Trung Quốc

Làn sóng rút tiền bảo hiểm xã hội của giới trẻ Trung Quốc

Trung Quốc kể từ ngày 1/1 năm nay chính thức thực hiện chế độ trì hoãn nghỉ hưu, nhưng từ lâu đã có một số lượng lớn người trẻ chọn không tham gia an sinh xã hội. Một người trẻ tên A Trí chia sẻ với VOA rằng việc rút tiền bảo hiểm xã hội là biểu hiện cụ thể của lối sống “nằm ngửa”, anh thà tiết kiệm tiền để tự chu cấp cho bản thân hơn là tin vào lương hưu do nhà nước cung cấp. Anh cũng nói rằng không ít người trẻ Trung Quốc hiện nay muốn tránh xa quyền lực nhà nước, cố gắng giảm thiểu việc đưa số tiền lao động vất vả của họ vào hệ thống nhà nước.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

A Trí là một người làm nghề tự do năm nay 36 tuổi, sau khi vào tháng 9 năm ngoái Ủy ban Thường vụ Nhân đại Trung Quốc thông qua chính sách mới trì hoãn nghỉ hưu, anh đã chọn rút khỏi bảo hiểm hưu trí. Đây không phải là lần đầu tiên anh rút khỏi bảo hiểm, nhưng lần này anh quyết tâm không giao cho nhà nước chăm sóc tuổi già, một lý do là vì mỗi tháng phải trả phí bảo hiểm xã hội khoảng 1000 RMB đối với anh là một khoản chi phí không nhỏ, thay vì chi tiền cho tuổi già kéo dài vài thập kỷ thì tốt hơn là “sống cho hiện tại” vì hạnh phúc bản thân; một lý do khác là anh không có nhiều kỳ vọng và niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội của nhà nước Trung Quốc, lo lắng rằng sẽ không lấy lại được tiền.

Tin vào bản thân hơn là nhà nước

A Trí cho rằng tình hình quỹ an sinh xã hội của Trung Quốc đã một thời gian dài thâm hụt, vì vậy nhà nước mới đưa ra chính sách trì hoãn nghỉ hưu kéo dài thời gian thanh toán lương hưu, khiến có suy đoán nghĩa là nhà nước không còn tiền để cung cấp cho người dân, vì vậy việc rút bảo hiểm cũng có thể được cho là một cách phòng rủi ro. Đặc biệt, sau khi già đi cũng không nhất thiết phải nhận được lương hưu, trong khi số tiền đưa vào quỹ bây giờ đều là giúp người khác dưỡng già, không có ý nghĩa gì.

A Trí nói: “Đây thực sự là biểu hiện cụ thể của xu thế sống ‘nằm ngửa’. Trong tình huống này, thà chọn tự mình tiết kiệm tiền, tự mình chuẩn bị dưỡng tuổi già cho mình, chính là thà tin vào bản thân còn hơn là tin vào nhà nước”.

A Trí tiếp tục rằng điều chủ yếu nhất là hiện giới trẻ Trung Quốc chạy theo xu thế sống tối giản, không còn quá xem trọng cạnh tranh quyền lợi mà cố gắng “hài lòng với những gì mình có”. Lối sống này sẽ cố gắng hết sức để tránh xa quyền lực nhà nước, tránh xa cạnh tranh xã hội, có nghĩa là ăn uống đủ, cuộc sống vui vẻ là được…

Anh ví dụ, trước đây thanh niên chi tiêu rất nhiều cho y tế, giáo dục và nhà ở, bây giờ rất nhiều người nghĩ rằng thay vì vất vả cả đời để mong có được như thế thì chẳng bằng thụ hưởng ngay trong hiện tại, đơn giản là không cần mua nhà cũng bỏ tiền chi cho an sinh xã hội, chính là tự mình giữ lại tiền, không nộp số tiền vất vả kiếm được vào hệ thống nhà nước.

Trường hợp của A Trí phản ánh nguyện vọng của rất nhiều thanh niên Trung Quốc hiện nay. Một cư dân mạng Trung Quốc đăng video trên Weibo cho hay, anh và vợ đều là người làm việc linh hoạt, bản thân bắt đầu mua bảo hiểm xã hội vào tháng 4/2023 và trả 1.277 RMB mỗi tháng, vợ anh bắt đầu mua bảo hiểm xã hội vào tháng 1/2022 và trả 1.195 RMB mỗi tháng. Ý định ban đầu của họ là đảm bảo cuộc sống cơ bản tuổi già, nhưng sau đó phát hiện ra rằng áp lực phải trả bảo hiểm xã hội ngày càng lớn, thời gian trả ngày càng dài, vì vậy họ dự định rút lại bảo hiểm, nhưng lại phát hiện ra rằng chỉ có thể lấy lại được 40% số tiền. Có một số cư dân mạng để lại tin nhắn: “Rút lại là lựa chọn khôn ngoan”, “Đau dài không bằng đau ngắn”, “Thay vì mang tiền gửi an sinh xã hội thì gửi tiền đó vào ngân hàng”…

Theo Bloomberg, hàng chục triệu thanh niên Trung Quốc đã tạm ngừng đóng bảo hiểm để dành tuổi già có lương hưu, trong 10 tháng đầu năm 2024, dòng tiền lương hưu ròng của công nhân thành thị và cư dân thành thị và nông thôn chỉ tăng 2,3%, lên 542 tỷ RMB, thấp hơn mức tăng 2 năm trước đó còn là 2 con số; còn mức tăng người tham gia chỉ bằng một nửa so với năm 2019. [Công nhân thành thị: đề cập đến những người làm việc ở thành thị, thường là công nhân làm việc trong doanh nghiệp hoặc tổ chức. Cư dân thành thị và nông thôn: đề cập đến cư dân sống ở thành thị hoặc nông thôn, bao gồm nông dân, tự kinh doanh].

Không muốn kết hôn?

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, nhà nghiên cứu Lâm Tông Hoằng tại Viện Nghiên cứu Xã hội của Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan, nói rằng rất nhiều lao động nhập cư Trung Quốc và các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nước ngoài tài trợ không muốn trả lương hưu, khiến an sinh xã hội của Trung Quốc đã thâm hụt, hơn một nửa số tài khoản lương hưu của các tỉnh đã trong tình trạng thu không bằng chi, nhưng bây giờ ngay cả giới trẻ cũng cố gắng không tham gia quỹ hưu. Có suy đoán là do họ ngại xu hướng lão hóa của Trung Quốc, nếu tiếp tục nộp tiền vào có thể không lấy lại được, chỉ là hiện tại giúp người khác mà thôi. Điều này khiến họ càng không có động lực để đóng bảo hiểm, ngược lại việc không tham gia có thể là lựa chọn khôn ngoan hơn.

Ông nói: “Đặc biệt là khi chính phủ nợ nần chồng chất, chính quyền địa phương có thể biển thủ quỹ an sinh xã hội để bù đắp những lỗ hổng thâm hụt tài chính đó, khiến nhiều người lo không biết liệu họ có thể thực sự nhận được lương hưu sau 15 năm hay không, đặc biệt hiện lại trì hoãn tuổi nghỉ hưu, vì vậy nhiều bạn trẻ đưa ra lựa chọn như vậy cũng khá hợp lý”.

Ngày 1/1 năm nay Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Biện pháp tạm thời để thực hiện hệ thống hưu trí linh hoạt”, theo đó trên cơ sở thời gian 15 năm đóng bảo hiểm để đủ nghỉ hưu nhưng trì hoãn tuổi nghỉ hưu hợp pháp của nam từ 60 tuổi ban đầu thành 63 tuổi, và tuổi nghỉ hưu hợp pháp của nữ từ 50 tuổi và 55 tuổi ban đầu thành đến 55 tuổi và 58 tuổi.

Chuyên gia Đặng Xảo Lâm chuyên phân tích chính sách tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với VOA rằng khả năng hiện tượng này là ở vấn đề thay đổi cơ cấu dân số của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của dân số già

Dữ liệu năm 2024 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, tổng dân số Trung Quốc đến cuối năm 2024 là 1,408 tỷ người, giảm 1,39 triệu người so với cuối năm 2023, cho thấy mức tăng trưởng âm trong 3 năm liên tiếp; dân số sinh là 9,54 triệu người, tăng 520.000 người so với năm trước; tỷ lệ sinh là 6,77, tăng nhẹ so với 6,39 của năm trước. Nhưng tổng hợp số người chết của Trung Quốc vào năm 2024 là 10,93 triệu người và tỷ lệ tử vong là 7,76, vậy thì mức tăng trưởng dân số tự nhiên là âm 0,99, và tổng dân số Trung Quốc đã giảm trong 3 năm liên tiếp. Tăng trưởng dân số âm đồng nghĩa với việc giảm lực lượng lao động, cũng có nghĩa là ít người đóng góp an sinh xã hội hơn và quỹ lương hưu cũng giảm hơn.

Nhà nghiên cứu Đặng Xảo Lâm nói rằng Chính phủ Trung Quốc thực sự đã nhận ra vấn đề đối với quỹ lương hưu, vì vậy họ đã bắt đầu thực hiện một số điều chỉnh, chuyển số dư từ các tỉnh có dân số lao động tương đối lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Đông…  sang các tỉnh khác, họ gọi là “cơ chế thống nhất trên toàn quốc”, vì vậy hiện tại lương hưu của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng thời điểm thực sự nghiêm trọng là sau năm 2030, khi những người sinh trong giai đoạn Trung Quốc thực thi chính sách một con bước vào thời gian nghỉ hưu.

Bà nói: “Vì sau năm 2030 vấn đề tỷ lệ số người nghỉ hưu này so với những người chưa nghỉ hưu sẽ là khoảng cách thu hẹp tương đối rõ ràng, vì vậy khi đó có thể xảy ra trường hợp như vấn đề lương hưu sẽ khó khăn hơn, nếu thực sự có tình huống như vậy thì tôi cảm thấy vào thời điểm đó sẽ là một tình huống tương đối nghiêm trọng”.

Theo dự báo, tỷ lệ sống phụ thuộc của người cao tuổi Trung Quốc vào năm 2035 và 2050 có thể đạt lần lượt 36,3% và 53,5%, và đạt đỉnh 87,5% vào năm 2084, cho thấy xu hướng dân số già đi nhanh chóng. Như một cảnh báo được tờ WSJ cho biết, trong 10 năm tới Trung Quốc sẽ có 300 triệu người nghỉ hưu, như vậy quỹ lương hưu cơ bản của Trung Quốc sẽ hết vào năm 2035.

Tác động kinh tế và xã hội

Nếu căn cứ theo trường hợp của A Trí và cư dân mạng mà Đài VOA phỏng vấn, cho dù tính toán bằng một nửa số tiền hàng tháng họ nộp vào quỹ lương hưu (khoảng 500 RMB) thì tác động trực tiếp nhất của việc hàng chục triệu người ngừng tham gia bảo hiểm là ngay lập tức thiếu đi dòng tiền rất lớn, đây chắc chắn là một thách thức kinh tế nghiêm trọng khác đối với Trung Quốc – nước đang chịu rủi ro giảm phát và nền kinh tế đang suy thoái.

A Trí nói rằng trước đây ở Thượng Hải có một bí thư thành ủy bị ‘ngã ngựa’ vì tham nhũng là Trần Lương Vũ, nhưng điều ông ấy làm được với người dân Thượng Hải là đã hồi sinh quỹ an sinh xã hội của Thượng Hải, ông này đã thực hiện tất cả các loại đầu tư để quỹ an sinh xã hội tăng cao, thực sự có lợi cho người dân. Nhưng từ trường hợp của Trần Lương Vũ có thể thấy rằng việc sử dụng và quản lý quỹ an sinh xã hội của Trung Quốc thực sự không tốt lắm.

Nhà nghiên cứu Lâm Tông Hoằng của Viện Nghiên cứu Xã hội Trung ương Đài Loan cho biết, chính quyền địa phương Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng nợ sẽ huy động quỹ lương hưu để chuyển khoản nợ khác, kết quả cuối cùng là chính quyền trung ương mở rộng phát hành trái phiếu để bù đắp nợ của chính quyền địa phương, hoặc là muốn chính quyền địa phương cũng đi phát hành nợ, dùng nợ để nuôi nợ, nhưng nhìn thế nào cũng không phải là giải pháp lâu dài.

Ông nhấn mạnh, về mặt đầu tư thì việc số lượng cắt bảo hiểm tăng lên sẽ khiến chính quyền địa phương thiếu một khoản tiền có thể sử dụng để mở rộng chi tiêu công và thúc đẩy phát triển kinh tế; về mặt tiêu dùng, trong tương lai xã hội già hóa sẽ có nhiều người hơn chọn tiết kiệm tiền để dưỡng già nên không dám chi tiêu, sau đó cũng không muốn trả an sinh xã hội. Tình hình như vậy sẽ khiến động lực kinh tế tổng thể của Trung Quốc xấu đi. Lâm Tông Hoằng nói: “Cho nên biến 2 vấn đề này bây giờ đều là rất nghiêm trọng, về cơ bản là một vòng luẩn quẩn”.

Nhà nước thất tín gây lo lắng tích tụ

Nhà phân tích chính sách Đặng Xảo Lâm của Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng Đài Loan cho biết, chỉ riêng năm ngoái Chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch chuyển 1000 tỷ RMB để thanh toán cho lương hưu cơ bản của địa phương, bây giờ lại bị giảm một khoản lớn quỹ an sinh xã hội thì chắc chắn sẽ gây thêm một nguồn áp lực cho tài chính trung ương, càng làm tăng thêm ẩn số về vấn đề lương hưu trong tương lai có thể được thanh toán bình thường hay không.

Nhưng một khi lương hưu không thể được thanh toán đầy đủ sẽ trở thành vấn đề mất lòng tin vào nhà nước, cũng có nghĩa là sự sụp đổ của hệ thống tín dụng xã hội, đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn cho bất ổn xã hội. Một ví dụ như trường hợp đầu năm 2023, người già ở thành phố Vũ Hán và thành phố Đại Liên liên tiếp phát động “Cách mạng Tóc trắng” vì không hài lòng với việc thu hẹp đáng kể tiền bảo hiểm y tế mà họ đã trả trong nhiều năm.

Có phân tích, vấn đề đáng được quan tâm tiếp theo trong hiện tượng “làn sóng” người trẻ Trung Quốc rút tiền bảo hiểm là có dẫn đến việc nhà nước điều chỉnh chính sách hay không. Nhưng dù sao đối với xu hướng già hóa dân số của Trung Quốc, số người nhận lương hưu chắc chắn sẽ tăng dần và gánh nặng bảo hiểm tuổi già cũng sẽ tăng dần. Chính phủ chỉ có thể liên tục phát hành công trái để bảo đảm lương hưu, nhưng những người nhận lương hưu đều là những người đã không có năng suất và không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều này chắc chắn trong tương lai gần sẽ là gánh nặng tài chính rất lớn của Trung Quốc.

Theo VOA

Published by
Theo VOA

Recent Posts

Gần 4.000 quan chức kiểm tra, giám sát kỷ luật Trung Quốc bị xử phạt năm 2024

Dữ liệu do Ủy ban Giám sát Quốc gia của Ủy ban Kiểm tra Kỷ…

2 phút ago

Thanh Hóa: Nguyên Chủ tịch huyện cùng nguyên Phó Chủ tịch bị bắt vì sai phạm đất đai

Chủ đầu tư chỉ mới chi trả tiền đền bù được 1/4 diện tích đất…

29 phút ago

Đạo làm quan: Làm việc liêm khiết, không nhiễm bụi trần

“Lạc dĩ thiên hạ, ưu dĩ thiên hạ”, vui cái vui của thiên hạ, lo…

32 phút ago

Bánh chưng xứ người – Quy định lụy truyền thống

Tôi chưa từng được thưởng thức cái thú “trông bánh chưng chờ trời sáng”...

37 phút ago

Chính quyền quân sự Myanmar đã trục xuất hơn 50.000 nghi phạm lừa đảo người Trung Quốc

Myanmar cho biết, kể từ tháng 10/2023 đã có hơn 50.000 nghi phạm Trung Quốc…

46 phút ago

Thiển đàm về mối quan hệ giữa tướng và tâm

Tướng do tâm sinh, duyên do tâm định, tâm là ngọn nguồn của hết thảy.…

47 phút ago