Cho đến ngày cuối đời, bà Trần vẫn nói tu luyện Pháp Luân Công là một quyền

Dưới đây là bài viết đăng trên Wall Street Journal vào tháng 4/2000 của tác giả Ian Johnson – người đã đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá của Mỹ nhờ đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Trong bối cảnh các vụ việc và báo chí nhắc tới Pháp Luân Công tại Việt Nam thời gian qua, câu chuyện đã xảy ra 20 năm dưới đây có lẽ sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về môn tu luyện này cũng như bối cảnh cuộc đàn áp năm 1999 tại Trung Quốc, qua con mắt của một nhà báo người Mỹ định cư và tác nghiệp ở đó.

—***—

Cho đến ngày cuối đời, bà Trần vẫn nói tu luyện Pháp Luân Công là một quyền

Ngày trước khi bà Trần Tử Tú (Chen Zixiu) chết, lính canh một lần nữa yêu cầu bà từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Đại Pháp. Gần như không còn tỉnh táo sau khi liên tục bị giật bằng gậy sốc điện, người phụ nữ 58 tuổi vẫn cứng cỏi lắc đầu.

Giận dữ, lính canh bắt bà Trần phải đi chân trần trên tuyết. Hai ngày bị tra tấn liên tục đã khiến chân bà thâm tím và mái tóc đen ngắn bết vào cùng với máu mủ, theo những tù nhân và người cùng phòng giam chứng kiến nhớ lại. Bà phải bò trên nền tuyết lạnh, thổ huyết và gục xuống. Bà không còn biết gì nữa, và ra đi vào ngày 21/2/2000.

Bức tranh “Ý chí kiên định” của tác giả Yao Chonqui, khắc họa lại hình thức tra tấn bắt đi trong tuyết lạnh của lính canh ở nhà tù Trung Quốc đối với học viên Pháp Luân Công

Một năm trước đó, rất ít người ở bên ngoài Trung Quốc từng nghe nói đến Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công. Đây là một môn tu luyện gồm các bài công pháp, thiền định và học tập các luân lý về đạo đức từ các bài giảng của nhà sáng lập Lý Hồng Chí.

Mặc dù trở nên phổ biến với hàng chục triệu người theo tập tại Trung Quốc, nhưng Pháp Luân Công không thu hút được nhiều sự chú ý của quốc tế cho đến sự kiện ngày 25/4 năm 1999, khi 10.000 học viên tới Bắc Kinh, tập trung tại Trung Nam Hải theo chỉ dẫn của cảnh sát – trung tâm quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và yêu cầu các kênh truyền thông nhà nước chấm dứt việc tô vẽ họ là một tà giáo. Cảnh tượng thỉnh nguyện thật kỳ lạ: những người tham dự phần lớn là ở tuổi trung niên, những người làm công ăn lương, họ chỉ lặng lẽ thiền định trước khi rời trung tâm kinh thành và quay trở lại quê nhà của mình.

Những người tập Pháp Luân Công đã xếp hàng rất trật tự, thậm chí không có băng rôn biểu ngữ nào được mang theo.

Nhưng với một chính quyền không chấp nhận bất cứ thách thức nào đến quyền lực của mình, thì cuộc thỉnh nguyện vẫn là một hành động không thể tha thứ. Họ đã bắt giữ hàng trăm học viên Pháp Luân Công và phát hiện ra rất nhiều trong số đó là viên chức chính phủ, cảnh sát và thậm chí cả quân nhân. Lo lắng rằng tín ngưỡng lan nhanh này sẽ tiêm nhiễm vào chính quyền vô thần của mình, Bắc Kinh đã tuyên bố Pháp Luân Công là “tà giáo” vào cuối tháng 7 năm 1999 và chính thức cấm môn tu luyện này.

Đối mặt với sự công kích của toàn thể hệ thống an ninh Trung Quốc, Pháp Luân Công đáng lẽ chắn chắn sẽ bị đè bẹp nhanh chóng. Nhưng không giống như những người bất đồng chính kiến thỉnh thoảng vẫn đứng lên phàn nàn về Đảng Cộng sản Trung Quốc, những học viên Pháp Luân Công đã không dừng lại, bất chấp những vụ bắt bớ quy mô lớn, đánh đập và thậm chí bị giết hại. Trái lại, những người kiên định vẫn tiếp tục thỉnh nguyện, với hàng chục người bị bắt mỗi ngày tại trung tâm Bắc Kinh khi họ cố gắng giơ cao các biểu ngữ kêu gọi trả lại sự chính danh cho môn tu luyện của họ. Một năm sau, cuộc thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn và trở thành lần thách thức chính quyền lâu nhất trong lịch sử 50 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

>> Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ Pháp Luân Công?

Cái giá quá đắt của chiến thắng?

Câu chuyện của bà Trần là một trong những truyền kỳ về sự kiên định. Một bên là Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thứ quyết tâm đè bẹp Pháp Luân Công tới mức đã huy động bộ máy an ninh cả nổi cả chìm trên một quy mô chưa từng thấy kể từ năm 1989, khi phong trào đòi dân chủ của sinh viên bị xe tăng nghiền nát trên Quảng trường Thiên An Môn. Chiến thắng của chính quyền lần ấy, nếu có, quả thực phải trả một cái giá quá đắt; cách làm mạnh tay của họ đã làm tan vỡ ảo mộng của hàng triệu dân thường, như con gái của bà Trần, người đã thờ ơ với chính trị cho đến tận sự kiện [đàn áp Pháp Luân Công] năm 1999. Nó cũng làm thiệt hại vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế ngay lúc họ cần sự giúp đỡ của nước ngoài trong một loạt các vấn đề kinh tế gay go thời bấy giờ.

Một bên còn lại là những người dân như bà Trần – sống đơn giản, và có lẽ đôi chút ngây thơ khi bước ra để đòi sự tự do được đảm bảo trong pháp luật và Hiến pháp Trung Quốc. Trong khi rất nhiều học viên đã thỏa hiệp – ví dụ bằng cách tập luyện ở nhà – hàng ngàn người đã kiến nghị công khai quyền được tự do tín ngưỡng và tự do tụ tập. “Chúng tôi là những người tốt,” một người bạn của bà Trần nhớ lại bà đã nói với những viên chức thành phố Duy Phường thẩm vấn bà trong phòng giam xi măng hai ngày trước khi chết. “Tại sao chúng tôi lại không thể tập những gì chúng tôi muốn?”

Bà Trần trước khi cuộc đàn áp bắt đầu

Câu chuyện về ngày cuối cùng của bà Trần được thu thập từ những cuộc phỏng vấn với gia đình, bè bạn và tù nhân, cũng như hai người bạn tù đã trốn trại vài tuần sau đó. Danh tính của những người này đã được kiểm chứng là chính xác.

Những cáo buộc bị đối xử tàn nhẫn cũng được xác nhận từ hàng chục cuộc phỏng vấn độc lập các học viên Pháp Luân Công tại các thành phố khác, họ cho biết đã bị đánh bằng gậy và dùi cui sốc điện, bị xích vào chấn song và bị ép phải từ bỏ đức tin của mình.

Giới chức địa phương từ chối phỏng vấn, trong khi những người trong chính quyền ở Bắc Kinh nói rằng không có học viên Pháp Luân Công nào bị đối xử tệ bạc trong khi giam giữ. Họ nói rằng 35.000 học viên đã tới Bắc Kinh và được đưa về nhà an toàn, chỉ có 3 người chết khi họ cố gắng chạy trốn. Các nhóm nhân quyền quốc tế thời điểm đó nói rằng ít nhất có 7 người nữa đã chết giống như bà Trần khi bị lạm dụng trong tù. Thực ra con số chính xác còn cao hơn rất nhiều.

Tất cả những gì bà phải làm là tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, rồi họ sẽ cho bà đi,” cô Trương Tuyết Linh, người con gái 32 tuổi của bà Trần cho biết. “Nhưng bà đã từ chối.”

>> Vì sao bức hại Pháp Luân Công là cuộc bức hại nhân quyền lớn nhất hiện nay?

Ba năm trước đó, bà Trần khó có thể tưởng tượng rằng mình sẽ mạo hiểm mạng sống vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà 55 tuổi và đã nghỉ hưu sớm khỏi một xưởng sửa xe tải của nhà nước, nơi bà đã dành 30 năm sản xuất phụ tùng ô tô. Một ngày nọ khi đang đi bộ gần căn nhà gạch một tầng của gia đình, bà Trần để ý thấy một vài học viên Pháp Luân Công. Là một góa phụ đã 20 năm và không phải lo lắng gì chuyện con cái, bà Trần khá rảnh rỗi, vậy nên bà bắt đầu tập luyện đều đặn các bài công pháp. “Mẹ tôi chưa bao giờ là người tin vào những điều siêu nhiên,” cô Trương nói, cô không tập Pháp Luân Công. “Thú thực là, bà ấy khá khó tính vì bà đã già rồi và phải hy sinh quá nhiều để một mình nuôi dạy chúng tôi. Khi gia nhập Pháp Luân Công tâm tính của mẹ tôi đã cải thiện rất nhiều, mẹ trở thành một người tốt hơn. Chúng tôi thực sự rất ủng hộ mẹ.”

Bà Trần Tử Tú cùng 2 cháu ngoại (ảnh qua minghui.org)

Những người tin tưởng nhiệt thành

Hai năm sau đó, bà Trần trở thành một học viên nhiệt tình, dậy từ 4h30 sáng để tập trong 90 phút trên một khoảng đất nhỏ với 6 học viên khác. Sau một ngày làm những việc vặt cho con cháu, bà Trần dành cả buổi tối để học các kinh sách của Sư phụ Lý, nhà sáng lập pháp môn, và thảo luận thể ngộ tu luyện với các học viên khác. Họ tin vào các giá trị đạo đức truyền thống – làm việc tốt, nói lời chân thật, nhẫn nại bao dung và không bao giờ thoái thác – cũng như sự tồn tại của Phật Đạo Thần và các thực thể siêu nhiên khác.

Dần dần, Pháp Luân Công trở nên phổ biến trong khu vực sinh sống của bà, một khu vực ngoại ô công nghiệp của Duy Phường, thành phố có 1,3 triệu dân ở tỉnh Sơn Đông miền Đông Bắc Trung Quốc. Xóm nhỏ nơi bà ở có những con đường đất và căn nhà nhỏ được vây quanh bởi các bức tường gạch nâu – một ngôi làng điển hình ở vùng phụ cận các khu đô thị Trung Quốc thời bấy giờ . Năm 1999, nhóm nhỏ của bà đã tăng lên 12 người tập thường xuyên – không phải là một nhóm lớn, nhưng duy trì rất đều đặn.

Nhóm đọc sách, học Pháp ở một công viên tại Trung Quốc trước năm 1999. (Ảnh: en.minghui.org)

Với bà Trần, quyết định cấm cản Pháp Luân Công của chính quyền tháng 7 năm 1999 quả đúng là sét đánh ngang tai. Bà không chú ý tới những bài báo và bản tin trên truyền hình đang công kích pháp môn, và bà cũng không để ý tới sự kiện ngày 25/4 khi các học viên tới thỉnh nguyện tại Bắc Kinh. Khi lệnh cấm Pháp Luân Công của chính quyền được loan ra, đó chính là “ngày đen tối nhất trong cuộc đời bà,” cô con gái nói. “Bà không thể chấp nhận việc họ phê phán Pháp Luân Công và gọi đây là tà giáo.”

>> Fox 11: Video mới tiết lộ chính quyền Trung Quốc tra tấn tàn bạo người tập Pháp Luân Công

Tu luyện tại nhà

Mặc dù chỉ biết ít chữ và chưa bao giờ quan tâm tới chính trị, bà Trần phản kháng lại lệnh cấm. Bà mời các thành viên trong nhóm tới tập tại nhà và từ chối phủ nhận sự liên hệ của bà với nhóm cũng như sự tôn kính của bà với “Sư phụ Lý.”

Sau đó, tới tháng 11/1999, một số học viên Pháp Luân Công lâu năm phải nhận án tù nặng. Bà Trần rất sốc và đã cùng hàng ngàn học viên tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện phản đối lệnh cấm. Kể từ khi lệnh được ban ra vào tháng 7/1999, rất nhiều học viên đã tới Quảng trường Thiên An Môn và đứng ôm tròn cánh tay trên đầu hoặc ngồi vắt chéo chân trong tư thế thiền định của Pháp Luân Công.

Bà Trần không đi được xa tới thế. Ngày 4/12, sau khi tới Bắc Kinh, bà đi ngang qua công viên Thiên Đàn thì một cảnh sát mặc thường phục tới hỏi bà có phải là một học viên không. Bà trả lời thành thực và bị bắt, người con gái kể lại. Bà bị đưa tới văn phòng đại diện của chính quyền Duy Phường tại Bắc Kinh, nơi các quan chức địa phương nghỉ ngơi trong thời gian tới kinh thành.

Ngày hôm sau, cô con gái Trương cùng ba viên chức đi xe 7 tiếng đồng hồ tới Bắc Kinh đón bà Trần. Những viên chức bị chỉ trích vì không kiểm soát được người ở khu vực của họ. Cô Trương phải trả khoản tiền phạt 500 nhân dân tệ (khoảng 60 USD thời đó) – tương đương với 1 tháng lương và về nhà cùng mẹ mình, bà phàn nàn rằng cảnh sát đã trấn lột 620 tệ tiền lộ phí bà mang theo bên mình.

Giam giữ hành chính”

Để trừng phạt bà, các viên chức Thành Quản (chức danh quản lý đường phố thấp nhất trong hệ thống chính quyền Trung Quốc) đã nhốt bà Trần trong văn phòng, chỉ cách nhà bà 180m. Bà phải ở đó trong đó 2 tuần dưới dạng “giam giữ hành chính”. Cô Trương lại phải trả thêm 370 tệ nữa (khoảng 45 USD) để mẹ có phòng và giường nghỉ.

Ngày 3/1, bà Trần kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 58. Mặc dù bị theo dõi cả ngày lẫn đêm, bà vẫn có tinh thần rất tốt, cô Trương nói. “Mẹ biết là mẹ đúng. Tất cả những gì bà muốn là khiến chính phủ không thể coi mình là tội phạm, vì bà biết mình không phải tội phạm.

Tết Nguyên đán năm đó rơi vào ngày 4/2 dương lịch, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đi thỉnh nguyện đã bị bắt và bị đánh ở Bắc Kinh (mặc dù không còn bị giám sát, nhưng bà không ở trong nhóm thỉnh nguyện này.) Giới chức thủ đô rất chấn động trước sự việc này. Ngày 16/2, cảnh sát trưởng khu vực tới xem bà Trần và nói với bà rằng Bắc Kinh không muốn thấy học viên Pháp Luân Công nào tới thủ đô, đặc biệt là vì kỳ họp quốc hội thường niên sắp diễn ra trong vài ngày tới. Ông ấy yêu cần bà Trần hứa sẽ không rời khỏi nhà.

Mẹ tôi nói với họ rất rõ ràng rằng, bà không đảm bảo sẽ không đi đâu. Bà nói bà có quyền đi đâu tùy ý,” cô Trương giải thích. Công an đành phải ra về trong giận dữ.

Bị bắt

Hai ngày sau, cô Trương thấy 6 cảnh sát đang ở trong phòng khách nhà mình. Họ nói rằng mẹ của cô đã bị phát hiện ở bên ngoài bởi một đội “cờ đỏ” chuyên đi dò xét khu vực dân cư xem có học viên nào dám rời nhà hay không.

Bà Trần bị giam lại và không bao giờ con gái nhìn thấy bà nữa. Bà bị giữ ở văn phòng Thành Quản một ngày, nhưng đêm đó bà tìm được cách thoát ra ngoài – chính xác bằng cách nào vẫn chưa rõ, giới chức nói với cô Trương. Bà Trần bị bắt lại vào ngày hôm sau 17/2 trong khi đang đi đến ga tàu, có vẻ như muốn tới Bắc Kinh để trình bày về vụ việc của mình trước Văn phòng Thỉnh nguyện và Khiếu nại, giải pháp cuối cùng cho những công dân Trung Quốc cảm thấy họ bị đối xử bất công.

Học viên Pháp Luân Công Trung Quốc giơ băng rôn có ba chữ chân, thiện, nhẫn tại quảng trường Thiên An Môn

Lần này, nhân viên của văn phòng đảng ủy địa phương đã đưa bà Trần tới một nhà tù nhỏ không chính thức của Thành Quản, được mô tả là Lớp giáo dục Pháp Luân Công. Những người từng bị giam ở đây nói nó giống với nhà tra tấn hơn. Tòa nhà có hai tầng với một khoảng sân ở giữa. Trong góc sân có một căn nhà cấp bốn với hai phòng. Đây là nơi đánh đập các học viên, theo lời kể lại của bốn người đã từng bị giam giữ ở đây.

>> Vì sao đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc chưa chấm dứt hẳn?

Một khoản tiền phạt khác

Khi bà Trần bị chuyển tới nơi giam giữ, giới chức gọi cho cô Trương và nói mẹ cô sẽ được thả nếu trả 2000 tệ tiền phạt. Cô Trương chán ngán với những “khoản tiền phạt” của chính quyền và nói rằng mẹ cô chỉ muốn những quyền lợi chính đáng của mình. Cô nói với giới chức rằng những khoản phạt của họ là trái phép và cô sẽ kiện lên trên viện kiểm sát địa phương nếu họ không chịu thả mẹ cô ra. Cô từ chối một cuộc gọi nữa của họ ngày 18/2 và bắt đầu dọa sẽ kiện, mặc dù cô không làm vậy.

Trong khi đó, bà Trần ở lại một đêm trong trại giam và lắng nghe những tiếng la hét phát ra từ căn nhà tra tấn, theo 2 người bạn tù của bà kể lại. Trước khi bị dẫn vào trong, bà được cho phép gọi một cuộc điện thoại nữa. Bà gọi con gái mình vào cuối ngày 18 và bảo cô mang tiền phạt đến. Cảm thấy quá phiền toái với những rắc rối từ thái độ không thỏa hiệp của mẹ, cô Trương đã cãi nhau với bà. Hãy nhường bộ họ và về nhà đi, người con gái cầu xin. Nhưng mẹ cô im lặng từ chối.

Cơn ác mộng của bà Trần bắt đầu từ đêm ấy. Một học viên ở phòng giam bên cạnh căn nhà tra tấn viết: “Chúng tôi nghe thấy tiếng hét của bà ấy. Trái tim chúng tôi như bị tra tấn và tinh thần gần như sụp đổ.” Các nhân viên Thành Quản đã dùng dùi cui đánh vào bắp chân, bàn chân và lưng của bà, họ còn dùng gậy sốc điện vào đầu và cổ bà, những nhân chứng kể lại. Họ liên tục hò hét yêu cầu bà từ bỏ Pháp Luân Công và phỉ báng Sư phụ Lý. Nhưng lần nào bà cũng từ chối.

Lời cầu khẩn của một người mẹ

Ngày hôm sau, 19/2, cô Trương nhận được một cuộc gọi khác. Hãy mang tiền đến, một giọng nữ nói. Cô Trương lưỡng lự. Mẹ cô được đưa máy cho nói ở bên kia đầu dây. Giọng nói vốn thường mạnh mẽ và tự tin của bà, đã chuyển sang yếu ớt và đau đớn. Bà cầu xin con gái mình mang tiền đến. Người gọi điện thoại lúc đầu trở lại. Hãy mang tiền đến, cô ta nói.

>>Tù nhân lương tâm 64 tuổi kể lại cảnh tra tấn bên trong nhà tù Trung Quốc

Cô Trương đau khổ và chạy vụt đến cùng với tiền và vài bộ quần áo. Nhưng tòa nhà bị vây quanh bởi các đặc vụ và cô bị họ ngăn không cho vào trong. Nghi ngờ rằng đây là một chiêu để lấy thêm tiền từ cô – và rằng mẹ cô không ở trong tòa nhà – cô đã quay về nhà. Một giờ sau, một học viên đến gặp cô Trương, nói rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị đánh trong trại.

Cô Trương lao tới trại giam cùng em trai mình, mang theo trái cây như một khoản hối lộ nhỏ cho cảnh sát. Cô bị từ chối ở lối vào và tiền cũng bị từ chối theo. Cô thấy một người phụ nữ lớn tuổi trong một căn phòng và hét lên với bà ấy: “Mẹ tôi đang bị đánh phải không?” Người phụ nữ già vẫy tay nói “không” mặc dù vậy cô Trương không hiểu liệu có phải bà ấy muốn cô rời khỏi nhà tù hay không, vì e rằng cô cũng sẽ bị bắt theo. Cô Trương và em trai về nhà với một đêm trằn trọc không ngủ.

“Tùy ý định đoạt”

Đêm đó, bà Trần lại bị đưa tới phòng tra tấn. Một lần nữa từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà bị đánh và bị giật điện, theo lời hai tù nhân nghe thấy và một người nhìn thấy qua khe cửa. Những người cùng phòng giam nghe thấy bà nguyền rủa những kẻ hành ác, nói rằng chính quyền trung ương sẽ trừng phạt họ nếu biết chuyện. Nhưng những lính canh lặp lại lời mà chính quyền bảo họ: “không biện pháp nào là quá đáng” để trừ bỏ Pháp Luân Công – một câu trả lời mà nhiều học viên cho biết đã nghe thấy lặp lại nhiều nơi ở Trung Quốc. Việc đánh đập tiếp diễn và chỉ dừng lại khi bà Trần thay đổi suy nghĩ của mình, hai tù nhân nghe thấy vụ việc cho biết.

Hai giờ sau đó, bà Trần bị đẩy trả lại phòng giam ở tầng 2 của tòa nhà, nơi không được sưởi ấm, chỉ có duy nhất một tấm thép làm giường. Ba người cùng phòng chăm sóc cho những vết thương của bà, nhưng bà đã rơi vào tình trạng mê sảng. Một người nhớ lại bà rên rỉ kêu “mẹ ơi, mẹ ơi.”

Sáng hôm sau, ngày thứ 20, bà bị lệnh phải ra ngoài để chạy bộ. “Tôi nhìn thấy từ cửa sổ bà ấy bò ra rất khó khăn,” một người tù viết trong lá thư được tuồn ra nhờ chồng của cô ấy. Bà Trần gục xuống và bị kéo trả lại phòng giam.

Bị từ chối điều trị

Tôi có chuyên môn về y tế. Khi tôi nhìn thấy bà ấy hấp hối, tôi đã đề nghị đưa bà vào một phòng có sưởi ấm,” một người tù viết trong lá thư. Nhưng không, các viên chức chỉ đưa cho bà “sanqi”, một loại thuốc thảo dược cho những bệnh xuất huyết nhẹ. “Nhưng bà không thể nuốt được và nôn ra ngoài.” Những người tù khẩn cầu đưa bà Trần tới bệnh viện, nhưng các viên chức – vốn thường chỉ trích các học viên Pháp Luân Công mê tín vào tu luyện mà bỏ qua điều trị y tế hiện đại – đã từ chối. Cuối cùng họ mời tới một bác sĩ, người này tuyên bố bà khỏe mạnh.

>> Ký ức đau buồn của Hàn Vũ: Bụng cha đầy đá lạnh, không có nội tạng

Nhưng, người tù viết: “Bà ấy đã bất tỉnh và không thể nói, chỉ có thể nôn ra thứ chất lỏng dính dính màu đen. Chúng tôi đoán đó là máu. Chỉ tới sáng hôm sau họ mới xác nhận là bà sắp chết.” Một nhân viên Cục công an, Lưu Quang Minh, “thử bắt mạch cho bà và mặt anh ta đờ ra.” Bà Trần đã chết.

Tối hôm đó, lính canh tới nhà cô Trương và nói rằng mẹ cô bị ốm, cô Trương và em trai kể lại. Hai người lên xe hơi và bị đưa tới một khách sạn cách trung tâm giam giữ gần 2km. Khách sạn bị cảnh sát vây quanh. Bí thư đảng ủy địa phương nói với họ rằng bà Trần đã chết vì đau tim, nhưng họ không được phép xem xác. Sau nhiều giờ tranh cãi, các viên chức rốt cuộc nói rằng người nhà có thể xem cái xác, nhưng phải đến hôm sau, và khăng khăng bắt người nhà phải ở lại đêm đó trong khách sạn bị canh gác chặt chẽ. Cặp chị em từ chối và cuối cùng được cho về nhà.

Một túi quần áo

Ngày 22, cô Trương và em trai bị đưa tới bệnh viện địa phương và bị cảnh sát vây quanh lần nữa. Mẹ họ nằm trên bàn trong bộ quần áo thường thấy cho người chết: một chiếc áo dài cotton màu xanh đơn giản. Một cái túi nằm lăn lóc ở góc phòng, cô Trương nói cô nhìn thấy bộ quấn áo rách rưới nhuốm máu của mẹ mình, quần áo lót thì đầy chất bẩn. Bắp chân thâm đen, một lằn roi dài 15cm chạy dọc theo lưng của bà. Răng bị gẫy, tai phồng lên và chuyển sang màu xanh. Cô Trương ngất đi, và em trai đang khóc đón lấy chị mình.

Quần áo của bà Trần do lính canh vứt lại, ảnh do người nhà bà chụp lại
Quần trong của bà Trần dính máu và chất bẩn, ảnh do người nhà bà chụp lại

Ngày hôm đó, bệnh viện đưa ra báo cáo về cái chết của bà Trần. Họ nói rằng nguyên nhân cái chết là tự nhiên. Bệnh viện từ chối bình luận về vấn đề này. Cô Trương nói cô đã chất vấn các nhân viên về đống quần áo mà cô nhìn thấy, nhưng họ nói rằng mẹ cô đã mất kiểm soát sau khi lên cơn đau tim và đó là lý do quần áo của bà vấy bẩn. Cô Trương và em trai cố gắng nộp đơn kiện, nhưng không luật sư nào nhận vụ này. Trong khi đó, thi thể của mẹ cô phải nằm trong phòng lạnh cho đến khi việc kiện cáo được giải quyết.

>> 18 năm kiên trì phản bức hại và ánh sáng của niềm tin thắp sáng toàn thế giới

Ngày 17/3, cô Trương nhận được một lá thư từ bệnh việc nói rằng cái xác sẽ được hỏa táng ngày hôm đó. Cô Trương gọi điện cho bệnh viên cố ngăn việc đó lại, nhưng cô nói rằng nhân viên không cho cô một lời giải thích rõ ràng và nói họ sẽ gọi lại cho cô. Nhưng họ đã không làm vậy. Cô Trương không còn được nhìn thấy xác mẹ mình một lần nào nữa.

Tác giả Ian Johnson/ Wall Street Journal
Hạ Chi biên dịch

Ian Johnson

Published by
Ian Johnson

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

44 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

52 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

1 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago