Giới trẻ Trung Quốc thắt chặt chi tiêu, nhưng “tiêu dùng thỏa mãn bản thân” lại ngoại lệ
- Tống Đường, Dịch Như
- •
Giới trẻ Trung Quốc ngày càng sẵn sàng chi tiền cho những món đồ đắt tiền và dường như “vô dụng”, để mang lại cho họ cảm giác hạnh phúc hoặc cải thiện tâm trạng. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự sụt giảm chung của ngành bán lẻ. Kiểu tiêu dùng này phản ánh sự tuyệt vọng của họ về triển vọng kinh tế và chính trị hiện tại của Trung Quốc, và sự kiểm soát xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bị phản phệ.
Người trẻ keo kiệt hơn
Trung Quốc Đại Lục đã xuất hiện làn sóng hạ mức tiêu dùng, đặc biệt là trong giới trẻ. Trên mạng xã hội, chủ đề “Tại sao giới trẻ thế hệ này ngày càng keo kiệt?” đã thu hút sự quan tâm rộng rãi.
Theo số liệu “Báo cáo tiết kiệm tiền của giới trẻ năm 2023”, hơn 40% thanh niên có thói quen hạch toán và ngày càng nhiều người tiết kiệm tiền thông qua nhiều hình thức như mua hàng theo nhóm, mua hàng giảm giá khi đạt mức chi tiêu nhất định, mua hàng chiết khấu, v.v.
Trên nền tảng xã hội, chỗ nào cũng có thể thấy nhiều bạn trẻ tiết kiệm tiền “mang tính trả thù”, và họ bắt đầu có cách hiểu mới về tiền bạc như: Chia sẻ một bữa tụ tập ăn uống = một tháng tiền thực phẩm; một ly cà phê = một hộp sữa bò; một lần đi xem phim = một hộp trứng; một lần mua đồ ăn ship đến tận nơi = một con gà; một chuyến taxi = một tháng đi xe buýt.
Giới trẻ vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ việc mua sắm. Khi đi dạo phố, họ “chỉ đi dạo chứ không mua sắm”, chỉ nhìn quần áo “hạ giá”; thích đi chơi ở tầng hầm của các trung tâm thương mại cao cấp, vì ở đó có nhiều cửa hàng giá cả phải chăng hơn.
Các lựa chọn thay thế giá cả phải chăng đã trở thành điều bình thường mới, người tiêu dùng trở nên thận trọng và kén chọn hơn, dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và so sánh giá cả để tìm ra những ưu đãi thực sự. Những hành vi mua sắm này đang rất phổ biến ở giới trẻ và người có thu nhập trung bình và cao.
Nhu cầu về hàng hóa giá cao như hàng xa xỉ, đồ trang sức, thiết bị điện gia dụng lớn, nhà và xe đã giảm đáng kể; “thay ốp điện thoại di động nhưng không thay điện thoại di động”, v.v. Về thực phẩm, thủ thuật tiết kiệm tiền của giới trẻ bao gồm hộp đựng thức ăn thừa (chỉ những hộp thức ăn chứa các món ăn thừa từ nhà hàng hoặc quán ăn, được bán với giá rẻ hơn; khách hàng không biết rõ bên trong hộp có gì, giống như một trò chơi bất ngờ), nhà ăn dành cho người già, căng tin siêu thị, v.v.
Ông Ngô Sắt Chí, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách xuyên eo biển Đài Loan, nói với tờ Epoch Times rằng thói quen tiêu dùng của giới trẻ cũng là diện mạo của sự phát triển của toàn xã hội Trung Quốc. Thời gian gần đây kinh tế Trung Quốc có hiện tượng suy thoái, khiến người ta không nhìn thấy tương lai, và tất nhiên sẽ dẫn tới cái nhìn bi quan hơn. Đối với người tiêu dùng, hành vi tiêu dùng có xu hướng bảo thủ.
Mặc dù những người trẻ tuổi đã trở nên có ý thức về ngân sách đối với những nhu cầu thiết yếu hàng ngày và không bị lay động bởi những thương hiệu cao cấp, nhưng họ sẽ hào phóng khi cần thiết và chi trả cho những sở thích cũng như trải nghiệm cảm xúc, chẳng hạn như du lịch và giải trí.
Trong một bản cập nhật kinh doanh gần đây, Pop Mart có trụ sở tại Bắc Kinh ước tính doanh thu quý 3 của họ tăng từ 120% đến 125%, kết quả mang lại doanh thu cho nhà bán lẻ đồ chơi hộp bí ẩn hàng đầu Trung Quốc “vượt xa kỳ vọng của thị trường”.
Những người hâm mộ đồ chơi Pop Mart chính là Thế hệ Z, sinh từ năm 1996 đến năm 2012, có khoảng 280 triệu người. Họ đang thúc đẩy xu hướng “tiêu dùng theo cảm xúc”, trái ngược hẳn với tình trạng suy thoái kinh tế chung ở Trung Quốc Đại Lục. Họ cho rằng mua đồ chơi hộp bí ẩn là “trả giá cho tình yêu” vì sản phẩm trong hộp bí ẩn rất “dễ thương” và “có thể mang lại cho con người một loại thỏa mãn về mặt tinh thần”.
Một số cái gọi là sản phẩm văn hóa hai chiều và “ibuprofen điện tử” (Ibuprofen là một thuốc chống viêm), chẳng hạn như LinaBell, Sanrio, Butterbear, Maltese, Loopy và Chiikawa, cũng là một “liều thuốc giải cảm xúc” cho giới trẻ, những tiêu dùng này được gọi là “tiêu dùng cho bản thân để mang lại niềm vui”.
Giới trẻ Trung Quốc không thấy hy vọng
Về xu hướng tiêu dùng này của giới trẻ Trung Quốc, bà Phạm – một nhà văn tự do đến từ Trung Quốc Đại Lục, nói với tờ Epoch Times: “Đây là một hiện tượng rất kỳ lạ, tôi nghĩ đó là cảnh tượng ngày tận thế, bởi vì nếu mọi người muốn nghĩ về tương lai, họ sẽ lập kế hoạch, tiền của tôi sẽ dùng vào chỗ nào, họ sẽ có cảm giác có trách nhiệm với việc tiêu tiền.”
Bà nói nhóm người tiêu dùng trẻ không giàu có lắm, họ không quan tâm đến tất cả những điều này và chỉ tập trung vào hiện tại, chính là sống ở hiện tại rất ngột ngạt, không có hy vọng, rất tuyệt vọng, họ chỉ muốn tận hưởng ngay tức thời, có thể là như vậy, nếu không thì thật sự không có cách hiểu nào.
Nền kinh tế Trung Quốc đã mất đà tăng trưởng cao. Đối mặt với giá nhà đất cao, thu nhập thấp, sự cạnh tranh nội bộ nghiêm trọng, văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần), tình trạng thất nghiệp và sa thải, ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy rằng dù họ có học tập hay làm việc chăm chỉ đến đâu, thì nỗ lực của họ cũng sẽ không có kết quả.
Trên mạng xã hội liên tục có thông tin cho thấy thư viện chật kín người, người ngồi đó không phải đọc sách, mà thất nghiệp và đến đó để giết thời gian. Một số người mang theo máy tính như ngày nào cũng đi làm đúng giờ, để cho gia đình cảm thấy họ vẫn đang đi làm.
“Những người này có thể là nhân viên cổ cồn trắng (chỉ những người làm công việc trong văn phòng). Những người lao động cổ cồn xanh có thể giao đồ ăn, nhưng những người cổ cồn trắng có thể vẫn xấu hổ và không buông bỏ được thể diện, cho nên họ đến thư viện. Hiện tượng này có thể kéo dài bao lâu? Tôi cảm thấy rất tuyệt vọng,” bà Phạm nói.
Bà Phạm cho biết, một người họ hàng của gia đình bà đã thất nghiệp gần một năm và không tìm được việc làm. Mẹ anh ta có lương hưu và muốn cho anh 2.000 nhân dân tệ để chi tiêu. “Bạn nói xem cuộc sống thế này thì sống như thế nào đây? Hơn nữa cảm xúc của anh ấy rất không ổn định. Anh ta chơi game suốt ngày và dành thời gian ở nhà. Trạng thái này khá đáng sợ, không rõ đến khi nào mới bùng nổ?”
“Báo cáo Phát triển Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Trung Quốc” năm 2022 cho thấy, những người trẻ tuổi từ 18 đến 34 có mức độ lo lắng và trầm cảm cao hơn các nhóm tuổi khác. Áp lực từ công việc, gia đình, tiền bạc và sức khỏe đã trở thành nguyên nhân chính gây lo lắng.
Theo “Báo cáo khảo sát về tâm lý xã hội của người dùng Internet trẻ ở Trung Quốc” do Đại học Phúc Đán công bố năm 2022, trong số hơn 5.000 người được hỏi ở độ tuổi từ 14 đến 35, hơn một nửa số người được hỏi có vấn đề về lo âu, gần 30% có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và gần 10% có nguy cơ bị trầm cảm cao.
Ở Trung Quốc Đại Lục, sau khi quyền tham gia chính trị của người dân Trung Quốc bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tước đoạt, tầm nhìn kinh tế trở thành mục tiêu theo đuổi duy nhất, kinh tế tư nhân liên tục bị chính quyền nuốt chửng và tước đoạt. Không chỉ vậy, nền pháp quyền và quan tâm nhân đạo của phương Tây, vốn đại diện cho những giá trị phổ quát, cũng bị coi là phương tiện xâm nhập của chủ nghĩa tư bản trong những năm gần đây và bị cấm bàn luận. Toàn bộ xã hội Trung Quốc tràn đầy chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Tập Cận Bình và tuyên truyền yêu nước. Nhiều người cảm thấy sống ở thời điểm này, ý nghĩa và mục tiêu cuộc sống đã mất đi, đặc biệt là những người trẻ đang theo đuổi ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.
Theo khảo sát “Báo cáo chuyên sâu về sức khỏe tâm thần và ngành nghề 2023-2024”, trong năm qua, ba vấn đề tâm lý hàng đầu mà công chúng muốn giải quyết nhất là: “Lo lắng”, “Cảm giác vô nghĩa” và “Trầm cảm”, trong đó “Cảm giác vô nghĩa” lần đầu tiên lọt vào danh sách top 3, phản ánh mục tiêu và giá trị mất mát cuộc sống hiện tại của người dân Trung Quốc.
Ông Ngô Sắt Chí cho rằng những người trẻ tuổi đại diện cho một loại lực lượng sản xuất mới, trước khi bước vào xã hội thực tế, họ đều có lý tưởng và kỳ vọng ở mức độ nhất định về tương lai.
Ông chỉ ra rằng ở các nước dân chủ và tự do tương đối trưởng thành, mặc dù thanh niên không có nhiều của cải, nhưng họ có nhiều không gian hơn để sáng tạo và sẽ thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề xã hội, cộng đồng hoặc tham gia chính trị. Nhưng ở Trung Quốc, người dân có rất ít cơ hội tham gia chính trị. Họ không có hy vọng vào tương lai và bị đàn áp về mặt chính trị.
Ông cho rằng áp lực xã hội sẽ ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Nếu giới trẻ không thấy hy vọng, hoặc xã hội đang trở nên ngày càng cạnh tranh hơn, nếu chính phủ hoặc những người nắm quyền chỉ tập trung vào chính trị hoặc các hoạt động liên quan đến tư tưởng, sẽ dẫn đến việc người dân tìm kiếm sự giải tỏa tâm lý trong ngắn hạn, thay vì suy nghĩ về việc cải thiện cuộc sống trong tương lai hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Điều này tất nhiên có liên quan chặt chẽ đến một số chính sách hiện tại của ông Tập Cận Bình.” Ông Ngô Sắt Chí nói rằng ông Tập Cận Bình đã khiến nhiều tình huống trở nên tồi tệ hơn ở một mức độ nhất định.
Sự kiểm soát xã hội của ĐCSTQ sẽ gặp phản ứng ngược
Bà Phạm cho rằng những người trẻ tuổi không có hy vọng, lương thấp và giá nhà ở cao. Họ không nghĩ đến tương lai, mà chỉ tìm kiếm niềm vui tức thời. Nếu có thể có được một khắc tâm lý thoải mái, cảm thấy nhẹ nhõm một chút, liệu đó cũng là tình huống của một ngày tận thế? Cả thế giới quá hỗn loạn.
Bà nói rằng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, chủ nghĩa vô thần đã được đề cao. Nếu chủ nghĩa vô thần không được đề cao thì làm sao người ta dám nói: “Người làm đồ ăn độc để hại ta, thì ta cũng làm đồ ăn độc để hại ngươi” Trung Quốc bước vào một mô hình hãm hại lẫn nhau, sau khi tham quan kiếm tiền no nê, kiếm đủ tiền, dùng bừa bãi tiền công, thì toàn bộ quốc gia sẽ bị phá hoại triệt để.
“Tôi cảm thấy từ xưa đến nay, từ trong và ngoài Trung Quốc, không gì tệ bằng thời Trung Quốc Cộng sản. Một chút đạo đức kế thừa từ Trung Hoa Dân Quốc đã bị phá hủy hoàn toàn dưới sự cai trị của ĐCSTQ, thật là khủng khiếp,” bà nói.
Ông Ngô Sắt Chí nói rằng việc “tiêu dùng cho bản thân để mang lại niềm vui” của giới trẻ Trung Quốc tất nhiên có thể mang lại sự thỏa mãn về mặt tinh thần trong ngắn hạn. Những sự thỏa mãn về mặt tinh thần này theo thời gian sẽ ngày càng lún sâu hơn, còn hiệu quả thỏa mãn sẽ ngày càng ngắn lại, và cuối cùng sẽ dẫn đến sự không hài lòng với tình trạng xã hội như một lối thoát tiếp theo.
Ông phân tích rằng như bạn có thể tưởng tượng, khi bạn không còn kỳ vọng gì vào thị trường hay nền kinh tế, áp lực xã hội tiếp tục gia tăng, và đàn áp chính trị tiếp tục thu hẹp không gian của toàn xã hội. Tất nhiên, giới trẻ ngày càng không hài lòng với nền chính trị hoặc chính phủ hiện tại, tình cảm bất mãn sẽ ngày càng lớn. Chỉ là ở Trung Quốc, nhiều người biết ranh giới chính trị đỏ ở đâu. Tuy nhiên, rất dễ xảy ra nhiều chuyện bất ngờ, chẳng hạn như việc người Trung Quốc tấn công người nước ngoài; cũng như nhân viên y tế, lính cứu hỏa, v.v. phản ánh sự không hài lòng với mức lương và thù lao trên mạng, rồi cùng biểu tình đấu tranh, v.v. .
- TQ: Gia tăng các vụ trả thù xã hội; chuyên gia: Tự do tín ngưỡng là thuốc giải
- TQ: Hàng trăm nhân viên y tế ở Quảng Đông giơ biển đòi lương
Ông nói: “Những hiện tượng này trong tương lai, cùng với việc hiệu quả của cảm giác tiêu dùng cho bản thân để mang lại niềm vui ngày càng ngắn, những hiện tượng này sẽ ngày càng phổ biến. Điều này cũng phản ánh một loại phản phệ đối với mô hình cai trị của ĐCSTQ”.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Xã hội Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc Pop Mart