Ngày 19/7 vừa qua, CNN đăng tải một bài báo có tựa đề “Liệu một nhóm tín ngưỡng muốn hạ bệ Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục tồn tại ở Hồng Kông?” (Can religious group that wants to bring down China’s Communist Party survive in Hong Kong?) của tác giả James Griffiths. Bài báo nêu ra thực tế đáng lo ngại của những người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông sau khi Luật An ninh Quốc gia bắt đầu được áp dụng và nhiều nhà hoạt động đã bắt đầu bị bắt giữ.
Ông James Griffiths, một tác giả, nhà báo lâu năm của CNN tại Hồng Kông cho biết, mặc dù Pháp Luân Công bị cấm và đàn áp dã man tại Trung Quốc đại lục kể từ năm 1999, môn tập này vẫn tiếp tục phổ biến công khai tại đặc khu hành chính Hồng Kông suốt 21 năm qua nhờ các biện pháp bảo vệ nhân quyền dưới nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”.
Ông James Griffiths cho biết: “Trong nhiều thập kỷ, các cuộc kháng nghị của người tập Pháp Luân Công về chính quyền Trung Quốc đã trở thành một cảnh tượng phổ biến trên đường phố Hồng Kông, với các hoạt cảnh dựng lại cảnh phẫu thuật đẫm máu để nâng cao nhận thức về các cáo buộc thu hoạch nội tạng, họ cũng phát miễn phí tờ báo Epoch Times có liên quan tới người tập Pháp Luân Công. Những người kháng nghị cũng đặc biệt hướng tới các chính trị gia Trung Quốc và các văn phòng của Trung Quốc đại lục trong thành phố, và thường xuyên tham gia các cuộc diễu hành kháng nghị chính quyền.” Đây là một sự khác nhau cực kỳ rõ ràng về sự tự trị tương đối của Hồng Kông so với những phần còn lại của Trung Quốc đại lục, theo ông James Griffiths nhận xét.
Tuy nhiên, sự tự do này đang bị đe dọa dưới Luật An ninh Quốc gia mới được thông qua tại Hồng Kông vào tháng 6. Các hoạt động trước đây vốn được xem là tự do, thì nay có thể bị quy kết là “các hành vi ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước” “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
CNN dẫn lại lời của bà Ingrid Wu, phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông: “Luật An ninh Quốc gia mới sẽ như một con dao sắc bén treo trên đầu hiệp hội và trên đầu của mọi người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông. Chúng tôi rất quan ngại.”
Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được thông qua trong một nỗ lực để tránh lặp lại thất bại của Dự luật dẫn độ năm 2019. Theo đó, việc cố gắng thông qua Dự luật dẫn độ Hồng Kông đã khiến cho một cuộc biểu tình với quy mô lớn, kéo dài nhiều tháng nổ ra tại Hồng Kông. Trước đó nữa, việc cố gắng can dự vào việc bầu cử tại Hồng Kông của chính quyền Đại lục đã khiến cho cuộc biểu tình Dù vàng diễn ra vào năm 2014.
Với việc soạn thảo và thông qua một cách bí mật và nhanh chóng, Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông dựa trên các quan điểm gây tranh cãi và không thuyết phục về chủ quyền và quyền bảo lưu, đã phá vỡ quy trình lập pháp và không phù hợp với các quy định của Luật Cơ bản và Tuyên bố chung Trung-Anh tại Liên Hợp Quốc. Đồng thời, người Hồng Kông chưa bao giờ được tham vấn ý kiến và không có tiếng nói khi thông qua luật này.
Luật An ninh Quốc gia này làm các biện pháp bảo vệ nhân quyền trong hệ thống pháp luật của Hồng Kông mất đi hiệu lực. Nếu được coi là cần thiết, thì lệnh đình quyền giam giữ (habeas corpus), quyền phản đối việc bắt giữ bất công trước tòa, sẽ bị từ chối nhằm cho phép việc giam giữ vô thời hạn công dân Hồng Kông mà không cần một phiên tòa xét xử nhanh. Điều kiện để được tại ngoại cũng đã khác. Ngay cả khi một người bị giam giữ không có rủi ro trốn đi, thì người đó vẫn có thể bị giam giữ nếu bị coi là “có thể phạm các tội” về an ninh quốc gia khác. Một phiên tòa công khai hoặc phiên tòa xét xử với bồi thẩm đoàn có thể bị từ chối đối với một số trường hợp.
Khi định nghĩa về các hành vi phạm tội liên quan đến bí mật quốc gia, khủng bố và ly khai, Luật An ninh Quốc gia sử dụng từ ngữ rộng hơn nhiều so với chuẩn mực quốc tế. Do đó luật này được hiểu là một hình thức kiểm soát tư tưởng với mục đích làm câm lặng những người bất đồng chính kiến. Người Hồng Kông đột nhiên nhận ra rằng họ đang sống trong một môi trường xã hội và văn hóa chính trị của “khủng bố đỏ” cộng sản.
Trong bài báo đăng trên CNN, ông James Griffiths nhận xét Hồng Kông từ lâu đã là nơi trú ẩn an toàn cho những nhóm người không thể hoạt động công khai ở Trung Quốc, từ các phong trào tôn giáo bị cấm và các tổ chức phi chính phủ về quyền lao động, cho đến các công ty công nghệ lớn bị chặn bởi tường lửa Vạn lý trường thành (The Great Firewall). Do đó, mặc dù chính quyền Hồng Kông của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cam kết Luật An ninh Quốc gia chỉ gây ảnh hưởng tới một nhóm nhỏ, thì số phận của những người tập Pháp Luân Công và của các nhà hoạt động nhân quyền khác sẽ “kiểm chứng những lời cam đoan đó một cách toàn diện nhất”.
Ông James Griffiths nhắc lại một vụ việc trong quá khứ liên quan tới những người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông. Theo đó, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc bắt đầu không lâu, những người theo tập đã bắt đầu kháng nghị tại Văn phòng Liên lạc Hồng Kông. Đây có thể nói là bộ mặt của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông, từ lâu là biểu tượng cho thế lực của Bắc Kinh đối với thành phố này.
Cảnh sát sau đó đã được huy động để giải tỏa những người tập Pháp Luân Công, và buộc tội họ gây cản trở, cùng với các tội danh khác. Vụ kiện cuối cùng đã kết thúc tại Tòa phúc thẩm, nơi các thẩm phán cấp cao của Hồng Kông ra phán quyết mạnh mẽ ủng hộ quyền biểu tình và kháng nghị của người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông. Kể từ đây, người tập Pháp Luân Công có được một cơ sở pháp lý mạnh mẽ cho những hành động tiếp theo của họ.
Nói riêng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, có thể nói đây là cuộc đàn áp nhân quyền lớn nhất thế kỷ 21, dù là tính về số lượng người bị đàn áp, các phương thức đàn áp, lượng tài chính dùng trong cuộc đàn áp hay mức độ tàn ác của cuộc đàn áp.
Trước khi nổ ra chiến dịch đàn áp, số lượng người theo tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại Lục đã đạt đến hơn 70 triệu người. Nhìn từ thực trạng chính sách đàn áp và liên đới (một người bị bắt, cơ quan và gia đình họ đều chịu liên đới), có thể thấy rằng số người bị đàn áp không chỉ là 70 triệu. Ngoài ra, theo lời của các quan chức ĐCSTQ, chi phí cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã vượt quá một cuộc chiến tranh. Không nghi ngờ gì, cuộc đàn áp này được duy trì bằng cách sử dụng ngân sách dành cho các lĩnh vực khác của xã hội.
Bên trong cuộc đàn áp, tội ác giam giữ, tra tấn, lạm dụng tình dục là vô cùng tàn bạo, nhưng tà ác nhất là việc mổ cướp nội tạng tươi từ người tập Pháp Luân Công trong khi họ vẫn còn sống, sau đó phi tang xác chết. Điều này đã được nhiều báo cáo chỉ ra, trong đó đáng chú ý là một Tòa án Nhân dân độc lập và uy tín tại London đã xác nhận hành vi thu hoạch nội tạng này của ĐCSTQ. (Xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người)
Tháng 11 và tháng 12/2004, thời báo Epoch Times, một cơ quan truyền thông do người Hoa ở hải ngoại xây dựng (từng đặc biệt chú ý vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công), công bố loạt bài xã luận: Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau được gọi tắt là Cửu Bình. Loạt 9 bài bình luận này đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất và lịch sử tội ác từ xưa đến nay của ĐCSTQ, giúp cho nhiều người dân Trung Quốc hiểu được bộ mặt thật của Đảng, đồng thời lần đầu tiên kêu gọi tất cả người dân Trung Quốc thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức liên đới của nó (Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên tiền phong). Cửu Bình sau này trở thành một cuốn sách được truyền tay rộng rãi và bí mật tìm đọc nhiều nhất tại Trung Quốc Đại Lục. (Xem video tiếng Việt tại đây)
Bấy giờ cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã diễn ra được 5 năm, từ chỗ có hơn 70 triệu người tập luyện vào năm 1999, họ đã trở thành nhóm người yếu thế nhất trong xã hội Trung Quốc, phải đối mặt với việc bị mất gia đình, nhà cửa, bị giam giữ, tra tấn, làm nhục và thậm chí bị giết hại trong tù. Vậy nên vào thời điểm đó, đây là nhóm người trải nghiệm rõ nhất bản chất tà ác của ĐCSTQ.
Nhiều người tập Pháp Luân Công từ Trung Quốc Đại Lục trốn thoát ra nước ngoài hoặc trốn đến Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan… Tại đây, họ bắt đầu dựng lên những trạm thông tin đường phố. Những người này giải thích rằng họ không có mong muốn quyền lực chính trị, cũng không thù địch với người dân Trung Quốc, nhưng tội ác ngút trời của ĐCSTQ là không sách nào chép hết, từ các phong trào như “tam phản”, “ngũ phản”, Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, thảm sát Thiên An Môn, cho đến đàn áp Pháp Luân Công… ước tính gần 100 triệu người Trung Quốc đã bị giết hại, cả dân tộc Trung Quốc đều trở thành nạn nhân.
Hưởng ứng Cửu Bình, những người tập Pháp Luân Công trốn thoát khỏi Trung Quốc cùng với cộng đồng hải ngoại đã thành lập các trung tâm Thoái Đảng đường phố bên ngoài Trung Quốc và nhân rộng mô hình này. Đồng thời cũng trong quá trình này, biểu ngữ “Trời diệt Trung Cộng” ra đời và được treo trên các trung tâm thông tin của người tập Pháp Luân Công. Đặc biệt tại Hồng Kông, trong nhiều năm trời, biểu ngữ “Trời diệt Trung Cộng” cũng được treo công khai trên đường phố và được mang theo trong các cuộc diễu hành của người tập Pháp Luân Công.
Năm 2019, Hồng Kông nổ ra phong trào chống Dự luật Dẫn độ, suy nghĩ của người dân Hồng Kông đã thay đổi đáng kể. Thế hệ dân chủ cũ có thể có những ảo tưởng về vấn đề “chung sống” với ĐCSTQ, hy vọng thông qua giao lưu hữu hảo để đổi lấy nền dân chủ cho Hồng Kông. Tuy nhiên, thế hệ trẻ đã từ bỏ suy nghĩ này. Qua các cuộc biểu tình Dù Vàng và phong trào chống Dự luật Dẫn độ, họ cho rằng ĐCSTQ phản bội tín nghĩa, là thủ phạm phá hoại dân chủ, nhân quyền và pháp trị của Hồng Kông. Với họ, chỉ bằng cách làm ĐCSTQ tan rã thì Hồng Kông mới có thể có tự do thực sự.
Trong phong trào biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ từ ngày 9/6 đến ngày 10/9, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 2.379 người. Ngoài ra, có đến hơn 108 trường hợp “tự tử”, đa số là các vụ “nhảy lầu” và hầu hết đều rất đáng ngờ. Điều đáng nói là phía cảnh sát Hồng Kông thường xuyên kết luận vụ án một cách vội vã. Trong sự đàn áp khủng bố đó, những người trẻ tuổi Hồng Kông đã cho người dân trên toàn thế giới thấy được một tinh thần đáng kính. Cũng trong hoàn cảnh này, một sự việc chấn động đã xảy ra: Một tấm áp phích khổng lồ do người Hồng Kông thiết kế được giăng trên bức tường Lennon (bức tường dân chủ), có hình nền là Thiên An Môn bị sét đánh gãy làm đôi, bên dưới là hàng chữ: “Trời diệt Trung Cộng, toàn Đảng chết hết”. Mặc dù ĐCSTQ đã nhanh chóng sai người dùng vải đen che lấp tấm áp phích này, nhưng sau đó, các áp phích tương tự đã xuất hiện trên nhiều bức tường Lennon ở nhiều khu khác nhau và phiên bản điện tử cũng được lưu hành rộng rãi trên phần mềm trò chuyện dành cho điện thoại di động.
Ngoài ra, trong hoạt động biểu tình còn có các nhóm đi phân phát áp phích, tờ rơi “Trời diệt Trung Cộng”, được nhiều người hưởng ứng. Trong các hoạt động hội họp và diễu hành luôn có những người giương cao áp phích “Trời diệt Trung Cộng”, gây hiệu ứng mạnh mẽ. Khẩu hiệu “Trời diệt Trung Cộng” bắt đầu in sâu vào tâm khảm mọi người, được giăng trên khắp các đường phố, trên mặt đất và trên các bức tường tại Hồng Kông. Mặc dù một số đã bị chính phủ gỡ bỏ, nhưng rồi không lâu sau đó lại xuất hiện. Dường như hầu hết mọi người ở Hồng Kông đều tán đồng và khao khát lời tiên tri “Trời diệt Trung Cộng” sẽ trở thành hiện thực.
Tại sao ĐCSTQ nhất thiết muốn thông qua Luật An ninh Quốc gia bất chấp việc biết trước sẽ bị các cường quốc phương Tây chế tài? Điều đáng nói là theo thỏa thuận với Anh, ĐCSTQ có thể chờ đến năm 2047 và “danh chính ngôn thuận” mà phá bỏ cơ chế “Một quốc gia hai chế độ”, vì thỏa thuận chỉ có thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không thể chờ, hay nói cách khác, nó không dám chờ.
Một trong số các nguyên nhân ít được mọi người để ý nhưng mang tính rất then chốt, chính là sự xuất hiện lượng lớn các biểu ngữ “Trời diệt Trung Cộng” trong cuộc biểu tình Hồng Kông. Yếu tố này đã chạm đến nỗi sợ hãi lớn nhất, động đến tử huyệt của ĐCSTQ. Vì vậy, bất chấp cách nhìn của quốc tế vốn đã bất lợi sau COVID-19, ĐCSTQ vẫn kiên quyết thông qua Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông.
Bên cạnh đó, còn có một vấn đề khác khiến ĐCSTQ run sợ không kém. Các trung tâm Thoái Đảng đường phố của Pháp Luân Công tại các quốc gia bên ngoài Đại Lục duy trì liên tục trong nhiều năm, đồng thời ảnh hưởng ngược lại Trung Quốc Đại Lục. Người Đại Lục cũng vượt tường lửa, lên website tuidang.org để tuyên bố thoái xuất.
Đến ngày 21/4/2005, số người tuyên bố thoái Đảng và các tổ chức liên đới đạt mốc 1 triệu. Đến ngày 22/4/2006, số người tuyên bố thoái tiến gần tới mốc 10 triệu. Đến khoảng tháng 2/2009, con số vượt mức 50 triệu. Ngày 7/8/2011, số người thoái đạt 100 triệu. Con số là 200 triệu vào tháng 4/2015, 300 triệu vào 2018, và tới 18/7/2020, đã có hơn 360 triệu người Trung Quốc tuyên bố thoái xuất khỏi chế độ.
Ông James Griffiths cho rằng có rất nhiều điểm bất lợi đối với người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông chiểu theo Luật An ninh Quốc gia. Chẳng hạn luật này quy định về việc “lật đổ cốt lõi quyền lực tập trung trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Tuy nhiên, diễn giải theo cách hiểu của chế độ Trung Quốc, thì chính quyền Trung Quốc là một thể thống nhất không thể tách rời với ĐCSTQ. Vì vậy, chế độ có thể diễn giải rằng việc thuyết phục người dân thoái Đảng là vi phạm luật An ninh Quốc gia.
“Tình thế của người tập Pháp Luân Công ở Hồng Kông biến chuyển như thế nào trong những tháng tới và có bao nhiêu sự đàn áp [Pháp Luân Công] xuất phát từ đại lục [nhắm tới Hồng Kông] là một điều rất quan trọng”, bà Sarah Cook, một nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức hoạt động nhân quyền Freedom House (Ngôi nhà Tự do) nhận xét. Sarah Cook là nhà nghiên cứu chuyên sâu về đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc, là tác giả của báo cáo “Cuộc chiến vì linh hồn Trung Hoa: Hồi sinh tôn giáo, Đàn áp và Phản kháng dưới thời Tập Cận Bình”.
Bà Sarah Cook phân tích, bất kỳ sự hạn chế nào đối với Pháp Luân Công tại Hồng Kông “sẽ là một dấu hiệu xấu và là tiền thân đáng lo ngại cho một cuộc đàn áp đối với cộng đồng tôn giáo rộng lớn hơn ở Hồng Kông”.
“Tại Trung Quốc, chúng tôi đã chú ý hết lần này đến lần khác kể từ năm 1999, cái cách họ tạo ra luật lệ, thủ đoạn và thậm chí cả lực lượng an ninh, để đàn áp Pháp Luân Công. Rồi sau đó những điều này được mở rộng sang các nhóm khác”, bà Cook giải thích thêm. “Không may thay, có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta thấy điều đó lặp lại ở Hồng Kông.”
Bài báo của CNN viết, những người tập Pháp Luân Công, cũng như nhiều nhóm phản đối chính quyền ĐCSTQ, có thể sẽ không cảm thấy ngay lập tức việc luật An ninh Quốc gia nhắm đến họ, nhưng họ đã sẵn sàng cho cả những điều tồi tệ hơn. Sau nhiều năm bị đàn áp ở Trung Quốc, giờ đây họ đã chuẩn bị cách thức hoạt động ngầm đằng sau hậu trường nếu một cuộc đàn áp xảy ra.
Ông Zhang, phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ, cho CNN biết, thậm chí bên trong Trung Quốc, mọi người vẫn “tiếp tục tập luyện Pháp Luân Công một cách riêng tư và nhiều người ra ngoài và phổ biến thông tin một cách bí mật để giúp những người Trung Quốc khác nhìn thấu những lời dối trá và che đậy của ĐCSTQ.”
Bà Ingrid Wu, phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông thì cho biết một số người tập Pháp Luân Công ở Hồng Kông có thể sẽ tị nạn ở nước ngoài nếu luật pháp nhắm vào họ. “Cộng đồng Pháp Luân Công rất đa dạng; mỗi người tự đưa ra quyết định dựa trên gia đình và các tình huống khác”, bà Wu nói. “Nhưng hầu hết người tập Pháp Luân Công mà tôi biết có kế hoạch ở lại Hồng Kông. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm tiếp tục nỗ lực hòa bình để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp và kêu gọi công lý, và nói với thế giới những gì đang xảy ra ở Hồng Kông. “
Minh Nhật
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…