Cách đây không lâu, bà Đằng Xuân Yên, một học viên Pháp Luân Công có thẻ xanh ở Hoa Kỳ, đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết án 3 năm tù vì tội gián điệp. “Tội trạng” của bà Đằng là đã phỏng vấn các học viên Pháp Luân Công từng bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, và quay video tình hình các học viên trong bệnh viện, đồng thời cung cấp những thông tin này cho phóng viên nước ngoài. Sự việc cho thấy đã có rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị chính quyền ĐCSTQ gắn mác “bệnh nhân tâm thần” và bị đưa vào bệnh viện để cưỡng bức “điều trị”.
Quá trình những học viên này bị gắn mác cũng như bị tra tấn và hủy hoại trong các bệnh viện tâm thần đều được chính quyền ĐCSTQ coi là “bí mật quốc gia” và nghiêm cấm tiết lộ. Tuy nhiên chúng ta có thể hình dung được sự tàn ác vô nhân đạo, vô pháp vô thiên trong đó.
Thủ đoạn này không chỉ áp dụng riêng cho các học viên Pháp Luân Công. Chỉ vài ngày trước, báo cáo của Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc ở nước ngoài cho biết ông Tào Mậu Binh, một công nhân ở huyện Phụ Ninh, tỉnh Giang Tô, bị chính quyền đàn áp vì tổ chức công đoàn độc lập. Ông Tào bị gắn mác “bệnh tâm thần” và bị đưa vào Bệnh viện tâm thần số 4 ở Diễm Thành, Giang Tô để cưỡng chế “điều trị”. Trước đó, một số nhà hoạt động vì quyền lao động như Tiết Kỉ Phong và Tăng Thất cũng bị chính quyền lấy danh nghĩa “bệnh tâm thần” để nhốt vào bệnh viện.
Theo nhiều báo cáo khác, ngay từ 8 năm trước, chính quyền ĐCSTQ đã liệt nhà bất đồng chính kiến Vương Vạn Tinh vào danh sách bệnh nhân tâm thần và cưỡng chế ông vào Bệnh viện Tâm thần An Khang, Bắc Kinh. Ngoài ra, nhà bất đồng chính kiến tại Thượng Hải Vương Diệu Căn cũng bị chính quyền nhốt vào bệnh viện tâm thần từ năm 1994 đến nay vẫn chưa được thả ra.
Dán nhãn cho người khác là bệnh nhân tâm thần và tống họ vào các bệnh viện để hủy hoại tinh thần cùng những hình thức giam giữ biến tướng khác đã trở thành chiến thuật vi phạm nhân quyền mới của ĐCSTQ. Thủ đoạn này chính là học được từ cơ quan tình báo KGB ở Liên Xô năm đó. Vào những năm 1970, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Liên Xô Medvedev đã viết cuốn sách “Ai là người điên?”, trong đó vạch trần việc KGB lợi dụng các bệnh viện tâm thần để tra tấn và bức hại nhiều nhà bất đồng chính kiến. Hiện nay, ĐCSTQ đã kế thừa thủ đoạn đó, thậm chí còn gia tăng mức độ nghiêm trọng. Tuy rằng tội ác này chưa được phơi bày một cách có hệ thống nhưng những sự việc riêng lẻ mà chúng ta phát hiện được cũng đủ gây kinh hãi.
Thủ đoạn bức hại chính trị trên danh nghĩa gắn mác bệnh tâm thần này có 2 đặc điểm. Thứ nhất là lách luật và coi thường pháp luật, nó không khép tội cho người khác nhưng vẫn đạt được hiệu quả khép tội. Trên thực tế chính là thực thi bản án ngoài vòng pháp luật; hình thức này so với việc định tội dựa trên danh nghĩa pháp luật thậm chí còn tráo trở, thâm hiểm và vô sỉ hơn. Thứ hai, tống người khác vào bệnh viện tâm thần còn tàn khốc hơn là tống họ vào tù, bởi vì hình thức này có thể núp dưới cái bóng “điều trị” để trực tiếp sử dụng các loại thuốc và phương pháp vật lý (chẳng hạn như gây sốc điện bằng dùi cui điện) để trực tiếp phá hủy hệ thống thần kinh và đầy đọa tinh thần của người ta.
Trên thực tế, thủ đoạn này không chữa cho người mắc bệnh tâm thần thành người bình thường mà ngược lại biến người bình thường thành người bị tâm thần.
Vậy thì liệu các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động vì quyền lao động hay các học viên Pháp Luân Công này có thực sự bị bệnh tâm thần, thực sự bị điên hay không? Không phải, khẳng định là không phải, vì nếu họ thực sự bị điên thì chính quyền đã không đưa họ vào bệnh viện tâm thần.
Chúng ta đều biết Trung Quốc cổ đại vẫn luôn có những câu chuyện về việc người bị đàn áp chính trị giả điên để tránh rắc rối. Ví dụ như Tôn Tẫn thời Chiến Quốc bị bạn học cũ là Bàng Quyên hãm hại, nhờ vào giả điên giả ngốc cuối cùng đã thoát khỏi hang cọp. Tống Giang trong Thủy Hử phạm phải tội bị chém đầu vì viết thơ châm biếm trong lúc say rượu cũng nhờ vào giả điên mà tránh được đại họa. Thái độ của người xưa đối với người điên đều rất hợp tình hợp lý. Nếu như người ta đã mắc bệnh tâm thần rồi thì cũng không cần truy cứu họ nữa, kệ người đó đi thôi. Vào cuối bộ phim Phù Dung Trấn, Vương Thu Xá – một kẻ kiếm tiền bằng cách trị người hại người trong thời Đại cách mạng văn hóa – tinh thần thất thường, cả ngày trên phố hô lớn: “Đã 7, 8 năm rồi, hãy làm lại lần nữa đi!” Lúc đầu còn có đám trẻ con cười đùa bắt chước theo, về sau người ta cũng coi như không thấy, chẳng buồn để ý. Có thể thấy đối với người bị điên thật, ai ai cũng biết rằng không cần để tâm đến họ.
Đúng là người bệnh tâm thần thì cần được điều trị, tuy nhiên miễn bệnh nhân không có khuynh hướng bạo lực và không gây nguy hiểm cho người khác thì không cần thiết phải làm trái ý nguyện của bệnh nhân và gia quyến mà tống họ vào bệnh viện tâm thần. Đây cũng là quy củ từ xưa đến nay không chỉ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ĐCSTQ lại bắt nhiều nhà bất đồng chính kiến vào bệnh viện tâm thần mà không chứng minh họ thực sự mắc bệnh. Điều này càng chứng tỏ bản thân chính quyền đang ngoài mạnh trong yếu, sợ hãi khiếp đảm, khó mà chống trụ nổi nữa.
Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu vào thứ Năm (9/1) để trừng phạt Tòa…
Công viên hữu nghị Lào - Việt Nam là công trình tiếp theo Việt Nam…
CEO Kênh đào Panama Ricaurte Morales đã bác bỏ cáo buộc của ông Trump rằng…
Tờ Times of Israel đưa tin, nhà lãnh đạo Israel Netanyahu sẽ không tham dự…
Kiểm soát lượng đường trong máu là một vấn đề suốt đời đối với hầu…
Văn phòng Công tố Liên bang Đức cáo buộc 3 người Đức tham gia hoạt…