Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền Trung Quốc công bố thông tin Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Vương Tiểu Hồng kiêm nhiệm chức Cục trưởng Cục Đặc cần của Bộ Công an. Giới quan sát cho rằng đây không phải là chuyện nhỏ vì ông Vương là thân tín của ông Tập Cận Bình và điều này có liên quan đến đấu đá nội bộ ĐCSTQ.
Thông báo của Bộ Công an Trung Quốc hôm 4/11 cho biết, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Vương Tiểu Hồng kiêm nhiệm thêm chức Cục trưởng Cục Đặc cần Bộ Công an (cơ quan mật vụ). Hôm 2/11 ông Vương đã xuất hiện với thân phận mới này để chủ trì Hội nghị Đảng ủy (mở rộng) của Cục Đặc cần.
Năm ngoái, ĐCSTQ khởi động kế hoạch cải cách lực lượng công an. Tháng Bảy năm nay, Bộ Công an lần đầu tiên công bố tình hình cơ cấu nội bộ. Trong đó bao gồm: Đặc cận, Chỉ huy Tình báo, Phòng Nghiên cứu, Thanh tra Giám sát, Tuyên truyền Báo chí, Trinh sát Tội phạm Thực phẩm Dược phẩm, Công an Đường sắt, đều được tái cơ cấu hoặc điều chỉnh mới lại nội bộ.
Theo trang tin Caixin tại Đại Lục, tuyệt đại đa số các cấp cục mới thiết lập của Bộ Công an đều không do cấp lãnh đạo Thứ trưởng kiêm nhiệm. Cho nên việc ông Vương Tiểu Hồng lần này phá cách đảm nhậm chức Cục trưởng Cục Đặc cần cũng khiến dư luận quan tâm.
Ông Vương Tiểu Hồng là thuộc cấp cũ của ông Tập Cận Bình ở Phúc Kiến, được coi là thân tín của ông Tập. Thời kỳ ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, ông Vương là Phó Cục trưởng Cục Công an Thành phố Phúc Châu, phụ trách bảo vệ an ninh cho ông Tập.
Trong bài viết trên trang Secretchina.com từng chỉ ra, sự thay đổi thân phận của ông Vương Tiểu Hồng không phải là chuyện nhỏ, bởi ông ta được coi là thuộc cấp cũ và là thân tín của ông Tập Cận Bình. Tiền thân của Cục Đặc cần là Bộ đội Cảnh vệ Công an, trước tháng 3/2019, Bộ đội này thuộc biên chế Bộ đội Cảnh sát Vũ trang, hiện nay toàn bộ đều thuộc biên chế cảnh sát. Đối tượng chính mà Cục Đặc cần Bộ Công an phụ trách là lãnh đạo quốc gia của ĐCSTQ: Phó Chủ tịch nước, Phó Ủy viên trưởng Nhân Đại toàn quốc, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, Chánh án Tòa án tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, v.v. Dương Khiết Trì, Vương Nghị đều thuộc đối tượng phụ trách cảnh vệ.
Nhà bình luận thời sự chính trị Thạch Thực phân tích, ông Vương Tiểu Hồng quản lý cảnh vệ cho quan chức cấp phó quốc gia, tương lai Cục Cảnh vệ có khả năng thay đổi, Cục Đặc cần có khả năng sẽ tiếp tay, ông Vương Tiểu Hồng rất có khả năng nắm công tác bảo vệ tất cả quan chức cấp phó và chính quốc gia, đồng thời cũng giám sát luôn những quan chức đó.
Thời điểm bố trí nhân sự này cũng không bình thường. Gần đây, nội bộ ĐCSTQ đang trong cao trào đấu đá nội bộ. Trước đó, BBC từng dẫn lời của Tiến sĩ William Overholt nói rằng một quan chức cấp cao của ĐCSTQ khi thăm Đại học Harvard đã cho biết, Bắc Kinh đang rơi vào tình trạng đấu đá quyền lực và lợi ích một mất một còn.
Ngày 28/8, tờ Epoch Times cũng dẫn nhiều thông tin của những người là thế hệ đỏ thứ 2 của ĐCSTQ tiết lộ, ý kiến và tiếng nói khác nhau đối với việc ông Tập Cận Bình làm trong nội bộ ĐCSTQ ngày càng nhiều. Ông Tập hiện bị rất nhiều phe phái phản đối, hiện tại “hình thế đã rất tồi tệ, Hồng Kông cũng vậy, quan hệ Trung – Mỹ cũng vậy, đều rất gay go, cho nên ông ấy càng tả hơn, so với những người càng hữu thì đều là những phe phản đối ông ta.”
Hội nghị Trung ương 4 sở dĩ liên tiếp bị trì hoãn, ngoại giới từ lâu đã cho rằng là do cao tầng của ĐCSTQ trong các vấn đề như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, biểu tình ở Hồng Kông, đang đối mặt với áp lực lớn từ trong nước và đấu đá nội bộ kịch liệt.
Trước hội nghị Trung ương 4, tin đồn liên quan đến thế lực ông Tập Cận Bình có khả năng tập kết lại cũng được lan truyền khắp nơi. Theo Thời báo Tự Do tại Đài Loan đưa tin hôm 30/10, trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 4, ông Tập Cận Bình và thế lực phản đối Tập đấu đá kịch liệt, liên tiếp có điều động nhân sự. Trong 4 ngày bắt đầu từ ngày 28/10, khách sạn Kinh Tây đóng cửa tổ chức Hội nghị, tất cả những người tham dự đều bị giám sát nghiêm ngặt, rất khó liên lạc ra bên ngoài để đảm bảo Hội nghị được tổ chức suôn sẻ.
Trên mạng có thông tin nói, chính quyền giám sát nghiêm ngặt những người tham dự Hội nghị, người vào bên trong không thể tùy tiện rời khỏi nơi ở, tán gẫu, đi lung tung, lý do bề mặt là “đảm bảo an toàn” nhưng thực tế chính là kiểm soát nghiêm ngặt mọi thứ.
Sau khi Hội nghị Trung ương 4 bế mạc, trong thông cáo chính thức được truyền thông công bố có nói về việc “Đảng quản lý tất cả”, điều này cho thấy ông Tập Cận Bình vẫn nắm quyền lớn trong tay và không bị truy cứu trách nhiệm.
Tuy nhiên, một học giả Trung Quốc nói với BBC rằng thông cáo của Hội nghị Trung ương 4 cũng là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng – Đảng lãnh đạo tất cả. Các biện pháp về kinh tế cơ bản là không nói. Nhìn chung là chỉ nói về xây dựng Đảng và dùng Đảng cai trị đất nước. Xuất hiện tình huống này thông thường đều là vì có rất nhiều việc không giải quyết được, không cân bằng được.
Điều khiến người ta kinh ngạc là trong cùng ngày bế mạc Hội nghị còn có thông tin về một vụ án mạng. Ủy viên Trung ương dự khuyết, nhân vật thứ 3 của Trùng Khánh, ông Nhậm Học Phong tử vong một cách ly kỳ trong thời gian này. Thông báo của chính quyền cho biết ông Nhậm “tử vong vì bị bệnh”, nhưng thông tin mới nhất lại nói ông Nhậm đến Bắc Kinh không lâu thì lập tức bị cơ quan chức năng đến nói chuyện và không cho phép tham dự Hội nghị. Sau đó vào ngày 31/10, ông Nhậm nhảy tầng 7 của khách sạn Kinh Tây xuống tử vong. Vì lý do này, lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 4 đã được chuyển đến Đại lễ đường Bắc Kinh. Giới quan sát cho rằng đây là việc trước nay chưa từng có, ít nhất nó đã cho thấy Hội nghị Trung ương 4 không hề diễn ra trong yên bình.
Hôm 4/11, Đài Á châu Tự do dẫn lời của ông Triệu – một người am hiểu về tình hình quan trường ở thành phố Trùng Khánh nói, ông Nhậm Học Phong mới chỉ 54 tuổi, vốn là người dự bị quan trọng nên được trọng dụng, cũng được coi như là người kế tục Hoàng Kỳ Phàm, một quan chức kỹ thuật hiểu về kinh tế. Từng có thời điểm có tin đồn nói ông Nhậm sẽ trở thành người kế nhiệm lãnh đạo Trùng Khánh. Cái chết đột ngột của ông Nhậm cho thấy tình hình đấu đá quyền lực tại cao tầng tiếp tục xuất hiện đại sự.
Ông Triệu cho biết, có 2 người bạn chính thức nói với ông rằng ông Nhậm Học Phong nhảy lầu tử vong ở khách sạn Kinh Tây vì biết rằng lựa chọn tự sát vào thời điểm này chính là giải thoát bản thân.
Học giả Ngô Tác Lai nói, “việc ông Nhậm Học Phong tự sát, đằng sau có lẽ là thể hiện trực tiếp của việc phe phái phản đối ông Tập Cận Bình bị thanh trừng.”
Điều đáng chú ý là trước khi khai mạc Hội nghị Trung ương 4, ông Tập Cận Bình liên tiếp có những lời phát biểu hằn học. Theo đó, truyền thông của ĐCSTQ cũng đăng bài viết cũ của ông Tập nói rằng ĐCSTQ cần “dám hướng lưỡi dao vào bên trong, ngăn chặn họa từ trong nhà mà ra”, ám thị nội bộ xảy ra họa loạn, kẻ địch chính là ở trong nội bộ Đảng. Ông Tập Cận Bình tiếp tục dùng một đoạn trong Hồng Lâu Mộng nói: “Con rết bị cắt đứt đến chết mà vẫn còn nhúc nhích” (người hoặc tập đoàn tuy thất bại, nhưng thế lực và ảnh hưởng vẫn tồn tại), cần phải tự giết tự diệt từ trong nhà trước…
Tuyết Mai
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…