Chuyện Lưu Thiếu Kỳ bị Mao Trạch Đông thanh trừng
- Dương Thiên Long
- •
Tháng 05/1966, cố lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị Bộ Chính trị mở rộng và thông báo khai màn “Cách mạng Văn hóa”. Người phụ trách chính “Cách mạng Văn hóa” là các lãnh đạo khác như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, dù họ không tán đồng với “Cách mạng Văn hóa” do Mao phát động.
Trong cuốn sách “Nếu Trung Quốc muốn tiến bộ thì phải triệt để thoát Mao”, học giả Cao Văn Khiêm (Gao Wenqian) sống tại New York Mỹ đã viết đại khái rằng: Mao quyết tâm phát động Cách mạng Văn hóa để thay đổi cục diện “tĩnh tại” đang hiện hữu bao trùm bầu không khí chính trị.
Mao ủng hộ Hồng vệ binh, kích động chống Lưu
Ngày 01/8/1966, Mao Trạch Đông đã tổ chức Hội nghị toàn thể Trung ương 11 ĐCSTQ khóa 8, lần này Mao đích thân chủ trì hội nghị, thay đổi thú yêu thích trước đây của Mao là chỉ đứng sau đạo diễn. Hội nghị dự kiến kéo dài 5 ngày và trong chương trình nghị sự ban đầu không có nội dung nào nói về vấn đề tái cơ cấu Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Tương tự Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị vào giữa tháng Năm trước đó, không khí Hội nghị Trung ương 11 khóa 8 rất căng thẳng, người tham gia đều cảm thấy bất an vì tâm lý sợ hãi phát biểu lỡ lời, trong khi lại không thể không phát biểu, hệ quả là đa số phải dựa vào quan điểm phê phán tổ công tác của Mao để tự kiểm thảo bản thân làm sao không đi chệch khỏi quỹ đạo tư tưởng của Mao Chủ tịch!
Tuy nhiên, cũng rất ít người tham gia hội nghị chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, đa số chỉ bày tỏ quan điểm “không hiểu lắm” về Cách mạng Văn hóa do Mao phát động.
Tình trạng này đã khiến Mao vô cùng thất vọng, vì ban đầu Mao dự kiến tư tưởng của Mao sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ, hiển nhiên những đại biểu tích cực lên án Lưu Thiếu Kỳ.
Để kích thích lôi kéo mọi người hưởng ứng, Mao đã đặc biệt cho in ấn và phổ biến trong hội nghị hai tờ áp phích lớn của Hồng vệ binh cấp trung học thuộc Đại học Thanh Hoa (ca ngợi chủ trương làm cách mạng tạo phản) cùng bức thư tay Mao viết cho họ.
Trong thư Mao đã bày tỏ quan điểm nhiệt liệt hưởng ứng tinh thần nổi loạn của Hồng vệ binh: “Bất kể là ở Bắc Kinh hay cả nước, trong phong trào Cách mạng Văn hóa này những ai lựa chọn quan điểm cách mạng tương tự mọi người (Hồng Vệ binh) thì chúng ta nhất loạt nhiệt tình ủng hộ.” Tuy nhiên việc số người hưởng ứng lác đác khiến hội nghị vô cùng buồn tẻ, có thể vì hầu hết mọi người cảm thấy khó khăn để thoát khỏi những mâu thuẫn trong tư tưởng.
Nhận thấy hội nghị phải kết thúc mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết, Mao rất lo lắng. Theo quan điểm của Mao, trở ngại đáng kể trong Đảng nằm ở Lưu Thiếu Kỳ, do một số lượng đáng kể đại biểu cùng quan điểm với Lưu Thiếu Kỳ, dù vậy cũng còn nhiều người ảo tưởng hoặc có tâm thái lưỡng lự đối với Mao, nhìn mặt Mao để hành động nương theo. Nếu không tận dụng cơ hội này giải quyết dứt điểm vấn đề Lưu Thiếu Kỳ thì không chỉ không thể thay đổi tận gốc rễ cục diện mà còn khiến những công sức trước đó trở nên vô ích, để lại di họa về sau.
Câu nói của Mao khiến các đại biểu hoang mang
Trong bối cảnh này, Mao quyết chí đích thân ra tay làm nóng bầu không khí toàn thể hội nghị bằng cách thẳng thắn lôi vấn đề của Lưu Thiếu Kỳ ra. Ngày 04/8, Mao đã chủ trì một cuộc họp mở rộng Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bằng thủ đoạn khiêu chiến khích tướng, Mao hùng hổ khai hỏa đối với Lưu, gay gắt lên án tổ công tác của Lưu là “đàn áp phong trào sinh viên”, “nói một cách nhẹ nhàng hơn thì gọi là vấn đề phương hướng, trên thực tế vấn đề phương hướng là vấn đề đường lối, là sai phạm đi ngược lại chủ nghĩa Mác”.
Dưới tình trạng sỉ nhục và hung hăng ép người của Mao, cuối cùng Lưu ý thức càng rõ nguy cơ ở ngay trước mắt và dần dần không còn kiểm soát được cảm xúc bản thân, Lưu nổi xung lên dùng chính những câu mà Mao hay nói để trả đũa: “Cùng lắm là từ chức, có gì đáng sợ, có năm điều không sợ (không sợ cách chức, không sợ giáng chức, không sợ bị trục xuất khỏi đảng, không sợ vợ ly dị, không sợ ngồi tù).”
Không chờ gì hơn, Mao nhanh chóng ném ra lời lạnh lùng kích thích tâm lý hoang mang lo lắng của các đại biểu: “Quỷ trâu thần rắn, ở ngay tại đây”, đồng thời Mao tuyên bố hủy bỏ tổ chức đại hội trong ngày như dự kiến, đổi thành thực hiện chia tổ để phổ biến nội dung hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng.
Sau buổi họp, Mao giận dữ nhận định rằng Lưu Thiếu Kỳ đã không còn thuốc chữa, cuối cùng quyết định chia rõ ranh giới với Lưu, hủy bỏ vị trí người kế nhiệm quyền lực của Lưu. Với kế hoạch mới này, Mao nhanh chóng quyết định thay đổi chương trình Hội nghị toàn thể như đã định, khẩn cấp chuẩn bị về các mặt tư tưởng cũng như tổ chức.
Ngày 05/8, Mao đã viết bài “Pháo nổ Bộ Tư lệnh – Một tờ đại tự báo của tôi”, bằng ngôn ngữ gay gắt Mao lên án Lưu Thiếu Kỳ là “có lập trường tư sản phản động, thực hiện chuyên chính giai cấp tư sản, hạ bệ phong trào cách mạng văn hóa mạnh mẽ của giai cấp vô sản, đảo lộn trắng đen, lẫn lộn thị phi, tấn công phe cách mạng, bóp nghẹt quan điểm bất đồng, thi hành khủng bố trắng, phát dương giai cấp tư sản, tiêu diệt ý chí giai cấp vô sản, đây là thủ đoạn vô cùng độc địa!”
Trong bài viết Mao cũng liên hệ đến cái gọi là vấn đề “hữu khuynh” vào năm 1962 để phán xét và chỉnh đốn Lưu. Bài viết của Mao đã được phổ biến trong phiên họp toàn thể, trở thành thứ vũ khí tư tưởng tấn công Lưu, Mao biến hội nghị toàn thể thành hội nghị phê phán Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình.
Với kế hoạch mới, Mao bí mật cử trợ tá Uông Đông Hưng (Wang Dongxing) đến nơi điều dưỡng ở Đại Liên khẩn cấp đưa Lâm Bưu (xin nghỉ phép) đến Bắc Kinh để tham dự hội nghị nhằm trợ giúp Mao trong cuộc chiến nhắm vào Lưu, chuẩn bị tư thế sẵn sàng để làm người kế nhiệm quyền lực thay Lưu Thiếu Kỳ.
Vào 9 giờ tối ngày 05/8/1966, Ngô Pháp Hiến (Wu Faxian) nhận điện chỉ đạo của Chu Ân Lai, sáng hôm sau đã điều một máy bay đặc biệt đến Đại Liên đón Lâm Bưu trở về Bắc Kinh. Buổi sáng ngày 06/8, Lâm Bưu trở về Bắc Kinh và được đón tại Đại lễ đường Nhân dân, Mao Trạch Đông đích thân hỏi thăm và sau đó công bố Lâm Bưu là người kế nhiệm quyền lực.
Dương Thiên Long
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Cách mạng Văn hóa Lưu Thiếu Kỳ