"Người chuột" ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)
Gần đây, một thuật ngữ có tên “người chuột” (老鼠人 – lão thử nhân) đã trở nên phổ biến trên các nền tảng xã hội ở Trung Quốc Đại Lục, chỉ con người giống như loài chuột, sống trong một góc nhỏ và ở đó suốt ngày. Phong cách sống này đã được vô số người trẻ hưởng ứng, và chủ đề “người chuột” đã thu hút rất nhiều sự chú ý trên Weibo.
Theo Bloomberg, lối sống mang tên “người chuột” đang nhanh chóng trở nên phổ biến trên các nền tảng xã hội Trung Quốc. Nhiều người trẻ chia sẻ trong video về cuộc sống của họ là không ra ngoài, không làm việc và nằm trên giường cả ngày. Số lượt truy cập vào chủ đề liên quan đến “người chuột” trên Weibo đã vượt quá 10 triệu lượt.
Một video lan truyền trên mạng, trong đó một cô gái trẻ chia sẻ “cuộc sống thường ngày của một người chuột”: Thức dậy lúc 11:20 sáng, ăn đồ ăn đặt về lúc 1:20 chiều, ngủ trưa lúc 2:00 chiều, gọi trà sữa vào buổi tối, cho mèo ăn và quay lại giường, ăn và xem TV vào buổi tối, và ngủ lúc 2:30 sáng. Cô nói ở cuối video: “Làm sao một người có thể hạnh phúc đến vậy?”
Một số cư dân mạng chỉ ra rằng hiện nay, những video “người chuột năng lượng thấp” này đã thay thế nội dung “cuộc sống tinh tế năng lượng cao” thịnh hành những năm đầu và trở thành quy tắc lưu lượng mới trên các nền tảng mạng xã hội.
Các blogger Douyin và Xiaohongshu như “Jiawen Sishi” (Gia Văn Tứ Thị) và “Hạnh Phúc Thử Lục“ đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng bằng cách sử dụng nhãn hiệu “người chuột“. Một blogger đã nhận được hơn 400.000 lượt thích cho một video duy nhất.
Hiện tượng Internet này đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Hình ảnh hoạt hình “con chuột” do họa sĩ “Sa Đường Tiên Bối“ sáng tạo đã trở thành biểu tượng cảm xúc hình người chuột và thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm ngoại vi liên quan.
Một số thương hiệu đã hợp tác với anh để tung ra búp bê, mặt dây chuyền, gối và các sản phẩm khác, với doanh số vượt quá 1 triệu, thậm chí một số sản phẩm còn hết hàng.
“Người chuột” thường có 3 đặc điểm chính. Thứ nhất, ban ngày uể oải, ban đêm năng nổ. Thứ 2, không gian sống của họ chỉ giới hạn ở một góc phòng, nhưng họ phản ứng rất nhanh với các trường hợp khẩn cấp. Thứ 3, họ thích tương tác trực tuyến và sợ phải đối mặt với đám đông.
Nhịp sống của “người chuột” chậm như thể họ đang chạy với tốc độ nhanh gấp 0,5 lần. Họ không bao giờ thức dậy vào buổi sáng và việc mở mắt vào lúc 2 hoặc 3:00 chiều được coi là sớm. Điều đầu tiên họ làm khi thức dậy không phải là rửa mặt và đánh răng mà là mở điện thoại di động và xem video.
Họ ăn rất tuỳ hứng. Ăn một bữa một ngày được coi là bình thường. Khi đói, họ chỉ ăn một cách hời hợt và quá lười không muốn động tới nồi niêu xoong chảo. Họ hạn chế tối đa ham muốn của mình và có thể tự nuôi sống bản thân trong một ngày bằng bánh sandwich và mì ăn liền, đôi khi họ cũng gọi đồ ăn bên ngoài.
Tắm rửa là một việc lớn đối với họ. Họ phải tập hợp đủ năng lượng tinh thần trước khi có thể bước vào phòng tắm. Thậm chí đôi khi họ có thể đứng ở cửa phòng tắm và lướt điện thoại thêm nửa giờ nữa.
Với họ, thức khuya là thói quen hàng ngày. Họ thường thức đến 2 hoặc 3:00 sáng, thậm chí đến bình minh, sau đó ngủ đến trưa hoặc chiều và lặp lại chu kỳ này.
Phạm vi hoạt động của họ về cơ bản chỉ giới hạn ở trên giường. Bên ngoài giường giống như một thế giới khác, nếu không cần động chân động tay thì không làm.
Một số cư dân mạng cho biết: “Thực ra, người chuột khá hạnh phúc, ít nhất là không phải làm việc theo chế độ làm việc 996 (từ 9:00 sáng đến 9:00 tối, 6 ngày mỗi tuần, tức là 72 giờ mỗi tuần).”
“Khi cá nhân bị tước mất quyền nghỉ ngơi một cách có hệ thống, việc tiêu thụ ít năng lượng sẽ trở thành một chiến lược để duy trì sức sống.”
“Có lẽ trong cơ thể cuộn tròn của mình, họ đang ấp ủ lòng can đảm để định nghĩa lại cuộc sống.”
Trên thực tế, từ “người chuột” thể hiện cảm giác bất lực và lo lắng về mặt tâm lý của giới trẻ hiện đại trước cuộc sống thực. Lối sống “nằm dài” này được coi là cách thoát khỏi áp lực của công việc cường độ cao và sự cạnh tranh xã hội.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang yếu kém hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên và sự cạnh tranh khốc liệt tại nơi làm việc, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn bước vào mô thức cuộc sống của “người chuột”.
Những năm gần đây, những người trẻ ở Trung Quốc Đại Lục đang phải vật lộn với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm 2023 đã xuất hiện “Thanh niên 4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con).
Năm 2024, lời tuyên bố của “Thanh niên 10 không”, thế hệ cuối cùng, đã được đưa ra khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi.
“Thanh niên 10 không” chỉ những người trẻ có 10 đặc điểm sau: (1) không hiến máu, (2) không quyên tiền, (3) không kết hôn, (4) không sinh con, (5) không mua nhà, (6) không mua vé số, (7) không đầu cơ cổ phiếu, (8) không mua quỹ, (9) không giúp đỡ người già bị ngã, (10) không xúc động.
Nhiều cư dân mạng trên mạng xã hội Weibo của Đại Lục cho rằng mới đây “Thanh niên 10 không” của Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố “nằm dài” phó mặc.
Bình Minh (t/h)
CCTV công bố hình ảnh ông Tập phát biểu ở Malaysia bằng cách đọc một…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được cho là mong đợi "ra quyết định về…
Hôm thứ Bảy (19/4), Bộ Quốc phòng Nga loan báo Moskva và Kiev đã tiến…
Hiệp hội Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc cùng với Chính phủ đã ra tuyên…
Người quân tử thông cảm cho chuyện bất hạnh của người khác, nhưng không nhất…
Nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky đã đưa ra phản hồi với lệnh ngừng bắn kéo…