Một nghiên cứu mới về “Cuộc chiến chống lại người Duy Ngô Nhĩ” đang diễn ra ở Trung Quốc đã làm sáng tỏ cơ chế chính trị rộng lớn đằng sau 7 năm chế độ cộng sản bị cáo buộc áp bức đối với cư dân bản địa tại khu vực Tân Cương, nơi Bắc Kinh đã thiết lập một mô hình “quản trị cơ sở” có thể được xuất khẩu sang phần còn lại của đất nước.
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố báo cáo mới của Trung tâm Chính sách Mạng Quốc tế (ICPC) vào hôm thứ Ba (20/10), trong bối cảnh các chính phủ lớn (bao gồm Hoa Kỳ) vẫn chưa công bố phản ứng đối với những gì được coi là hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 chuẩn bị diễn ra.
Các nhà nghiên cứu của ASPI gồm Vicky Xu, James Leibold và Daria Impiombato đã biên soạn bản báo cáo dài 60 trang với các trích dẫn nguồn đầy đủ, bao gồm hàng nghìn trang hồ sơ cảnh sát bị rò rỉ.
Vài giờ sau khi báo cáo xuất bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liền cáo buộc tổ chức tư vấn đã tung tin “bịa đặt”, nhưng không đề cập đến các nội dung nào cụ thể.
Theo nghiên cứu, ĐCSTQ đã tạo ra một chiến dịch “chống khủng bố” toàn khu vực vào năm 2014 và một chiến dịch cải tạo hàng loạt vào năm 2017 để chống lại người Duy Ngô Nhĩ.
Báo cáo cho thấy gần 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ hoặc bị chính phủ bắt ép tham gia lao động để “giải trừ sự cực đoan.” Hiện hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ khác vẫn tiếp tục sống dưới cái mà ASPI đã xác định là “cơ chế kiểm soát dựa vào cộng đồng,” trong đó ĐCSTQ huy động tai mắt quần chúng “để giúp dập tắt bất đồng chính kiến và bất ổn, đồng thời gia tăng sự thống trị của đảng ở những tầng lớp thấp nhất của xã hội.”
Cuộc điều tra mới nhất này cho thấy khoảng 170 thực thể hành chính đã tham gia vào việc quản trị Tân Cương trong bảy năm qua.
Trình bày chi tiết về cách thức và những tác nhân thực thi chiến dịch áp bức tập trung của Bắc Kinh chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác ở vùng tây bắc Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã xác định ra Zhu Hailun – kiến trúc sư của hệ thống trại cải tạo Tân Cương – cũng như người được đào tạo ở Harvard Yao Ning, người giám sát 9 trung tâm giam giữ mới ở một quận trong vùng.
Báo cáo của ASPI cho biết: “Cuộc đàn áp chống lại người Duy Ngô Nhĩ có điểm tương đồng nổi bật với các chiến dịch chính trị thời Mao”.
Ngoài việc bị cưỡng bức lao động, người dân Tân Cương còn bị buộc phải tham gia vào sân khấu chính trị, “chẳng hạn như các phiên tòa xét xử hàng loạt, các buổi tố cáo công khai, cam kết trung thành, các bài giảng kiểu ‘tuyên truyền’, và các bài hát chúc sức khỏe tốt cho Tập Cận Bình,” các tác giả viết.
Họ nói thêm, kiểu quản trị này giống như thời Cách mạng Văn hóa, “là một đặc điểm nội tại của hệ thống chính trị Trung Quốc mà thường bị bỏ qua trong các tài liệu tiếng Anh hiện nay.”
Báo cáo cho biết kiến trúc chính trị, bao gồm các chiến dịch toàn xã hội nhằm “tạo dựng lòng trung thành, sự tuân thủ và ổn định” hiện đang tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày ở Tân Cương.
Các tác giả Xu, Leibold và Impiombato cho biết báo cáo này sẽ cung cấp cơ sở bằng chứng cho các nhà hoạch định chính sách trên thế giới để cân nhắc về các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.
Hoa Kỳ và các nước khác đã trừng phạt một số quan chức cấp cao của Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm về những gì mà chính quyền Trump và Biden đều tuyên bố là “tội ác chống lại loài người” và “diệt chủng”.
Lê Xuân
Xem thêm:
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…