Tờ SCMP đưa tin, ngày 3/2 Cục Thống kê Hồng Kông công bố số liệu mới cho thấy, GDP của Hồng Kông năm 2019 giảm 1,2% so với năm 2018. Đây là lần đầu tiên kinh tế Hồng Kông suy thoái tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của cuộc suy thoái này là do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tiếp đó là phong trào biểu tình phản đối Luật Dẫn độ kéo dài suốt hơn nửa năm và mới đây nhất là sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Theo công bố của Cục Thống kê Hồng Kông, GDP của quý IV/2019 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018 trong khi quý III/2019 cũng giảm 2,8% so với một năm trước đó.
Trong quý IV/2019, chi tiêu tiêu dùng tư nhân giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; trong khi chi tiêu tiêu dùng của chính phủ lại tăng 6% trong quý IV và tăng 5,1% trong cả năm 2019.
Cục trưởng Tài chính Trần Mậu Ba hôm 2/2 đã cảnh báo kinh tế Hồng Kông năm 2020 có thể suy thoái thêm nữa. Ngoài vấn đề bất ổn xã hội, mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, còn có một yếu tố khác mang đến sự không chắc chắn cho kinh tế Hồng Kông trong năm nay, đó là ảnh hưởng dịch bệnh virus corona từ Đại Lục lan sang.
Nhật báo kinh tế Hồng Kông dẫn lời ông Ngô Trác Ân, một học giả kinh tế của Ngân hàng Ngoại thương Pháp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói rằng GDP của Hồng Kông có thể sẽ suy giảm 2% trong năm nay. Ông cũng chỉ ra rằng nếu dịch bệnh không được kiểm soát một cách hiệu quả trong ngắn hạn, GDP có thể giảm 4%.
Tập đoàn tư vấn CLSA mới đây cũng công bố báo cáo cho thấy tình trạng rớt giá vẫn không dừng lại trên thị trường bất động sản Hồng Kông.Theo CLSA, dự kiến giá nhà ở, cửa hàng bán lẻ và giá thuê văn phòng hạng A sẽ giảm từ 20 đến 25%, nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường bất động sản Hồng Kông đã chạm đáy.
Theo báo cáo của Bank of America (BoA), trong suốt giai đoạn dịch SARS năm 2003, giá bất động sản ở Hồng Kông giảm sâu nhất là ở mức 15%. Nhưng kể từ khi dịch viêm phổi ở Vũ Hán bùng phát đến nay (chưa đạt đến đỉnh điểm), giá bất động sản đã giảm 7%.
Một số dữ liệu vĩ mô và phản hồi từ các chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ còn cho thấy tác động của dịch bệnh viêm phổi đối với kinh tế Hồng Kông nặng nề hơn so với thời điểm bùng phát dịch SARS năm 2003. Hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hồng Kông dường như đang bước vào giai đoạn “ngủ đông”, đặc biệt là ngành du lịch và dịch vụ nhà hàng khách sạn.
Tính đến nay, đã có 18 người ở Hồng Kông bị nhiễm bệnh và 1 ca tử vong vào sớm ngày 4/2 tại Bệnh viện Princess Margaret ở Kwai Chung. Chính phủ Hồng Kông hiện cũng đang nỗ lực tiến hành các biện pháp nhằm ứng phó với dịch bệnh.
Sáng hôm 3/3, hàng trăm nhân viên y tế thuộc Liên minh các nhân viên Cục quản lý bệnh viện Hồng Kông bắt đầu đình công nhằm yêu cầu chính quyền đóng toàn bộ cửa khẩu với Đại Lục để ngăn dịch viêm phổi Vũ Hán.
Cùng ngày, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phải thông báo đóng cửa gần hết các cửa khẩu trên bộ với Đại Lục và Ma Cao nhằm ngăn dịch bệnh, ngoại trừ của khẩu ở vịnh Thâm Quyến và cây cầu nối Hồng Kông với Đại Lục và Ma Cao. Các chuyến phà cũng sẽ ngừng hoạt động trong khi sân bay vẫn mở cửa.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…