Nhiều người Trung Quốc đã di cư ngay sau khi Trung Quốc bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 3 năm vì dịch bệnh COVID-19. Trong 2 năm qua, có gần 25.000 người giàu Trung Quốc di cư khỏi đất nước. “Báo cáo di cư người giàu toàn cầu năm 2024” mới nhất, do công ty tư vấn Henley & Partners của Anh công bố, dự đoán năm 2024 có thêm 15.200 người giàu Trung Quốc rời khỏi đất nước.

r shutterstock 791871103
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Về lý do tại sao người giàu nhất Trung Quốc rời đất nước theo “phong trào” như thế, người triệu tập diễn đàn tài chính “Truth Talker” của Đài Loan là Zhao Xiaohui, trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 7/8, đã chỉ ra rằng có 4 lý do khiến tầng lớp giàu có rời khỏi Trung Quốc.

Đầu tiên, để đối phó với cuộc chiến thương mại có thể xảy ra trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ có thể áp dụng mức thuế lên tới 100% đối với các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Để tránh mức thuế cao, một số người giàu có mở công ty hoặc nhà máy ở Trung Quốc sẽ rời khỏi nước này.

Thứ hai, vì chính sách “thịnh vượng chung” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường kiểm soát xã hội, đặc biệt là kiểm soát của cải từ tầng lớp giàu có, khiến họ phải mang tiền bỏ trốn.

Thứ ba, họ không còn hy vọng vào nền kinh tế Trung Quốc, nhận thấy kiếm tiền tại Trung Quốc quá khó khăn [và rủi ro cao].

Thứ tư, trong 20 năm qua, phần lớn tài sản của Trung Quốc đến từ giá nhà đất tăng, nhưng hiện nay thị trường bất động sản ở Trung Quốc đã đi xuống và vẫn chưa thấy đáy. Thống kê về diễn biến giá bán nhà ở thương mại trong tháng 6 do Cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/7 cho thấy, trong số 70 thành phố lớn và vừa trên cả nước, so với tháng trước đó thì giá bán nhà ở thương mại xây dựng mới tại các thành phố cấp 1 giảm 0,5%, ở các thành phố cấp 2 giảm 0,7% và ở các thành phố cấp 3 giảm 0,6%. Goldman Sachs dự đoán mức giảm giá nhà ở Trung Quốc sẽ lên tới 40%.

Chuyên gia Zhao Xiaohui chia sẻ: “Nếu bất động sản Trung Quốc tiếp tục giảm, giá trị bất động sản mà họ giữ sẽ không còn được bao nhiêu, thậm chí khiến nhiều người sẽ không còn tiền để mang ra nước ngoài, cho nên đi sớm được ngày nào tốt ngày đấy”.

Báo cáo sở thích thương hiệu của những cá nhân có giá trị ròng cao ở Trung Quốc” do Viện nghiên cứu Hurun công bố vào tháng 3 năm nay cho thấy, gần 40% gia đình có giá trị ròng cao được khảo sát đang cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài. “Báo cáo Di cư Thế giới 2022” do Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, Trung Quốc là nước có lượng người di cư lớn thứ 4 trên thế giới.

Ngoài một lượng lớn người di cư thuộc lớp giàu có, tầng lớp trung lưu vốn đang phát triển gặp nhiều trở ngại dưới áp lực chính trị cũng đang đẩy nhanh cuộc di cư khỏi Trung Quốc.

Zhao Xiaohui cho rằng hầu hết các ngành mà tầng lớp trung lưu Trung Quốc có lợi thế đều liên quan đến công nghệ và Internet, lâu nay ngành này tại Trung Quốc có vấn đề gọi là “lời nguyền 35 tuổi”. Do làm thêm giờ kéo dài đã trở thành thông lệ trong ngành, những nhân viên lớn tuổi [trung bình ở độ tuổi 35] không thể theo kịp công việc cường độ cao đã trở thành mục tiêu bị sa thải, buộc họ phải “bỏ phiếu bằng chân” và rời khỏi Trung Quốc.

Dominic Volek, người đứng đầu bộ phận khách hàng tư nhân tại Henley & Partners Group, dự đoán rằng 5 điểm đến hàng đầu của các triệu phú Trung Quốc di cư trong năm nay là Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Singapore và Nhật Bản, còn đứng thứ 6 là Hồng Kông.

Zhao Xiaohui nói: “Mặc dù Hồng Kông từng là lựa chọn hàng đầu di cư của những người giàu nhất Đại Lục – Trung Quốc, nhưng giờ đây toàn bộ Hồng Kông đã bị ‘Đại Lục hóa’. Chính trị, tài chính và tự do của Hồng Kông không còn huy hoàng như xưa nữa, kinh tế Hồng Kông cũng đã suy giảm, thêm vào thực trạng kiểm soát xã hội tăng lên khiến Hồng Kông không còn được ưa chuộng nữa”.

Theo thống kê, Hồng Kông 5 năm qua đã mất tổng cộng 9300 người giới giàu có, nguyên nhân từ năm 2019 bùng nổ phong trào phản đối sửa đổi Pháp lệnh về tội phạm bỏ trốn (gọi tắt là “Chống dẫn độ”) nổ ra ở Hồng Kông, thêm vào đó là những vấn đề liên quan dịch bệnh COVID-19.

Tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc

Số lượng lớn người giàu rời khỏi Trung Quốc sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Trung Quốc? Giáo sư Chien-yuan Tzeng phụ trách Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Khách Gia tại Đại học Trung ương Quốc gia Đài Loan, đã chỉ ra 2 ảnh hưởng chính.

Một là di chuyển vốn ra nước ngoài, sẽ có tác động không nhỏ đến phát triển công nghiệp của Trung Quốc, hoặc nhu cầu nghiên cứu, phát triển và đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghệ và thông minh toàn cầu hiện nay.

Hai là ‘sụp đổ niềm tin’, vì những người này là giới thượng lưu ở Trung Quốc sở hữu tài sản, có năng lực kinh tế đáng kể và có ảnh hưởng đáng kể đến các chính sách của nhà nước, đặc biệt vì Trung Quốc Đại Lục là loại hình kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước độc đảng: “Hầu hết những người thuộc giai cấp tư sản này đều có mối liên hệ chặt chẽ với Đảng và Chính phủ. Cuộc di cư lớn của họ sẽ khiến người dân mất niềm tin vào tương lai của đất nước, thậm chí có thể gây ra một số bất ổn chính trị. Nền kinh tế chính trị của Đại Lục Trung Quốc sẽ suy yếu với tốc độ nhanh hơn vì sự ra đi của giới giàu có này”.