Tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố TP.HCM năm 2014 ước tính khoảng 9.000 – 9.500 tấn/ngày, trong đó khoảng 7.200 – 7.500 tấn được thu gom và vận chuyển đến khu xử lý tập trung. 75% số chất thải sau đó được xử lý theo phương pháp chôn lấp.
Các thông tin trên do UBND TP.HCM đưa ra trong một văn bản ngày 29/3 gửi Bộ Xây dựng xem xét và trình Thủ tướng phê duyệt việc quy hoạch địa điểm xử lý chất thải rắn của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2050.
Theo UBND TP, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị trên địa bàn thành phố khoảng 9.000 – 9.500 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 7.500 – 8.000 tấn/ngày đêm, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Tỷ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 7-8%/năm.
Đối với chất thải nguy hại, ước tính khối lượng khoảng 150.000 tấn/năm (trung bình phát sinh 350 – 400 tấn/ngày), trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn/năm (trung bình 17 tấn/ngày).
Khối lượng chất thải được thu gom và vận chuyển đến khu xử lý tập trung khoảng 7.200-7.500 tấn/ngày (tương đương gần 80% tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh).
Theo UBND TP, hiện chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, gây áp lực lớn cho các cơ sở xử lý, nơi công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp. Tỷ lệ chôn lấp ước khoảng 75% tổng khối lượng; 15% xử lý bằng phương pháp chế biến compost (ủ rác hữu cơ thành phân bón); khoảng 5-10% xử lý bằng công nghệ đốt.
Ngoài ra, thành phố cũng chưa có các cơ sở tái chế chất thải rắn quy mô lớn. Việc phân loại và tái chế chất thải rắn chủ yếu thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình với khoảng gần 1.000 cơ sở thu mua và 10 nhà máy tái chế.
Hiện tại, toàn thành phố chỉ có 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn là Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Q.Bình Chánh) quy mô 614 ha và Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (Q.Củ Chi) quy mô 687ha (thành phố đang có dự kiến điều chỉnh giảm xuống còn 533 ha). Ngoài ra, 2 khu xử lý chất thải rắn khác đã đóng cửa là khu Đông Thạnh (45 ha) và khu Gò Cát (25ha).
UBND TP nhận định tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp ở mức cao là nguy cơ tiềm tàng gây ô nhiễm thứ phát cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050 và năm 2100 và dựa theo kịch bản phát thải cao căn cứ vào tài liệu điều tra của ADB năm 2010, dự báo 90% bãi chôn lấp chất thải của TP.HCM có nguy cơ bị ngập. Các chất ô nhiễm từ bãi chôn lấp sẽ phát tán ra môi trường xung quanh.
Ngoài ra với tác nhân biến đổi khí hậu, mưa bão ngập lụt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống quản lý chất thải rắn gồm các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý…
Trong bối cảnh lượng chất thải rắn gia tăng và các tác động của biến đổi khí hậu, UBND TP cho biết việc lập một quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết. Bản quy hoạch dựa trên cơ sở điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn, dự báo các nguồn phát thải, thành phần, tính chất và tổng khối lượng các loại chất thải rắn thông thường và nguy hại đến năm 2050, từ đó xác định quy mô, vị trí các điểm thu gom, trung chuyển, cơ sở xử lý; lộ trình đầu tư xây dựng, công nghệ xử lý theo từng giai đoạn…
Dự kiến thời gian lập quy hoạch mất khoảng 9 tháng.
Bản “Định hướng quy hoạch xử lý chất thải rắn tại TP.HCM đến 2020 tầm nhìn 2030″ được áp dụng từ năm 2011, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, một số nội dung vẫn chưa được thực hiện.
Theo bản quy hoạch, lộ trình của chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt được xác định như sau:
Nhưng theo báo cáo trên của UBND TP, hiện chất thải rắn vẫn chưa được phân loại tại nguồn.
Đối với chất thải nguy hại, lộ trình xử lý được xác định yêu cầu tái chế, xử lý, tiêu hủy và chôn lấp an toàn với khối lượng 250-450 tấn/ngày (2011-2015), 550-850 tấn/ngày (2016-2020), 1.000-3.000 tấn/ngày (2021-2030).
Theo Luật Bảo vệ Môi trường, chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác.
Tuy nhiên, tính thời điểm hiện tại, thành phố vẫn chưa có các khu xử lý tập trung cho chất thải nguy hại, đặc biệt thiếu bãi chôn lấp an toàn.
Hiện các cơ sở tái chế (đa số nhỏ lẻ, quy mô gia đình) phân bố chủ yếu tại các quận 5, 6, 11, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 12, Thủ Đức. Theo bản quy hoạch, 2011-2015 tiếp tục duy trì hoạt động kèm theo hỗ trợ để các cơ sở tái chế này tồn tại ở dạng làng nghề hoặc cụm công nghiệp); bắt đầu từ năm 2016 sẽ thực hiện Chương trình di dời các cơ sở tái chế vào các Khu liên hợp. Nhưng tới nay, TP.HCM vẫn chưa hoàn thành việc di dời các cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường.
TP.HCM là thành phố đông dân nhất cả nước với 8.136,3 ngàn dân, diện tích 2.095,5 km2 (Tổng cục Thống kê, 2015). Năm 2015, tăng trưởng GDP của TP.HCM là 9,85%, cao hơn mức bình quân 6,68% của cả nước và đạt mức cao nhất trong 4 năm qua. Theo dự báo của Oxford Economics (2015), TP.HCM đứng thứ 4 trong top 10 đô thị tăng trưởng nhanh nhất châu Á giai đoạn 2015-2019. Song song với kế hoạch trở thành một vùng đại đô thị với 4 khu đô thị vệ tinh (đến năm 2025), TP.HCM đang phải đối diện với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, ngập nước, nạn cướp giật, phá hủy các di sản văn hóa. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…