Qua phân tích nguyên nhân những rắc rối bên trong và bên ngoài của nền kinh tế Trung Quốc năm 2024, chuyên gia kinh tế Davy Jun Huang (người Mỹ gốc Hoa) dự đoán xu hướng nguy hiểm hơn của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2025, tin rằng “thiên nga đen” và “tê giác xám” tồn tại ít nhất ở 6 phương diện.
Những “từ nóng” trong nền kinh tế Trung Quốc năm 2024 gồm: SUY THOÁI, NỢ NẦN, THẤT NGHIỆP, PHÁ SẢN, TIÊU DÙNG TRÌ TRỆ.
Gần đây khi trả lời phỏng vấn Epoch Times về vấn đề này, chuyên gia Davy Jun Huang cho rằng cơ cấu kinh tế trong nước của Trung Quốc những năm gần đây luôn kiên trì với cái gọi là “tăng sở hữu nhà nước” (nước tiến dân lùi) – bất chấp việc các doanh nghiệp nhà nước thiếu sức sống, còn nền kinh tế tư nhân luôn sôi động nhưng liên tục bị siết chặt. Đồng thời, ở bên ngoài thì những thị trường lợi nhuận chính của Trung Quốc là EU và Mỹ có quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, trong khi đó cuộc chiến Nga – Ukraine cũng dẫn đến ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu chọn bên trên thị trường và không đứng về phía Trung Quốc. Vì vậy, tình hình kinh tế của Trung Quốc 2024 rất không lạc quan.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái và xu thế bất mãn xã hội gia tăng, chính quyền Trung Quốc cuối cùng vào cuối tháng 9/2024 đã quyết định đưa ra cái gọi là gói “công cụ chính sách gia tăng”, nhưng hầu như không tạo ra hỗ trợ đối với các gia đình và kích thích nhu cầu, hầu hết hỗ trợ tài chính đã được chuyển đến chính quyền địa phương. Thị trường chứng khoán Trung Quốc từng có làn sóng tăng giá, nhưng nhanh chóng quay đầu đi xuống.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào đầu tháng 12/2024, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một lần nữa hứa sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ chính sách tài chính và tiền tệ hơn, nhưng phản ứng thị trường cho thấy không có niềm tin vào tuyên bố từ chính quyền. Các tổ chức ngân hàng quốc doanh Trung Quốc gần đây đã tích cực mua trái phiếu chính phủ có rủi ro thấp, dẫn đến lợi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh.
Ông Huang cho biết, nhà chức trách ĐCSTQ có thể đưa ra nhiều chính sách hơn để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm giảm lãi suất và tăng chi tiêu tài khóa, nhưng quan trọng là cần xem liệu họ có đưa ra một số biện pháp giảm thuế và tăng phúc lợi hay không. Ngoài ra cũng cần lưu ý việc liệu chính quyền có thể cải thiện quan hệ với các nước châu Âu và Mỹ, đặc biệt là với Mỹ hay không.
Ông nhấn mạnh: “Vì Luật An ninh Quốc gia, Luật Phản gián gì đó… của ĐCSTQ rất không thân thiện với đầu tư nước ngoài, người nước ngoài, cũng không có lợi cho Trung Quốc duy trì một vị thế nhất định trong kinh tế và thương mại toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc là nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu”.
Ông Huang cho rằng nếu ĐCSTQ vẫn còn hung hăng trong ngoại giao, cộng với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không tốt, thì bất kể sau này chính quyền tăng cường chính sách kích thích trong nước như thế nào cũng không thể thúc đẩy được nền kinh tế.
Ông Huang cũng cho rằng trong tương lai, Trung Quốc phần lớn có thể sẽ theo xu thế tiếp tục trượt xuống nền kinh tế kế hoạch.
Ví dụ tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba vào tháng 7/2024 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 20, nhà cầm quyền nhấn mạnh thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương tiếp tục “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”. Gần đây, họ thúc đẩy các doanh nghiệp trung ương thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm liên quan đến nông nghiệp xuyên biên giới, có Cục số 14 Đường sắt Trung Quốc (China Railway 14th Bureau Group) tham gia. Hay như chuyện ông Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương là Thạch Thái Phong đã yêu cầu các nhân sĩ kinh tế tư nhân “duy trì mức độ nhất quán cao” với Trung ương trên 3 phương diện gồm tư tưởng, chính trị và hành động.
Chuyên gia Huang cho rằng căn cứ vào quy luật phát triển lịch sử và phát triển kinh tế của nhân loại, nền kinh tế kế hoạch này của ĐCSTQ, đặc biệt là tình hình hệ thống quan liêu nghiêm trọng khi không ít trường hợp người ngoài ngành chỉ đạo người trong ngành, người không chuyên môn chỉ đạo người làm chuyên môn, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Nếu ĐCSTQ không cải cách cơ cấu theo hướng doanh nghiệp tư nhân làm chủ đạo, thì áp lực đi xuống sẽ còn lớn hơn, thậm chí dần xa rời nền kinh tế thế giới.
Ông cho rằng nếu chính quyền Bắc Kinh không giảm xu thế đẩy mạnh sở hữu nhà nước để mở rộng hơn không gian thị trường cho các doanh nghiệp tư nhân, thì áp lực đi xuống đối với nền kinh tế sẽ rất lớn, không loại trừ khả năng có cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính tổng thể.
Nhân dịp sắp kết thúc năm 2024, các nhà quan sát lại ước tính liệu Trung Quốc sang năm mới có khả năng xuất hiện “thiên nga đen” không, và có những “tê giác xám” nào đã sớm tồn tại.
Theo cách hiểu thông thường, “thiên nga đen” đề cập đến một loại sự kiện khó lường, dù xác suất nhỏ xảy ra nhưng nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn và gây ra phản ứng tiêu cực dây chuyền; trong khi “tê giác xám” đề cập đến loại sự kiện rủi ro quen thuộc nhưng không được chú ý, khiến khi vấn đề xảy ra thì hậu quả nghiêm trọng.
Ông Davy Jun Huang cho biết, nếu vào năm 2025 Trung Quốc xuất hiện sự kiện “thiên nga đen” và “tê giác xám”, thì có thể tập trung ở 6 bình diện như sau:
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng cục bộ của thị trường bất động sản có thể nghiêm trọng hơn. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh trong những năm gần đây đã thực hiện một loạt các biện pháp để ổn định thị trường bất động sản, nhưng ngoại trừ Đồng bằng sông Châu Giang, Đồng bằng sông Dương Tử và Vành đai Bột Hải, thị trường bất động sản của hầu hết các thành phố khác ở Trung Quốc không được cải thiện hiệu quả, chẳng hạn như thuế và phí quá cao, phúc lợi và khả năng quản lý bê bối, tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng và có thể gây ra rủi ro lớn cho toàn bộ hệ thống kinh tế và tài chính địa phương, tài chính hộ gia đình.
“Ngoài Đồng bằng sông Châu Giang, Đồng bằng sông Dương Tử và vùng biển Bột Hải, khả năng thị trường bất động sản ở những vùng khác bị sụp đổ có hệ thống là rất lớn,” ông lưu ý.
Thứ hai, nợ địa phương và khủng hoảng nợ của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trung ương tiếp tục bùng phát.
Ông Davy Jun Huang giải thích rằng quy mô tài chính địa phương ở Trung Quốc là rất lớn, ở nhiều nơi rất nổi cộm vấn đề nợ của các doanh nghiệp nhà nước và nền tảng tài chính (crowdfunding, P2P…), và tình hình nợ vô hình từ những ‘ngân hàng ngầm’ rất phức tạp. Nếu không có biện pháp hiệu quả để giải cứu, nợ địa phương nói chung và nợ của các doanh nghiệp nhà nước địa phương ở Trung Quốc có thể gây ra sự phá vỡ chuỗi vốn, làm gián đoạn toàn bộ thị trường tài chính cấp địa phương và có thể lan rộng ra toàn quốc.
Thứ ba, áp lực lên tỷ giá hối đoái RMB.
Môi trường bên ngoài xấu đi, niềm tin trong nước tiếp tục giảm, niềm tin của vốn nước ngoài vào nền kinh tế Trung Quốc không đủ, tất cả đều có thể dẫn đến vấn đề phá giá RMB.
Ông Davy Jun Huang nói rằng việc đồng RMB mất giá dù có vẻ có lợi cho xuất khẩu Trung Quốc, nhưng sẽ dẫn đến gia tăng rút vốn nước ngoài khỏi Trung Quốc. Hơn nữa đó là yếu tố tiêu cực sẽ làm suy yếu sự ổn định của nền kinh tế.
Ông chia sẻ: “Hơn nữa trong bối cảnh Trung Quốc luôn muốn quốc tế hóa RMB nên cho một lượng lớn RMB ở nước ngoài, nếu bị bán tháo và trở thành vấn đề Trung Quốc muốn sử dụng USD để đối phó với các nước trong ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’, điều đó sẽ dẫn đến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm và đó là yếu tố rất tiêu cực đối với Trung Quốc”.
Thứ tư là những thay đổi lớn trong quan hệ thương mại quốc tế.
Ông Huang cho rằng thực tế nền kinh tế Trung Quốc không có “xe 3 ngựa” mà chỉ có “xe 1 ngựa” là xuất khẩu, Trung Quốc rất phụ thuộc vào xuất khẩu. Nếu rủi ro địa chính trị toàn cầu đột nhiên leo thang, chẳng hạn như Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên và Nga để bị các đối tác thương mại lớn của Mỹ và EU trừng phạt, hoặc là do một số xung đột địa chính trị, hoặc là do một số sự kiện bất ngờ trong ‘ngoại giao chiến lang’, chẳng hạn như vụ đâm một học sinh tiểu học Nhật Bản, những sự kiện kiểu này đều sẽ đột nhiên dẫn đến quan hệ kinh tế và quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc xấu đi, sẽ gây ra một đòn rất lớn đối với thương mại quốc tế của Trung Quốc, và tình hình này thực tế luôn tiềm ẩn xảy ra.
“Đặc biệt là sau khi Trump lên nắm quyền, ông ấy có thể áp dụng cách tương đối diều hâu đối với Trung Quốc, đây chắc chắn là mối nguy hiểm tiềm ẩn rủi ro lớn đối với Bắc Kinh,” ông Hoàng nhận định.
Thứ năm là sự tách rời của các ngành công nghệ chủ chốt.
Ông Huang cho biết, các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu và Mỹ sẽ áp dụng phong tỏa công nghệ ngày càng nghiêm ngặt hơn đối với các công nghệ chủ chốt của Trung Quốc, chẳng hạn như chất bán dẫn, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo…, có thể dẫn đến chuỗi công nghiệp của Trung Quốc bị phá vỡ, làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc về mặt khoa học và công nghệ, đặc biệt là ngày càng nhiều nước rất ghét một số vấn đề của Trung Quốc như trộm cắp tài sản công nghệ và làm hàng nhái giả, các biện pháp trừng phạt của họ đối với Trung Quốc có thể ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Thứ sáu là khả năng xuất hiện sự kiện sức khỏe cộng đồng lớn, hoặc thảm họa thiên nhiên, hoặc thảm họa công nghiệp.
Về thảm họa công nghiệp, ví dụ cái gọi là xe năng lượng mới được sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc thực ra là nói về xe điện, chất lượng không đạt tiêu chuẩn, năng lực sản xuất dư thừa, thị trường xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ lại thất bại, cuối cùng có thể giống như sáng kiến xe đạp dùng chung, dẫn đến sự hỗn loạn của toàn bộ chuỗi cung ứng và toàn bộ thị trường.
Ông Hoàng nói: “Bởi vì tiền bị lãng phí quá lớn vào xe điện, cũng như các tấm pin mặt trời và năng lượng gió, trong khi 3 ngành công nghiệp lớn được gọi là ‘năng suất chất lượng mới’ đó đều có thể bị các nước tẩy chay hoặc dư thừa công suất, làm cho toàn bộ chuỗi cung ứng rối loạn”.
Về sự kiện công cộng lớn, một tình huống là Trung Quốc lại bùng phát dịch bệnh quy mô lớn. Ngoài ra Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 có rất nhiều vấn đề do vắc-xin gây ra đối với cơ thể người cũng có thể xem là nguy hiểm tiềm ẩn, vì vậy cần phải chú ý xem liệu trong tương lai có sự kiện sức khỏe cộng đồng lớn nào liên quan đến nó hay không, nếu xảy ra sẽ tác động lớn đến nền kinh tế nói chung.
Ông Huang cho biết, dựa trên dữ liệu kinh tế và xu hướng chính sách gần đây cũng như kết hợp với tình hình quốc tế, dự kiến nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2025 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với năm 2023 và 2024. Hầu hết các sự kiện “thiên nga đen” và “tê giác xám” tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế là do nợ địa phương, hiệu quả tương đối thấp của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, tỷ giá hối đoái trên thị trường bất động sản, quan hệ kinh tế và thương mại căng thẳng, quan hệ ngoại giao thù địch.
Ông nhấn mạnh: “Đặc biệt là sau khi ông Trump lên nắm quyền, với cá tính mạnh và quyền lực ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc trong tư cách là nước xuất khẩu lớn nhất sẽ không thể tránh khỏi những xung đột mạnh với Mỹ”.
Tổng thống Nga xin lỗi Azerbaijan vì tai nạn máy bay bi thảm xảy ra…
Mỹ sắp công bố gói viện trợ quân sự trị giá 1,25 tỷ USD cho…
Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố hôm 26/12 rằng Nga sẵn sàng hợp tác với…
Đồng Nai vừa ghi nhận thêm một ca tử vong do bệnh sởi là nam…
Mức thuế chống bán phá giá là 97%, trong vòng 5 năm, áp dụng đối…
Đường dây tội phạm lợi dụng một số người dân thiếu hiểu biết, điều kiện…