Dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, TS. Nguyễn Trọng Khoa cho biết sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Số tiền bỏ ra mua thuốc lá lên đến 49.000 tỷ đồng/năm.
Ngày 4/11, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực Asean” về sự gia tăng của các sản phẩm thuốc lá.
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay việc sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).
Còn tại Việt Nam, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, ông Khoa cho biết sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động (Hút thuốc lá thụ động để chỉ các trường hợp không trực tiếp sử dụng thuốc lá nhưng lại hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc do người hút phả ra trong không khí – PV) gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, cao gấp 10 lần so với tử vong do tai nạn giao thông gây ra.
TS Khoa cho hay theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
“Tại Việt Nam, theo ước tính số tiền bỏ ra mua thuốc lá lên đến 49.000 tỷ VNĐ/năm (ước tính từ nguồn dữ liệu của nghiên cứu PGATS 2020). Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm”, TS Khoa nói thêm.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản lý Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, cho biết Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% xuống còn 38,9% (2010 – 2023); thanh thiếu niên nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% xuống còn 2,78%…
Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.
Tuy nhiên, phần trăm người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh từ năm 2015 – 2020, đặc biệt là nhóm tuổi 15 – 24 tuổi từ 0,1 lên 7,3%. Nhóm thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 3,5 đến 8% chỉ trong vòng 1 năm (2022 – 2023).
Đáng lưu ý, một khảo sát nhanh trong năm 2023 tại 700 bệnh viện tại các tỉnh, thành, ghi nhận 1.224 người nhập viện cấp cứu do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó nhiều ca tổn thương phổi cấp dị ứng, ngộ độc do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng nhanh chóng trong lứa tuổi thanh thiếu niên, bằng các hình thức giả dạng các vật dụng như hộp bút, đồ chơi… các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dễ dàng xâm nhập vào môi trường học đường.
Hút thuốc lá điện tử là một hình thức chứng tỏ bản thân của thanh thiếu niên hiện nay. Trung bình một người ngày hút từ 1 đến 2 bao thuốc lá điếu là nhiều nhưng với thuốc lá điện tử không có giới hạn. Các tạp chất trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây độc hại như thuốc lá điếu và Nicotin gây nghiện rất nhanh.
“Vì các thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là nguyên nhân mới gây tổn thương phổi cấp, nguy hiểm đến sức khỏe, chúng tôi đang triển khai nghiên cứu sâu hơn về bệnh cảnh lâm sàng của căn bệnh này. Đây là bệnh mới, và WHO có mã bệnh cho bệnh tổn thương phổi do thuốc lá điện tử”, ông Khoa nói.
Với các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử, trong năm 2022 – 2023, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận gần 130 ca ngộ độc nhập viện.
Ngoài Nicotine và các hóa chất gây hại, thuốc lá điện tử còn có các ma túy, hóa chất chưa thể xét nghiệm được, và các hóa chất này vẫn được làm mới mỗi ngày, đe dọa sức khỏe, không thể kiểm soát được.
Tiến sĩ Ulysses Dorotheo, Giám đốc điều hành Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), cho biết: “Việt Nam, giống như các nước ASEAN khác, đang phải đối mặt với vấn đề gia tăng sử dụng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này và tránh lặp lại sai lầm khi để nạn dịch thuốc lá gia tăng”.
Theo SEATCA, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việt Nam nên xem xét bài học từ các quốc gia này khi quyết định cấm hay quản lý các sản phẩm này.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng không phải là phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả. Những người hút thuốc cố gắng cai thuốc bằng cách sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thường kết thúc bằng việc sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Ngoài ra, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp 3 lần.
Một số quốc gia cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, như Singapore (10,1%), Brazil (9,1%) và Hồng Kông (9,5%).
Hiện Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất giải pháp sớm ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong khi chờ sửa đổi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bộ cũng đề xuất cần cấm hút thuốc tại nơi công cộng như bệnh viện, công viên, trường học…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…