Sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng chính quyền, đối với chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đa số phải chịu số phận thê thảm trong cuộc đấu tranh nội bộ, cho thấy trong ĐCSTQ đây là chức vụ có độ nguy hiểm cao.
Sau Đại hội 18 ĐCSTQ, các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương vừa giải nhiệm là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng đều lần lượt bị điều tra vào tháng 03/2014 và tháng 07/2015; Từ đã chết vì ung thư bàng quang trong giai đoạn điều tra, còn Quách đã bị kết án tù chung thân.
Báo quân đội ĐCSTQ đã công khai đưa tin việc Quách và Từ bị xử lý là một vấn đề chính trị: “Xảy ra vấn đề đối với lãnh đạo cấp cao thì không phải là vấn đề nhỏ, đặc biệt là vấn đề chính trị thì nguy hại lớn hơn nhiều. Dù vấn đề tham nhũng của Quách và Từ khủng khiếp đến khó tin, nhưng đây không phải là vấn đề mấu chốt, vấn đề mấu chốt của họ chính là đã vi phạm vào ranh giới chính trị.”
Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đều là tâm phúc của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, được Giang trao chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương năm 2004, giúp Giang quản lý quân đội kéo dài cả gần chục năm, đồng thời kìm kẹp ông Hồ Cẩm Đào.
Ngoài ra, Quách và Từ cũng luôn ngăn chặn ông Tập Cận Bình nắm quyền lực trong quân đội. Theo truyền thông Hồng Kông, do bị Quách và Từ cản trở mà đến tận Hội nghị Toàn thể Trung ương 5 khóa 17, ông Tập mới được bổ sung chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương; trong một sự kiện quân đội bán công khai với một số người tham dự, Từ đã chia sẻ với Quách: “Cứ để hắn (chỉ Tập Cận Bình) làm 5 năm rồi cuốn xéo!”
Tra cứu lịch sử của Quân ủy Trung ương từ sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền năm 1949, ngoài Từ Tài Hậu bị bệnh qua đời khi “ngã ngựa”, có ít nhất 6 Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương chịu cảnh số phận khốn đốn, thiệt mạng vì cuộc đấu đá quyền lực nội bộ.
Sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương luôn do ông Mao Trạch Đông nắm giữ. Năm 1949 ông Lưu Thiếu Kỳ và Bành Đức Hoài là Phó Chủ tịch Quân ủy; đến năm 1951, Cao Cương và Lâm Bưu lên thay; năm 1954, Hạ Long và Trần Nghị lên thay, tất cả đều bị thanh trừng hoặc thiệt mạng vì cuộc chiến quyền lực nội bộ.
Cao Cương (Gao Gang) từng là Phó Chủ tịch Chính phủ Trung Quốc, do thất bại trong cuộc đấu tranh trong Đảng, thường xuyên bị phe cánh Mao Trạch Đông đem ra đấu tố chỉ trích, hệ quả đã tự tử vào năm 1954, trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy đầu tiên thiệt mạng trong cuộc chiến quyền lực nội bộ sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền.
Bành Đức Hoài có thời gian dài làm Phó Chủ tịch Quân ủy và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, do tại Hội nghị Lư Sơn đã công khai chỉ trích Mao Trạch Đông trong kế hoạch Đại nhảy vọt nên đã bị Mao trả thù; năm 1959, bị tước tất cả các chức vụ trong Quân ủy Trung ương, cách chức Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó bị đấu tố đến chết trong Cách mạng Văn hóa.
Tháng 07/1966 Mao phát động Cách mạng Văn hóa, vào tháng 12 cùng năm đã chỉ trích “Lưu Thiếu Kỳ là Khrushchev của ĐCSTQ” (Khrushchev – Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô), sau đó tại Bắc Kinh xuất hiện những biểu ngữ lớn “Đả đảo Lưu Thiếu Kỳ!” và “Đả đảo Đặng Tiểu Bình!”. Tại Hội nghị toàn thể Trung ương 12 khóa 8 năm 1968, ĐCSTQ đã thông qua “Báo cáo thẩm tra kẻ phản bội, nội gián và tay sai tư bản Lưu Thiếu Kỳ”, qua đó đã khai trừ Đảng đối với Lưu.
Tháng 11/1969, Lưu Thiếu Kỳ đã bị bức hại đến chết khi ở trong tù, thi thể của ông đã bị bí mật hỏa thiêu, khi hỏa thiêu ghi theo tên cũ thời trẻ của Lưu Thiếu Kỳ là “Lưu Vệ Hoàng”, nghề nghiệp “thất nghiệp”, nguyên nhân chết là “chết do bị bệnh”.
Ngoài Lâm Bưu, tất các các Phó Chủ tịch Quân ủy nêu trên đều từng bị điều về nông thôn rèn luyện, trong đó Hạ Long và Trần Nghị qua đời vì lâm bệnh nặng mà không được điều trị chu đáo, chết ngay trong nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Lâm Bưu được Mao Trạch Đông chỉ định tiếp quản quyền lực của Mao. Vào thời kỳ đầu của Cách mạng Văn hóa, sau khi Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bị Mao thanh trừng, một thời gian Lâm Bưu sống trong vinh hiển tột đỉnh, nhưng đi cùng quyền lực của Lâm Bưu ngày càng lớn mạnh, Mao và Lâm đã xảy ra tranh chấp xung đột, ngày 13/9/1971 Lâm Bưu cùng gia đình bỏ chạy trong hoảng loạn, trên đường bỏ chạy đã mất mạng trong vụ tai nạn máy bay tại Öndörkhaan thuộc Mông Cổ.
Trong số này, có lẽ nhân vật nổi bật phải kể là Đặng Tiểu Bình, năm 1956 Đặng từng là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị; năm 1954, là Ủy viên Ủy ban Quân sự, trong Cách mạng Văn hóa Đặng Tiểu Bình bị cáo buộc “thuộc phe tư bản và xét lại”, bị thanh trừng cùng thời với Lưu Thiếu Kỳ; tháng 08/1967, Hồng Vệ Binh xông vào nhà Đặng ở Trung Nam Hải lôi Đặng ra đấu tố, ép Đặng phải quỳ xuống, ngồi kiểu “máy bay phản lực”. Tại Hội nghị toàn thể Trung ương 12 khóa 8, Đặng Tiểu Bình chính thức bị tước đoạt tất cả các chức vụ.
Ngày 18/1/2018, Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) có nhận định rằng, nhìn lại lịch sử ĐCSTQ, đối với chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, kẻ thì bị cách chức hoặc đấu tố nội bộ, kẻ thì bị điều về nông thôn và thiệt mạng ngay trong thời gian tại nhiệm, cho thấy chức vụ này trong ĐCSTQ là chức vụ vô cùng nguy hiểm.
Trí Đạt
Xem thêm:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…