Những sự kiện định hình bối cảnh thế giới 2017
2016 được coi là năm của những cơn địa chấn chính trị toàn cầu khi càng về cuối, những sự kiện bất ngờ càng dồn dập xuất hiện, thách thức sự thống trị của thể chế hiện hành. Năm 2017, với dư chấn tiếp tục, những nứt gãy, đổ vỡ và nhiều thay đổi được dự đoán cho một năm sẽ không yên ả.
Dưới đây là những sự kiện quan trọng sẽ định hình bối cảnh quốc tế năm nay:
1. Tháng Giêng: Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ
Như những gì đã tuyên bố, Tổng thống 45 của Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng chứng minh sự hiện diện của mình với một loạt các thay đổi. Bản kế hoạch 100 ngày làm việc đầu tiên ở Nhà Trắng nêu bật các chính sách gột bỏ sự tồn tại của Barack Obama cùng chính phủ Dân chủ đến tận gốc rễ: xoá bỏ ObamaCare, huỷ chính sách môi trường, thu gọn sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, rút Mỹ ra khỏi một loạt các hiệp ước thương mại toàn cầu như TPP hay Nafta. Mới đây nhất, một thể chế quốc tế bị Trump chế nhạo là Liên Hiệp Quốc, ông nói đây chỉ là nơi mà người ta đến để nói chuyện cho vui, sau khi LHQ thông qua nghị quyết “chống Israel”.
Bài phát biểu nhập chức và những động thái trong ngày đầu tiên làm chủ Nhà Trắng của Trump sẽ định hình cho chính quyền 4 năm của ông, do đó sẽ được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao. Tháng Giêng này, những ngày đầu tiên lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ cho người ta thấy một Donald Trump hành động chứ không chỉ là người post những thông điệp đầy hứa hẹn trên mạng xã hội. Hành động của ông sẽ khiến tương quan giữa các siêu cường thay đổi mạnh mẽ: quan hệ Mỹ-Nga, Mỹ-Trung, vấn đề Trung Đông với đồng minh Israel mà Trump đã thề sẽ bảo vệ, v.v. Tóm lại những tháng đầu năm 2017, cả thế giới sẽ chăm chú theo dõi đường đi nước bước của vị tân tổng thống chưa có kinh nghiệm chính trường, để sắp đặt vị thế tương ứng, hoặc để âm thầm đối phó, hoặc hoan nghênh hợp tác.
2. Tháng Ba: Anh khởi động tiến trình rút khỏi EU
9 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý gây địa chấn lên các nền tư bản lâu đời nhất thế giới, Anh đã chọn bước ra ngoài sân chơi toàn cầu hoá sau nửa thế kỷ là thành viên trụ cột Liên minh Châu Âu. Cuối tháng 3 năm nay, chính phủ Anh dự kiến sẽ bắt đầu quá trình rút khỏi EU kéo dài 2 năm.
Nhưng tới thời điểm này, chưa ai rõ việc này sẽ được thực hiện ra sao. EU từ khi thành lập năm liên tục kết nạp thêm thành viên, đến nay Anh là nước duy nhất bỏ phiếu rút khỏi thể chế này khiến cả các nhà lập pháp cũng lúng túng. Tân thủ tướng Theresa May đã cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch đầy đủ trước thời điểm kích hoạt Điều 50 trong Quy chế EU, nhằm bắt đầu quá trình “ly dị”. Chính quyền bà May cũng đã vạch ra chiến lược thương lượng với các thành viên còn lại của EU nhằm tránh cú sốc kinh tế, đảm bảo đầu tư tài chính không rút khỏi London và củng cố lại đường biên giới để làm hài lòng những người bỏ phiếu “rời đi”. Tuy nhiên bà May khó có thể được lòng tất cả khi mà các lãnh đạo EU còn lại sẵn sàng “trừng phạt” Anh vì châm ngòi cho cú sốc khiến bất ổn lan ra toàn khối.
3. Tháng Ba: Bầu cử Hà Lan
Bầu cử Hà Lan có thể đánh tín hiệu tiếp theo về sự cáo chung của chủ nghĩa toàn cầu hoá tại Châu Âu, nếu ứng viên Geert Wilders thắng cử.
Ông Wilders là lãnh đạo của Đảng Vì tự do (PVV) cực hữu, hiện đang dẫn đầu các các cuộc khảo sát toàn quốc. Ngoài đường lối chống nhập cư như các nhà dân tộc chủ nghĩa khác, ông còn đi xa hơn khi muốn chống lại sự bành chướng của Hồi giáo bằng cách trục xuất người tị nạn theo đạo Hồi, đóng cửa nhà thờ Hồi giáo, cấm kinh Koran và dự định trưng cầu dân ý để rút Hà Lan khỏi EU.
4. Tháng Tư: Bầu cử Pháp
Sau Brexit, sự kiện Donald Trump, bầu cử Pháp là một phép thử tiếp theo cho sự tồn vong của Liên minh Châu Âu EU và phong trào toàn cầu hoá nói chung. Hệ thống chính trị Pháp hiện hành đang bị thách thức bởi sự vươn lên của phong trào cực hữu do bà Marine Le Pen đứng đầu. Bà là người phản đối đồng tiền chung euro, hệ thống kỹ trị của EU tại Brussels và coi toàn cầu hoá là nguyên nhân khiến kinh tế Pháp khốn đốn.
Mặc dù bà Pen có thể thắng vòng bầu cử sơ bộ, tuy nhiên các chuyên gia dự đoán bà sẽ bị đánh bại khi đối đầu với cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon của Đảng Cộng hoà – người được cho là “ôn hoà” hơn.
Tuy nhiên với sự chia rẽ trong chính trường Pháp, bà Le Pen đã nắm được sự ủng hộ của đông đảo cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người tức giận trước sự bất lực trong điều hành kinh tế, thụt lùi vị thế và phụ thuộc vào EU của Pháp. Đồng thời với bài học Donald Trump còn in rõ mồn một, cuộc bầu cử này càng trở nên nghẹt thở hơn với giới “thể chế” Pháp và cả EU. Nếu kịch bản bầu cử Mỹ lặp lại ở Pháp, tức là bà Le Pen thành Tổng thống thì EU sẽ phải đương đầu với sự đe doạ lớn lớn nhất đối với tồn vong của nó, ảnh hưởng còn lớn hơn Brexit.
5. Nửa đầu năm 2017: Cuộc chiến chống IS tại Syria
Sau khi khủng bố an ninh toàn cầu bằng sự bành trướng tại miền bắc Iraq và Syria, cuối năm 2016 những tay súng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo IS đã thua nhiều trận quan trọng tại Iraq. Gần đây nhất, IS mất kiểm soát thành phố Mosul tại Iraq, quay về co cụm tại căn cứ lớn duy nhất còn lại là Raqqa, thành phố miền bắc Syria mà IS coi là thủ đô của Nhà nước Hồi giáo.
Dự kiến trận chiến quan trọng nhằm tái chiến Raqqa sẽ được thực hiện đầu năm 2017. Chính quyền Tổng thống Trump phải lãnh trách nhiệm lãnh đạo và hình thành một lực lượng liên minh gồm có các đồng minh phương Tây, Nga, quân Syria, người Kurd và người Ả Rập chống lại mối đe doạ lớn nhất đối với thế giới văn minh. Tuy nhiên, với sự lan rộng của Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhiều người quan ngại học thuyết nguy hiểm này tìm được mảnh đất mới tại các quốc gia đa số Hồi giáo khác như Malaysia và Indonesia ở Đông Nam Á.
6. Mùa thu: Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ngày càng có nhiều sân chơi trên các diễn đàn quốc tế. Do đó, những biến động quan trọng tại Hoa Lục đều khiến các quốc gia khác phải thận trọng quan sát. Đặc biệt là khi Đại hội này có khả năng sẽ làm rung chuyển chế độ đã tồn tại ở quốc gia này 7 thập kỷ.
Theo Financial Times, từ sau Mao Trạch Đông, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến một lãnh đạo nắm được trong tay nhiều quyền lực như Tập Cận Bình. Quá trình đả hổ diệt ruồi của Tập vẫn đang xúc tiến, và theo dự đoán tới ngày Đại hội Đảng, phe phái của Giang Trạch Dân bị sẽ bị bẻ hết chân rết, ông Tập sẽ tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư tới 2022. Đại hội này cũng sẽ cho biết Quốc hội Trung Quốc có gỡ bỏ hạn chế tuổi tác và năm kỳ hạn để ông Tập tiếp tục nắm quyền tiếp sau 2022 hay không và nếu không thì ai sẽ là người kế nhiệm. Cũng có phân tích cho rằng nếu muốn cải cách Trung Quốc toàn diện và đưa đất nước hội nhập vào xu hướng quốc tế, thì việc thay đổi thể chế hiện tại là rất có khả năng sẽ xảy ra dưới thời ‘trị vì’ của ông Tập Cận Bình. Một thông tin khác chỉ ra, có thể nhà lãnh đạo này sẽ giảm biên chế số Ủy viên Thường vụ hoặc thay toàn diện để thực hiện chế độ Tổng thống theo mô hình Putin ở Nga.
Dù dự đoán này táo bạo và xa vời, Tập Cận Bình trước mắt phải đương đầu với các thách thức to lớn khác, bao gồm nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm và khả năng gia tăng căng thẳng với Tổng thống Mỹ Trump.
7. Tháng 9-10: Bầu cử Đức
Angela Merkel hiện là thủ lĩnh “thể chế cũ” và lãnh đạo quan trọng nhất của khối EU, nếu không muốn nói của thế giới tự do. Tạp chí TIME năm 2015 gọi bà là nhân vật của năm khi chèo chống thành công nước Đức và giữ vững EU qua các cuộc chấn động tồi tệ, từ nợ công Hy Lạp tới khủng hoảng người nhập cư. Tuy nhiên tới năm 2016, chủ trương biên giới mở của bà bị kịch liệt lên án sau các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, Bỉ và Đức vừa rồi, vốn do người nhập cư Hồi giáo thực hiện.
Chính bà Merkel cũng phải điều chỉnh một số chính sách dưới áp lực bầu cử như tuyên bố sẽ cấm mạng che mặt Burka của phụ nữ Hồi Giáo, gia tăng trục xuất người nhập cư.
Đức hiện là thành trì cuối cùng của chủ nghĩa toàn cầu hoá, nhưng Đảng dân tuý cánh hữu Alternative for Germany đang nổi lên dự kiến sẽ sử dụng làn sóng chống EU, chống nhập cư để khuấy động cuộc bầu cử năm nay.
Trọng Đức (T/H)
Xem thêm: