Gần đây truyền thông Trung Quốc tại Trùng Khánh đưa tin, trong tuyển chọn người vào học đại học của Trùng Khánh sẽ có thêm mục “thẩm tra chính trị”, thông tin đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong làn sóng chất vấn của công chúng, cơ quan chức năng Trùng Khánh trả lời do phóng viên “hiểu sai”, “viết sai”, đồng thời đẩy vấn đề về Bộ Giáo dục khi cho biết các chính sách của Trùng Khánh phải nhất quán với Bộ Giáo dục. Có chuyên gia nhận định, điều này cho thấy “chính sách thẩm tra chính trị” của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn được duy trì.
Kỳ thi tuyển sinh đại học Trung Quốc Đại lục (Ảnh: Getty Images)
Tổng hợp các nguồn tin truyền thông ngày 9/11 liên quan đến sóng gió tranh luận về vấn đề khôi phục quy chế “thẩm tra chính trị” trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trùng Khánh – Trung Quốc:
Theo Nhật báo Trùng Khánh ngày 6/11 đưa tin, trong tuyển chọn người vào học đại học của Trùng Khánh năm 2019 sẽ xem việc “thẩm tra chính trị” là tiêu chí cần thiết, sau khi thẩm tra nếu thấy không đủ tiêu chuẩn sẽ không được vào học đại học. Thông tin này đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng mạng Trung Quốc.
Thực tế, từ sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, vấn đề lý lịch chính trị này đã mang ý nghĩa cụ thể là lập trường chính trị và thành phần giai cấp của thế hệ đi trước sẽ ảnh hưởng đến thế hệ sau. Trước Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1966 – 1976), nhiều người vì không vượt qua được xét duyệt chính trị mà không thể vào được học đại. Nhưng đến sau Cách mạng Văn hóa, do ĐCSTQ đứng trước khủng hoảng có thể tan rã, khiến ông Đặng Tiểu Bình đã phải buông lỏng vấn đề tiêu chuẩn chính trị này, dù không còn nhấn mạnh hoàn cảnh xuất thân gia đình nhưng vẫn giữ lại tiêu chí xem xét lập trường chính trị của thí sinh, tuy nhiên đối với ngành quân đội và công an thì vẫn chú trọng “thẩm tra chính trị”.
Lần này, sau khi thông tin được cư dân mạng lan truyền đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Một số người kêu lên rằng Cách mạng Văn hóa sắp tái diễn! Nhiều học giả và chuyên gia pháp lý chỉ ra, nếu điều này là thực thì là bước đi lùi lịch sử, sau 40 năm kể từ sau năm 1978 vấn đề này lại đưa trở lại. Ông Thôi Vĩnh Nguyên (Cui Yongyuan), cựu phát thanh viên của Đài Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng bình luận trên Weibo về vấn đề này rằng, “Thành phố này luôn thích làm con bướm thiêu thân”.
Sau màn công kích mạnh mẽ từ công chúng, Viện Khảo thí Giáo dục Trùng Khánh đã khẩn cấp đưa ra phản hồi rằng giới phóng viên dùng từ sai, không phải khôi phục lại “thẩm tra chính trị” mà là thực hiện “sát hạch tư tưởng chính trị” của thí sinh. Viện Khảo thí Giáo dục Trùng Khánh cũng tuyên bố, thành phố Trùng Khánh dựa vào các văn bản của Bộ Giáo dục trong việc thực hiện sát hạch tư tưởng chính trị thí sinh, qua đó đề nghị các trường đại học “không nhận các thí sinh không đạt tiêu chuẩn trong sát hạch tư tưởng chính trị”, quy chế này đã duy trì trong nhiều năm qua.
Theo thông tin công khai, từ năm 2000, Bộ Giáo dục ĐCSTQ đã có “Thông báo về việc tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học”, theo đó yêu cầu rõ phải “kiểm tra tư cách đạo đức và tư tưởng chính trị” đối với thí sinh, cách làm này đã duy trì liên tục cho đến nay. Bộ Giáo dục ĐCSTQ cũng liệt kê một số trường hợp “tư tưởng chính trị không đủ tiêu chuẩn”, trong đó có vấn đề thí sinh “phản đối bốn nguyên tắc cốt yếu hoặc tham gia tổ chức tà giáo; gây rối trật tự xã hội”.
Vào ngày 08/11, trong trả lời phỏng vấn tờ Tân Đường Nhân (New Tang Dynasty Television), chuyên gia vấn đề Trung Quốc Hoành Hà (Heng He) cho biết: Luật Giáo dục Đại học của Trung Quốc được thực hiện từ ngày 01/01/1999, trong đó chỉ có một khoản về quyền lợi thí sinh vào học “Theo pháp luật công dân được hưởng quyền lợi giáo dục bậc cao”. Nói cách khác, điều kiện duy nhất để được tiếp nhận giáo dục đại học là mọi người còn được đảm bảo quyền công dân. Bộ Giáo dục không phải là cơ quan lập pháp, không có quyền sửa đổi hoặc bổ sung bất kỳ điều kiện nào.
Ông Hằng Hà cho rằng Bộ Giáo dục ĐCSTQ tự ý đưa thêm quy định “sát hạch tư cách đạo đức và tư tưởng chính trị” là vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo được nêu trong Hiến pháp. Cách làm thay đổi tiêu chuẩn tùy tiện này khiến mọi người đều có nguy cơ tiềm ẩn thành trở thành nạn nhân.
Ông nhấn mạnh, nhóm người chịu nguy cơ thành nạn nhân lớn nhất là nhóm tôn giáo tín ngưỡng, trong 20 năm qua thì chủ yếu là nhóm người tập Pháp Luân Công. Kế đến phải kể là những người bất đồng chính kiến, người đấu tranh dân chủ, và thậm chí cả những người dân đi kiện tụng, vì đã quá nhiều người đi kiện tụng bị trừng phạt vì quy kết tội làm rối loạn an ninh công cộng.
Chuyên gia Hoành Hà cũng chỉ ra, mặc dù ĐCSTQ tuyên bố chỉ xem xét tình hình cá nhân thí sinh, nhưng trên thực tế vấn đề liên lụy chính trị từ thế hệ trước vẫn đang diễn ra. Ông ví dụ trường hợp vài năm trước về cô con gái An Ni (An Ni) của người đấu tranh dân chủ Trương Lâm (Zhang Lin) ở tỉnh An Huy đã bị cha liên lụy, bị tước quyền được đi học. Trong 19 năm qua, vô số con cái của nhiều người tập Pháp Luân Công tại Đại lục đã bị từ chính quyền chối cho nhập học.
>>Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ Pháp Luân Công?
Một bài báo tựa đề “Bóng ma thẩm tra chính trị tái xuất hiện ở Trung Quốc” đã phân tích rằng, việc thành phố Trùng Khánh bất ngờ đưa ra vấn đề này trong tuyển sinh đại học, có vài mục đích chính sau đây:
Đầu tiên, làm cho mọi người lo ngại không muốn đi kiện tụng kêu oan, để được cơ quan chức năng Trùng Khánh đánh giá tốt trong sát hạch;
Thứ hai là khiến mọi người ngần ngại không dám phê bình nhà cầm quyền, vì có thể bị giam giữ, khi cha mẹ bị giam giữ thì con cái sẽ không thể vào học đại học.
Thứ ba là để loại bỏ những bạn trẻ có tự do tư tưởng và ý thức độc lập vào các trường đại học.
Thứ tư là gây hiệu ứng sợ hãi trong giới sinh viên đại học.
Bài viết cũng đề cập rằng có thể có những cân nhắc khác, chẳng hạn như giới quan chức giáo dục Trùng Khánh muốn thể hiện lòng trung thành với chế độ, hoặc có thể do một “tàn dư độc hại” nào đó đề xuất đưa ra.
Theo Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin ngày 08/11 cho biết, thông tin trên Nhật báo Trùng Khánh đưa tin theo thông tin ngày 06/11 của Viện Khảo thí Giáo dục Trùng Khánh, còn trước đó một ngày (5/11) trang web của Bộ Giáo dục cũng đã chỉ rõ trong quy chế nhập học đại học là thí sinh phải thông qua “thẩm tra chính trị” (chính thẩm). Nhưng sau khi Viện Khảo thí Giáo dục Trùng Khánh phản hồi dư luận rằng thông tin bị hiểu sai, tuy nhiên bỏ qua việc giải thích tại sao trên trang web của Viện và của Bộ Giáo dục rõ ràng đã dùng hai từ “chính thẩm” (thẩm tra chính trị).
Thực tế, trong những năm gần đây, các trường đại học Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát ý thức hệ, thiết lập hệ thống giám sát thái độ của học sinh và giảng viên trên giảng đường, trừng phạt nghiêm những trường hợp đi trái quan điểm của ĐCSTQ.
Trí Đạt
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…