Gần đây lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình thường xuyên nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng. Hôm 10/2, Tạp chí Cầu Thị của ĐCSTQ công bố bài phát biểu của ông Tập vào ngày 5/1/2018 tại buổi tập huấn cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp Bộ – Tỉnh, Ủy viên Trung ương mới và Ủy viên dự khuyết. Ông Tập nhấn mạnh rằng phải ngăn chặn “hiểm họa nội bộ” và phải “làm sạch” từ trong Đảng, cuối cùng cảnh báo các quan chức cấp cao phải “rõ ràng về chính trị, phải trung thực, không bao giờ được sống hai mặt”.
Toàn Đảng sống với nhau bằng khuôn mặt giả tạo, Tập Cận Bình không thể tìm được cái gọi là “người kế nhiệm” trung thành. (Ảnh: Getty Images)
Thực tế đây chính là vấn đề lòng trung thành mà ông Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh, cho nên trong vài năm qua đã thanh trừng không ít “kẻ dã tâm” trong quan trường, hiện nay vẫn tiếp tục nghiêm khắc cảnh báo vấn đề trung thành trong bộ máy. Từ một góc nhìn khác, vấn đề này có nghĩa gì? Đó là ông Tập Cận Bình đang khó khăn trong vấn đề tìm cái gọi là “người kế nhiệm” thực sự trung thành.
Hãy thử nhìn lại danh sách 7 nhân vật kế nhiệm “thế hệ lãnh đạo thứ 6” mà truyền thông ĐCSTQ từng để lộ, xem hiện nay họ ra sao?
Ngày 20/9/2012, nhiều tổ chức truyền thông của ĐCSTQ đồng loạt đăng lại bài báo của Nhân Dân Nhật báo có tựa “Quan chức cấp Bộ – Tỉnh thế hệ sinh sau 1960 sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Trung Quốc”. Bài viết khẳng định thế hệ lãnh đạo sinh sau 1960 này là lớp người “trẻ trung, có học thức cao, có kinh nghiệm thực tế, có nền tảng khoa học xã hội nhân văn”, trong 5-10 năm tới họ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến “quản lý địa phương” và “phong cách chính trị” của Trung Quốc, thậm chí rất nhiều người dự kiến sẽ vào bộ máy lãnh đạo cấp cao trung ương, ảnh hưởng đến hướng đi và số phận tương lai của Trung Quốc.
Bài viết cũng nhấn mạnh đến 7 nhân vật lãnh đạo quan trọng cấp Bộ – Tỉnh thuộc thế hệ sau 1960. Phần đánh giá sơ yếu lý lịch, bài viết đã ca ngợi về bối cảnh trưởng thành, kinh nghiệm làm việc và trình độ kiến thức của các quan chức cấp Tỉnh và Bộ thế hệ sau 1960 này. Điểm nổi bật của 7 người này là họ đã từng trải nghiệm “cuộc sống gian khó”; hoặc thời niên thiếu mồ côi cha, sống với mẹ vượt qua những năm tháng cơ hàn.
Ngoài Nur Bekri – Chủ tịch kiêm Phó bí thư Đảng ủy Khu vực tự trị Tân Cương, Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm Tôn Chính Tài, Trương Khánh Vĩ – Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc, và Lục Hạo – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản. Bài viết cũng đặc biệt nêu tên Chu Cường – Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam, và Hồ Xuân Hoa – Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông Cổ; nhấn mạnh Chu Cường giỏi “quản trị Hồ Nam bằng pháp luật”, còn Hồ Xuân Hoa “quản trị linh hoạt”.
Về vấn đề này, giới quan sát bên ngoài có chỉ ra rằng đây là danh sách phác thảo sơ bộ người tiếp quản quyền lực thế hệ thứ 6 ĐCSTQ. Đồng thời chỉ ra, qua cách tường thuật lý lịch của Nhân Dân Nhật báo cho thấy những người này có hai điểm chung: Có kinh nghiệm làm việc tại Đoàn Thanh niên, có kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp nhà nước.
Đến nay, nhìn vào tình trạng của những người này, không biết họ sẽ “ảnh hưởng đến hướng đi và số phận tương lai của Trung Quốc” thế nào?
Ông Tôn Chính Tài, Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh và Ủy viên Bộ Chính trị được xem là “người tiếp quản quyền lực” của phái Giang (cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân), đã “ngã ngựa” hồi tháng 7/2017 – ngay trước thềm Đại hội 19 ĐCSTQ. Quan to này không chỉ dính vào bê bối tình ái mà còn bị cáo buộc “kẻ âm mưu, kẻ dã tâm”, tham gia trong nhiều vụ “âm mưu chính trị nghiêm trọng”, tham vọng “chiếm đoạt quyền lực tối cao trong Đảng”. Nhân vật khác là ông Hồ Xuân Hoa – ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông (từng được xem là ứng viên nóng vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị), có thể cũng đã “nản chí” vì sóng gió trong quan trường nên ngày càng kín tiếng, sau cùng nhậm chức Phó Thủ tướng, không phải mẫu người hợp với ông Tập Cận Bình.
Còn Nur Bekri? Sau khi được chuyển từ khu chính trị nhạy cảm Tân Cương sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia và Cục trưởng Cục năng lượng, đã “ngã ngựa” ngày 21/9/2018; tháng Bẩy năm nay Nur Bekri đã bị buộc tội nhận hối lộ hơn 79,10 triệu Nhân dân tệ, bị thông báo “suy thoái đạo đức, giao dịch quyền lực – nhan sắc”.
Chu Cường thì sao? Sau khi từ Hồ Nam chuyển nhậm chức Chánh án Tòa án tối cao, làm được một khóa đã gây nhiều vấn đề bất thường như truy quét giới luật sư và nhà đấu tranh nhân quyền (bị cho là người của Giang Trạch Dân). Vào đầu năm nay Chu Cường đã gặp khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị, đó là vụ bê bối khi tòa án tối cao để mất toàn bộ hồ sơ vụ án khoáng sản liên quan đến cả trăm tỷ Nhân dân tệ. Dù tạm thời Chu Cường thoát nạn, nhưng kết quả điều tra đang bị nhiều nghi vấn!
Còn nhân vật Lục Hạo sinh tháng 6/1967, từng được xem là “đệ tử thân thiết” của Hồ Cẩm Đào, đường quan lộ một dạo đầy hứa hẹn. Nhưng trong dịp “lưỡng hội” ĐCSTQ năm 2016, Lục Hạo khoe khoang “thành tích” cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Hắc Long Giang, trắng trợn báo cáo sai sự thật trước Tập Cận Bình (cho biết toàn bộ 80 nghìn công nhân mỏ than Hắc Long Giang đều không ai bị thiếu lương, giảm thu nhập). Vụ việc này gây cuộc biểu tình lớn của giới thợ mỏ than Hắc Long Giang, trở thành vụ bê bối lớn nhất tại “lưỡng hội” năm đó, hệ quả là con đường thăng tiến của Lục Hạo cũng ảnh hưởng. Ngày 19/3/2018, tại Hội nghị lần thứ nhất Nhân đại khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tiến cử Lục Hạo (51 tuổi) nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên (mới thành lập), nhưng giới quan sát không còn lạc quan tương lai chính trị của Lục Hạo như trước.
Trong số 7 nhân vật này còn có Trương Khánh Vĩ, là quan to xuất thân lĩnh vực kỹ thuật ngành hàng không, ngày 1/4/2017, nhậm chức Bí thư tỉnh Hắc Long Giang. Năm nay Trương Khánh Vĩ đã 58 tuổi, quan lộ cũng sắp kết thúc, nhiều nhất hết khóa sau sẽ chuyển về nhậm chức tại Nhân đại hay Chính hiệp và chờ nghỉ hưu.
Những “người kế nhiệm” từng đầy triển vọng này đã không thành tựu, phải chăng số quan lại hiện nay được ông Tập Cận Bình “chăm nom” sẽ làm ông vững tâm? Tất nhiên là quá khó. Nhìn vấn đề từ hàng loạt “Bí thư Huyện ủy ưu tú” mà đích thân ông Tập Cận Bình kiểm định lần lượt đều “ngã ngựa”, cũng phần nào cho thấy ông khó có “người kế nhiệm” đáng tin cậy.
Hồi tháng 6/2015, ĐCSTQ triển khai bình chọn một loạt nhân vật được cho là “Bí thư huyện ủy xuất sắc nhất toàn quốc”. Ngày 30/62015, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin, tại Bắc Kinh vào buổi sáng hôm đó, ông Tập Cận Bình đã gặp các “Bí thư huyện ủy xuất sắc nhất toàn quốc”, bắt tay từng người một và chụp ảnh chung cùng họ. Nhưng đến nay, trong những “Bí thư huyện ủy xuất sắc nhất toàn quốc” này đã “ngã ngựa” 7 người. Hiện tượng này đã từng làm nóng dư luận, ngay cả diễn đàn “Vòng tròn chính trị” của ĐCSTQ cũng từng ví von đây là “màn trào phúng kinh điển”.
Bàn đến vấn đề xây dựng Đảng, hãy nhìn chuyện ông Lại Tiểu Dân – Chủ tịch Huarong – công ty quản lý tài sản tài chính lớn nhất Trung Quốc. Lại Tiểu Dân “ngã ngựa” tháng 4/2018, cơ quan chức năng khám nhà quan chức này thu giữ được 270 triệu Nhân dân tệ tiền mặt; trước đó vào năm 2017, Lại Tiểu Dân từng lên tiếng rằng Huarong phát triển nhanh được là nhờ quán triệt công tác xây dựng Đảng. Không bất ngờ khi các quan chức tham nhũng kinh khủng nhất vẫn lợi dụng công tác này làm mồi câu.
Ngày 3/9, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Trường Đảng Trung ương, bài phát biểu dành cho các học viên khóa đào tạo cán bộ trẻ Trường Đảng Trung ương. Trong bài phát biểu có đến 50 lần ông Tập nhắc đến từ “đấu tranh” vốn đầy màu sắc chủ nghĩa giáo điều cộng sản. Hãng thông tấn CNA Đài Loan bình luận rằng ông Tập đang lo lắng không có người kế nhiệm trung thành, nhấn mạnh tiếp tục đấu tranh.
Lương Sách
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…