Dự án Sky Net của Trung Quốc đã trở thành mạng lưới giám sát camera có mật độ dày đặc nhất thế giới. Thế nhưng nhà cầm quyền dường như vẫn thấy chưa đủ. Truyền thông Mỹ mới đây đưa tin, tại Trung Quốc, từ năm tới tất cả các xe ô tô mới đăng ký sẽ phải cài đặt chip RFID (radio frequency identification, chíp nhận dạng qua tần số vô tuyến).
Hiện nay, việc theo dõi các phương tiện giao thông của Bộ Công an Trung Quốc chủ yếu thông qua các camera giám sát tại các nút giao thông quan trọng (Ảnh: Getty Images)
Theo Wall Street Journal dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Bộ Công an Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một hệ thống điện tử nhận dạng xe bao trùm toàn bộ lãnh thổ. Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ RFID để theo dõi các phương tiện trên đường. Các nhà chức trách Cộng sản Trung Quốc cho biết điều này nhằm “giữ an ninh công cộng và giảm bớt áp lực giao thông.”
Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến là công nghệ truyền thông giúp nhận ra một mục tiêu cụ thể thông qua các tín hiệu vô tuyến đọc và ghi lại dữ liệu liên quan. Nó không cần thiết lập bất kỳ liên hệ cơ học hoặc quang học nào giữa hệ thống nhận dạng và mục tiêu theo dõi, vì vậy trong ứng dụng nó có tính linh động mạnh mẽ và độ tin cậy cao hơn nhiều. Công nghệ này không chỉ được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giám sát ra vào tại các tiểu khu dân cư, bảo tàng, triển lãm, cũng được áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện tử chống trộm, chống hàng giả và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Thông tin cho biết, chip RFID sẽ được lắp đặt trên kính chắn gió của những chiếc xe mới. Khi xe đi qua đoạn đường có lắp đặt thiết bị nhận diện chip lắp đặt trên xe, thiết bị sẽ ghi lại các thông tin như biển số xe và màu xe… và truyền dữ liệu đến cơ quan công an. Nhưng hệ thống này không giống như GPS được sử dụng cho điều hướng xe hơi, RFID không hiển thị vị trí của xe trong thời gian thực.
Nguồn thông tin tiết lộ, kế hoạch này sẽ đưa vào thực hiện trong tháng tới. Cho đến cuối năm nay, khi đăng ký xe mới thì chủ sở hữu có thể chọn có cài đặt chip hay không, nhưng từ ngày đầu tiên của năm 2019, tất cả các xe mới sẽ buộc phải lắp đặt chíp này ngay thời điểm đăng ký.
Theo thông báo của Cục Quản lý giao thông Bộ công an Trung Quốc, đến cuối năm 2017, số lượng xe ô tô tại Trung Quốc đạt 217 triệu chiếc, tăng hơn 11% so với năm trước.
Bộ Công an Trung Quốc đã bắt đầu triển khai Dự án Sky Net vào năm 2004, và trong những năm gần đây sự phát triển của nó đã trở nên tinh vi hơn.
Tờ Apple Daily tại Hồng Kông đưa tin, Trung Quốc đại lục thiết lập hệ thống giám sát Sky Net ở các thành phố lớn, và gọi đây là mạng lưới giám sát bằng camera lớn nhất thế giới, có thể nhanh chóng xác định loại xe và màu sắc xe chạy trên đường; độ tuổi, giới tính, quần áo của người đi bộ; thậm chí có thể dựa vào đặc trưng khuôn mặt và đối chiếu với cơ sở dữ liệu sẵn có để kiểm tra xem đó có phải là đối tượng khả nghi hay không. Hệ thống này chỉ cần mất một giây để quét qua toàn bộ dân số Trung Quốc, và hai giây quét qua toàn dân số thế giới.
Tờ Eo Biển (The Straits Times) của Singapore từng đưa tin, cho đến năm ngoái, khoảng 176 triệu camera đã được cài đặt trên khắp Trung Quốc đại lục, dự kiến sẽ phát triển lên 626 triệu camera vào năm 2020. Dựa vào dữ liệu nhân khẩu học của chính phủ Trung Quốc, hầu như cứ hai người Trung Quốc đại lục phải chịu một camera giám sát.
Ngoài các địa điểm công cộng như nhà hàng, trung tâm mua sắm, nhà hát, ngay cả xe buýt, tàu điện ngầm, taxi… cũng tràn ngập camera. Thậm chí còn có trường trung học tại tỉnh Chiết Giang lắp đặt camera để theo dõi cảm xúc của học sinh.
Hiện tại, việc theo dõi các phương tiện giao thông của Bộ Công an Trung Quốc chủ yếu thông qua các camera giám sát tại các nút giao thông quan trọng, vì chi phí cho nó khá rẻ nên đã trở thành xương sống của Dự án Sky Net. Tuy nhiên, độ nhận dạng và tốc độ xử lý thông tin của chip RFID khi thời tiết xấu (như sương mù…) tốt hơn camera nhiều. Việc thực hiện cưỡng bức công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến đối với xe cộ được giải thích là bước phát triển mới nhất về công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Trong tương lai ở Trung Quốc, cho dù là người đi bộ, lái xe hoặc hành khách sử dụng giao thông công cộng… đều nằm trong tầm kiểm soát của mạng lưới giám sát Sky Net.
Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn lời ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), Tổng Biên tập Viện nghiên cứu Trung Quốc Princeton cho rằng, thủ đoạn này làm ông liên tưởng đến tác phẩm 1984 của nhà văn người Anh George Orwell. Cuốn sách mô tả thế giới khốn khổ, nơi mọi người bị nhà cầm quyền theo dõi chặt chẽ.
Ông Trần Khuê Đức nói: “Chính phủ giám sát công dân Trung Quốc đến nỗi những chuyện riêng tư cá nhân đã gần như không còn gì, tình trạng vi phạm quyền riêng tư này do nhà cầm quyền thực hiện âm thầm khi giám sát mọi người.”
Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà văn và bình luận chính trị Trung Quốc sống tại Mỹ cho rằng việc bắt buộc lắp đặt chip RFID trên xe mới cho thấy mục tiêu chính yếu phát triển và nghiên cứu công nghệ cao của chính quyền Trung Quốc là kiểm soát toàn bộ xã hội.
Ông Trần Phá Không nói: “Do nền chính trị Trung Quốc là một đảng độc tài, chú trọng nhất là giữ ổn định chế độ, vì vậy các nguồn tài nguyên quý của quốc gia, cho dù là con chíp hay sản phẩm công nghệ cao nào khác thì mục tiêu trước hết là dùng để theo dõi mọi người, vì chỉ có khống chế được toàn dân họ mới cảm thấy an toàn.”
Trí Đạt
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…