Lăng mộ Khổng Tử bị khai quật điên cuồng trong Cách mạng Văn hóa

Khổng Tử được tôn là bậc “vạn thế sư biểu”, là người thầy của mọi thời đại, được kính ngưỡng trong văn hóa phương Đông. Nhưng trong Cách mạng Văn hóa chưa từng có do Mao Trạch Đông phát động, Khổng miếu, Khổng phủ, Khổng lâm (rừng Khổng Tử) ở Khúc Phụ, Sơn Đông đều bị phá hủy, thi thể của người đã khuất bị mang đi diễu phố…

Phá hủy văn vật, tượng thờ trong thời Cách mạng Văn hóa.

Những công trình gắn liền với bậc vạn thế sư biểu

Khổng Tử là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của văn hóa truyền thống phương Đông. Nho giáo do Khổng Tử sáng lập đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Trung Hoa cổ đại và thế giới. Tại Trung Quốc có những công trình kỷ niệm gắn liền với Khổng Tử.

Khổng miếu, Khổng phủ, Khổng lâm (rừng Khổng Tử) ở Khúc Phụ, Sơn Đông, được gọi chung là “Tam Khổng”, là biểu tượng để mọi người tưởng nhớ Khổng Tử và kính trọng Nho giáo.

Khổng miếu là nơi thờ Khổng Tử lớn nhất ở Trung Quốc. Rừng Khổng Tử có mộ phần của Khổng Tử và gia đình ông, đồng thời cũng là mộ phần gia tộc dài nhất và lớn nhất trên thế giới. Khổng phủ là nơi cư trú cha truyền con nối ở Trung Quốc, chỉ đứng sau các cung điện của triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Nơi đây có một lượng lớn tài liệu lịch sử, di vật văn hóa, trang phục và đồ dùng của các triều đại trước, vô cùng quý giá.

Các triều đại đều tôn sùng “Tam Khổng”. “Tam Khổng” không bị hư hại khi Nguyên Mông tiêu diệt nhà Tống, khi Mãn Thanh lên nắm quyền, hay khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào những năm 1960, trong cuộc Cách mạng Văn hóa chưa từng có do Mao Trạch Đông phát động, Khổng Tử đã trở thành một đối tượng cần bị “cách mạng”.

Hồng vệ binh nhắm mục tiêu vào Tam Khổng

Vào một ngày năm 1966, Khang Sinh, cố vấn của Đội Cách mạng Văn hóa Trung ương, người hiểu rõ tư tưởng chống Nho giáo của Mao Trạch Đông, đã tìm thấy một nữ sinh viên đại học tên Đàm Hậu Lan, đến từ Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, và yêu cầu cô đến thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông để phản đối “Khổng gia quán”.

Khang Sinh nói: “Khi đến đó, cháu có thể đập bất cứ thứ gì mình muốn.”

Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Đàm Hậu Lan là sinh viên đầu tiên của Đại học Sư phạm Bắc Kinh dán áp phích cho đảng ủy trường, làm tổng lãnh đạo của “Nhóm chiến đấu Tỉnh Cương Sơn” do Hồng vệ binh của Đại học Sư phạm Bắc Kinh tổ chức, và là một trong 5 thủ lĩnh của Hồng vệ binh Bắc Kinh.

Ngày 9/11/1966, Đàm Hậu Lan lãnh đạo phiến quân “Đội chiến đấu Tỉnh Cương Sơn” tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn, thề sẽ tiêu diệt “Khổng gia quán”. Sau cuộc họp, cô đích thân lãnh đạo hơn 200 người từ Bắc Kinh nổi dậy ở Khúc Phụ, Sơn Đông.

Sau khi đến Khúc Phụ, cô lập tức liên kết với các tổ chức nổi dậy tại địa phương và thành lập “Hồng vệ binh quốc gia đập phá các Khổng gia quán, để thành lập Trạm liên lạc với phiến quân cách mạng có chính quyền tuyệt đối theo tư tưởng Mao Trạch Đông”.

Ngày 15/11/1966, cô chủ trì “Hội nghị tuyên thệ phá bỏ toàn bộ Khổng gia quán” trước cổng Khổng Phủ và đọc to “Đốt phá Khổng gia quán”, “Thư kháng nghị gửi Quốc vụ viện”, v.v..

Sau cuộc họp, Đàm Hậu Lan chỉ huy Hồng vệ binh lần lượt xông vào Khổng miếu, Khổng phủ và Khổng lâm, một cuộc tàn phá điên cuồng bắt đầu.

Phá hoại Khổng miếu

Hồng vệ binh đang đập phá biển “Đại Thành Môn” ở Khổng Phủ.

Sảnh chính của Khổng miếu là “Đại Thành Điện”, nghĩa là “thu thập thành tựu của các bậc thánh hiền cổ đại”.

Hồng vệ binh dán khẩu hiệu “Kẻ ác số một” lên ngực tượng Khổng Tử trong Điện Đại Thành, dùng dây thừng kéo đổ tượng Khổng Tử và 17 tượng đất sét khác, lôi ra ngoài chặt đầu, chém ngang lưng, hoặc phá phần bụng.

Họ lấy ra và phá hoại cuốn sách cổ bên trong bức tượng Khổng Tử. Đây là “Lễ Ký” phiên bản nhà Minh trang nhã và cổ xưa. Sau đó từ bụng tượng các môn đệ Khổng Tử được gọi là “Tứ phối và “Thập nhị triết“, họ lấy ra cuốn “Kinh dịch”, “Thượng thư”, “Thi kinh”, “Xuân thu”, “Đại học”, “Trung Dung”, “Luận ngữ”, “Mạnh Tử” và các tác phẩm kinh điển khác của Nho giáo.

Những hồng vệ binh nào không thể chen vào trong đền miếu đã đá vào đầu những bức tượng của các vị thánh hiền cổ đại, đá đi đá lại như đá một quả bóng.

Đào mộ Khổng Tử

Vào ngày 29/11/1966, Đàm Hậu Lan dẫn Hồng vệ binh đào mộ Khổng Tử.

Đối tượng bị đào mộ chủ yếu lần này là “Thượng tam đại, hạ tam đại”. “Thượng tam đại” là chỉ 3 đời Khổng Tử, con trai Khổng Lý và cháu trai Khổng Cấp. “Hạ tam đại” chỉ Khổng Lệnh Di (cháu trai đời thứ 76 của Khổng Tử), cha và ông của ông ấy được chôn cất trong rừng Khổng Tử. Điều này sẽ phá hủy toàn bộ “Khổng gia quán”.

Hồng vệ binh sơn khẩu hiệu trên khắp bia mộ Khổng Tử cao lớn. Sau đó, họ buộc một sợi dây thừng dày quấn quanh đỉnh bia mộ, chia làm hai đội, mỗi đội nắm một đầu dây.

Theo lệnh “lễ đào mộ và động thổ bắt đầu ” từ loa, tấm bia khổng lồ “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương” đã bị kéo đổ, rơi xuống bàn thờ bằng đá trước tấm bia và bị gãy làm đôi.

Sau đó, Hồng vệ binh tay cầm cuốc, xẻng cùng đội nông dân được cử đến gần nơi đó, cùng lúc đào bới 3 ngôi mộ của Khổng Tử, con trai ông Khổng Lý và cháu trai Khổng Cấp.

Để đẩy nhanh tiến độ đào mộ, mộ Khổng Tử đã được kích nổ bằng kíp nổ và thuốc nổ, đất đá vương vãi khắp nơi. Thi thể của Khổng Lệnh Di, cháu trai đời thứ 76 của Khổng Tử, và thê thiếp của ông, cùng mộ của cha ông – Khổng Tường Kha và vợ của ông ấy cũng bị đào lên.

Từ ngôi mộ của Khổng Lệnh Di, 630 gram vàng, 250 gram bạc vụn, 1.000 gram bảo vật hình tròn bằng bạc và 84 mảnh mã não và ngọc bích đã bị lấy đi.

Giáo sư Châu Dữ Đồng, người vô cùng kính trọng Khổng Tử và nghiên cứu về các tác phẩm kinh điển của Nho giáo, đã bị trục xuất khỏi Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, đưa đến địa điểm đào mộ ở Khúc Phụ. Ông bị buộc phải tự mình đào mộ của Khổng Tử.

Số liệu thống kê của thành phố Khúc Phụ cho thấy, rừng Khổng Tử với diện tích 3.000 mẫu, có hơn 100.000 ngôi mộ thì hơn 2.000 ngôi mộ đã bị đào, hơn 42.000 cây cối đã bị chặt hạ, hơn 4.000 bia mộ đã bị kéo đổ.

Đấu tố Khổng Tử

Trong hai ngày liên tiếp 28 và 29/11/1966, 100.000 người tập trung tại sân trường của Trường Cao đẳng Sư phạm Khúc Phụ, để tổ chức phá hủy toàn Khổng gia quán.

Đàm Hậu Lan phát biểu trước, sau đó đại diện các nơi phát biểu, tố cáo “tư tưởng phản động” của Khổng Tử, và chỉ trích một số lãnh đạo của chính quyền huyện ủy huyện Khúc Phụ và chính quyền tỉnh ủy tỉnh Sơn Đông.

Sau cuộc họp, Hồng vệ binh đặt bức tượng Khổng Tử trong Sảnh Đại Thành Điện của Khổng miếu, đội lên một chiếc mũ giấy cao có dòng chữ “Khổng Lão Nhị, nhân vật phản diện số một”, và đặt tượng Khổng Tử lên một chiếc xe tải của quân giải phóng đưa đi diễu phố.

Xe rời khỏi cổng phía nam trường Đại học Sư phạm Khúc Phụ, rẽ về hướng đông, chậm rãi đi trên những con đường cổ kính ở thành phố Khúc Phụ. Phía sau xe, rất đông Hồng vệ binh xếp hàng đi cùng. Loa phóng thanh được lắp trên xe tuyên truyền dọn đường, hô vang những khẩu hiệu như “Cách mạng là vô tội, nổi loạn là chính đáng” “Đả đảo Khổng Tử”.

Đồng hành cùng Khổng Tử trong cuộc diễu hành là một số người được gọi là “hiền tôn hiếu tử” của Khổng Tử, bao gồm Phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông Dư Tu, Giáo sư Nghiêm Bắc Minh tại Đại học Phúc Đán, hiệu trưởng đầu tiên của Học viện Sư phạm Khúc Phụ. Họ đều là những người tham dự “Hội nghị chuyên đề Khổng Tử” được tổ chức tại Tế Nam vào tháng 11/1962.

Sau cuộc diễu hành, chiếc xe chạy đến góc tây nam bên ngoài Bức tường Khổng lâm. Tượng Khổng Tử và tấm bài vị “Chí Thánh Tiên Sư” khổng lồ bị kéo ra từ Khổng phủ và Khổng miếu; một số tranh chữ, sách vở, câu đối… đều bị ném vào lửa thiêu rụi.

Thiệt hại về văn vật

Năm 1973, Ủy ban Quản lý Di tích Văn hóa của huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông đã lập “Báo cáo về việc phá hủy văn vật của ‘Trạm liên lạc trừng trị Khổng Tử’” cho bộ phận di tích văn hóa cấp cao hơn. Trong đó nói:

Từ ngày 9/11 – 7/12/1966, trong 29 ngày ở Khúc Phụ, Hồng vệ binh đã đốt và phá hủy hơn 6.000 di tích văn hóa, hơn 2.700 tập sách cổ, cùng hơn 900 cuộn thư pháp và tranh vẽ khác nhau.

Trong đó có hơn 70 di tích văn hóa cấp 1 quốc gia, hơn 1.700 cuốn sách quý hiếm, hơn 2.000 bia đá của các triều đại đã bị tiêu hủy.

Sau khi những kho báu bằng vàng và bạc được đào ra khỏi lăng mộ của Khổng Lệnh Di, những người dân làng gần đó lần lượt xông vào mộ của Khổng Tử, lao vào lấy đồ tùy táng trong mộ.

Vô số vàng, bạc, ngọc trai và ngọc bích đã được khai quật từ các ngôi mộ của con cháu Khổng gia. Ngân hàng cử người thu mua lại vàng bạc, 96 tệ (13.27USD) một lạng, thu được hơn 300.000 tệ (khoảng 41.457USD).

Sau khi Đàm Hậu Lan nhận lệnh đào mộ Khổng Tử, cô đã đặc biệt gửi một “bức điện báo” cho “Mao Chủ tịch kính yêu” “báo cáo một tin tức thú vị” cho Mao:

“Chúng cháu đã nổi loạn! Chúng cháu đã nổi loạn! Chúng cháu đã kéo tượng của Khổng Lão Nhị (tên miệt thị Khổng Tử) ra ngoài. Chúng cháu đã hạ tấm biển ‘Vạn Thế Sư Biểu’ (Người thầy của mọi thời đại) xuống… Ngôi mộ của Khổng Lão Nhị đã bị chúng cháu san bằng. Bia đá, nơi các hoàng đế phong kiến ​​ca ngợi (Khổng Tử) đã bị chúng cháu đập nát. Những tượng đất sét trong Khổng miếu cũng bị chúng cháu phá hủy…”

Vì sao lại đập phá “Khổng gia quán”?

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Marx đã yêu cầu những người Cộng sản phải “đoạn tuyệt triệt để nhất với những tư tưởng truyền thống.” Các quan niệm truyền thống của dân tộc Trung Hoa tập trung trong ngôn hành của các nhà tư tưởng cổ đại, mà đại diện là Khổng Tử và các di tích văn hóa có liên quan. Do đó Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định sẽ hủy diệt và hủy hoại văn hóa truyền thống Trung Quốc một cách triệt để nhất.

Ngày 1/6/1966, “Nhân dân Nhật báo” đăng bài xã luận, đề ra khẩu hiệu “Xóa bỏ tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ đã bị các giai cấp bóc lột đầu độc nhân dân hàng nghìn năm qua”. Kể từ đó, “Phá bỏ Tứ cựu” đã trở thành khẩu hiệu vang dội nhất nhằm tiêu diệt văn hóa truyền thống Trung Quốc trong Cách mạng Văn hóa. ĐCSTQ tin rằng một nguồn gốc quan trọng của “Tứ cựu” “Nho gia quán”, muốn phá “Tứ cựu” thì trước tiên phải đập tan “Nho gia quán”.

Tháng 12/1966, Mao Trạch Đông nói với một vị khách nước ngoài: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của “Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản” là loại bỏ ảnh hưởng của Khổng Tử về mọi mặt.

ĐCSTQ cũng nói về việc “phá hủy cái cũ và thiết lập cái mới”. Lập cái gì mới? Chính là “thiết lập uy quyền tuyệt đối của Tư tưởng Mao Trạch Đông”.

Mao Trạch Đông gặp mặt Đàm Hậu Lan

Sau khi Đàm Hậu Lan được lệnh đập phá “Khổng gia quán”, danh tiếng của cô ta đã lan xa. Cô ta đã giành được sự tin tưởng và kính trọng của các nhà lãnh đạo của Đội Cách mạng Văn hóa Trung ương.

Đàm Hậu Lan trở thành Giám đốc Ủy ban Cách mạng của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, mà còn là Phó Trưởng nhóm nòng cốt của Đại hội đỏ Đại học Bắc Kinh, kiêm thành viên của Ủy ban Thường vụ Ủy ban Cách mạng Thành phố Bắc Kinh.

Ngày 26/7/1968, trên Cổng Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Mao Trạch Đông, người chỉ đạo chính cuộc Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ, đã tiếp đón Đàm Hậu Lan một cách “thân mật”.

Đây là lời khẳng định hoàn toàn và sự ủng hộ mạnh mẽ của Mao đối với “hành động cách mạng” của Đàm Hậu Lan. Những bức ảnh khổ lớn về cảnh Đàm Hậu Lan bắt tay với Mao, và đỡ tay Mao đã được đăng trên các tờ báo lớn và báo lá cải, chúng đã thu hút ánh đèn sân khấu trong một thời gian.

Đàm Hậu Lan chết vì bệnh tật

Ngày 6/10/1976, “Bè lũ 4 tên” bao gồm Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông và kẻ cầm đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, đã bị bắt.

Tháng 4/1978, Sở Công an thành phố Bắc Kinh bắt giữ Đàm Hậu Lan vì “tội phản cách mạng”. Năm 1981, Đàm Hậu Lan được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung và được tạm tha để chữa bệnh. Tháng 11/1982, Đàm Hậu Lan qua đời trong đau đớn ở tuổi 45.

Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, người ta nói rằng “Thận trung truy viễn” (cẩn trọng với việc tang sự của cha mẹ, thành kính tế tự tổ tiên), dạy con người phải biết kính sợ tổ tiên. Phần mộ của tổ tiên không chỉ là gốc rễ của một đời người, mà còn là nơi trở về của họ, không được tùy ý xâm phạm, hay mạo phạm. Đào mộ là một hành động cực đoan khi lòng căm thù lên đến đỉnh điểm, là lời nguyền rủa độc ác đối với người đã khuất và gia đình họ.

ĐCSTQ đã ra lệnh cho một nhóm Hồng vệ binh ngu dốt và không biết sợ hãi đào mộ của Khổng Tử, bậc thầy của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Điều này cho thấy sự căm ghét tột độ của ĐCSTQ đối với văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Sau khi mộ Khổng Tử được khai quật, gần như tất cả lăng mộ của các danh nhân văn hóa trong lịch sử 5.000 năm của nền văn minh Trung Hoa đều bị đào bới. Đây là một trong những tội ác lớn của ĐCSTQ đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Vương Hữu Quần
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Epoch Times.)

Vương Hữu Quần

Published by
Vương Hữu Quần

Recent Posts

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

6 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

12 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

46 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

1 giờ ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

1 giờ ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

1 giờ ago