Cựu cảnh sát ĐCSTQ kể về việc tra tấn bức cung người Duy Ngô Nhĩ
- Tiêu Nhiên
- •
Ngày 5/10, CNN đăng tải một video phỏng vấn, trong đó một cựu cảnh sát trinh thám của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mô tả chi tiết về cách ông đã tra tấn người Duy Ngô Nhĩ để có được lời khai giả từ họ. CNN đã sử dụng từ “khủng bố” và “man rợ” để mô tả cảnh tra tấn trong trại tập trung Tân Cương.
Một cựu cảnh sát trinh thám Trung Quốc nói với CNN rằng hàng trăm cảnh sát trang bị súng trường đã đột kích vào các cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sau nửa đêm, gõ cửa từng nhà để lôi người dân ra, còng tay họ và trùm khăn trùm đầu, đồng thời đe dọa sẽ bắn nếu họ chống cự.
“Chúng tôi cưỡng chế đưa họ đi trong một đêm”, ông nói. “Nếu một huyện ở khu vực này có hàng trăm người, vậy thì cần phải bắt hàng trăm người đó.”
Cựu cảnh sát trinh thám họ Tưởng (Jiang) này hiện đang sống lưu vong ở châu Âu, ông đã che giấu tên thật của mình để bảo vệ gia đình tại Đại Lục. Trả lời phỏng vấn 3 tiếng đồng hồ với CNN, ông đã tiết lộ về việc người Duy Ngô Nhĩ bị bức hại cực hình một cách có hệ thống.
Ông tiết lộ, khi ông được ra lệnh chấp hành nhiệm vụ đàn áp, ông được thông báo là đang bắt phần tử khủng bố. Nhưng ông nhanh chóng hiểu ra, những người này chỉ là người dân bình thường, họ sống cuộc sống thường ngày mà ĐCSTQ cho phép.
Ông nhớ lại bản thân mình và đồng nghiệp thẩm vấn người bị giam giữ trong đồn công an như thế nào, “đá họ, đánh họ cho đến khi họ bầm dập và sưng tấy, cho đến khi họ quỳ xuống đất khóc.”
Mỗi một người mới bị bắt đều bị đánh trong quá trình thẩm vấn, cả nam lẫn nữ, và thậm chí cả trẻ em 14 tuổi. “Mỗi người có một phương pháp tra tấn khác nhau. Một số người thậm chí còn sử dụng xà beng hoặc dây xích có khóa.”
Tra tấn bao gồm còng tay người khác vào “ghế hổ” bằng kim loại hoặc bằng gỗ, nó là loại ghế để cố định nghi phạm. Họ bị treo trên trần nhà, bị bạo lực tình dục, giật điện và tra tấn bằng nước. Các tù nhân thường không được ngủ trong vài ngày, không có thức ăn hoặc nước uống. “Cảnh sát sẽ đạp vào mặt nghi phạm để bắt họ nhận tội.” Cuộc tra tấn trong trại tạm giam chỉ dừng lại khi nghi phạm nhận tội. Sau đó họ được chuyển đến các nhà tù hoặc trại tạm giam do cai ngục canh giữ.
Các hình thức tra tấn khác bao gồm ép các tù nhân khác cưỡng hiếp nam tù nhân và sốc điện vào các vùng kín.
- Nhà tù Trung Quốc hành hạ phạm nhân đến chết: Cực hình “đóng băng”
- Bệnh viện nhà tù Trung Quốc kê thuốc độc cho học viên Pháp Luân Công
- Những thủ đoạn tra tấn gây sốc trong lời chứng tại tòa án về diệt chủng Duy Ngô Nhĩ
Cựu cảnh sát trinh thám: Tôi có tội, không cách nào đối mặt với nạn nhân
Ông Tưởng ở nhà mới ở châu Âu, buổi tối ông rất khó ngủ. Những gì ông đã trải qua thường xuất hiện trong đầu, ông cảm thấy bản thân sắp suy sụp.
Ông nói, trước khi ông được cử đến Tân Cương, ông đã cảm thấy “thất vọng” về ĐCSTQ, bởi vì các quan chức ngày càng hủ bại.
“Họ giả vờ phục vụ vì nhân dân, nhưng họ là một nhóm người muốn thực hiện độc tài”, ông nói bản thân khi đào thoát khỏi Trung Quốc đã nghĩ “đứng về phía người dân”.
Ông biết rằng sau khi ông trả lời phỏng vấn, bản thân sẽ không thể quay trở lại Trung Quốc được nữa. “Họ sẽ đánh tôi bán sống bán chết, tôi sẽ bị bắt, bị cáo buộc phản bội bỏ trốn, phản quốc, tiết lộ bí mật chính phủ, lật đổ”, ông nói. “Sự thực mà tôi nói vì người Duy Ngô Nhĩ, có nghĩa là tôi có thể bị cáo buộc tham gia vào tổ chức khủng bố, tôi có thể bị cáo buộc tội danh với bất cứ sự việc nào mà họ có thể nghĩ ra được.”
Khi được hỏi rằng ông sẽ làm gì nếu ông đối mặt với nạn nhân trước đây, ông nói rằng ông sẽ “sợ hãi” và “lập tức bỏ đi”. “Tôi làm sao có thể đối mặt với những nạn nhân đó? Dù bạn chỉ là một binh lính, thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm với việc đã xảy ra. Bạn cần chấp hành mệnh lệnh, nhưng nhiều người làm việc này như thế. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm về việc này.”
Bằng chứng trải nghiệm của nạn nhân
CNN đưa tin rằng mặc dù những tuyên bố của cựu cảnh sát không thể được xác minh một cách độc lập, nhưng nhiều chi tiết mà anh ta mô tả đã lặp lại trải nghiệm của hai nạn nhân người Duy Ngô Nhĩ được CNN phỏng vấn. Hơn 50 cựu tù nhân trong các trại tập trung Tân Cương cũng cung cấp lời khai trong một báo cáo dài 160 trang do Tổ chức Ân xá Quốc tế phát hành vào tháng Sáu. Bản báo cáo có tựa đề “Chúng ta bị đối xử như kẻ thù trong chiến tranh“: ĐCSTQ giam giữ hàng loạt, tra tấn và bức hại người Hồi giáo ở Tân Cương.
Ayup, hiện đang sống ở Na Uy, cho biết vào ngày 19/8/2013, ba hoặc bốn quản giáo đã chỉ thị và chứng kiến mười mấy tù nhân thay nhau cưỡng hiếp anh tại trung tâm giam giữ của cảnh sát thành phố Kashgar. Anh nói “Cảnh sát cai ngục yêu cầu tôi cởi quần lót, tôi nói xin đừng làm thế, tôi đã khóc. Xin đừng.” “Tôi nhìn thấy đám người đó đang cười nhạo tôi, và nói quá mềm yếu”. Ngày hôm sau tiếp tục bị làm nhục, cảnh sát cai ngục hỏi anh: “Anh chơi đùa có vui không?”
“Đây là vết sẹo trong lòng tôi”, Ayup nói. “Tôi sẽ không bao giờ quên.”
Ông Omir Bekali, hiện đang sống ở Hà Lan, đã kể chi tiết tình hình bị khủng bố dưới tầng hầm của đồn cảnh sát thành phố Karamay, “Họ để tôi ngồi trên ghế hổ, họ treo chúng tôi lên và đánh vào đùi và mông chúng tôi bằng đuốc gỗ và roi sắt.” Ông nói rằng sau khi cảnh sát cố gắng buộc ông phải thừa nhận việc ủng hộ khủng bố, ông đã phải ngồi tù 8 tháng.
Ông Omir Bekali nói: “Lần đầu tiên khi họ đặt chiếc xích vào chân tôi, tôi ngay lập tức hiểu rằng mình sắp xuống địa ngục”. Ông nói rằng tay và chân của các tù nhân bị trói bằng xích nặng, buộc họ phải cong lưng, khi ngủ cũng như thế.
Trong thời gian đó, cân nặng của ông đã giảm một nửa, “trông giống như một bộ xương”. “Tôi may mắn sống sót sau cuộc tra tấn tâm lý này, bởi vì tôi là một người có tín ngưỡng tôn giáo”, ông nói. “Nếu không có đức tin, tôi sẽ không thể may mắn sống sót. Niềm tin vào cuộc sống và khao khát tự do giúp tôi vẫn còn sống.”
Ông Omir Bekali sinh ra tại Tân cương, năm 2006 ông di cư đến Kazakhstan và trở thành công dân tại nước này. Ông cho biết, tháng 3/2017, ông đến Tân Cương công tác thì bị bắt, bị thẩm vấn 4 ngày 4 đêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính, từ năm 2017 đến nay, khoảng 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số khác bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương. Nhiều nước như Mỹ, Canada, v.v, đã tuyên bố ĐCSTQ phạm tội diệt chủng tại Tân Cương.
Tuy nhiên ĐCSTQ vẫn luôn phủ nhận việc này.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa CNN diệt chủng Dòng sự kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ