, tổng cộng là 200.000 bolivar. Anh cảm thấy như mình đang trúng vé số.
Tỷ giá chính thức mà chính phủ Tổng thống Maduro đang ghìm giữ là 670 bolivar đổi 1 USD, một tỷ giá hoàn toàn không phản án giá trị thực tế của tiền tệ Venezuela. Long đã gặp may khi không ra ngân hàng, nhưng chồng tiền này cũng không giúp anh mua được nhiều thứ như anh tưởng.
Tại quốc gia nam Mỹ này, tiền lương của những người lao động bình thường đang mất dần giá trị theo từng phút, họ phải xếp hàng trong hàng giờ để mua nhu yếu phẩm ngày càng khan hiếm, ở mức giá mà họ cố gắng lắm mới mua được.
Nghịch lý là điều này xảy ra trong một đất nước nhiều dầu mỏ, nơi người dân có giai đoạn đã nổi tiếng với những cuộc vui chơi quốc tế miệt mài.
Hiện nay, tại Venezuela tồn tại ba tỷ giá hối đoái.
Nếu bạn là người nhập khẩu nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc, và bạn có quan hệ với đúng người trong chính phủ, bạn có thể đổi một USD với mức giá được nhà nước kiểm soát chỉ với 10 bolivar, quả là một món hời!
Những người khác theo luật được đổi USD với tỷ giá thứ hai cũng do chính phủ kiểm soát, hiện tại là 670 bolivar đổi 1 USD. Nhưng cũng có một tỷ giá khác, đó là giá chợ đen, nơi phản ánh đúng thực tế nhất giá trị của đồng tiền Venezuela. Và tỷ giá này liên tục rớt thảm hại.
Vào tháng 10 năm ngoái, 1.500 bolivar đổi 1 USD. Đến cuối tháng 11, một đô la đổi được hơn 4.000 bolivar.
Tiền tệ của Venezuela đã mạnh hơn kể từ đó, nhưng ngay cả như vậy, nó mất đi một nửa giá trị trên thị trường chợ đen chỉ trong một vài tháng. Hai chồng tiền cao ngất của Long trị giá 100 USD khi anh tới đất nước này. Hai tuần sau, khi anh rời đi, giá trị của nó chỉ còn 50 USD.
Tờ 100 bolivar, tờ tiền lớn nhất lưu thông, có giá trị chỉ bằng 2 xu Mỹ. Vì vậy, khi đi ra ngoài uống cafe hay ăn gì đó, bạn phải mang theo cả chồng tiền.
Ngân hàng trung ương Venezuela hiện đang xem xét phát hành tờ tiền mệnh giá lớn hơn và tiền xu mới để làm cuộc sống người dân dễ dàng hơn, nhưng chính sách này cũng sẽ gây ra những vấn đề khác.
Với những tờ giấy bạc ngày càng vô giá trị, những máy rút tiền không thể đáp ứng kịp – một lúc một người chỉ có thể rút được một lượng tiền trị giá vài đô la.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một máy ATM nào ở Venezuela mà không có một dòng người trước nó, và tất nhiên, những người này không trật trự xếp hàng”, phóng viên Long nói.
Ramiro, một người đàn ông địa phương, khi chờ để rút một cuộn tiền gần như vô giá trị từ một máy ATM, nói: “Tôi phải đến đây mỗi ngày.Chúng tôi đang lãng phí cuộc đời để đợi rút tiền“.
Thậm chí nếu có tiền mặt, có khi bạn chẳng thể mua được mặt hàng mình muốn.
Nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo, bột mỳ, dầu ăn được bán với giá chính phủ kiểm soát. Điều này làm chúng có giá tương đối phải chăng, nhưng nguồn cung rất hạn chế, và bạn chỉ có thể mua chúng vào những ngày nhất định, được xác định bởi con số trên chứng minh thư của bạn.
“Thứ hai là ngày của tôi“, lái xe taxi Alexander, cho biết. “Tôi đi đến siêu thị mỗi thứ Hai. Thế mà thường không có gì để mua“.
Không ai biết tỷ lệ lạm pháp thực sự ở Venezuela là bao nhiêu. Chính phủ không công bố thêm con số nào nữa. Năm 2015, lạm phát, theo chính phủ là 180%. Năm 2016, IMF dự đoán nó có thể đạt đến 500% và GDP giảm 10%. Thật khó để nền kinh tế nào sống sót với những số liệu như thế này.
Chính phủ Maduro, phủ nhận nền kinh tế họ quản lý đang sụp đổ, và đổ lỗi khó khăn hiện tại cho giá dầu giảm cùng một âm mưu phá hoại của Mỹ. Gần đây nhất, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố “bọn mafia ở nước láng giềng Colombia” đã khiến lạm pháp ở Venezuela tăng cao với hoạt động buôn lậu tiền tệ lớn qua biên giới.
Nhưng một sự thật có lẽ ai cũng biết, là Venezuela đang phải gánh chịu hậu quả vì quản lý yếu kém trong hàng chục năm qua. Như Zimbabwe, Argentina, Cộng hòa Weimar – lịch sử cho thấy rằng khi các nước bắt đầu in tiền để đối phó với khủng hoảng kinh tế, kết quả của chính sách này chẳng bao giờ là điều tốt đẹp.
Khi phóng viên Long ngồi ở sân bay Caracas để chờ đáp may bay rời khỏi Venezuela, trước mặt anh là một tờ báo địa phương trong đó có một bức tranh biếm họa. Bức tranh mô tả một ông già Noel bối rối, đọc một danh sách những điều ước giáng sinh dài.
“Nhưng danh sách này toàn là đồ ăn!”, Ông già Noel nói với một yêu tinh giúp việc. Yêu tinh có khuôn mặt buồn nhìn lại trả lời “Đó chính là danh sách của Venezuela“.
Theo BBC
Xem thêm:
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…