Trung Quốc

Ngày Quốc tế Nhân quyền: EU lo ngại tình hình nhân quyền tại Trung Quốc

Ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12), EU đã đưa ra tuyên bố quan ngại về các vấn đề nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc.

(Ảnh: Håkan Dahlström/ Wikimedia)

Ngày 10/12 là Ngày Nhân quyền Quốc tế. Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh từ nhiều khía cạnh tình hình nhân quyền “rất nghiêm trọng” của Trung Quốc, bao gồm cả việc các quyền dân sự và chính trị không được bảo vệ hoặc thậm chí bị vi phạm. EU kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngừng thực hiện “giám sát khu dân cư” và trả tự do vô điều kiện cho những người bảo vệ nhân quyền như luật sư Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), đồng thời lên án việc ĐCSTQ đàn áp quyền tự do ngôn luận, đàn áp các nhà báo nước ngoài và sử dụng tra tấn để buộc phải nhận tội.

EU cho biết trong tuyên bố: “Nhân quyền là phổ quát, không thể phân chia, các nơi phụ thuộc lẫn nhau, nghĩa là mọi người đều có quyền được hưởng các quyền con người; tất cả các quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau ở mọi thời điểm, kể cả khi xung đột hay khủng hoảng thì vẫn không thể bỏ qua nhân quyền, nhân quyền không thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa lý hoặc văn hóa”.

Tuyên bố cho hay rằng thế giới đang kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nêu cao tinh thần nhân quyền không phải do ai trao cho mà là vấn đề tự nhiên thuộc về loài người.

EU: Tình hình nhân quyền ở Trung Quốc rất nghiêm trọng

Trong tuyên bố, EU đặc biệt chỉ ra rằng ở Trung Quốc, “các quyền dân sự và chính trị không được đảm bảo, và trong một số trường hợp bị vi phạm một cách có chủ ý và có hệ thống”.

“Trong bối cảnh này, EU nhắc lại mối quan ngại về tình hình nhân quyền rất nghiêm trọng ở Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp trong nước và quốc tế, bao gồm cả hiến pháp của chính họ, để tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền cho tất cả mọi người, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người thuộc các dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ trên khắp Trung Quốc”, tuyên bố cho biết.

EU cho biết báo cáo đánh giá của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đã xác nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. EU nhấn mạnh sự cần thiết của “công lý và trách nhiệm giải trình”, kêu gọi ĐCSTQ hợp tác với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền trong việc thực hiện các khuyến nghị của báo cáo.

“Cần dựa trên báo cáo đánh giá để tạo điều kiện cho ‘cuộc thảo luận thực chất’ về tình hình nhân quyền ở Tân Cương”. Ngoài ra EU cũng nhấn mạnh những lo ngại nghiêm trọng bao gồm: giam giữ tùy tiện quy mô lớn, giám sát trên diện rộng, và các biện pháp theo dõi, hạn chế, cưỡng bức lao động, tra tấn, cưỡng bức phá thai và triệt sản, chính sách kế hoạch hóa gia đình và ly tán gia đình cùng tình trạng bạo lực trên cơ sở phân biệt giới tính.

EU đặc biệt quan ngại về những hạn chế nghiêm ngặt và có hệ thống đối với việc thực hiện các quyền tự do cơ bản, bao gồm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, vấn đề các nhóm thiểu số tại Trung Quốc chịu những hạn chế có hệ thống đối với các quyền được hưởng nền văn hóa và sử dụng ngôn ngữ của chính họ trong môi trường riêng tư và công cộng, kể cả trong giáo dục.

“Những hạn chế này có khả năng dẫn đến sự tuyệt chủng về văn hóa của họ. Ở Tây Tạng, các trường nội trú bắt buộc và việc lấy mẫu DNA càng minh họa thêm cho tình hình nhân quyền nghiêm trọng. EU tiếp tục kêu gọi các chuyên gia quốc tế độc lập, các nhà báo và nhà ngoại giao nước ngoài có những hành động có ý nghĩa sẽ không chịu hạn chế và không bị cản trở quyền giám sát và vào Tây Tạng, Tân Cương cùng các khu vực khác của Trung Quốc”, tuyên bố cho biết.

Theo ước tính, Trung Quốc có nhiều án tử hình và hành quyết vượt xa tất cả các nước khác cộng lại. EU kêu gọi ĐCSTQ “tăng cường tính minh bạch” trong việc áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời tiến tới giảm thiểu hơn nữa số tội phạm tử hình vì tội danh hình sự.

Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho luật sư Cao Trí Thịnh và những người bảo vệ nhân quyền khác

EU cho biết, những người bảo vệ nhân quyền, luật sư nhân quyền, nhà báo, người đưa tin độc lập, nhân viên truyền thông khác và trí thức tiếp tục phải đối mặt quấy rối, đe dọa, giám sát, bị cấm xuất cảnh, quản thúc tại gia, tra tấn và đối xử tệ bạc, giam giữ trái pháp luật, tuyên án và đe dọa cưỡng bức mất tích.

EU kêu gọi ĐCSTQ đảm bảo tôn trọng đầy đủ đối với pháp quyền, đảm bảo quy trình hợp pháp và đảm bảo xét xử công bằng, đồng thời “điều tra kỹ lưỡng các trường hợp được báo cáo về việc giam giữ tùy tiện, tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ nhục và quấy rối những người bảo vệ nhân quyền và gia đình họ”.

Tuyên bố nêu rõ: “Những người bị giam giữ phải được tiếp cận với luật sư do họ lựa chọn, được hỗ trợ y tế và liên lạc cùng thành viên gia đình. ĐCSTQ nên chấm dứt hoạt động giám sát khu dân cư tại các địa điểm được chỉ định (RSDL), vốn đã bị Liên Hiệp Quốc lên án. ĐCSTQ cũng nên ngừng sử dụng tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với những người bị giam giữ nhằm mục đích ép buộc thú tội công khai”.

EU tiếp tục theo dõi sát diễn biến của tình hình và kêu gọi ĐCSTQ trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” đối với những nhà hoạt động: Mục sư Tào Tam Cường (Cao Sanqiang), luật sư Thường Vĩ Bình (Chang Weiping), nhà đấu tranh Trần Phi Vân (Chen Yunfei), Trình Uyên (Cheng Yuan), Đinh Gia Hỉ (Ding Jiaxi), luật sư Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), nhà văn Tây Tạng Go Sherab Gyatso, nhà hoạt động Quách Tuyền (Guo Quan), Hà Phương Mỹ (He Fang Mei), Hoàng Kỳ (Huang Qi), nhà báo Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin), nhà kinh tế Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti (Giải thưởng Tự do Tư tưởng Sakharov), nhà hoạt động Kamile Wayit, Lý Kiều Sở (Li Qiaochu), Lý Diên Hạ (Li Yanhe), Lý Dục Hàm (Li Yuhan), Bành Lập Phát (Peng Lifa), Tần Vĩnh Mẫn (Qin Yongmin), Đàm Dũng Bái (Qin Yongpei), Rinchen Tsultrim, Nguyễn Hiểu Hoàn (Ruan Xiaohuan), Tashi Dorje, Tashpolat Tiyip, Vương Ái Trung (Wang Aizhong), Vương Bính Chương (Wang Bingzhang), Vương Kiến Bình (Wang Jianbing), Mục sư Vương Di (Wang Yi), nhà hoạt động Vương Tạng  (Wang Zang), Hứa Na (Xu Na), Từ Tần (Xu Qin), Hứa Diễm (Xu Yan), Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), Dương Mậu Đông (Yang Maodong), Mục sư Trương Xuân Lôi (Zhang Chunlei), nhà hoạt động Trương Triển (Zhang Zhan), và công dân EU Quế Mẫn Hải (Michael Gui, là một học giả và nhà xuất bản sách người Thụy Điển gốc Hoa).

Tự do ngôn luận và phóng viên truyền thông nước ngoài bị đàn áp

EU nhấn mạnh rằng ở Trung Quốc, các nhà báo và nhân viên truyền thông phải chịu sự kiểm duyệt, đe dọa và giám sát, đồng thời “quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin ngày càng bị đàn áp”. Các nhà báo và nhân viên truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với “quấy rối, đe dọa, giam giữ tùy tiện, hạn chế thị thực, giám sát” và các vấn đề khác do công việc của họ. EU nhấn mạnh vai trò quan trọng của quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí để có một chính quyền tốt, đồng thời kêu gọi ĐCSTQ tôn trọng quyền “biểu tình một cách hòa bình”, kêu gọi tuân thủ cam kết xóa bỏ bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ những nhà hoạt động nữ đã phải chịu đựng những vi phạm và ngược đãi nhân quyền.

Tình hình nhân quyền ở Hồng Kông

EU vẫn lo ngại về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông. Việc áp dụng kiểu đàn áp Đạo luật An ninh Quốc gia và Điều lệ Kích động làm xói mòn các quyền tự do cơ bản.

Tuyên bố lên án những thay đổi căn bản trong hệ thống bầu cử (Hồng Kông) làm xói mòn các nguyên tắc dân chủ và đa nguyên chính trị. EU đặc biệt quan ngại về các phiên tòa xét xử các chính trị gia và các nhà dân chủ, và đặc biệt quan tâm đến trường hợp của doanh nhân truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai). EU kêu gọi chính quyền trung ương ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông “khôi phục lại hoàn toàn sự tôn trọng đối với pháp quyền, các quyền tự do cơ bản và các nguyên tắc dân chủ”. Đây là chìa khóa để Hồng Kông bảo đảm mức độ tự chủ cao theo nguyên tắc “một nước, hai chế độ”, tuân thủ Luật cơ bản của Hồng Kông cũng như các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc.

Tuyên bố cũng cho hay ĐCSTQ nên tôn trọng nguyên tắc không cưỡng bức về nước, tránh mọi hoạt động ngoài lãnh thổ không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trương Đình

Published by
Trương Đình

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago