Áp lực nhân quyền: Nỗi lo sợ cùng cực của ĐCSTQ
- Minh Nhật
- •
Không chỉ yếu thế trong cuộc thương chiến với Mỹ, Trung Quốc còn đang phải chịu áp lực to lớn về nhân quyền từ quốc tế trong nửa cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Trái ngược với các áp lực nhân quyền từ trước đến nay vốn vẫn bị Trung Quốc phủi tay không thừa nhận, những diễn biến mới này đang dẫn đến một viễn cảnh thực sự khiến ĐCSTQ lo sợ. Vì sao lại như vậy?
Tóm tắt bài viết:
- Diễn biến mới khiến chính quyền TQ lo sợ
- Vì sao lo sợ?
- Hợp thức hóa đàn áp tín ngưỡng để chạy tội
Diễn biến mới khiến chính quyền Trung Quốc lo sợ
Trước khi cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ diễn ra, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu chính quyền Trump áp dụng đạo luật cấm vận Magnitsky quốc tế để trừng phạt nhân quyền Trung Quốc. Tuy nhiên do cuộc đàm phán thương mại mà chính quyền Trump vẫn chưa thúc đẩy thêm nữa việc này. Hiện tại nếu đàm phán không có kết quả, nguy cơ Trung Quốc bị cấm vận sẽ cao hơn nhiều. Nhưng cấm vận hay thương chiến không phải điều khiến chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) e ngại nhất.
Khoảng thời gian nửa cuối 2018 và nửa đầu năm 2019, rất nhiều sự kiện đã diễn ra, tạo nên một chuỗi phản ứng quốc tế mà ĐCSTQ không lường trước được.
Sau khi các tổ chức nhân quyền quốc tế lần lượt lên tiếng về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ quy mô lớn tại Trung Quốc, nhiều tổ chức đã vào cuộc, các cuộc điều tra lần lượt được mở ra. Tháng 10/2018, BBC đăng tải phóng sự điều tra độc quyền, tiết lộ về trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ khổng lồ tại Tân Cương, chính thức đưa ra các bằng chứng rõ ràng nhất về việc đàn áp hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ.
Ngày 16/10/2018, đại diện người Duy Ngô Nhĩ, ông Dolkun Isa, thuộc tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ trong phiên tường trình tại quốc hội Anh. Đồng thời ông cho biết hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Kazakh hiện đã bị đưa tới các trại giam giữ, điều này đã được Human Rights Watch và Liên Hợp Quốc xác nhận.
Cũng trong ngày 16/10, BBC đăng tải phóng sự độc quyền về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc mà nạn nhân chủ yếu nhất là nhóm người tập Pháp Luân Công. Cùng ngày, Forbes đăng tải bài viết của một chuyên gia nghiên cứu diệt chủng, đưa ra thông tin các tù nhân lương tâm, bao gồm người tập Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Cơ đốc giáo, đã bị đặc biệt nhắm tới để thu hoạch nội tạng. Tiếp theo đó, Forbes đăng tải chuỗi bài viết của chuyên gia này, kêu gọi quốc tế điều tra đến cùng tội ác này.
Trước đó, trong một phiên tường trình trước các thượng nghị sĩ nước Cộng hòa Séc vào tháng 7/2018, nhà báo điều tra Ethan Gutmann từng nhấn mạnh rằng: nạn thu hoạch nội tạng thực sự diễn ra rầm rộ sau khi khoảng 1 triệu người tập Pháp Luân Công bị chính quyền ĐCSTQ đưa vào các trại lao động cải tạo. Ông lo ngại rằng điều tương tự có thể xảy ra với người Duy Ngô Nhĩ trong bối cảnh họ bị đàn áp trên quy mô lớn tại Tân Cương.
Tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đã diễn ra trong nhiều năm qua, điều này đã được cộng đồng quốc tế khẳng định qua các nghị quyết 343 của Hạ viện Mỹ (6/2016), tuyên bố 48 của Nghị viện châu Âu (7/2016), hay thông cáo của các tổ chức nhân quyền như Raoul Wallenberg, Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Úc, v.v.. Tuy nhiên việc lên án một tội ác chống lại loài người thông qua các nghị quyết thực sự là chưa đủ. Hơn nữa quốc tế vẫn luôn e ngại chưa khẳng định đây là tội ác diệt chủng, và luôn sử dụng cụm từ “cuộc đàn áp”. Chưa kể đến thực tế Trung Quốc là một trong năm nước thành viên có quyền phủ quyết (veto right) tại tòa án quốc tế khiến việc đánh giá tội ác này tại Liên Hợp Quốc gặp trở ngại.
Cuối tháng 11/2018, lần đầu tiên một dự luật được nhóm các nghị sĩ Mỹ từ cả Thượng viện và Hạ viện đưa ra, hướng tới việc cấm vận Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Dự luật (xem tại đây) được dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Vấn đề Trung Quốc (CECC), đại diện đưa ra, yêu cầu chính phủ Mỹ cấm vận các thành viên chính phủ Trung Quốc, các thành viên của ĐCSTQ, bí thư ĐCSTQ tại Tân Cương, cùng các quan chức có liên quan tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Bên cạnh đó, hiện đang có một chuỗi sự kiện sửa đổi luật xảy ra trên khắp thế giới, hưởng ứng Nghị quyết lên án nạn thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 12/2013; cùng Tuyên bố của Nghị viện châu Âu gửi tới các nước thành viên vào 7/2016, kêu gọi các nước thành viên thông báo tới người dân của mình và khởi tố những người có liên quan tới tội ác thu hoạch nội tạng. Theo đó, Hạ viện Bỉ đã thông qua dự luật cấm du lịch ghép tạng; Séc sửa luật cấy ghép tạng, chống nạn thu hoạch nội tạng; Thượng viện Canada thông qua dự luật chống buôn bán nội tạng; Nghị sĩ Anh cũng đang kêu gọi chính phủ cấm người dân đến Trung Quốc cấy ghép nội tạng; v.v.. Trước đó, luật cấy ghép tạng đã được Israel (2006), Tây Ban Nha (2013), Đài Loan (2015), và Ý (2016) thông qua.
Những nỗ lực lập pháp xuất hiện sau khi có các kết luận đầu tiên về tội ác thu hoạch nội tạng từ “Tòa án Độc lập Điều tra về Thu hoạch Nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc” do luật sư người Anh Geoffrey Nice chủ trì. Theo đó, tháng 12/2018, ông Geoffrey Nice, luật sư uy tín từng đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, tuyên bố:
“Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.”
Hiện tại tòa án độc lập vẫn đang làm việc để kết luận xem mức độ phạm tội lớn đến đâu, tuy nhiên nhiều khả năng tòa sẽ tuyên án tội diệt chủng.
Vì sao ĐCSTQ lo sợ?
Sự thay đổi lớn trên cho thấy cộng đồng quốc tế đang từng bước phản ứng mạnh hơn đối với vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, gián tiếp công nhận rằng có những cuộc diệt chủng đang xảy ra tại Trung Quốc.
Việc các cơ quan lập pháp vào cuộc cho thấy quốc tế đã sẵn sàng làm nhiều điều hơn thay vì kịch bản cũ, kêu gọi chính quyền Trung Quốc tự thay đổi trở nên tốt đẹp. Đây cũng là yếu tố khác biệt so với những cáo buộc nhân quyền trước đó về Trung Quốc. Trung Quốc không còn có thể phủi tay phủ nhận, và cũng không dễ dàng được thế giới cho qua.
Trong chuỗi sự kiện này, nếu quốc tế thật sự xuất hiện một quốc gia trực tiếp công khai tuyên bố rằng ĐCSTQ đã gây ra tội ác phản nhân loại, diệt chủng người dân, thì nó sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Nếu hầu hết các quốc gia đều bày tỏ thái độ thì ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt, cấm vận dành cho tội ác diệt chủng. Các quan chức và người liên quan trong toàn bộ bộ máy ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với việc bị truy tố quốc tế. Những gì đã xảy ra với các quan chức phát xít Đức và với chính quyền Đức Quốc xã trong tội ác diệt chủng người Do Thái có thể sẽ lặp lại với ĐCSTQ.
Trung Quốc không sợ hãi chiến tranh thương mại bởi chiến tranh thương mại còn có thể kêu gọi nhân dân thắt lưng buộc bụng vì quốc gia, nhưng hệ thống bị phơi bày, bị cấm vận, bị truy tố quốc tế, sẽ làm ĐCSTQ mất toàn bộ uy tín, bị đảng viên từ bỏ, và đứng trước nguy cơ diệt vong. Đó không nghi ngờ gì chính là nỗi sợ hãi to lớn của ĐCSTQ.
Trong hoàn cảnh này, ĐCSTQ hẳn sẽ một lần nữa phải quay lại bài toán: Làm thế nào để hợp thức hóa các cuộc đàn áp tín ngưỡng của họ, hoặc giả làm lệch hướng chú ý đến vấn đề nhân quyền Trung Quốc của quốc tế?
Hợp thức hóa đàn áp tín ngưỡng để chạy tội
Trong bối cảnh nêu trên, liệu ĐCSTQ sẽ một lần nữa sử dụng thủ đoạn để hợp thức hóa các cuộc đàn áp tín ngưỡng, thông qua việc ngụy tạo các sự kiện theo cách mà ĐCSTQ đã làm trước đây hay không? Những năm gần đây, vấn đề đàn áp tín ngưỡng nhức nhối nhất ở Trung Quốc có thể kể đến nhóm người tập Pháp Luân Công và nhóm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Nhìn lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Quốc, có thể thấy cách ma quỷ hóa Pháp Luân Công mà ĐCSTQ sử dụng có cùng một mô-típ: dựng chuyện, sử dụng hình ảnh gây sốc, chụp mũ, tuyên truyền, kích động thù hận. Việc dựng chuyện này lại không dừng ở bịa đặt ra một câu chuyện nào đó, mà thực tế là trong thật có giả, cài đặt người phá hoại mạo danh, gài bẫy, sau đó dàn dựng thành một câu chuyện thoạt nhìn không có khe hở. Từ đó mới chụp mũ, đưa ra tuyên truyền, thông qua hàng loạt các kênh truyền thông cả trong và ngoài nước. Kết quả là kích động thù hận để dân chúng đồng tình với cuộc đàn áp tín ngưỡng của chính quyền.
Chúng ta có thể nhìn lại hai lần điển hình nhất mà ĐCSTQ áp dụng thủ đoạn này trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Dàn dựng cuộc thỉnh nguyện Trung Nam Hải
Thủ đoạn sử dụng:
- Dàn dựng đánh người, bắt giữ người, tuyên truyền bôi nhọ
- Tạo nên cuộc thỉnh nguyện, hướng dẫn người thỉnh nguyện ôn hòa tới Trung Nam Hải
- Tạo hình ảnh người tập Pháp Luân Công quá khích muốn bao vây tấn công chính quyền
- Lấy cớ phát động đàn áp.
Do các thống kê khác nhau cho thấy số lượng người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc vào năm 1999 là từ 70-100 triệu người, nhiều hơn cả số đảng viên ĐCSTQ bấy giờ; vậy nên từ rất sớm, Tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã tìm mọi cách để phát động cuộc đàn áp nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công.
Năm 1997, ông La Cán lệnh cho Bộ Công an ĐCSTQ phải tiến hành một cuộc điều tra nội bộ đối với Pháp Luân Công, để quyết định Pháp Luân Công có phải là một “tà giáo” hay không, cuộc điều tra đã phải tạm dừng vì không có chứng cớ. Ngày 21/7/1998, Văn phòng số 1 của Bộ Công an Trung Quốc phát hành thông tư số 555/1989 với tựa đề “Chú ý về điều tra Pháp Luân Công” cùng lời tuyên bố sẵn Pháp Luân Công là một tà giáo, song lại yêu cầu tất cả các điều tra viên phải tìm ra được bằng chứng nhằm chứng minh lời tuyên bố trên. Thông tư này đã khiến lực lượng công an trên toàn quốc ra quân đàn áp, giải tán các điểm tập luyện dù không có bất kỳ chứng cứ phạm pháp nào.
Tuy nhiên sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công trong quần chúng là rất lớn. Nửa cuối năm 1998, một nhóm cán bộ hưu trí do cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Kiều Thạch dẫn đầu đã thực hiện điều tra tìm hiểu về Pháp Luân Công và đi đến kết luận rằng Pháp Luân Công hoàn toàn có lợi cho quốc gia, đồng thời giao báo cáo điều tra cho ông Giang Trạch Dân. Ông Kiều Thạch viết “Pháp Luân Công đối với đất nước và nhân dân chỉ có trăm điều lợi mà không có một điều hại” vào báo cáo điều tra và còn ghi thêm rằng “được lòng dân là được thiên hạ, mất lòng dân là mất thiên hạ”.
Bấy giờ, Cựu Ủy viên Bộ Chính trị La Cán vì muốn lập công với Giang Trạch Dân, nên đã trở thành người tiên phong trong việc tiến hành gài bẫy người tập Pháp Luân Công, từ đó lấy lý do để triển khai cuộc đàn áp. Ông yêu cầu Hà Tộ Hưu viết bài bôi nhọ Pháp Luân Công đăng trên tạp chí của Học viện Giáo dục Thiên Tân, rồi bắt 45 người đi phản ánh sự việc và đánh trọng thương nhiều người khác. Khi người tập Pháp Luân Công tại các nơi thỉnh nguyện yêu cầu Thiên Tân thả người thì công an đã gợi ý cho họ đến Bắc Kinh thỉnh nguyện và nhấn mạnh chỉ có Bắc Kinh mới giải quyết được việc này.
Suốt vài ngày, dòng người tập Pháp Luân Công tự phát từ khắp nơi đổ về trung tâm thành phố Bắc Kinh, sáng ngày 25/4 thì đã có đông đảo người tới nơi. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát và công an lại yêu cầu những người này không đứng ở văn phòng thỉnh nguyện bên ngoài Trung Nam Hải, mà dẫn đường cho họ tiến vào Trung Nam Hải, cuối cùng hình thành nên điều mà sau này bị ĐCSTQ mô tả là “cuộc tổng tấn công Trung Nam Hải”.
Theo các tư liệu và nhân chứng có mặt tại hiện trường vào ngày hôm đó, thì những người tham gia kháng nghị là tự phát đến Bắc Kinh, hoàn toàn không có tổ chức, khẩu hiệu hay biểu ngữ. Họ theo hướng dẫn của cảnh sát đứng yên, trật tự vòng quanh hai bên cổng chính của Trung Nam Hải.
Khoảng 8h sáng, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã bước ra đứng trước toàn bộ người tập Pháp Luân Công. Điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ hoàn toàn yên tâm về cuộc thỉnh nguyện của Pháp Luân Công. Ông Chu Dung Cơ dẫn 3 người đi kháng nghị vào trong nói chuyện, từ đó phát hiện ra rằng vấn đề ở Thiên Tân dù có chỉ thị xử lý nhưng ông La Cán lại không thực hiện.
Thủ tướng Chu Dung Cơ sau khi hiểu rõ tình hình đã để cho Cục Xử lý Khiếu nại nói chuyện với họ. Hơn 8h tối, hội đàm kết thúc, sau khi biết những người tập Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã được thả, đám đông cũng nhanh chóng giải tán và hiện trường rất sạch sẽ.
Tuy nhiên, sự kiện ngày 25/4/1999 đã trở thành cái cớ cho ông Giang Trạch Dân và phe cánh tiến hành cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông Giang đã đề ra chiến lược “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” nhằm “tiêu diệt” môn khí công này trong vòng 3 tháng. Đây cũng chính là sự kiện mở màn cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công 20 năm qua.
Dàn dựng màn tự thiêu Thiên An Môn
Mức độ thủ đoạn tinh vi hơn:
- Dàn dựng toàn bộ vụ tự thiêu tại nơi người Trung Quốc cho là bộ mặt quốc gia
- Ngụy tạo các thước phim, dùng các phương tiện truyền thông để ngay lập tức lan truyền thông tin trên quy mô lớn
- Sử dụng hình ảnh phản diện gây sốc: mẹ nổi lửa thiêu con mình. Gán ghép đó là người tập Pháp Luân Công
- Tìm cách giết chết những người tham gia dàn dựng, thủ tiêu nhân chứng
- Kích động dân chúng thù hận Pháp Luân Công
- Cuối cùng đạt mục đích tăng cường đàn áp và ma quỷ hóa Pháp Luân Công.
Ngày 23/1/2001, tức ngày 13 Tết Nguyên đán, tại quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra vụ “tự thiêu” của 5 người. Trong vòng vài giờ sau sự kiện này, những cảnh quay chi tiết đã liên tục phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước trên toàn Trung Quốc cũng như khắp thế giới, với các báo cáo tuyên bố rằng những người tự thiêu là người tập Pháp Luân Công, trong đó có một bà mẹ đã nổi lửa thiêu bản thân và thiêu con mình.
Bấy giờ là lúc cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ không đạt được tác dụng đủ lớn, không đạt được cái mà ông Giang Trạch Dân nói là “tiêu diệt” Pháp Luân Công trong vòng 3 tháng. Vậy nên cuộc đàn áp cần thiết phải có một cú huých.
Vụ tự thiêu sau đó được phát đi phát lại và bình luận trong suốt khung giờ chính trên kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc và các kênh truyền thông khác ở Trung Quốc, được lồng vào các chiến dịch tuyên truyền, và được phổ biến rộng rãi ra thế giới. Các kênh truyền thông quốc tế của Trung Quốc vào cuộc, sau đó là các kênh truyền thông thế giới liên tiếp đăng lại thông tin từ Trung Quốc.
Tuy vậy, màn lừa đảo này đã bị lật tẩy bên ngoài Trung Quốc, khi các kênh truyền thông thế giới chỉ ra rất nhiều điểm đáng ngờ ngay trong những thước phim mà ĐCSTQ phát đi. Ví dụ như sau khi quay chậm thước phim, người ta mới nhận ra rằng một trong số những người tự thiêu (người mẹ nổi lửa thiêu con) đã bị chính một viên cảnh sát khuất trong đám khói đánh chết; hay những thước phim “mang đậm chất điện ảnh” mà ĐCSTQ nói rằng đã tịch thu của BBC bị đài này phủ nhận; v.v.. Tổng cộng có hàng chục bằng chứng cho thấy vụ tự thiêu này là giả mạo. Bộ phim tài liệu False Fire (Lửa giả) về vụ tự thiêu Thiên An Môn sau đó đã được quốc tế đón nhận, trực tiếp chỉ ra những chi tiết lừa đảo trong sự kiện này. (Xem thêm chi tiết và video về một số chi tiết dàn dựng trong vụ việc này: Tự thiêu giả ở Thiên An Môn: Vết nhơ không cách nào xóa được của ĐCSTQ)
Đáng chú ý, mặc dù ĐCSTQ cố tình gán cho những người thực hiện màn tự thiêu này là người tập Pháp Luân Công, tuy nhiên không có phóng viên nước ngoài nào được trực tiếp phỏng vấn họ hay người thân của họ. Phóng viên Philip Pan của tờ Washington Post đã từng tự mình đi điều tra về người mẹ phóng hỏa đốt con, và phát hiện rằng không có hàng xóm nào của cô ta từng nhìn thấy cô ta tập Pháp Luân Công. Philip Pan còn phát hiện ra người mẹ này đi làm trong hộp đêm để kiếm tiền, hoàn toàn trái ngược với giáo lý của Pháp Luân Công. Các phát hiện này được đăng tải trong bài viết “Human Fire Ignites Chinese Mystery” (Tạm dịch: Tự thiêu làm bùng lên những bí ẩn ở Trung Quốc) đăng trên Washington Post.
Nhưng ở bên trong Trung Quốc, vụ tự thiêu giả này đã hoàn thành mục đích của ĐCSTQ nhằm kéo dư luận sang phía đối lập với Pháp Luân Công. Tiếp theo đó, lợi dụng hình ảnh người mẹ nổi lửa thiêu con mình đã được mặc nhiên thừa nhận, truyền thông nhà nước còn bịa đặt những điều sai sự thật như hàng trăm học viên đã mổ bụng của họ, hoặc “hơn 30 người dân vô tội đã bị giết bởi các học viên Pháp Luân Công rối loạn tâm thần”, v.v. Những điều này còn xuất hiện cả trong sách giáo khoa. Chúng tạo ra cho người dân một tâm lý phòng vệ, cảnh giác, thậm chí là thù hận Pháp Luân Công.
Cần chú ý rằng sự dàn dựng tinh vi, trong thật có giả của ĐCSTQ khiến cho một sự việc thoạt nhìn cực kỳ hợp lý, và ngay nhiều tháng trong thời điểm xảy ra sự việc, hầu như không thể phân biệt được việc ma quỷ hóa tôn giáo cố ý của ĐCSTQ, khiến nhiều người tin theo, nhất là đối với người dân nơi xảy ra sự kiện.
Phải đến sau này khi tập trung các đầu mối lại, người ta mới có thể chỉ ra những điểm bất hợp lý của nó. Tuy nhiên lúc đó hiệu quả truyền thông đã lan quá rộng, lời nói dối đã được công nhận, khiến cho việc vãn hồi ảnh hưởng trở nên cực kỳ khó khăn, kể cả ở bên ngoài Trung Quốc.
Quay trở lại nghi vấn ĐCSTQ có thể chạy tội diệt chủng bằng cách hợp thức hóa cuộc đàn áp của mình, liệu một vở kịch như Tự thiêu Thiên An Môn có tái diễn với mô-típ: dựng chuyện trong thật có giả, sử dụng hình ảnh gây sốc tương tự như việc mẹ giết con, rồi chụp mũ, tuyên truyền, kích động thù hận? Trong thông báo ngày 20/5, trang Minh Huệ Net của Pháp Luân Công đã nhận định thủ đoạn này đang được tái sử dụng bên ngoài Trung Quốc để gây nên những thông tin tiêu cực về môn pháp này.
Với sự chuyển động của quốc tế xoay quanh tính chính nghĩa, sự thật về ĐCSTQ đang ngày càng được hé mở. Lịch sử cho thấy tội ác của Liên Xô không cần tòa án cũng khiến chế độ này sụp đổ. Tội ác của Khmer đỏ dẫu được Trung Quốc bao che trì hoãn trong bao nhiêu năm rồi vẫn bị tuyên án. Do đó, điều cần chờ đợi không phải kết cục của tội ác thế nào, mà trong dòng chảy cuối cùng này, điều mà mỗi từng cá nhân lựa chọn mới là thứ khiến người ta phải suy ngẫm.
Minh Nhật
Từ khóa nhân quyền ở Trung Quốc Pháp Luân Công Thu hoạch nội tạng diệt chủng Pháp Luân Công là gì