Tết Đoàn viên xa vời với những người tu Pháp Luân Công bị giam cầm

Dưới sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhiều học viên Pháp Luân Công bị cầm tù và không thể đoàn tụ với người thân vào dịp Trung thu sắp đến.

Từ trái sang phải: Ông Hùng Kỳ – chồng của học viên Pháp Luân Công Khương Vĩnh Cần, bà Lã Na – chị gái của bà Lã Nguy, và Trương Hồng Ngọc – con gái của ông Trương Minh. (Ảnh ghép Epoch Times)

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, lần đầu tiên được ông Lý Hồng Chí truyền ra tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc vào tháng 5/1992. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, môn này đã thu hút hàng trăm triệu người tập luyện, vì những tác dụng thần kỳ trong việc trừ bệnh khỏe người và giúp nhân tâm hướng thiện.

Vì quyền lực cá nhân và lòng ghen tỵ tột độ, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, đã sử dụng bộ máy nhà nước, phát động một cuộc đàn áp chưa từng có đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc vào ngày 20/7/1999, Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn đến tận ngày nay.

Cô gái New York kêu gọi thả người cha bị bắt cóc phi pháp

Trương Hồng Ngọc, cô gái đến từ New York, là một nhà thiết kế đồ họa. Quê của cô ở thành phố Đan Đông, một thị trấn biên giới nhỏ ở Trung Quốc Đại Lục. Cô tu luyện Pháp Luân Công với cha mẹ từ khi còn nhỏ. Vì không từ bỏ niềm tin của mình, gia đình cô đã nhiều lần bị giam giữ phi pháp, phải sống tha hương, đến nay vẫn khó có ngày được đoàn tụ.

Ông Trương Minh, cha của cô Trương Hồng Ngọc, bị cảnh sát ĐCSTQ bắt vào ngày 29/6/2018 vì tội phân phát tờ rơi thông tin về Pháp Luân Công. Ông bị kết án 1 năm tù bất hợp pháp. Ngày 10/8 năm nay, ông lại bị cảnh sát bắt cóc.

Năm 2007, mẹ cô – bà Tu Kim Thu, vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công nên bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở Liêu Ninh. Bà qua đời oan khuất vào tháng 11/2013 ở tuổi 51.

Cô Trương Hồng Ngọc, học viên Pháp Luân Công đến từ Liêu Ninh, đang tập bài công pháp thứ 2 của Pháp Luân Công – “Pháp Luân Trang Pháp”. (Ảnh: Epoch Times)

“Ngoài năm mới ra, Tết Trung thu là lễ hội dân gian quan trọng nhất của người Trung Quốc. Trăng tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ của gia đình. Ngày lễ truyền thống này là một nỗi phiền muộn trong tâm nhiều học viên Pháp Luân Công phải sống tha hương, và những người lâm vào cảnh người mất, nhà tan, hay vợ chồng ly tán bởi cuộc bức hại”, cô Trương Hồng Ngọc nói.

Năm 2014, cô Trương phải rời xa gia đình đến Hoa Kỳ. Trước ngày lễ đoàn viên truyền thống của Trung Quốc, cô vô cùng xúc động: “Cuộc bức hại này do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân khởi xướng, khiến biết bao học viên Pháp Luân Công có nhà mà không thể về. Cảnh sát cũng đe dọa người nhà của tôi ở Trung Quốc, rằng nếu tôi về nước, họ sẽ bắt tôi giam lại ngay khi tôi nhập cảnh, khiến gia đình rất lo lắng cho tôi.”

3 tuần trước, cha cô, ông Trương Minh, lại bị cảnh sát bắt cóc. Văn phòng Công an thành phố Đan Đông và Viện kiểm sát quận Chấn An đã bắt giam ông với tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật”. Hiện ông đang bị giam giữ phi pháp trong Trại giam thành phố Đan Đông.

Cô Trương Hồng Ngọc chất vấn, chỉ vì cha cô tin vào Pháp Luân Công và tuân theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, làm một người tốt, đối với xã hội chỉ có trăm điều tốt, không có lấy một điều xấu, không gây hại cho xã hội hay người khác, tại sao nhà cầm quyền lại nhất quyết phải bức hại Pháp Luân Công?

“Nhân đây tôi chỉ muốn nói với cảnh sát thực thi pháp luật ở thành phố Đan Đông, những người đã tham gia vào cuộc bức hại ông Trương Minh cha tôi rằng công lý sẽ đến muộn, nhưng không bao giờ vắng mặt. Cuộc bức hại Pháp Luân Công là nỗi kỳ oan thiên cổ. Hãy chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và trả tự do cho cha tôi ngay lập tức, để giảm bớt tội nghiệp của các ông”, cô Trương Hồng Ngọc nói.

Bà mẹ 3 con bị tra tấn bí mật

Bà Khương Vĩnh Cần, cựu giáo viên 53 tuổi tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Chiết Giang, là một giáo viên xuất sắc và là mẹ của 3 đứa con. Nhưng vào dịp Tết Trung thu năm nay, bà đã không thể sum họp cùng gia đình.

Sau khi bà Khương Vĩnh Cần một lần nữa bị bắt cóc hôm 12/6/2022, vào ngày 8/7 bà lại bị cảnh sát dùng vải đen trùm đầu bịt tai và kéo đến một địa điểm bí mật. 4 nhân viên an ninh quốc gia và chuyên gia tra tấn từ phòng huấn luyện đặc biệt của công an tỉnh đã tra tấn tình dục bà một cách vô nhân đạo, khiến bà vô cùng đau khổ.

Vài năm trước, ông Hùng Kỳ – chồng của bà Khương Vĩnh Cần, cũng là học viên Pháp Luân Công và 2 con gái đã trốn khỏi Đại Lục, hiện đang sống ở thành phố Melbourne của Úc.

Ông nói trong một cuộc họp báo trước Lãnh sự quán Trung Quốc rằng: “Một giáo viên tốt, một người vợ tốt và một người mẹ tốt như vậy đã bị chính quyền ĐCSTQ nhiều lần bức hại, sách nhiễu, bắt cóc, giam giữ, tra tấn và ngược đãi bất hợp pháp ở Trung Quốc Đại Lục. Mấy năm nay gia đình chúng tôi đều không được yên ổn.”

Ngày 15/8/2022, học viên Pháp Luân Công Hùng Kỳ đã phát biểu trong một cuộc họp báo, yêu cầu ĐCSTQ trả tự do vô điều kiện cho vợ ông là bà Khương Vĩnh Cần. (Ảnh: Bách Xuyên / Epoch Times)

Ông Hùng Kỳ bận viết thư cho các Nghị sĩ Úc và tận dụng những kênh khả thi để giải cứu vợ mình. Dù 3 lễ hội truyền thống lớn của Trung Quốc đang đến gần, nhưng ông gần như đã quên mất điều đó. “Khi nhìn thấy mọi người xung quanh mua bánh trung thu, tôi mới biết. Hài! Tết Trung thu sắp đến rồi.”

Tất cả những gì ông mong muốn là hy vọng người thân ở Trung Quốc được an toàn, “bà ấy đã bị nhốt bất hợp pháp nhiều ngày như vậy, còn chính thức bị bắt giữ.”

Ông Hùng Kỳ nói, hiện bà Khương Vĩnh Cần đã bị chuyển đến trại giam Cát Lâm. Trong tuần trước, luật sư đã không được phép gặp bà. “Bản thân ĐCSTQ rất tà ác. Những cảnh sát này theo ĐCSTQ làm những chuyện tà ác như vậy, nội tâm của họ rất biến dị, làm chuyện xấu rồi, nên rất sợ bị vạch trần.”

Chị gái mong em được trả tự do

“Cha tôi ở miền Bắc Trung Quốc, em trai tôi ở thành phố Lang Phường (tỉnh Hà Bắc). Tôi ở nước ngoài, em gái tôi ở trong tù, còn mẹ tôi ở trên trời. Gia đình 5 người chúng tôi sống rải rác ở 5 nơi”, bà Lã Na – học viên Pháp Luân Công ở New York nói.

Ngày 11/7 năm nay, sau khi người em gái Lã Nguy bị cảnh sát Cáp Nhĩ Tân bắt cóc, bà Lã Na đã bôn ba khắp nơi kêu gọi, đốc thúc quan chức dân cử các cấp ở Hoa Kỳ, gây áp lực lên ĐCSTQ, để họ trả tự do cho em gái mình. Gần đây, có thông tin rằng bà Lã Nguy đã bị bắt và sắp bị giao nộp cho viện kiểm sát, khiến bà Lã Na rất lo lắng.

“Tết Trung thu sắp đến rồi. Mỗi dịp lễ tết lại nhớ người thân bội phần. Em gái tôi vẫn ở trong tù. Kỳ thực tôi rất lo lắng. Từ khi cô ấy bị bắt vào ngày 11/7, tôi thường thức dậy lúc 2, 3 giờ đêm và xem những gì tôi viết đã được đưa lên mạng chưa. Tôi mong ai đó nhìn thấy và có thể giúp đỡ”, bà nói.

Ngày 19/8/2022, bà Lã Na, cư dân New York (ở giữa) đến Lãnh sự quán Trung Quốc, yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức thả em gái mình – học viên Pháp Luân Công Cáp Nhĩ Tân Lã Nguy. (Ảnh: Thi Bình / Epoch Times)

Bà Lã Nguy, 47 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Khai hoang Nông nghiệp tỉnh Hắc Long Giang, và dạy tại Trường Trung học Cơ sở số 64 ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Tháng 10/1999, để phản ánh sự thật về Pháp Luân Công, bà đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện và bị bắt giữ phi pháp. Sau đó, bà đã bị bắt, giam giữ, tẩy não và bức hại bất hợp pháp nhiều lần.

Được biết, vụ bắt giữ hồi tháng Bảy là một hoạt động bắt cóc có tổ chức, được lên kế hoạch từ trước do “Phòng 610” (tổ chức phi pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công) của tỉnh Hắc Long Giang lên kế hoạch và chỉ đạo.

Nhiều thành phố trong tỉnh đã cử một lượng lớn cảnh sát, đến quấy rối và bắt cóc các học viên Pháp Luân Công. Chỉ trong nửa đầu tháng Bảy, trang Minh Huệ (Minghui.org) đã thông báo rằng có 196 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang bị bắt cóc, trong đó có 17 người từ thành phố và quận Cáp Nhĩ Tân.

Bà Lã Na thành khẩn hét lên với những viên cảnh sát đã bắt em gái mình rằng: “Các anh là đồng hương của tôi. Trước kia chúng ta không có thù hằn gì với nhau, bây giờ cũng không có. Tại sao cứ nhất định phải tống em gái tôi vào tù và nhốt cô ấy sau song sắt?”

Hơn một tháng nay, bà Lã Na thường xuyên gọi điện cho cảnh sát địa phương ở Cáp Nhĩ Tân. Bà kể: “Cảnh sát nói rằng Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 sắp được tổ chức, trước Đại hội này sẽ bị bắt một số người. Nhưng tôi không thể hiểu được, sao lại phải bắt bớ và giam giữ những người dân thường, chỉ vì muốn tổ chức một cuộc họp?”

Bà Lã Na cho biết: “Em gái và em rể tôi đều bị bắt đi. Tôi nghĩ cô ấy muốn về nhà càng sớm càng tốt. Em gái tôi là một người rất tốt bụng và không có động cơ làm hại ai, nhưng đã bị ĐCSTQ bắt cóc và bỏ tù một cách vô lý. Dù thế nào đi nữa, tôi sẽ vẫn tiếp tục giải cứu.”

Mặc dù đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế, nhưng hàng triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và những nơi khác.

Ngày 20/7, nhân kỷ niệm 23 năm ngày chống bức hại các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới, “Ủy ban Quốc hội và Điều hành Hoa Kỳ về Trung Quốc” (CECC) đã đưa ra 2 dòng tweet, yêu cầu ĐCSTQ phải chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và thả tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.

CECC viết trên Twitter rằng: “Trong 23 năm qua, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có những hành vi vi phạm nhân quyền khủng khiếp đối với các học viên Pháp Luân Công, nhằm xóa sổ Pháp Luân Công.” “Việc xâm hại nhân quyền này phải chấm dứt, tất cả những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ phải được thả.”

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

8 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

14 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

24 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

29 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

29 phút ago

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

39 phút ago