Thế Giới

Viên Hồng Băng: Tập Cận Bình lo ngại Mỹ và Nga sẽ thành đồng minh nếu Trump đắc cử

Mới đây, Vision Times đã phỏng vấn luật gia nổi tiếng người Hoa sống ở Úc, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), về vấn đề liên quan đến bầu cử Mỹ và kế hoạch tấn công Đài Loan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Viên Hồng Băng, một luật gia theo chủ nghĩa tự do sống ở Úc. (Ảnh: Lâm Sĩ Kiệt/ Epoch Times)

Can thiệp vào bầu cử Mỹ là ưu tiên ngoại giao của ĐCSTQ

Ông Viên Hồng Băng nói rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà ĐCSTQ quan tâm trong chính sách ngoại giao, và họ đang tìm mọi cách để gây ảnh hưởng nhằm phục vụ cho quan điểm của họ. Vì ĐCSTQ muốn gây chia rẽ nước Mỹ, theo đó bầu cử Mỹ năm 2024 lại là một thời cơ tác động đến các nhóm sắc tộc và các vấn đề xã hội Mỹ vốn luôn có tranh cãi giữa các bên.

Trong cuộc bầu cử Mỹ lần trước đó đã xảy ra cuộc tấn công vào Quốc hội Mỹ, rõ ràng vụ việc đã tác động rất tiêu cực đến ổn định và đoàn kết xã hội của Mỹ. ĐCSTQ muốn lợi dụng cuộc bầu cử này của Mỹ để tái tạo và gia tăng chia rẽ nước Mỹ, các nhóm dân tộc Mỹ, và chia rẽ hệ tư tưởng chính trị Mỹ. Một trong những lý do cơ bản là nhằm làm suy yếu sức mạnh chính trị và ý chí của Mỹ trong việc can thiệp vào eo biển Đài Loan và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, qua đó tạo thêm điều kiện chính trị quốc tế thuận lợi để ĐCSTQ có thể phát động cuộc chiến xâm lược Đài Loan từ năm 2025 – 2027.

Hiện tại, có thể nói ĐCSTQ đã sử dụng triệt để vai trò của Mặt trận Thống nhất để thâm nhập vào xã hội Mỹ, nhằm hướng đến mục tiêu nêu trên. Tất nhiên, có nhiều nước muốn can thiệp vào bầu cử Mỹ, điển hình nhất là Nga và Iran, họ cũng tìm cách can thiệp vào bầu cử Mỹ vì lợi ích của họ. Nhưng nền chuyên chế tàn bạo không từ thủ đoạn của ĐCSTQ là đáng kể hơn, mục đích là đạt được hiệu quả như vừa đề cập: Đó là hy vọng sau bầu cử, bất kể ai đắc cử, tình hình chính trị – xã hội Mỹ sẽ theo xu hướng không ngừng bất ổn và chia rẽ sắc tộc.

Ám chỉ trong phát biểu của ông Tập về đón “phong ba bão táp”

Trong cuộc phỏng vấn, ông Viên Hồng Băng chia sẻ rằng cơ quan cố vấn (think tank) quân sự của ĐCSTQ vào tháng 9/2024 đã cung cấp báo cáo cho Quân ủy Trung ương ĐCSTQ và Văn phòng Chủ tịch Quân ủy.

Được biết, nhóm think tank chuyên trách về bầu cử Mỹ này là kết hợp của Bộ Tổng tham mưu Vệ binh, chuyên gia Bộ Ngoại giao, và học giả Đại học Quốc phòng ĐCSTQ. Trong một phần báo cáo, họ dự tính về những thay đổi trong địa chính trị quốc tế mà Trump sẽ mang lại nếu ông thắng cử năm 2024.

Ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo truyền đạt báo cáo này đến toàn hệ thống quân sự, có thể họ tin rằng Trump sẽ giành chiến thắng trong bầu cử Mỹ năm 2024, và ĐCSTQ một lần nữa phải đối mặt với thực tế Trump có thể sẽ lại làm ông chủ Nhà Trắng. Những nguồn tin cho hay, đây cũng chính là vấn đề mà ông Tập lưu ý trong buổi tiệc mừng Quốc khánh (1/10), theo đó ông Tập phát biểu nhấn mạnh phải chuẩn bị đón “phong ba bão táp” trong năm nay.

Nếu Trump đắc cử, có thể dẫn đến đảo ngược quan hệ Mỹ và Nga

Ông Viên Hồng Băng cho biết, báo cáo này của cơ quan cố vấn quân sự ĐCSTQ dự đoán rằng một khi ông Trump vào Nhà Trắng chắc chắn sẽ gây những biến động lớn về địa chính trị quốc tế.

Biến động này trước tiên sẽ tập trung vào cuộc chiến Nga – Ukraine. Các chính sách của Mỹ do Trump và chính quyền Trump dẫn đầu Đảng Cộng hòa, qua việc giảm đáng kể hỗ trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao, sẽ buộc Ukraine phải chấp nhận kế hoạch đổi đất lấy hòa bình để chấm dứt chiến tranh. Tất nhiên, Mỹ cũng sẽ yêu cầu Nga thực hiện những thỏa hiệp nhất định, hạ thấp điều kiện mà Nga vốn muốn để kết thúc chiến tranh.

Trong trường hợp đó, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ có những thay đổi lớn sau khi chiến tranh Nga – Ukraine kết thúc, dự đoán của báo cáo là khả năng hai nước sẽ chuyển từ thù địch sang liên minh.

Báo cáo cũng chỉ ra chính sách ngoại giao chính một thời của của ông Putin và Nga là cải thiện toàn diện quan hệ với Mỹ và châu Âu. Khi đó, ông Putin không chỉ hết sức hy vọng Nga sẽ gia nhập EU, mà thậm chí còn từng bày tỏ ý định Nga cũng có thể gia nhập NATO. Trước cuộc chiến Nga – Ukraine, mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa Nga và Đức gắn kết bởi cung cầu năng lượng đã được tăng cường toàn diện, khi đó quan hệ Nga – Pháp cũng phát triển thuận lợi, còn Hungary trên thực tế đã trở thành đồng minh của Nga.

Báo cáo của tổ chức nghiên cứu quân sự này cho rằng sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Nga và phương Tây là một thắng lợi cho chính sách ngoại giao quốc tế của Mỹ và Anh qua các thời Chính phủ Dân chủ Mỹ Obama đến Biden, theo đó họ theo đuổi việc nắm bắt cơ hội lịch sử của thời đại để làm suy yếu toàn diện nước Nga, đưa nước Nga thành nước hạng ba và rút hoàn toàn khỏi câu lạc bộ các nước hùng mạnh. Như vậy, sở dĩ các chính quyền liên tiếp của Đảng Dân chủ Mỹ đóng cửa không cho Nga hướng đến phương Tây là do cả yếu tố lịch sử lẫn những cân nhắc thực tế về chiến lược chính trị quốc tế. Trong truyền thống lịch sử, chúng ta đều biết triết lý chính trị Anglo-Saxon, theo đó vấn đề đáng sợ nhất là liên minh giữa Nga, Đức và vùng người Gaul để tạo thành một khối chính trị thống nhất trên lục địa châu Âu, nếu xảy ra điều đó nghĩa là ảnh hưởng của Anh tại lục địa châu Âu sẽ bị loại bỏ.

Ngoài ra, từ góc độ thực tế địa chính trị quốc tế trong thế kỷ 21, quan điểm chính thống từ Chính phủ Dân chủ Mỹ và Anh cho rằng một khi Nga hình thành một liên minh vững chắc với EU hoặc thậm chí gia nhập EU, khi đó sẽ xuất hiện một thế lực kinh tế và chính trị hùng mạnh xuyên lục địa Á-Âu, trong trường hợp đó thì vị thế và ảnh hưởng ở châu Âu và thế giới của Mỹ và Anh sẽ bị suy yếu rất nhiều.

Thực tế cho thấy trước khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, giá trị tồn tại của NATO do Mỹ và Anh lãnh đạo đã bị Pháp và các nước châu Âu khác nghi ngờ mạnh mẽ. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng sau khi Hiệp ước Warsaw do Liên Xô đứng đầu không còn tồn tại, vấn đề lý do tồn tại của NATO cũng được đặt ra. Báo cáo cho rằng chính dựa trên truyền thống lịch sử nêu trên và các đánh giá chính trị quốc tế thực tế, mà chính phủ Dân chủ Mỹ và Anh đã áp dụng chính sách loại bỏ Nga, theo đó ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga. Qua cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, có thể thấy Mỹ không chỉ thành công trong việc đưa các nước EU và Nga vào tình trạng gần như chiến tranh thù địch, mà còn kích hoạt lại NATO – thế lực từng bị đặt vấn đề về vai trò tồn tại nhưng giờ đây được hồi sinh với đầy đủ lý do, còn nước xin tư cách thành viên của tổ chức này sẽ được mở rộng hơn nữa.

Nhưng nếu Đảng Cộng hòa do Trump đại diện giành lại quyền kiểm soát việc xây dựng chính sách quốc gia ở Mỹ, khi đó tình hình địa chính trị châu Âu có thể trải qua những thay đổi mang tính đảo lộn, vì sự khác biệt lớn giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Mỹ trong quan điểm về tình hình quốc tế.

Các tổ chức cố vấn của Đảng Cộng hòa Mỹ rõ ràng đã chấp nhận thực tế rằng sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ, trọng tâm địa chính trị quốc tế đã chuyển từ châu Âu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sang eo biển Đài Loan và Biển Đông. Vì vậy, Đảng Cộng hòa ở Mỹ cho rằng nên áp dụng chính sách xoa dịu Nga để lôi kéo kết nối thay vì tẩy chay. Mỹ cũng nên sớm rút khỏi cuộc chiến Nga – Ukraine ở châu Âu, để tập trung chuyển nguồn lực sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu chiến tranh Nga – Ukraine có thể kết thúc theo kế hoạch của Trump và Mỹ, thì tác động của việc kết thúc cuộc chiến cũng sẽ lan sang Trung Đông. Từ đó Iran và phe cánh [các nhóm vũ trang phi chính phủ] có thể bị suy yếu hơn. Với tư cách là đồng minh của Mỹ, Israel sẽ hiện diện ở Trung Đông mạnh mẽ hơn, điều này sẽ giúp Mỹ chuyển quyền lực từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Ông Trump là một doanh nhân tập trung vào lợi ích kinh tế, nhưng khi trong tư cách là tổng thống của Đảng Cộng hòa, tất nhiên ông sẽ bị hạn chế mạnh mẽ bởi quan điểm chính trị quốc tế của Đảng Cộng hòa Mỹ.

Trên đây là những đánh giá từ báo cáo của cơ quan cố vấn quân sự ĐCSTQ.

Vẫn còn thời cơ để ĐCSTQ thôn tính Đài Loan nếu Trump cầm quyền

Ông Viên Hồng Băng nhấn mạnh, báo cáo của tổ chức tư vấn quân sự Trung Quốc cũng nhận định, cơ hội để ĐCSTQ thôn tính Đài Loan không bị mất nếu ông Trump cầm quyền:

“Nếu Trump trở thành tổng thống Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga có thể sẽ được cải thiện mạnh mẽ sau khi ông thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh. Trong trường hợp này sẽ gây ra những trở ngại lớn chưa từng có đối với ĐCSTQ trong giải quyết vấn đề Đài Loan, thậm chí sẽ đặt ĐCSTQ vào thế bị động chiến lược khi đối mặt với kẻ thù từ cả trước và sau. Do đó, giả sử Trump thắng cử ở Mỹ thì thời gian sẽ không đứng về phía ĐCSTQ trong vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng tin rằng ngay cả khi Trump thắng cử ở Mỹ, và Trump thành công trong việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine, thậm chí mối quan hệ giữa Mỹ và Nga tan băng và phát triển thành một liên minh chiến lược, thì tất cả những chuỗi thay đổi lớn này trong địa chính trị quốc tế sẽ cần có thời gian, quá trình này có thể mất vài năm mới hoàn thành. Vì vậy, báo cáo này đã đi đến kết luận rằng thời cơ tốt để giải quyết vấn đề Đài Loan (từ năm 2025 – 2027) do Quân ủy Trung ương ĐCSTQ xác định vẫn còn hiệu lực, cần phải thực hiện kế hoạch đó trong khoảng thời gian cửa sổ này.”

ĐCSTQ cung cấp đầy đủ vũ khí cho lính Triều Tiên tiến vào Nga

Ông Viên Hồng Băng nói rằng từ những khuyến nghị trong báo cáo đó, có thể thấy rằng việc Triều Tiên gửi quân sang Nga chiến đấu hiện nay không chỉ là thỏa thuận giữa Nga và Triều Tiên, mà đó còn là thỏa thuận 3 bên giữa Nga, Triều Tiên và ĐCSTQ:

“Trước đó, chúng tôi đã nhận được thông tin rằng quân đội mà Triều Tiên sẽ điều động không chỉ là 12.000 quân như truyền thông phổ biến đưa tin hiện nay, ngay từ khoảng nửa năm trước Triều Tiên đã chuẩn bị cử 100.000 lính đặc chủng sang chiến đấu ở Nga. Tất nhiên là họ sẽ không chiến đấu ở lãnh thổ Ukraine, nhưng sẽ chiến đấu trong lãnh thổ Nga, hoặc sẽ chiến đấu trong các ranh giới mà Nga coi là của họ. Và thực ra vấn đề trang bị của 100.000 lính đặc chủng Triều Tiên này là do ĐCSTQ cung cấp. Hàng triệu quả đạn pháo mà Triều Tiên cung cấp cho Nga thực chất chỉ là làm cầu nối cho ĐCSTQ cung cấp cho Nga – nguồn đạn dược đó chính là của Trung Quốc. Đối với một quốc gia ăn xin như Triều Tiên thì ngay cả tồn tại của họ còn là vấn đề thì làm gì có khả năng viện trợ quân sự quy mô lớn cho Nga. Đây là tình huống đằng sau việc Triều Tiên gửi quân đến Nga mà chúng ta đang thấy hiện nay.”

Khuyến nghị của Báo cáo

Báo cáo này của cơ quan cố vấn quân sự Trung Quốc đã đưa ra 3 khuyến nghị nhằm đối phó với những thay đổi lớn về địa chính trị quốc tế trong trường hợp có thể Trump trở thành tổng thống Mỹ.

Đề xuất đầu tiên là tăng cường nỗ lực hỗ trợ quân sự và chính trị cho Nga, tích cực thúc đẩy việc đưa lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên vào Nga, đồng thời giúp quân đội Nga đẩy lùi quân đội Ukraine ở khu vực Kursk của Nga trước khi Mỹ có tổng thống nhiệm kỳ mới, từ đó để Nga giành được lợi thế quân sự lớn hơn giúp gia tăng lợi thế thương lượng của Nga trong các cuộc đàm phán đình chiến sau đó. Báo cáo này tin rằng Nga ra giá càng cao thì khả năng đạt được thỏa thuận đình chiến càng thấp, rõ ràng là ĐCSTQ không muốn cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine kết thúc sớm.

Dù quân đội, không quân và hải quân của Triều Tiên tất nhiên là vô cùng lạc hậu, nhưng lực lượng đặc nhiệm của lục quân Triều Tiên thì không thể đánh giá thấp. Có tin tức cho rằng lực lượng đặc nhiệm của lục quân Triều Tiên chiếm 1/3, là đội quân đã được huấn luyện chiến đấu vô cùng khắc nghiệt. Vì vậy, việc 100.000 lính đặc nhiệm Triều Tiên vào Nga ít nhất có thể đảm bảo an ninh nội địa của Nga ở mức độ đáng kể, đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ khó phản công vào Nga, thậm chí còn có khả năng trục xuất được đội quân Ukraine đã phản công vào Nga. Nếu vậy, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ có những thay đổi đáng kể trong so sánh tình hình giữa hai bên.

Khuyến nghị thứ hai được đưa ra trong báo cáo là tăng cường hơn nữa hỗ trợ kinh tế và quân sự cho cái gọi là ‘vòng cung kháng chiến’ ở Trung Đông, đồng thời cố gắng tối đa hóa tác động của vòng cung kháng chiến trong việc kiềm chế sức mạnh quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Khuyến nghị thứ ba và quan trọng nhất là tiếp tục đẩy nhanh và hoàn thiện việc chuẩn bị quân sự cũng như chuẩn bị kinh tế, chính trị cho cuộc chiến chinh phục Đài Loan, đồng thời nắm chắc thời cơ giải quyết vấn đề Đài Loan. 

Cảnh báo từ cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd

Cuối cùng ông Viên Hồng Băng chia sẻ: “Cựu Thủ tướng Úc Kevin Michael Rudd, một người dường như từng nổi tiếng là thân ĐCSTQ – đã nhắc nhở qua cuốn sách mới xuất bản gần đây của ông có tên “Về Tập Cận Bình”, gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng quốc tế về chiến tranh mà Rudd tin rằng nguyên do từ hệ tư tưởng của Tập Cận Bình. Ông chỉ ra thời ông Tập Cận Bình cầm quyền Trung Quốc đã gây mối đe dọa lên đến đỉnh điểm đối với an ninh toàn cầu, điều tương tự cũng thấy đối với nguy cơ xảy ra chiến tranh trong vấn đề Đài Loan.

Có thể kết hợp báo cáo nêu trên với cảnh báo của Kevin Rudd về cuộc chiến eo biển Đài Loan, một lần nữa cho thấy việc ông Tập Cận Bình phát động cuộc chiến eo biển Đài Loan là một vấn đề nguy cơ cận kề đối với an ninh chính trị quốc tế. Làm thế nào để chuyển hóa khủng hoảng chiến tranh này thành cơ hội thời đại, để loại bỏ nền chuyên chế của ĐCSTQ và chế độ độc tài của Tập Cận Bình – đó là vấn đề hệ trọng mà tất cả những người theo đuổi tự do, dân chủ cần nghiêm túc xem xét.”

Lý Tịnh Nhữ

Published by
Lý Tịnh Nhữ

Recent Posts

Cựu PGĐ ngân hàng “trộm” 246 lượng vàng để chơi chứng khoán và tiền ảo

Cần tiền để đầu tư chứng khoán và tiền điện tử, cựu Trưởng kho quỹ…

18 phút ago

‘Những điểm yếu của người Việt có thể thay đổi nếu tạo thói quen đọc sách’

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, người Việt cần cù nhưng dễ thỏa mãn, hiểu…

45 phút ago

Ăn ít carbohydrate cải thiện việc kiểm soát bệnh tiểu đường mà không cần dùng thuốc

Không có loại thuốc thông thường nào cho bệnh tiểu đường loại 2 được chứng…

1 giờ ago

Vấn đề hợp pháp hóa cần sa trong bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

Với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, cả Phó Tổng thống Harris và…

2 giờ ago

Lũ lụt ở Tây Ban Nha: 205 người thiệt mạng, thành lập nhà xác tạm thời ở Valencia

Trận lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu trong nửa thế kỷ mà Tây…

2 giờ ago

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị cáo buộc gây thất thoát hơn 308 tỷ đồng

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng 16 bị can bị…

2 giờ ago