Chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đạchomo (tỉnh Lâm Đồng) dựng cổng, đặt rào kẽm gai trong vụ tranh chấp đường đi với khoảng 30 hộ dân cư trú và sản xuất trong Tiểu khu 227B. Nhiều năm qua, người lớn, trẻ con muốn ra vào phải đợi bảo vệ xin phép mở cổng, hoặc chui qua đường thoát nước, chui rào kẽm.
Ngày 3/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – Nguyễn Ngọc Phúc ký văn bản yêu cầu Công ty CP Đầu tư và xây dựng điện Long Hội (sau đây gọi tắt là Công ty Long Hội) giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến Nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đạchomo (xã Lát, huyện Lạc Dương).
UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở liên quan, UBND huyện Lạc Dương giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân liên quan đến Nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng – Đạchomo, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/10.
Sở Công thương được giao theo dõi việc giải quyết các bất cập của Công ty Long Hội. Nếu hết quý 3/2024, công ty này chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại thì đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định.
Trường hợp công ty cố tình trì hoãn, Sở Công thương sẽ tư vấn UBND tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm dừng mua, bán điện cho đến khi giải quyết dứt điểm các vấn đề bất cập.
Theo phản ánh của báo Lâm Đồng, từ tháng 4/2019, phía Công ty Long Hội làm cổng sắt, chỉ cho máy cày, xe máy và người đi bộ qua lại, hạn chế các phương tiện chở nông sản, xe cơ giới ra vào cổng hầm xả, khiến việc sản xuất của nhiều người dân tại Tiểu khu 227B bị cản trở. Từ ngày 24/3 tới nay, công ty này đóng cửa sắt, rào chắn thêm một lớp cổng bên trong bằng tôn và kẽm gai, khiến phụ nữ và trẻ nhỏ phải chui qua rào kẽm để đi làm, đi học (hình ảnh do báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận).
Gần đây nhất, sáng 2/4, gia đình bà Nguyễn Hồng Thúy – cán bộ Trường Mầm non Đạ Nghịt đưa cháu 7 tháng tuổi đi tiêm chủng nhưng nhà máy yêu cầu bảo vệ không được mở cổng.
Theo thống kê của UBND xã Lát, trong khu vực Tiểu khu 227B hiện nay có 3 hộ có nhà ở với 10 nhân khẩu (có 2 trẻ học lớp 5 và lớp 2, một trẻ 7 tháng tuổi). Tổng số hộ đang canh tác, sản xuất tại tiểu khu này là 27 hộ, trên diện tích 44,1 ha; trong đó, gần 1ha đất nông nghiệp có sổ, còn lại là đất canh tác nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân từ đường ĐT 726 ra vào Tiểu khu 227B bằng con đường ngắn 200m. Trước năm 2027, đây là đường dân sinh. Tới năm 2009, khi dự án Nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đạchomo chuẩn bị khởi công, Công ty Long Hội (chủ đầu tư thủy điện) thi công con đường trên làm đê quai chắn nước lòng hồ, tới tháng 12/2018 thì hoàn thiện đường hầm xả nước của hồ thủy điện.
Công ty Long Hội cho rằng căn cứ theo quyết định giao đất của UBND tỉnh Lâm Đồng, diện tích con đường dân đi lại vào khu sản xuất là đất nằm trong phần diện tích tỉnh bàn giao cho công ty này thực hiện công trình thủy điện. Từ khi hoàn thiện đường cửa hầm qua đập thủy điện, chủ đầu tư vẫn tạo điều kiện cho người dân lưu thông, chỉ cản trở các xe có trọng tải lớn đi qua gây mất an toàn cửa hầm.
Từ tháng 4/2019, Công ty Long Hội bắt đầu làm cổng sắt, hạn chế các phương tiện chở nông sản, xe cơ giới ra vào cổng hầm xả. Hai bên nhiều lần phát sinh mâu thuẫn, khi người dân chỉ được đi lại một số khung giờ, vận chuyển nông sản khó khăn, phải chờ bảo vệ xin phép mở cổng… Đỉnh điểm là từ tháng 4 tới nay, công ty đóng cửa sắt, rào chắn thêm một lớp cổng bằng rào kẽm gai, chắn hoàn toàn lối đi bên trong, khiến cho phụ nữ và trẻ nhỏ muốn qua phải chui rào kẽm.
Công ty Long Hội cho rằng năm 2023 đã đóng góp khoảng 1 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn đối ứng của địa phương tu sửa con đường vòng cũ (dân gọi là dốc Min) thay cho đường đi qua thân đập thủy điện để nối khu sản xuất của người dân ra đường Tỉnh lộ 726.
Từ tháng 3/2024, đường dốc Min dài khoảng 1,5 km, mặt đường 3,5m với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng đã hoàn thành. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, đường dốc Min là đường vòng, quá xa, mặt đường chỉ rải đá cấp phối, độ dốc lớn, trời mưa trơn trượt nên đi lại rất khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt đối với phụ nữ và xe chuyên chở nông sản.
Người dân có nguyện vọng được di chuyển qua con đường trên thân đập thủy điện như trước đây hoặc để người dân hiến đất, mở đường mới đi qua đỉnh hầm thủy điện cho thuận lợi.
Người dân đề xuất hiến đất, bỏ tiền, bỏ công mở một con đường dân sinh, đá cấp phối chạy phía trên đường hầm dẫn nước, dài 250m, thay thế con đường trên đập dẫn nước. Công ty Long Hội đã đồng ý phương án này nhưng yêu cầu các thủ tục làm đường mới phải đúng theo quy định pháp luật. Người dân làm được 1 đoạn khoảng 100m thì bị công ty ngăn cản, cho rằng đã tác động vào phạm vi tuyến năng lượng của công trình nhà máy thủy điện Đa Dâng.
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương xác nhận Sở Công thương sau khi kiểm tra đã xác định con đường mới mở này nằm trong phạm vi tuyến năng lượng của công trình nhà máy thuỷ điện nên đã bị đình chỉ và không được làm tiếp. Ngày 8/4, ông Bùi Thế – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết địa phương đã thống nhất cải tạo đường dốc Min để nối đường ĐT 726 vào khu sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 8 vừa qua, đến lượt UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản yêu cầu tu sửa đường tránh để giải quyết việc tranh chấp đường đi giữa Công ty Long Hội và người dân trong khu vực bị tác động bởi dự án Nhà máy thủy điện Đa Dâng – Đạchomo.
Đối với việc Công ty Long Hội báo cáo người dân tự mở đường trái phép đi qua đỉnh hầm Nhà máy thủy điện Đa Dâng – Đạchomo, UBND tỉnh giao Sở Công thương kiểm tra, báo cáo trước ngày 20/8.
Nguyễn Quân
Từ ngày 26/11, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, đến đêm chính…
Từ chỗ hết lòng nghiên cứu Tây y, bác sĩ Vương Nguyên Phủ tiếp xúc…
Tùng Thiện vương có số lượng sáng tác rất phong phú bao trùm các lĩnh…
Ông Piotr Kulpa, cựu Thứ trưởng Ba Lan, khẳng định rằng Ukraine không nhận được…
Tiếng vang, tiếng trống, tiếng cung kiếm, tiếng người ngựa gào thét...
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã quyết định đề cử Tiến sĩ Dave Weldon,…