Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân được xem là các vị thần cai quản chuyện bếp núc mỗi nhà.
Theo phong tục cổ truyền, vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, các vị Táo sẽ lên chầu Trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian. Với lòng kính ngưỡng đó, mỗi nhà sẽ làm lễ tiễn đưa ông Táo lên chầu. Lễ cúng và thả cá chép là một phần nghi thức không thể thiếu vì cá chép được coi là linh vật đưa Táo Quân lên trời. Khi cúng lễ, người ta thường đặt một đôi hoặc ba con cá chép sống, thả trong chậu nước, ở gần mâm cỗ thờ cúng, sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, để cá chép “hóa rồng” đưa ông Táo về trời.
Những phân tích hiện đại cho hay nghi thức thả cá cho ông Táo về trời biểu hiện cho tính thiện, dạy người ta hướng thiện thông qua hành động phóng sinh. Ngoài ra, việc tin và làm theo phong tục với tâm thức rằng cá chép là loài linh vật quý, chỉ cá chép mới có năng lực “hóa rồng” để đưa ông Táo chầu trời giúp con người biết trân quý ý nghĩa của sinh mệnh, có niềm tin vào sự kính ngưỡng để trong một năm gia đình nhắc nhau ăn ở thuận hòa.
Thế nhưng tại Việt Nam, vào lễ cúng ông Công ông Táo, ý nghĩa thực sự của việc thả cá chép đang ngày càng bị biến dạng cho thấy rất nhiều tư tưởng không đúng đắn tồn tại phổ biến trong xã hội. Từ đó dẫn đến việc nghi lễ được thực hiện một cách cẩu thả, hời hợt, vô tình trở thành “thảm họa” cho các sinh linh hơn là mang đúng ý nghĩa của việc “phóng sinh” theo nhà Phật. Dường như nhiều người chỉ làm theo đám đông một cách có lệ mà không thực sự hiểu rõ ý nghĩa của điều mình làm.
Tại các địa điểm phổ biến để thả cá, có rất nhiều người vô ý thức ném luôn cả cá cả túi nilong xuống ao hồ, thậm chí còn ném cả bát hương cũ, chén đĩa cúng, kể cả bàn thờ cũ xuống hồ. Vài năm trở lại đây, nhiều tình nguyện viên đã đứng chỉ dẫn, giơ bảng kêu gọi mọi người thả cá sao cho “văn minh”, ít nhất không làm hại đến môi trường. Nhưng trong năm nay, trên cầu Long Biên, vẫn không hiếm cảnh có người dừng xe và quẳng cả túi đựng cá xuống sông, hay dốc đổ cá xuống nước từ độ cao vài chục mét từ thành cầu – điều này có thể khiến cá bị chết. Là phóng sinh hay sát sinh – có lẽ mỗi chúng ta phải thực sự nhìn lại mình.
Lại có những người buôn bán cá chọn bán những loài rất khó sống ở môi trường ao hồ; có những người đã chờ sẵn dưới sông, hồ sẵn sàng vợt, chích điện để bắt cá người dân vừa thả. Có phải sự tham lam, tư lợi đã khiến người ta không điều gì là không dám làm, để rồi ngày càng trở nên “vô thần” theo ý nghĩa không còn sự kính ngưỡng tâm linh?
Những bi hài trong việc thả cá chép và vô số những hiện trạng khác đang diễn ra phản ánh một đời sống tâm linh méo mó tại Việt Nam. Từ chuyện mua vàng ngày thần Tài, đốt hàng tỷ đồng vàng mã, cướp lộc, cướp Ấn… đến những hành động xảy ra phổ biến hàng năm như lên chùa xả rác, đạp cây băng rừng để mở lối hành hương, xô đẩy, chen nhau tới vỡ ban thờ để tranh lộc… đều phản ánh tình trạng thiếu tâm thức kính ngưỡng phổ biến trong những “cơn sốt” thần linh thường bị đẩy lên tới cao trào vào một vài dịp lễ trong năm.
Những “lỗ hổng” tâm linh ấy dường như có một phần căn nguyên từ khoảng trống trong tín ngưỡng tâm linh hàng chục năm qua. Đặc biệt sau những đợt cải cách với hàng loạt chùa chiền, miếu mạo bị phá bỏ khiến nền văn hóa truyền thống bị tổn thương sâu sắc, giá trị đạo đức văn hóa ngày càng bị xói mòn, con người cằn cỗi về tâm hồn, trượt dốc về nhân tâm. Trong vùng “chân không” về kính ngưỡng đó, những triết lý đấu tranh, phá bỏ càng có cơ hội thẩm thấu, dần trở thành mô thức chi phối suy nghĩ, hành vi. Trong sự trượt dốc đó, tín ngưỡng tâm linh dần càng bị làm cho biến đổi, bị biến thành nhiều dạng thức mang nặng màu sắc mê tín dị đoan.
Theo giáo lý nhà Phật, lẽ ra người ta đến bên cửa Phật để cúi đầu thành tâm học hỏi những triết lý nhân sinh; bỏ đi những tham sân si, các loại dục vọng; tìm đến một nơi chốn bình an cho tâm hồn để nhìn lại bản thân và buông bỏ; thì giờ đây phần lớn người ta đến chùa đến đền là để cầu, để xin, để tích cho được nhiều hơn. Họ muốn Thần Phật bảo hộ, trừ nạn giúp, xin “chứng” cho lòng “thành tâm” của họ bằng những mâm cao lễ đầy. Thế rồi, bước chân ra khỏi cửa chùa, họ lại trở lại là bản thân họ như trước, thất tình lục dục chẳng vơi đi chút nào, lại tranh giành, lại toan tính, điều xấu điều ác vẫn thản nhiên làm.
Nhìn rộng hơn, mới thấy thời “mạt Pháp” mà người xưa nói đến dường như đã ở đây rồi. Ngày nay, hiếm tìm được những chốn tâm linh còn kiền tịnh; người ta tiến hành nhiều nghi thức nhưng những điều cơ bản như tu tâm, dưỡng tính lại bị quên đi hay bị đẩy lui về thứ yếu.
Hiện trạng văn hóa đó giải thích rằng vì sao trong một quốc gia với những suất gạo 15kg/người cứu đói vẫn đều đặn phát hai dịp hàng năm được sắp tin ngay cạnh những đại án tham ô ngàn tỷ, nhưng cứ đến ngày Tết và các lễ sau Tết, hàng ngàn người đổ đến chùa chiền, miếu mạo để cầu xin sự phù hộ của thánh thần. “Lộc” là một từ mơ hồ. Chúng có thể là vài đồng nhặt được do ai đánh rơi trên đường cho tới ngàn tỷ “rút” được từ một dự án đã đặt bút ký. Nếu là tiền kiếm từ mồ hôi nước mắt, người ta không gọi đó là “lộc”. Lạ lùng thay, từ quan tới dân, người càng giàu, càng lắm quyền thế lại càng mong cầu nhiều “lộc”. Đạt được càng nhiều, họ lại càng đi chùa cúng bái, vì để cầu thêm, vì sợ mất những gì đang có, hoặc vì sợ phải trả giá cho những gì đã làm để có được quyền uy, xa hoa.
Sự kính ngưỡng đáng ra sẽ khiến đức tin vào đạo đức, vào lòng khoan dung, sự từ bi, nhẫn nại của con người lớn dần lên. Họ hiểu về hệ quả phải gánh chịu nếu đi ngược với quy luật về được và mất trong cõi tự nhiên, rằng làm điều ác cần phải trả giá, làm điều thiện sẽ nhận lại phúc báo. Thế nhưng, khi bị đặt trong trạng thái vô minh, sự kính ngưỡng sẽ chỉ bị biến thành trạng thái cực đoan trong xã hội, với những “cơn sốt” tâm linh méo mó, với hàng ngàn mã hương được đốt, hàng tỷ đồng tiền lẻ được ném, được vứt, được giắt trong tay tượng hay thậm chí một giếng khô. Và rồi hàng ngàn tỷ đồng khác sẽ tiếp tục được đầu tư cho những dự án “du lịch tâm linh” để xoay vòng “nguồn vốn mê tín” trong xã hội.
Chưa lúc nào, và chưa bao giờ việc giáo dục, nâng cao dân trí, lấp “lỗ hổng” về tín ngưỡng, tâm linh lại là điều cần thiết như hiện nay. Khi mỗi người tự nhận thấy mê tín dị đoan và những tập tục loạn bát nháo không bao giờ là nền tảng của sự kính ngưỡng chân chính, khi mỗi người nhận ra điều cần làm để cho cuộc sống của bản thân thay đổi không phải đi cầu là có được, mà phải là sự nỗ lực thay đổi từ chính họ, biết sống thiện lương, thanh liêm, biết rằng làm sai phải chịu sự trừng phạt không chỉ trong một đời… chỉ khi đó, số phận của con người mới thay đổi, mỗi người mới có thể tự tìm ra đáp án cho chính mình trong cuộc mưu cầu hạnh phúc, thay vì thiêu cháy niềm tin như con thiêu thân trong những khói nhang mong cầu.
Tuệ Minh
Xem thêm:
Những ngày qua Trung Quốc tăng cường các diễn tập quân sự quanh quốc Đảo…
Hai Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT vừa thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề…
Từ ngày 1/7/2025, hội thẩm được hưởng chế độ bồi dưỡng là 900.000 đồng/ngày, thay…
TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 510km hệ thống metro vào năm 2045,…
Cơ quan tố tụng thành phố xác định có 3 lãnh đạo thuộc Ban Quản…
Cựu bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun đã cố gắng tự tử…