TQ: Giảm 60.000 nhân viên tại 42 ngân hàng trong nửa năm, hàng loạt lãnh đạo từ chức
- Mộc Vệ
- •
Trang tài chính của Hãng Truyền thông Phượng Hoàng (ifeng.com) cho biết, theo thống kê trong một tháng từ tháng 8 đến nay, đã xảy ra tình trạng nhiều công ty lớn niêm yết cổ phiếu A (A-shares) của Trung Quốc thông báo về vấn đề nhân sự cấp cao từ chức (hơn 1100 thông báo). Số thông báo này nhiều hơn tổng số thông báo về việc tăng doanh thu của họ trong vài năm qua. Trong bối cảnh giám sát và xử phạt gia tăng, tất cả dường như đang sẵn sàng tháo chạy.
Theo thống kê từ ifeng.com, có một số đặc điểm của vấn đề nhân sự nghỉ việc nhiều này.
Thứ nhất, đông đảo quản lý cấp cao ngân hàng, và không chỉ có quản lý cấp cao, đều nghỉ việc. Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu kinh tế Wind (Trung Quốc), tổng số nhân sự trong nửa đầu năm 2024 của 42 ngân hàng có thương hiệu tại Trung Quốc là 2.530.624 người, giảm 60.000 so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính là hiệu quả hoạt động của các ngân hàng giảm sút. Xã hội Trung Quốc lâu nay, nhiều người xem làm việc trong ngân hàng là niềm tự hào, nhưng có vẻ như hiện tại tình hình đã đổi khác.
Thứ hai là các lãnh đạo cấp cao của các công ty chứng khoán đã đến tuổi và nghỉ hưu. Ngành chứng khoán Trung Quốc bắt đầu phát triển từ những năm 1990, nhiều lãnh đạo đã gắn bó với ngành này từ những ngày đầu, giờ đây họ sắp đến tuổi nghỉ hưu, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này đều là sở hữu nhà nước, nên lãnh đạo đến tuổi buộc phải nghỉ hưu. Tất nhiên, nếu hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán vẫn hưng thịnh như những năm trước, thì vấn đề kiểm soát hà khắc cũng không khiến nghỉ việc như vậy. Hiện nay tình hình nghiêm ngặt này, nhất định họ đã cân nhắc kỹ lưỡng và thấy không thể tiếp tục…
Thứ ba là một số lý do hiển nhiên, những lý do này không tiện nói thẳng. Dù sao theo chính sách hiện tại, người nào có vấn đề thì từ chức cũng vô ích, bỏ trốn cũng không dễ.
Thống kê từ Eastday cho thấy trong nửa đầu năm nay, 6 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Xây dựng, đều chứng kiến cắt giảm nhân sự đặc biệt đáng kể. Các ngân hàng cổ phần như CITIC, Ping An và Merchants Bank… cũng cắt giảm một lượng lớn nhân viên.
Trong số đó, việc giảm số lượng nhân viên của Ngân hàng Ninh Ba là lớn nhất với mức giảm cao tới 5,71%, ngân hàng này tính đến cuối tháng 6 năm nay đã tinh giảm 1669 nhân viên. Một nhân viên đã nghỉ việc tại Ngân hàng Ninh Ba cho biết: “Đơn giản là không thể trụ tiếp được”.
Tình hình tại Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện cũng không mấy khả quan, tổng cộng trong nửa đầu năm có 4224 nhân viên nghỉ việc, trong đó nhóm nhân viên “từ 30 tuổi trở xuống” giảm 5263 người. Đặc biệt đáng chú ý là số người trẻ tuổi mất việc, ngành ngân hàng Trung Quốc từng được coi là “nghề vàng” giờ đây dường như đã trở thành “củ khoai nóng” trong mắt giới trẻ, họ thà chọn đi giao đồ ăn còn hơn ở lại trong ngân hàng.
Theo phân tích của Sohu Finance, tình trạng nghỉ việc quy mô lớn của nhân viên ngành ngân hàng phản ánh sức ép về lợi nhuận của ngành, trong bối cảnh áp lực từ tăng trưởng kinh tế chậm lại, cạnh tranh thị trường gia tăng, và những thay đổi trong chính sách pháp lý. Để đối phó với áp lực chi phí, các ngân hàng đã thực hiện các biện pháp như giảm nhân viên và cắt giảm lương.
Không chỉ những nhân viên bình thường, mà ngay cả lãnh đạo cấp cao trong ngành tài chính cũng đã chọn cách từ chức. Kể từ tháng 8, các công ty niêm yết cổ phiếu A ở Trung Quốc đã đưa ra hơn 1100 thông báo từ chức. Làn sóng từ chức đặc biệt tập trung trong ngành tài chính, bao gồm Chủ tịch Vương Đình Khoa (Wang Tingke) Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch Lưu Kim (Liu Jin) Ngân hàng Trung ương, Chủ tịch Trương Vinh Sâm (Zhang Rongsen) Ngân hàng Zheshang (Thương mại Chiết Giang)…
Có người cho biết chuyện lớn đã xảy ra: Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc đột ngột từ chức. Báo chí nói rằng ông chủ động từ chức, nhưng có lẽ nhiều người không biết vị trí này là cấp bậc lớn thế nào.
Phải lưu ý Ngân hàng Trung Quốc là ngân hàng dẫn đầu trong 4 ngân hàng lớn của Trung Quốc, đứng đầu trong số các ngân hàng niêm yết, cũng là ngân hàng quốc doanh lớn với tài sản trên 46.000 tỷ nhân dân tệ. Đối với vị trí chủ tịch, mức lương hàng năm khoảng là 3 triệu nhân dân tệ (10,467 tỷ đồng).
Thử nghĩ chủ tịch kiêm CEO và phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, tương đương với cấp thứ trưởng, cũng từ chức, là hàm ý vấn đề gì phía sau?
Ngoài ra, mới đây nhóm lãnh đạo từ chức còn phải kể chủ tịch Ngân hàng Giao thông, người này 57 tuổi còn làm việc thêm 3 năm nữa mới nghỉ hưu nhưng đã từ chức; ngoài ra còn có trường hợp chủ tịch mới được bổ nhiệm đã từ chức chỉ sau đó vài ngày. Chỉ trong 10 ngày qua, chủ tịch của 12 ngân hàng đã lần lượt từ chức. Tại sao mọi người lại không thích bát cơm vàng này?
Một số cư dân mạng cho rằng vấn đề từ chức đột ngột của rất nhiều lãnh đạo và những thay đổi bộ phận cấp cao trong lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, cho thấy những vấn đề sâu sắc hơn và những thay đổi sắp tới.
Từ tháng 8 đến nay đã có tổng cộng 1106 đơn từ chức, vị trí bao gồm nhiều chủ tịch, quản lý cấp cao, và giám đốc tài chính của cả khối doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, cũng có nhiều ngân hàng lớn.
Ví dụ, gần đây các ngân hàng Trung Quốc như Zheshang ( CZB), Jiangsu Jiangyin Rural, và CSRC… cũng như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác đều có CEO, chủ tịch và phó chủ tịch từ chức. Chẳng hạn, chủ tịch Công ty Bảo hiểm Thái Bình Dương Trung Quốc, chủ tịch Tập đoàn Vàng Quốc gia Trung Quốc, giám đốc Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, chủ tịch của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) cũng đã từ chức… Chắc chắn có vấn đề trong việc hàng loạt lãnh đạo từ chức này.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) từng có phó chủ tịch tên Trương Hồng Lợi (Zhang Hongli), người này dù từ chức vào năm 2018 nhưng gần đây đã bị bắt vì phanh phui tham nhũng khi tại chức; hay như chủ tịch Miện Tiểu Yên (Yan Xiaoyan) của Ngân hàng Bắc Kinh đã từ chức năm 2014 nhưng gần đây “mất liên lạc” không rõ lý do.
Chỉ tối này (18/9) đã có hơn 20 thông báo từ chức, theo đó các CEO của Hangfa Power, Jinjiang Shipping và China Resources Sanjiu… đều từ chức. Từ đầu năm đến nay, nguồn thu tài chính, thu ngoài thuế của Trung Quốc luôn công bố tăng trưởng với tốc độ cao. Với tình hình này, đà tăng trưởng của thu ngoài thuế sẽ rất lớn.
Trong bối cảnh đó, Đỗ Văn (Du Wen) – một cựu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đăng trên kênh Youtube rằng các lãnh đạo cấp cao trong giới tài chính đang xếp hàng để từ chức hàng loạt. Ông chỉ ra hiện tượng này phản ánh tình trạng tham nhũng và các vấn đề sâu xa mang tính hệ thống trong ngành tài chính Trung Quốc, sụp đổ của hệ thống tài chính Trung Quốc có thể chỉ là vấn đề thời gian.
Chuyên gia kinh tế Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) tại Viện Thông tin và Chiến lược ở Maryland Mỹ cho hay, một khi những ngân hàng phá sản, Chính phủ Trung Quốc sẽ không thể bồi thường đầy đủ cho những tổn thất của người gửi tiền. Lấy ví dụ trường hợp Ngân hàng Thương mại Nông thôn Hà Nam liên quan đến sự cố hơn 40 tỷ nhân dân tệ, Chính phủ chỉ bồi thường cho một số khách hàng có số tiền gửi dưới 50.000 nhân dân tệ, người gửi tiền vượt quá số tiền này vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng này trong tương lai có thể sẽ còn tồi tệ hơn trên khắp đất nước.
Lý Hằng Thanh cảnh báo vấn đề an ninh tài sản tại Trung Quốc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh “mùa đông kinh tế ngày càng lạnh”. Ông cho rằng tài sản chính của người dân Trung Quốc tập trung vào bất động sản và ngân hàng, trong khi các nhà phát triển bất động sản dựa vào vốn vay ngân hàng để hoạt động. Mặc dù một số đại gia bất động sản như Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) của Tập đoàn Evergrande bề ngoài có vẻ giàu có, nhưng thực tế họ đang gánh nặng nợ nần. Giá nhà đất sụt giảm sẽ phá vỡ chuỗi vốn của các nhà phát triển, theo đó biến tài sản của họ thành con số âm, điều này có thể gây ra rủi ro hệ thống tài chính.
Công luận cũng quan sát thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc lại giảm mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên sau Tết Trung thu (18/9). Chỉ số sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tụt xuống dưới mốc 2.700 điểm với hơn 4500 cổ phiếu trên sàn sụt giảm, khiến giới đầu tư kêu than tuyệt vọng.
Chiều cùng ngày, 3 chỉ số chứng khoán A-share lớn của Trung Quốc tiếp tục suy yếu. Chỉ số Shanghai Composite giảm xuống dưới mốc 2.700 điểm, và cuối cùng giảm 0,35% xuống 2.694,55 điểm; chỉ số ChiNext giảm 0,72%. Tâm lý u ám bao phủ thị trường.
Trên mạng xã hội weibo cho thấy nhiều người bày tỏ tuyệt vọng về thị trường chứng khoán: “Không đáng ngạc nhiên, 2600 điểm sớm hay muộn sẽ bị phá vỡ”; “Thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện đang rất đáng sợ, vấn đề lớn nhất là mọi người mất niềm tin”; “Cứ sụp đổ cho xong, mọi người đã chuẩn bị tinh thần rồi…”.
Blogger tài chính “Financial Chen Bin” thẳng thừng cho biết: “Sau 7 tháng, cổ phiếu A Trung Quốc hôm nay lại giảm xuống dưới 2700 điểm, tấm khiên che chắn của thị trường đã bị xé nát. Cổ phiếu A hiện nay ảm đạm, các ngành lần lượt sa sút không có hồi kết. Cho dù giảm tỷ lệ dự trữ trong nước (Trung Quốc) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất đều khó có thể làm thay đổi xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán A Trung Quốc.”
Tiến sĩ Lưu Vân (Liu Yun) có hàng triệu người hâm mộ trên mạng xã hội weibo cũng đăng tin rằng vấn đề của cổ phiếu A không chỉ là vấn đề của thị trường chứng khoán, mà còn là vấn đề sâu xa hơn của toàn bộ môi trường kinh tế Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc từng giảm xuống dưới 2700 điểm vào tháng 2 năm nay, khiến thị trường tràn ngập trong không khí tuyệt vọng. Tuy nhiên, bất chấp thảm kịch trên thị trường chứng khoán, chính quyền ĐCSTQ vẫn tuyên bố ra thế giới bên ngoài rằng “kinh tế Trung Quốc tươi sáng”, nghiêm cấm mọi phát ngôn bôi nhọ nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí kiểm soát truyền thông để tạo bầu không khí lạc quan. Sự bất lực và tuyệt vọng của các nhà đầu tư chứng khoán khiến một số người tìm đến khu vực nhắn tin trên weibo của Đại sứ quán Mỹ và Ấn Độ tại Trung Quốc để cầu cứu, kêu gọi “giải cứu các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc”, mong được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Ngoài ra, theo kênh tin 163.com (NetEase) đưa hôm 17/9, thu tài chính của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã giảm 2,6%, nhưng chi vẫn tăng, dẫn đến chênh lệch thu chi tài chính hơn 2000 tỷ nhân dân tệ. Trong số 31 tỉnh/thành phố chỉ có Thượng Hải đạt thặng dư tài chính với tỷ lệ tự chủ trên 100%, trong khi 17 tỉnh thành gồm Hà Nam và Tứ Xuyên có tỷ lệ tự chủ dưới 50%, đặc biệt thấp nhất là Tây Tạng chỉ có tỷ lệ tự chủ tài chính 10,2%. Kênh tin 163.com cảnh báo nếu chính quyền không thể xử lý được thì vấn đề nợ nần của địa phương có thể là quả bom hẹn giờ.
Có cư dân mạng đề nghị: “Tinh giản bộ máy nhà nước, trừng phạt nghiêm khắc nạn tham nhũng và tăng cường quản lý các doanh nghiệp nhà nước!”. Có người khác chỉ ra: “Việc doanh thu tài chính trung ương và địa phương tiếp tục sụt giảm là phản ánh suy thoái kinh tế”. Một người khác đặt câu hỏi: “Thu nhập [lương] của [những quản lý cấp cao] các cơ quan sự nghiệp [nhà nước] liên quan đã tăng lên bao nhiêu lần. Đây không phải là gánh nặng tài chính sao?” Có người thì mỉa mai: “Kinh tế địa phương suy thoái không ảnh hưởng đến việc tích lũy tài sản của quan chức”…
Đáng chú ý, Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg rằng Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế suy thoái, thực sự hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề – dù văn phòng gia đình ông vẫn giữ lại một khoản đầu tư nhỏ ở Trung Quốc.
Ông thẳng thừng cho rằng môi trường đầu tư của Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn. Môi trường kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong 4 năm qua. Trong bối cảnh hiện thị trường bất động sản và chứng khoán tiếp tục suy giảm, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc không còn tin tưởng vào thị trường vốn mà thay vào đó chọn cách nắm giữ tiền mặt như nơi trú ẩn an toàn. Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy giá trị gia tăng của các ngành trên quy mô được chỉ định chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ trong tháng 8, là giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ tháng 9/2021, càng làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
Xu hướng kinh tế này đã đặt Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn hơn, đòi hỏi phải tăng cường nỗ lực chính sách tài khóa và tiền tệ để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Dalio cho biết trong Hội nghị thượng đỉnh châu Á 2024 của Viện Milken rằng mặc dù trong danh mục đầu tư của họ chỉ có một phần nhỏ ở Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn hấp dẫn, đặc biệt là về mặt giá cả. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra vấn đề nằm ở việc làm thế nào để kiểm soát quy mô đầu tư và tối ưu hóa cơ cấu.
Dalio so sánh tình hình hiện tại của Trung Quốc với bong bóng bất động sản của Nhật Bản năm 1990, nhưng tin rằng những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt có thể phức tạp và nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ông nhắc nhở các nhà đầu tư rằng biến động kinh tế là vấn đề diễn ra ở mọi nơi, trong đầu tư không nên để tất cả trứng vào một giỏ, để tránh tác động nghiêm trọng khi rủi ro.
Những nhận xét này không chỉ thể hiện phân tích sâu sắc của Dalio về nền kinh tế Trung Quốc, còn phản ánh những cảm xúc phức tạp của các nhà đầu tư toàn cầu đối với sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc phải cần cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, lại phải tránh các chính sách kích thích quy mô lớn, đây là bài toán khó giải.
Từ khóa Ngân hàng Trung Quốc kinh tế Trung quốc Tài chính trung quốc