Cổng thông tin Minghui.org đưa tin, cô Lý Phượng Mỹ, một cựu giáo viên tiếng Anh sinh sống tại thành phố Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 ở tuổi 53. Đáng chú ý, cô Lý là nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công và bị bức hại vì uy tín và tài hùng biện của cô. Trong suốt 2 thập kỷ, cô đã nhiều lần bị bắt, bị giam giữ bất hợp pháp, bị bức hại sảy thai, bị tra tấn vì đức tin. Trường hợp của cô Lý đã được đăng tải trên Minghui.org, một cổng thông tin của Pháp Luân Công ở hải ngoại thường xuyên đăng tải bằng chứng trực tiếp từ nguồn tin sơ cấp (nhân chứng trực tiếp) tại Đại lục về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Tính khả tín của Minghui.org đã được nhiều tổ chức nhân quyền công nhận, trong đó đáng chú ý là được trích dẫn trong các phát biểu và các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, cô Lý Phượng Mỹ là một giáo viên tiếng Anh tại trường trung học Hùng Nhạc, thành phố Cái Châu, tỉnh Liêu Ninh.
Sau khi cùng mẹ và 2 chị gái bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1997, sức khỏe của cô Lý đã được cải thiện đáng kể và mối quan hệ với những người thân trong gia đình cũng trở nên tốt đẹp hơn. Cô Lý còn trở thành một giáo viên tiếng Anh uy tín dạy các lớp cuối cấp phổ thông. Cô nổi tiếng đến mức có các học sinh đã chuyển trường để được theo học lớp tiếng Anh của cô trước khi bước vào kỳ thi Cao khảo toàn quốc khốc liệt.
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, với việc 70 triệu người dân Trung Quốc tập Pháp Luân Công, vượt trên cả số Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổng bí thư Đảng bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc. Ngay trong ngày hôm đó, cô Lý bị cảnh sát Hùng Nhạc bắt giữ trong gần 8 tiếng đồng hồ.
Sau khi thả cô Lý, cảnh sát đã liên tục gây áp lực buộc nhà trường sa thải cô nếu cô không chịu từ bỏ đức tin. Lúc đầu, cô Lý đã miễn cưỡng viết giấy từ bỏ Pháp Luân Công nhưng sau đó tuyên bố phủ nhận hoàn toàn những gì bị ép buộc viết ra.
Ngày 24 tháng 9 năm 2001, cảnh sát bắt giữ cô Lý và giam cô tại Trung tâm giam giữ Cái Châu. Để phản đối việc này, cô Lý đã tuyệt thực và được thả sau 5 ngày.
Cô Lý Phượng Mỹ tiếp tục bị bắt vào tháng 7 năm 2002 và đưa đến trại giam Dinh Khẩu. Khi phát hiện ra cô đã mang thai 2 tháng, cảnh sát đã yêu cầu các bác sĩ phá thai. Vì sự an toàn của con, cô Lý đã chạy trốn. Tuy nhiên do điều kiện sống khắc nghiệt trên đường phố, thai nhi chưa chào đời đã chết trong bụng mẹ.
Cô Lý bị bắt giữ vào ngày 21 tháng 8 năm 2003. Thời điểm cảnh sát bắt giữ cô Lý, họ nói rằng nguyên nhân họ bắt cô là vì cô tập Pháp Luân Công, là một giáo viên nổi tiếng và có tài hùng biện. Họ cũng nói thêm rằng nếu “chuyển hóa” thành công cô Lý thì tài năng của cô có thể được sử dụng để khiến những người tập Pháp Luân Công khác “chuyển hóa” theo.
(*) “Chuyển hóa” là một thủ đoạn tra tấn tinh thần bên trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Theo đó, những người không chịu nổi tra tấn sẽ buộc phải viết thư từ bỏ và phỉ báng Pháp Luân Công, đồng thời tham gia bức hại, tra tấn những người khác để được thả tự do sớm.
Để phản đối việc bị giam giữ bất hợp pháp, cô Lý từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát và yêu cầu được mở còng tay. Họ đã phản ứng lại bằng cách bịt miệng cô bằng một cái chăn và cho 3 nhân viên đánh đập cô.
Khi một viên chức báo cáo về cô Lý, anh ta đã nói rằng họ không lấy được lời khai. Và người lãnh đạo nói: “Các vụ Pháp Luân Công rất dễ xử lý. Cần gì thì cứ tự viết.”
Cô Lý sau đó đã bị kết án và giam giữ mà không qua xét xử tại Trại giam Dinh Khẩu.
Để phản đối việc bị giam giữ phi pháp, cô Lý bắt đầu tuyệt thực và yêu cầu được trả tự do.
Cao Nhật Chính, bác sĩ trưởng trại giam, đã cùng các lính canh bức thực cô Lý, đồng thời cố ý tra tấn cô. Sau khi bị bức thực, cô Lý nôn mửa, chảy máu trong và đau dạ dày dữ dội.
Cô Lý bắt đầu bị sốt, bị co giật và đổ mồ hôi. Một bác sĩ tại bệnh viện Bát Ngư Quyển đã chẩn đoán cô Lý bị nguy hiểm tính mạng, nhưng ông Cao Nhật Chính đã từ chối thông báo cho gia đình cô Lý.
Cao Nhật Chính đã tiếp tục tiêm tĩnh mạch cho cô Lý bằng thuốc không rõ nguồn gốc, khiến cô bị mất trí nhớ.
Tháng 9 năm 2003, khi vụ việc bức hại cô Lý Phượng Mỹ bị phơi bày trên trang Minghui.org thông qua những người tập Pháp Luân Công khác, các lính canh đã ra lệnh cho tù nhân tra tấn cô.
Ngày 24 tháng 9 năm 2003, màng nhĩ trái của cô Lý bị rách do bị đánh đập tra tấn. Ngoài ra, các bác sĩ, lính canh và tù nhân đã thay phiên tra tấn cô, khiến đầu, mặt cô bị sưng, và cô bị sưng nổi hạch bạch huyết. Việc bức thực khiến cô Lý bị buồn nôn, ho và chóng mặt, tổn thương hệ tiêu hóa. Cô Lý đã nhiều lần bị nguy kịch do tắc ruột.
Mặc dù cảnh sát đã 4 lần phải cấp cứu cô Lý tại bệnh viện Bát Ngư Quyển nhưng họ đã chặn thông tin và cấm gia đình cô Lý đến thăm.
Trong 10 năm sau đó, cô Lý liên tục bị tra tấn, bị tiêm thuốc phá hủy thần kinh, khiến cô mất trí nhớ, rụng tóc, khó thở, suy giảm giác quan, không thể đi lại được.
Nhiều lần khi cô Lý cận kề cái chết, các quan chức và bác sĩ của trung tâm giam giữ đã yêu cầu đưa cô đi điều trị y tế, nhưng bác sĩ Cao Nhật Chính đã liên tục ngăn cản và cố gắng chuyển cô đến Nhà tù Phụ nữ Liêu Ninh. Sau nhiều lần thất bại, vào ngày 22 tháng 9 năm 2014, thông qua các mối quan hệ cá nhân, ông Cao đã thành công trong việc đưa cô Lý vào nhà tù này.
Cô Lý tiếp tục bị tra tấn tại đây trong vài năm. Cô bị giật bằng dùi cui điện, gãy cả hai tay, cổ bị nhiễm trùng, chảy mủ và máu lâu ngày. Cô cũng bị ép lao động cưỡng bức mặc dù đi lại khó khăn và có vết thương khắp cơ thể.
Khi cô Lý được thả tự do, cô đã phải sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân, đồng thời dạy thêm tiếng Anh để kiếm sống. Cô đã qua đời vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 ở tuổi 53.
Cuộc bức hại phi pháp này không chỉ ảnh hưởng tới bản thân cô Lý Phượng Mỹ. Trong khi cô chạy trốn vào năm 2002 để bảo vệ đứa con trong bụng, vì chưa thể tìm được cô, cảnh sát đã bắt giữ hai người chị gái của cô, cả hai đều là những người tập Pháp Luân Công.
Nhà trường đã sa thải cô Lý, một giáo viên dạy giỏi nổi tiếng. Vì không chịu được áp lực, chồng cô cũng tuyên bố ly hôn và không để lại một chút tài sản nào cho cô.
Đau thương vì cả 3 con gái đều bị bắt, mẹ cô Lý, bà Vương Phúc Cầm đã đột quỵ và qua đời vào tháng 3 năm 2004 ở tuổi 69. Trước khi qua đời, bà Vương đã 7 lần cố gắng xin được gặp con gái tại trại giam nhưng đều bị từ chối.
Cha của cô Lý, ông Lý Khôn Liên, cũng suy sụp đến mức mất trí. Hàng ngày khi chạng vạng tối, ông sẽ cầm dao bước ra khỏi nhà và hét vào “những kẻ xấu xa” mà ông nghĩ đang đến để cướp đi những người thân yêu. Ông mất 5 năm sau đó ở tuổi 71.
Dựa theo tư liệu đăng tải trên Faluninfo.net, Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…