Bác sĩ nước ngoài tại Trung Quốc nói về COVID: Chưa từng thấy trong 30 năm hành nghề

“Cơn sóng thần” dịch COVID-19 đang bùng bổ tại Trung Quốc (đặc biệt là Bắc Kinh), khiến hệ thống bệnh viện và lò hỏa táng đều trong cảnh quá tải. Hãng tin Reuters dẫn chia sẻ của bác sĩ Howard Bernstein, một người nước ngoài đang hành nghề tại một bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh, ông tiết lộ rằng chưa từng chứng kiến ​​điều gì như thế này trong hơn 30 năm làm bác sĩ cấp cứu.

Dịch bệnh ở Bắc Kinh ngày càng trở nên tồi tệ và người dân lâm vào cảnh khốn đốn. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Bệnh viện các cấp đều quá tải, thách thức lớn nhất là hoàn toàn bị động

Bác sĩ Howard Bernstein cho hay ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến bệnh viện nơi ông làm việc, gần như tất cả đều là người già và nhiều người bệnh nặng với các triệu chứng của COVID và viêm phổi.

Lời kể phản ánh lời khai tương tự từ các nhân viên y tế trên khắp Trung Quốc, nước đang chìm trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) sau khi ĐCSTQ đột ngột bỏ chính sách ‘Zero COVID’ vào ngày 7/12.

Đây là đợt bùng phát lớn nhất ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán 3 năm trước, số ca nhiễm tăng cao khiến từ tháng 12 các bệnh viện và nhà hỏa táng ở Bắc Kinh đã quá tải.

“Bệnh viện các cấp đều quá tải”, bác sĩ Bernstein nói với Reuters khi kết thúc ca làm việc căng thẳng tại Bệnh viện tư nhân United Family ở phía đông Bắc Kinh. “Phòng chăm sóc đặc biệt cũng đã kín chỗ như các phòng cấp cứu, phòng khám sốt và các khu vực khác”, ông nói.

“Rất nhiều người cuối cùng phải vào bệnh viện nhưng tình hình bệnh của họ cũng không khá hơn sau 1 – 2 ngày, phòng cấp cứu lại không ngừng có thêm nhiều người đưa đến dù họ không thể vào được trong phòng”, ông nói, “Mỗi bệnh nhân nằm trong phòng cấp cứu mấy ngày”.

Từ việc chưa bao giờ điều trị cho một bệnh nhân COVID nào trong tháng qua, giờ đây mỗi ngày bác sĩ Bernstein đã khám cho hàng chục bệnh nhân. “Thành thật mà nói, tôi nghĩ thách thức lớn nhất là chúng ta chưa chuẩn bị cho điều này”, ông nói.

Lo lắng giai đoạn tồi tệ nhất vẫn chưa đến

Bác sĩ Sonia Jutard-Bourreau (48 tuổi) là giám đốc y tế tại bệnh viện tư nhân Raffles ở Bắc Kinh cho biết số lượng bệnh nhân gấp 5 – 6 lần mức bình thường với độ tuổi trung bình của bệnh nhân là ngoài 70 tuổi, trong khi mới một tuần trước thì độ tuổi trung bình của bệnh nhân chỉ ở độ tuổi ngoài 30.

Cô cho biết các bệnh nhân và người thân của họ đến Raffles vì ​​các bệnh viện nhà nước đã quá tải và họ muốn mua thuốc Paxlovid điều trị COVID do hãng Pfizer sản xuất, nhưng thuốc đã hết hàng ở nhiều nơi bao gồm cả Raffles.

Bác sĩ Jutard-Bourreau nói: “Họ muốn loại thuốc này thay thế vắc xin, nhưng loại thuốc này không phải là thuốc thay thế vắc xin… Nhóm của chúng tôi cũng có những tiêu chí nghiêm ngặt về thời điểm có thể kê đơn”.

Giống như Bernstein, bác sĩ Jutard-Bourreau đã làm việc ở Trung Quốc trong khoảng chục năm lo lắng rằng đợt bùng phát tồi tệ nhất ở Bắc Kinh vẫn chưa đến.

Nhà tang lễ ở Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình video Reuters)

Thiếu nhân lực do hàng loạt nhân viên y tế nhiễm COVID

Ở những nơi khác tại Trung Quốc, nhân viên y tế nói với Reuters rằng có những thời điểm không còn nguồn lực cứu chữa bệnh nhân do đội ngũ nhân viên y tế nhiều người bị nhiễm COVID cũng như những lúc người bệnh đặc biệt nhiều.

Một y tá ở Tây An cho biết trong những tuần gần đây có 45 trong số 51 y tá trong khoa của cô và tất cả nhân viên khoa cấp cứu đã hoặc đang nhiễm virus.

Một y tá 22 tuổi họ Wang cho biết: “Nhiều đồng nghiệp của tôi bị COVID khiến các bác sĩ ai nấy đều cảm thấy chán nản”.

Thậm chí nhiều y tá tại các bệnh viện khác cho biết họ vẫn phải đến bệnh viện làm việc ngay cả khi xét nghiệm dương tính và bị sốt nhẹ.

Y tá Jiang (29 tuổi) tại khoa tâm thần của một bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc chia sẻ rằng số lượng nhân viên tại khoa của cô đã giảm hơn 50% và khoa đã ngừng nhận bệnh nhân mới, trong điều kiện rất thiếu thốn người hỗ trợ cũng như phối hợp công việc khiến cô đã làm việc theo ca kéo dài đến hơn 16 tiếng. “Tôi lo lắng những trường hợp người bệnh bị kích động, khi đó phải tìm cách kiềm chế họ nhưng làm được điều đó không dễ dàng, đó không phải việc chuyên môn bình thường của tôi”, cô nói.

Tỷ lệ tử vong COVID bị chính trị hóa

Các bác sĩ được Reuters phỏng vấn cho biết họ lo lắng nhất về người già, những người mà các chuyên gia ước tính hàng chục ngàn người có thể chết vì bệnh này.

Công ty dữ liệu y tế Anh Airfinity đã ước tính rằng mỗi ngày Trung Quốc có thể hứng chịu hơn 5.000 người chết vì COVID, trái ngược hoàn toàn với số liệu chính thức của Bắc Kinh.

Dù hoạt động các lò hỏa táng tăng đột biến, tuy nhiên hôm Chủ Nhật (24/12) Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của ĐCSTQ cho biết rằng trong 6 ngày gần nhất (tính đến Chủ Nhật), không còn thực hiện báo cáo trường hợp tử vong do COVID.

Xe xếp hàng dài chờ trước những cơ sở hỏa táng ở Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình video)

Thậm chí nhà chức trách ĐCSTQ còn sửa đổi định nghĩa về nguyên nhân gây tử vong trong vấn đề phân loại là tử vong do COVID, theo đó chỉ tính các trường hợp tử vong liên quan đến viêm phổi hoặc suy hô hấp do COVID gây ra, điều này khiến các chuyên gia y tế thế giới lo ngại.

Bác sĩ Jutard-Bourreau: “Đó không phải là y học, mà là chính trị, một người thiệt mạng khi bị COVID thì đó là trường hợp tử vong COVID. Tỷ lệ tử vong [theo quan điểm của ĐCSTQ] hiện là con số chính trị, không phải con số y tế”.

Các chuyên gia của WHO chia sẻ rằng việc thiếu dữ liệu từ Trung Quốc có thể cho thấy hệ thống của ĐCSTQ đã bị quá tải. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo “cách Bắc Kinh định nghĩa người chết vì COVID có thể làm quy mô bùng phát và mức nghiêm trọng bị giảm thiểu tối đa [khác hẳn thực tế]”.

Ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết: “Việc giới hạn vấn đề tử vong do COVID chỉ đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính và bị suy hô hấp sẽ là đánh giá thấp số lượng người tử vong liên quan đến COVID”.

“Chúng tôi không muốn định nghĩa (của ĐCSTQ) ngăn cản (chúng tôi) thực sự có được dữ liệu chuẩn xác”, ông Ryan nói thêm.

Phát biểu tại Geneva tuần trước, ông lưu ý rằng “Do mức độ nghiêm trọng của tình hình nhiễm COVID ở Trung Quốc, trong những người thiệt mạng vì COVID có nhiều vấn đề về hệ thống [cơ thể] khác nhau chứ không chỉ có vấn đề suy hô hấp”.

Hạ Vũ

Published by
Hạ Vũ

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago