TQ: Bên cạnh dịch bệnh là thảm họa nhân đạo và tai nạn thứ cấp

Dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ ở Trung Quốc vẫn đang hoành hành, tước đoạt sức khỏe và sinh mệnh của ngày càng nhiều người. Cùng với việc nhiều tỉnh thành tiến hành phong tỏa, dịch bệnh cũng dấy lên thảm họa nhân đạo và tai nạn thứ cấp khác ngày càng trầm trọng.

Dịch bệnh này đang dấy lên một thảm họa nhân đạo và thảm họa thứ cấp khốc liệt. Trong hình là một chàng trai đeo khẩu trang, đứng trong siêu thị Trung Quốc, hàng hóa trên giá hàng hầu như trống không vì tranh mua tranh bán. (Ảnh: mạng)

Nỗi bi ai của bệnh nhân và người nhà

Đài tiếng nói Đức đưa tin, vào ngày 29/1, sau một tuần Vũ Hán và hơn 10 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa, một thiếu niên 17 tuổi bại não tại Hoàng Cương đã chết vì không thể tự chăm sóc cho bản thân, do cha cậu bị cưỡng chế đưa đi cách ly phòng dịch.

Đài Phát thanh Quốc tế Pháp dẫn lời một cư dân mạng có nickname Weibo “Nguyệt Nhi” đăng tải bài viết: “Hôm nay người họ hàng của tôi tới bệnh viện chụp phổi, hai phổi đều bị nhiễm. Trước kia suốt mấy ngày đã không ăn uống được gì. Hiện giờ bác sỹ nói đây là trường hợp nghi bị lây nhiễm, và phải tự tới bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán! Bệnh viện không cách ly, cũng không có bất kỳ biện pháp nào. Họ không nhận những bệnh nhân đến trực tiếp, chỉ nhận những ca chuyển lên do bệnh viện tuyến dưới không thể chữa trị. Người họ hàng của tôi vẫn đang quanh quẩn trên đường quốc lộ, vì phong tỏa thành phố, không có tàu hỏa, cũng không có giao thông công cộng, không biết làm thế nào mới tới được bệnh viện tuyến dưới. Hiện giờ, nhà tôi không thể liên lạc được với họ, đây là tình trạng thực tế. Không thể tưởng tượng nổi, xung quanh chúng tôi và trên đường quốc lộ có biết bao nhiêu bệnh nhân đang quanh quẩn như thế này. Bệnh viện không nhận, chỉ đành về nhà chờ chết.”

Ngày 31/1, một người nhiễm virus ‘viêm phổi Vũ Hán’, vì quá tuyệt vọng đã nhảy từ trên cầu Tư Môn Khẩu Vũ Hán xuống tự sát. Trước khi chết anh khóc lóc nói với người qua đường rằng mình đã nhiễm virus, vì lo lắng không muốn lây nhiễm cho vợ và con nhỏ, nên không dám ở nhà. Bệnh viện lại không còn giường trống, không thể được chữa trị, nên anh đành phải thuê trọ. Nhưng vì phong tỏa thành phố, mọi phương tiện giao thông đều dừng lại, anh chỉ có thể đi bộ tới bệnh viện chữa trị. Vì thể lực ngày càng yếu, không thể gắng gượng nổi, anh ngày càng trở nên tuyệt vọng, cuối cùng đã bước tới con đường dẫn đến cái chết.

Cư dân mạng tiết lộ, vì lo lắng sẽ liên lụy tới người nhà, số người trong cơn tuyệt vọng đã chọn cách tự sát đâu chỉ có mình anh.

Nỗi bi thương, tuyệt vọng và ‘nhẫn không thể nhẫn’ của giới y học

Trước tình trạng vật tư y tế thiếu hụt, bệnh viện các nơi thuộc tỉnh Hồ Bắc sớm đã không thể duy trì hoạt động chữa trị bình thường. Trong tình huống thiết bị phòng hộ thiếu hụt nghiêm trọng, rất nhiều bệnh nhân và người bị nghi lây nhiễm không được cách ly. Tại các bệnh viện còn liên tiếp xảy ra tình trạng dịch bệnh mới mang tính tập thể. Hơn nữa do thiết bị phòng hộ thiếu hụt nghiêm trọng, những bác sĩ đang chiến đấu với dịch bệnh ở tuyến đầu có người đã không ăn không uống, mặc tã làm việc cả ngày. Thậm chí còn có tin đồn người nhà bệnh nhân vì quá tuyệt vọng đã đánh bác sĩ.

Đài Phát thanh Quốc tế Pháp còn dẫn lại một bài viết từ cư dân mạng Weibo trong hệ thống y tế: “Nhóm các bác sĩ này, xưa nay là ngoan ngoãn nhất, bảo hy sinh là hy sinh, bảo ngậm miệng là ngậm miệng. Trong tình huống thông thường, vật tư không đủ, trước tiên bệnh viện sẽ tìm tới cơ quan chủ quản và các bệnh viện anh em nghĩ cách tháo gỡ. Các bệnh viện tại Vũ Hán lần này đã dẹp các ban ngành cấp trên sang một bên, công khai cầu xin sự cứu trợ từ xã hội, đồng thời nói rõ rằng vật tư phòng hộ hiện có không thể đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tuyến đầu.”

“Hơn nữa, vài bệnh viện đều hành động thống nhất từng bước một. Điều này như những cái tát giáng thẳng vào mặt chính quyền Vũ Hán ngay trước mặt công chúng một cách không kiêng nể. Cách làm này dẫu trong thời kỳ xảy ra dịch SARS cũng chưa từng xảy ra. Điều này chứng tỏ giới y tế thực sự đã thương tâm tới mức tột cùng, thất vọng tột cùng, tuyệt vọng triệt để, đã không thể tiếp tục nhẫn nhịn.”

Ngày 3/2, thành phố Vũ Hán sẽ cải tạo Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Vũ Hán, Sân Vận động Hồng Sơn Vũ Hán thành thứ gọi là bệnh viện container, đồng thời sẽ đưa vào sử dụng vào ngày hôm sau.

Người đân địa phương tiết lộ, hiện nay thậm chí một vài trường tiểu học cũng bị trưng dụng để xây dựng bệnh viện container. Một chuyên gia độc lập chỉ ra, điều kiện trong các bệnh viện container rất không hoàn thiện. Giường bệnh san sát, giữa những bệnh nhân nặng nhẹ khác nhau đều không được cách ly vật lý đúng nghĩa, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm chéo …

Dịch bệnh dấy lên thảm họa nhân đạo và thảm họa thứ cấp khác

Điều khiến người ta lo lắng là nếu nhiều thành phố lớn bùng phát dịch bệnh, thì nguồn vật tư y tế của Trung Quốc sẽ hoàn toàn bị thắt chặt. Đối với bệnh nhân mà nói, việc khám bệnh đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Ngày 5/2, Nam Kinh đã ra thông tri nói rằng, các khoa và phòng khám ngoại trú khác nhau trong khu vực Nam Kinh sẽ đóng cửa hoàn toàn kể từ hôm nay. Những thành phố khác rất có thể cũng sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp tương tự. Hiện tượng các khu giành giật vật tư của nhau cũng sớm xuất hiện. Ví như đầu tháng 2, trên Weibo có thông tin nói rằng thành phố Đại Lý sẽ giữ lại, trưng dụng nguồn vật tư khẩn cấp mà chính quyền Trùng Khánh và Hoàng Thạch mua từ Myanmar, tổng cộng gồm 300.000 khẩu trang. Phía Trùng Khánh thỉnh cầu xin được nhận lại hàng, nhưng lại được thông báo là khẩu trang đã phát hết.

Ngoài ra tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Hồ Bắc, số lượng lây nhiễm sẽ phát triển tới mức khó có thể dự liệu. Hơn nữa, do bị chặn đường, việc tìm thầy, tìm thuốc chữa trị của những người dân vùng nông thôn lại càng thêm khó khăn.

Vật tư y tế thiếu hụt chỉ là một phía trong thảm họa này. Trong tình trạng phong tỏa thành phố, nguồn hàng bị gián đoạn, ngành chăn nuôi, gia cầm tại tỉnh Hồ Bắc gặp phải nguy cơ về việc ngừng cung cấp thức ăn.

Vào ngày 31/1, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Hồ Bắc cho biết, có doanh nghiệp đã “hết thức ăn”. Nếu thức ăn không được tiếp tế kịp thời, thì lợn và gà sẽ gặp phải tình cảnh chết vì đói.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục biến động suốt 9 năm. Hơn nữa việc mất kiểm soát trước dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn tới các ngành, các nghề. Hiện nay ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh là ngành dịch vụ. Các ngành khách sạn, nhà hàng, giao thông, du lịch, điện ảnh giải trí đều rơi vào tình trạng tê liệt hoặc bán tê liệt.

Các ngành lao động theo mô thức tập trung trong ngành sản xuất cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, xuất khẩu lao dốc. Nhà máy các ngành, các nghề tại tỉnh Hồ Bắc và những tỉnh công nghiệp lớn về cơ bản đều tạm ngừng sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp đa quốc gia dừng sản xuất hoặc ngừng kinh doanh. Những điều này đều sẽ dẫn tới làn sóng cắt giảm nhân viên, thất nghiệp và phá sản của các doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh với những mức độ khác nhau tùy theo tình hình dịch bệnh kéo dài bao lâu.

Đài Tiếng nói Đức cho biết, ngày có càng nhiều nhà bình luận và kênh truyền thông độc lập, chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng ‘viêm phổi Vũ Hán’ đã để lộ sự thất bại trong thể chế cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc như: Che giấu người dân trong thời kỳ đầu của dịch bệnh, trừng phạt những người dám nói thật, không kịp thời dốc toàn lực ngăn chặn nguyên nhân thực sự khiến dịch bệnh mất kiểm soát. Một lần nữa chứng minh rằng trong chế độ toàn trị, quan viên chỉ duy hộ cấp trên, mà không bảo hộ cấp dưới, thông tin không minh bạch và việc phong tỏa thông tin sẽ mang đến thảm họa nghiêm trọng cho nhân dân cả nước, thậm chí là toàn cầu.

Minh Tú

Xem thêm:

Minh Tú

Published by
Minh Tú

Recent Posts

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

6 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

10 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

11 phút ago

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

20 phút ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

22 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

31 phút ago